Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:37 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, một số người tiếp tục phát tán quan điểm phủ nhận đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy quan điểm đó không đúng.
Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng ở Đại hội VI đã đánh dấu bước ngoặt căn bản trong tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo đó, chúng ta dứt khoát từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp để chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà Đại hội IX khẳng định: “đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1.
Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”2. Đây là kết quả được rút ra từ quá trình tổng kết thực tiễn cả những thành tựu và hạn chế của 30 năm đổi mới theo đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, là sự kế thừa và phát triển những thành quả lý luận của 6 kỳ đại hội đã qua; phản ánh tư duy nhất quán và sự phát triển về nhận thức của Đảng ta về vấn đề này ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn.
Việc tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 30 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách đã được bổ sung và từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu để nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), của 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa được xác lập theo nguyên tắc thị trường. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; từng bước hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Nhờ đó, thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều. Nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,6% từ năm 1986 đến nay. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỷ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt 186 tỷ USD vào năm 2014 và sẽ đạt 204 tỷ USD vào năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gấp 30 lần từ năm 1995 đến năm 2014, trong đó các sản phẩm: hạt tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, thủy sản, dệt may, giày, chè,… luôn đứng ở tốp đầu thế giới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả ấn tượng, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo; không một chương trình nào bị cắt giảm, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Chính phủ đã thực hiện 41 chiến lược và chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội với ưu tiên dành cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; riêng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã dành tới 364.000 tỷ đồng để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% vào năm 1993 xuống còn gần 6% vào năm 2014 và dự kiến dưới 5% vào năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; GDP bình quân đầu người tăng gấp 21 lần so với trước thời kỳ đổi mới, đạt khoảng 2.200 USD vào năm 2015, góp phần rút ngắn chênh lệch so với các nước. Chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Thực tiễn đó của 30 năm đổi mới là minh chứng đầy sức thuyết phục về tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thế nhưng, vẫn có một số người cố tình làm ngơ trước những thành tựu đó để tiếp tục phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng về vấn đề này. Với nhiều cách diễn đạt khác nhau, họ lặp đi, lặp lại luận điểm cho rằng: kinh tế thị trường là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản, đã chọn kinh tế thị trường thì thôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”(!). Từ đây, họ xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “đổi mới nửa vời; đã lựa chọn kinh tế thị trường lại còn định hướng xã hội chủ nghĩa”, bởi theo họ: chọn kinh tế thị trường là chọn chủ nghĩa tư bản(!). Với lô-gic đó, họ đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Cần khẳng định ngay rằng, việc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, coi đây là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn không đúng; bởi kinh tế thị trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, có thể tồn tại ở các chế độ xã hội khác nhau. Vì thế, việc đồng nhất một kiểu tổ chức kinh tế với một chế độ xã hội là thứ tư duy máy móc, phiến diện. Thứ tư duy đó, trước đây đã níu kéo chúng ta trong sự trì trệ và khủng hoảng về kinh tế - xã hội, thì ngày nay lại được các thế lực thù địch ra sức lợi dụng, hòng tạo sự dao động về tư tưởng chính trị trong nội bộ chúng ta, nên rất cần sự tỉnh táo, không để lặp lại.
Thật ra, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mà đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đều được thực hiện thông qua thị trường. Chính sự phát triển của sức sản xuất đạt đến một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho kinh tế hàng hóa - điểm khởi đầu của kinh tế thị trường tồn tại. Đó là phân công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Những điều kiện ấy vẫn còn trong chủ nghĩa xã hội, nên việc duy trì và phát triển kinh tế thị trường hiện nay là phù hợp với thực tế khách quan, đúng với quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ còn phổ biến.
Thực tiễn những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô-viết đã khẳng định tính hiện thực của quy luật khách quan đó; đồng thời, cho thấy một mô hình chứa đựng sự dung hợp giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn có thể thực hiện được. Chính từ những thất bại của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường xã hội hóa trực tiếp, bỏ qua các quan hệ thị trường trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết, V.I. Lê-nin đã sớm nhận thấy sai lầm khi đồng nhất kinh tế hàng hóa với chủ nghĩa tư bản, và đi đến kết luận về sự cần thiết phải duy trì và phát triển kinh tế hàng hóa, lấy thương nghiệp làm “đòn xeo” để phát triển. Người đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP), mà nội dung cơ bản là duy trì và phát triển các quan hệ thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước vô sản. Việc thực hiện chính sách đó trong thực tiễn đã nhanh chóng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 20 của thế kỷ trước; đồng thời, khẳng định tính hiện thực của mô hình chủ nghĩa xã hội vẫn dung nạp các quan hệ thị trường. Vì thế, quan điểm cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình “có đâu mà tìm”(!) là không đúng với thực tiễn lịch sử.
Những thành tựu không thể phủ nhận của 30 năm đổi mới theo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chứng minh rõ những lợi ích mà sự phát triển kinh tế thị trường đem lại là phù hợp với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Nó không đối lập với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà ngược lại, còn thúc đẩy việc thực hiện những nhiệm vụ đó hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần phát triển kinh tế thị trường sẽ không có chủ nghĩa xã hội, vì kinh tế thị trường chứa đựng cả những tiềm năng tự phát đi vào chủ nghĩa tư bản; là tác nhân làm gia tăng sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội, v.v. Nhận thức rõ điều đó, chúng ta không lựa chọn phát triển kinh tế thị trường một cách chung chung, càng không lựa chọn sự phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà lựa chọn sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế có những đặc trưng riêng sau đây:
Một là, mục đích phát triển để hiện thực hóa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, chứ không phải để đi vào chủ nghĩa tư bản. Theo đó, kinh tế thị trường chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để sử dụng có hiệu quả phương tiện đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải thực hiện nhiều biện pháp để định hướng sự phát triển kinh tế thị trường có lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục những khuynh hướng tự phát đi vào chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, những biện pháp đó phải phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Hai là, có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều tồn tại bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là điểm khác biệt căn bản so với mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Điều đó đòi hỏi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay không chỉ hướng vào thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế tư nhân, mà còn phải bảo đảm cho kinh tế nhà nước thực sự làm tốt vai trò chủ đạo. Không kiên trì vấn đề này, nền kinh tế sẽ đi vào chủ nghĩa tư bản.
Ba là, xét về cơ chế vận hành nền kinh tế, thì đó là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường… có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Ở đây, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất của xã hội. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước cùng các công cụ, cơ chế, chính sách để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, sự can thiệp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế vẫn phải trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Ngay việc phân bổ các nguồn lực nhà nước theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường.
Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là nền kinh tế thị trường tự do, mà là “nền kinh tế thị trường hiện đại”, nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Sự quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường nhằm khắc phục những khuyết tật của nó là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế thị trường hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của sự quản lý nhà nước là vì ai, lại phụ thuộc vào bản chất giai cấp của nhà nước. Với bản chất là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, sự quản lý của Nhà nước ta trong phát triển kinh tế thị trường là nhằm cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng lực quản lý nền kinh tế của Nhà nước, bảo đảm cho các loại thị trường ngày càng hoàn thiện, vận hành thông suốt, cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát độc quyền kinh doanh, phải hết sức chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Bốn là, tiến bộ và công bằng xã hội được quan tâm giải quyết ngay trong từng bước và trong từng chính sách phát triển kinh tế. Đây cũng là điểm khác biệt với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nơi mà vấn đề công bằng xã hội chỉ được xem là phương tiện để duy trì và phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề này không chỉ là phương tiện để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, mà còn là mục tiêu phải hiện thực hóa từng bước trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, ở bất cứ giai đoạn nào của sự phát triển đất nước, mỗi chính sách kinh tế cũng đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội cũng phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân hưởng thụ ngày càng tốt hơn thành quả của sự phát triển đất nước. Việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ giới hạn trong quá trình phân phối đầu ra của sản xuất, kinh doanh như trong xã hội tư bản, mà còn ở ngay “trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển”3. Theo đó, việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vừa phải tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và thu nhập công bằng, ngày càng được cải thiện; vừa phải quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đảm bảo từng bước rút ngắn sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng, miền của đất nước, v.v.
Sau 30 năm đổi mới, bằng nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng nói trên đã từng bước hình thành và phát triển. Đến nay, đã có gần 50 quốc gia công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ; và sau 3 năm nữa, theo cam kết của WTO, Việt Nam hoàn toàn được hưởng vị thế của nước có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ. Thực tiễn là chân lý. Những luận điệu xuyên tạc đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chẳng thể thay đổi được những thành tựu mà đường lối đó đem lại, nên chúng làm gì có giá trị.
NGUYỄN NGỌC HỒI ___________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 86.
2 - ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr. 29.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 206.
Không thể phủ nhận,kinh tế thị trường,xã hội chủ nghĩa
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm