Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:56 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Những năm qua, quán triệt và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế toàn khu vực tăng trưởng đạt bình quân trên 13%/năm; hệ thống hạ tầng cơ sở, các dịch vụ thiết yếu về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo đều có bước phát triển tích cực; mặt bằng dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 10,45%... Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng chăm lo thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, tôn giáo lớn nhất là đạo Tin lành đã có 10 hệ phái đăng ký hoạt động hợp pháp; 170 chi hội với gần 142 nghìn tín đồ được công nhận chính thức; 915/1.174 điểm nhóm của nhiều hệ phái đã được đăng ký sinh hoạt; số tín đồ sinh hoạt trong các chi hội và điểm nhóm chiếm 91%. Các tôn giáo khác cũng không ngừng phát triển cả về số chi hội và số tín đồ. Nhờ làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã củng cố được lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào các dân tộc, các tín đồ tôn giáo; qua đó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, là địa bàn trọng yếu chiến lược nên Tây Nguyên cũng là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng hết sức chú trọng lợi dụng những khó khăn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, nhất là mặt bằng dân trí còn thấp để thực hiện chống phá quyết liệt. Một số tàn dư của bọn phản động FULRO thường ngấm ngầm phối hợp với các thế lực thù địch bên ngoài để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình "dân chủ, nhân quyền, tôn giáo" trên địa bàn; kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan hòng thực hiện mưu đồ thành lập cái gọi là "Nhà nước Đề-ga"; tổ chức biểu tình, bạo loạn chính trị; kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên sang Cam-pu-chia nhằm gây mất ổn định chính trị trên địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Để giữ vững ổn định chính trị và sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, Đảng ta xác định phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, bằng những chủ trương, biện pháp đồng bộ, thiết thực.
Theo đó, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, do các cấp, các ngành, các lực lượng và hệ thống chính trị thực hiện, nhằm làm cho đồng bào hiểu rõ các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội XHCN. Trên cơ sở đó, để đồng bào tự giác, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách trên. Thực tiễn cho thấy, kết quả thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo phụ thuộc rất lớn vào việc tuyên truyền, giáo dục; qua đó, sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của đồng bào, đến an ninh, ổn định và sự phát triển của địa phương. Trước tình hình mới, nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục đã được chú trọng đổi mới cho sát hợp với định hướng tuyên truyền, đối tượng, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của các địa phương đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình các chuyên mục phát bằng tiếng dân tộc để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào một cách hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhất. Các tổ (đội) làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của các lực lượng dân, chính, đảng, Quân đội, Công an đã được tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược, các bản, buôn, làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc ít người. Trong công tác, các tổ (đội) công tác chú ý quán triệt nguyên tắc 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào); kết hợp tốt giữa tuyên truyền miệng với các hoạt động dân vận cụ thể để tạo sự yêu mến, tin cậy của nhân dân. Một nội dung quan trọng được các địa phương rất coi trọng là làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực sự là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đồng bào quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.
Cùng với đó, các địa phương đã chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Có một thực tế là, tuy đã có nhiều tiến bộ trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ đói, nghèo ở Tây Nguyên hiện vẫn thuộc diện cao so với bình quân của cả nước. Do vậy, chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo tiếp tục là trọng tâm, vấn đề then chốt được cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đặc biệt chú trọng. Bởi, điều đó không chỉ có ý nghĩa KT-XH mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các tỉnh ở Tây Nguyên đã và đang có các chủ trương, biện pháp để thực hiện các chương trình phát triển KT-XH của Chính phủ đối với khu vực Tây Nguyên, nhất là Chương trình 135 về xóa đói, giảm nghèo; các chương trình giúp đồng bào định canh, định cư, cung cấp nước sạch, xây dựng điện, đường, trường học, bệnh xá, phòng chống các loại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào... Việc xây dựng các mô hình hộ gia đình người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế vườn, kinh tế hộ gia đình; ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi; giao đất, giao rừng, tạo công ăn việc làm, tổ chức các lễ hội, giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo,... đã và đang từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Các địa phương cũng chú trọng chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân kết hợp xử lý những kẻ quá khích, không để bọn phản động kích động, lôi kéo nhân dân gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các doanh nghiệp, các đơn vị Quân đội, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng hoạt động trên địa bàn cũng tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường củng cố QP-AN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Một nội dung quan trọng được cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tôn giáo; đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch. Theo đó, các địa phương rất coi trọng làm tốt công tác quản lý các hoạt động tôn giáo, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền tham gia hoặc không tham gia tín ngưỡng tôn giáo, như tinh thần chính sách tôn giáo của Đảng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phân loại, công nhận những tổ chức tôn giáo có đủ điều kiện được pháp luật quy định; xem xét giải quyết nơi thờ tự để tín đồ có nơi sinh hoạt tôn giáo ổn định; tạo điều kiện phong chức, đào tạo chức sắc một cách hợp lý; làm tốt công tác đăng ký, quản lý sinh hoạt của các điểm, nhóm, từng bước khắc phục tình trạng hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ở các buôn, làng. Mặt khác, đã chủ động đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các mưu đồ và hành động lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định chính trị; kiên quyết giải tán các "Ban chấp sự" hoạt động trái pháp luật, tranh thủ các chức sắc có tư tưởng tiến bộ để cùng chính quyền phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của bọn phản động FULRO, góp phần giữ vững ổn định chính trị. Quán triệt phương châm "chủ động tấn công, đánh địch từ xa", các cấp, các ngành chức năng, nhất là Quân đội, Công an đã tăng cường phối hợp trong nắm tình hình, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại mưu đồ gây dựng tổ chức, lực lượng ngầm, gây bạo loạn, khủng bố của địch. Khi có tình huống bạo loạn xảy ra, đã kiên quyết trấn áp lực lượng cầm đầu; đồng thời, kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục số người bị lôi kéo, lừa mị để họ thấy rõ âm mưu của bọn phản động, tự giác từ bỏ những việc làm sai trái. Mặt khác, các địa phương đã tăng cường phối hợp với các lực lượng biên phòng, an ninh nước bạn Lào và Cam-pu-chia trong việc quản lý biên giới, phòng chống xâm nhập, vượt biên; ngăn chặn các hoạt động của lực lượng FULRO; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Cùng với đó, đã tăng cường các hoạt động ngoại giao với các tổ chức quốc tế liên quan để họ thấy rõ chính sách nhất quán, chính nghĩa của Đảng và Nhà nước ta; từ đó, góp phần phản bác lại các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền, tôn giáo hòng gây mất ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nguyên của các thế lực thù địch.
PGS, TS. LÊ VĂN ĐÍNH* & ĐỒNG ĐỨC
* Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III.
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm