Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 19/04/2013, 18:34 (GMT+7)
Đóng góp sửa đổi Hiến pháp - sự tâm huyết, trách nhiệm và những trò ngụy tạo, dụng ý xấu

Tham gia đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước ta. Việc làm này đã phát huy cao độ trí tuệ, trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước đối với vận mệnh của dân tộc. Bên cạnh những đóng góp trung thực, xây dựng là chủ đạo, đã xuất hiện những ý kiến lạc lõng, ẩn dấu đằng sau là những ý đồ xấu, đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

 

Hiến pháp là đạo luật gốc làm nền tảng cho việc vận hành của thể chế chính trị và thực hiện quyền công dân ở mỗi quốc gia. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có Hiến pháp cho riêng mình. Không phải hiến pháp nào cũng là trường tồn, vĩnh cửu, trên thực tế, phần lớn các bản hiến pháp đều tồn tại trong một thời điểm lịch sử nhất định, gắn liền với sự biến đổi về chính trị, xã hội của mỗi quốc gia. Vì thế, việc thay thế, sửa đổi, bổ sung hiến pháp là điều thường thấy. Việc làm này đã từng diễn ra rất nhiều lần ở không ít quốc gia, tiêu biểu như: Đô-mi-ni-ca (32 lần), Vê-nê-du-ê-la (26 lần), Hai-i-ti (24 lần), v.v.

Ở nước ta, kể từ khi giành được độc lập, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay đã có 4 bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980 và 1992). Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, các bản Hiến pháp trên nhìn chung đã phản ánh tập trung được ý chí và nguyện vọng của nhân dân; qua đó, phát huy  cao độ tinh thần đoàn kết, nội lực của mỗi người dân và của toàn dân tộc vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo quyền con người. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay là quyết tâm chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong nỗ lực đổi mới toàn diện đất nước, tiếp sau những thành công về đổi mới kinh tế trong những năm vừa qua. Đó còn là tiền đề hết sức quan trọng, bảo đảm để nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước theo hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc làm này và phát huy cao ý thức công dân, nên ngay sau khi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân đến nay, việc góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia vào quá trình này với tình cảm tâm huyết, phát huy trí tuệ và trách nhiệm công dân. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần và lĩnh vực hoạt động. Cùng với phát huy các phương tiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo… việc làm này còn được thực hiện thông qua hình thức phát phiếu lấy ý kiến tới mọi hộ dân và thời hạn lấy ý kiến đóng góp được kéo dài tới ngày 30-9-2013, nhằm có thể tập hợp được cao nhất ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc tập hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp được thực hiện nghiêm túc, khách quan sao cho nguyện vọng chính đáng, tâm huyết của nhân dân có thể được phản ánh trung thực vào bản Hiến pháp sửa đổi. Không chỉ những ý kiến đồng tình, bổ sung mà ngay cả những ý kiến khác hoặc trái với Dự thảo, nhưng có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn, mang tính xây dựng, được sự đồng tình của đông đảo nhân dân sẽ được tiếp nhận, xử lý, sửa đổi. Tất nhiên, những ý kiến tham gia khác biệt, đi ngược với ý chí, nguyện vọng của nhân dân với dụng ý xấu sẽ kiên quyết bị loại bỏ. Với những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy, tinh thần dân chủ, đổi mới và vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng được khẳng định và phát huy trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Đó đồng thời còn là sự xác tín về quyền phúc quyết của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp ở nước ta đã từng bước được thực hiện có hiệu quả.

Những cập nhật bước đầu trong việc lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp thời gian qua cho thấy, ý kiến đóng góp là đa dạng, nhiều chiều, song về cơ bản là đồng tình, nhất trí với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đa số ý kiến đánh giá Dự thảo Hiến pháp có nhiều tiến bộ so với Hiến pháp hiện hành, nhất là trên các vấn đề về chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Sự tiến bộ được nêu ra ở một số vấn đề cụ thể, như: việc không nêu kinh tế nhà nước là chủ đạo (Điều 54); trong dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định mới (Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước) được nêu ra trong các điều 120, 121, 122. Nhiều ý kiến cho rằng, các điều luật đó là yêu cầu thiết yếu để nâng cao hiệu quả của thể chế chính trị, tăng cường quyền lực của nhân dân, thông qua Nhà nước, đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, thực sự là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với những lý lẽ thuyết phục, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn lịch sử và điều kiện cụ thể của đất nước, cùng với sự tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác, phần lớn các ý kiến đã khẳng định về sự cần thiết hiến định trên một số vấn đề mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nêu ra, như: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước và xã hội; về tổ chức và hoạt động của Nhà nước; chế độ sở hữu đất đai; về bản chất, chức năng của lực lượng vũ trang nhân dân. Luật sư Trần Quốc Thuận đánh giá: “Dự thảo bổ sung quy định về quyền con người để phù hợp với nội dung các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã hàng chục năm qua, là một sự kiện đáng hoan nghênh so với Hiến pháp hiện hành”. Bàn về Điều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đề cập đến vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, GS,TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Điểm mới, có tính chất phát triển của Điều 4 Hiến pháp hiện nay là hiến định không chỉ địa vị pháp lý mà cả trách nhiệm pháp lý của Đảng với nhân dân, với Nhà nước và xã hội (chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân, tổ chức đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật). Đây là một bước tiến trong tiến trình lập hiến của Nhà nước pháp quyền XHCN, làm sáng tỏ mối quan hệ chi phối, chế ước lẫn nhau giữa chính trị và pháp luật”… Những ý kiến tâm huyết, trung thực đóng góp sửa đổi Hiến pháp như trên không phải chỉ tập trung ở cán bộ, đảng viên, mà có ở hầu khắp mọi người dân Việt Nam yêu nước, bất kể sự khác biệt về địa vị xã hội hay điều kiện sinh sống. Đại diện các tổ chức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều đánh giá cao việc tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam ở nước ngoài vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Điều đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân đối với đạo luật cơ bản nhất về pháp lý thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Nhiều ý kiến đã đánh giá: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có sự phát triển mới, nhất là trong việc khẳng định tính chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN; Điều 19 về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo quyền công dân, quyền con người được mở rộng và đảm bảo bằng pháp luật sâu sát với những vấn đề của thế giới đang quan tâm như quy định về bảo vệ công dân Việt Nam và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ môi trường… Luật sư Đinh Viết Tứ, một Việt kiều đang sinh sống tại Ca-li-phooc-ni-a (Hoa Kỳ) đã góp ý: “Hiến pháp sửa đổi cần đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lực của Nhà nước và người dân, đồng thời giữ vững nguyên tắc nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý”. Ông cũng cho rằng, các ý kiến tham gia sửa đổi Hiến pháp cần phải thể hiện đầy đủ ý thức, trách nhiệm công dân, thể hiện sự tự do dân chủ một cách đúng đắn, chứ không thể hiện nó dưới hình thức “tự do chủ nghĩa”. Cùng với đánh giá cao sự tiến bộ, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến đã thể hiện mong muốn Hiến pháp sửa đổi cần thể hiện rõ vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời với cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trong góp ý sửa đổi Hiến pháp, tuy không phải là động cơ và mục đích xấu, song còn có những ý kiến của một bộ phận công dân không đồng thuận với xu hướng chung. Đó là điều bình thường, dễ thấy trong một hoạt động chính trị, xã hội thể hiện cao tính dân chủ. Thực tế đó có nguyên nhân từ sự không đồng nhất về nhận thức chính trị; mặt khác, phần nào còn phản ánh sự bức xúc, giảm sút lòng tin của quần chúng trước tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên; về hiệu quả hoạt động của một số tổ chức đảng, chính quyền các cấp và việc thực hiện quyền dân chủ của người dân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội… Những điều đó đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng và là thước đo về mối quan hệ giữa một bộ phận nhân dân với Đảng và chế độ mà việc sửa đổi Hiến pháp cần có sự nhìn nhận, tiếp thu một cách nghiêm túc.

Nếu nhìn nhận những gì diễn ra trong việc tham gia sửa đổi Hiến pháp như một bức tranh tổng thể, thì bên cạnh “mảng sáng”, tích cực là chủ đạo, người ta nhận thấy còn len lỏi những “mảng tối” lẩn khuất. Ở đó, một số người khi tham gia ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khoác lên chiếc áo “tự do, dân chủ” để rồi không những cho mình được quyền nói tất cả những gì tự cho là đúng, mà còn tìm mọi cách truyền bá, vận động sao cho người khác tin và làm theo điều họ muốn. Thực chất, những điều mong muốn của họ hiện nay là xoay chuyển, sắp đặt lại thể chế chính trị hiện hành theo một khuôn mẫu được họ tôn thờ nào đó. Tuy nhiên, điều đó lại không phải là ý nguyện chung của đại đa số nhân dân. Chẳng có gì ngụy tạo hơn khi một số người nhân danh yêu nước, thương dân lại cho rằng, việc họ thông qua góp ý sửa đổi Hiến pháp đòi xóa bỏ Điều 4 về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội; thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thiết lập thể chế chính trị “tam quyền phân lập”; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra là chỉ nhằm mang lại “tự do, dân chủ” cho nhân dân. Theo họ, bao năm qua, Đảng mới chỉ mang lại được độc lập, còn tự do, dân chủ thì chưa có! Bất chấp việc lập hiến, lập pháp đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành là duy nhất chỉ được thực hiện qua Quốc hội (cơ quan được cử tri cả nước bầu ra), họ vẫn đưa ra, phát tán và đi vận động lấy chữ ký vào cái mà họ cho là “hiến pháp” với mô hình tổ chức thể chế chính trị của riêng họ, hoàn toàn đoạn tuyệt với truyền thống lịch sử, xa lạ với hoàn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Với những việc làm ấy, phải chăng từ sự huyễn hoặc về vai trò “cứu thế dân tộc và nhân dân”, hay còn từ nguyên do nào khác đã làm cho họ quên lãng đi ý thức trách nhiệm pháp luật. Đối với ai vẫn tự cho mình là đảng viên, thì điều đó còn là sự tự phủ định chính mình.

Những ý kiến đòi hỏi cần thiết phải lập chế độ đa nguyên, đa đảng để có dân chủ thực chất, chỉ là sự ngụy tạo. Bởi lẽ, lịch sử phát triển của mọi quốc gia đã cho thấy dân chủ đâu có phụ thuộc vào đa đảng, hay một đảng, mà phụ thuộc vào bản chất, mục đích của đảng và nhà nước cầm quyền, khi đảng và nhà nước đó là của ai, phục vụ ai là chủ yếu. Cùng với đó, còn một thực tế là, không phải cứ đa nguyên, đa đảng mới là phương thức duy nhất, tốt nhất cho dân chủ và phát triển. Các nền dân chủ của mọi quốc gia có thể có chung một số tiêu chí tổng quát nào đó; song, tiêu chí cơ bản nhất vẫn là nền dân chủ đó đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân ra sao? Nhiều người đã tụng ca và nung nấu ước mơ về một nền dân chủ kiểu Mỹ. Thế nhưng, đông đảo người dân lao động sống ngay trong lòng nước Mỹ lại cho rằng, một nền dân chủ được xây dựng trên nền tảng bất bình đẳng xã hội trầm trọng, thì đó không phải là thứ dân chủ mà họ chờ đợi. Họ đã gọi dân chủ kiểu Mỹ là nền dân chủ “của 1%, vì 1%, do 1%”, để chỉ ra nghịch lý, khi số người giàu ở Mỹ chỉ chiếm 1% dân số, nhưng thâu tóm tới 21% thu nhập, 35% tài sản của đất nước và thao túng mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cách gọi đó đã bày tỏ sự phản kháng của người dân Mỹ trước một nền dân chủ bị chi phối nặng nề bởi người giàu.

Dân chủ giành cho người giàu và đa đảng để phục vụ người giàu là thực chất của nền dân chủ tư sản đã được nhiều người am tường chỉ rõ từ lâu. Nước Mỹ hiện nay có hàng trăm đảng chính trị, thế nhưng, một trong những nhà trí thức người Mỹ được báo chí đánh giá thuộc hàng đầu thế giới, ông Noam Chomsky đã cho rằng: “Đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng và cái đảng cầm quyền là Đảng Kinh doanh”. Cựu Thống đốc Bang Lu-i-zi-en, Thượng nghị sĩ Mỹ Huey Long còn bộc bạch: “Bị hư hỏng bởi sự giàu sang và quyền lực, chính quyền của bạn như một cái nhà hàng với một món ăn. Họ cho một đám hầu bàn Cộng hòa đứng một bên và một đám hầu bàn Dân chủ đứng một bên. Không cần biết đám hầu bàn nào bưng đĩa thức ăn ra cho bạn, món ăn lập pháp đều được chuẩn bị trong nhà bếp của phố Wall”… Thực tế trên đã phơi bày thực chất cùng những khuyết tật, không được lòng dân của nhà nước và nền dân chủ tư sản mà thể chế đa đảng chính là chỗ dựa đã cấu trúc ra nó. Việc sao dịch, áp dụng mô hình như thế vào Việt Nam theo như đòi hỏi của ai đó, trong hoàn cảnh có sự khác biệt rất lớn về nhiều mặt chỉ là một sự áp đặt, gượng ép, không thể có được sự đồng tình của nhân dân. Đối với các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ ta, việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội không thể tốt hơn để họ lợi dụng thực hiện mưu toan thay đổi hoàn toàn Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN. Đội lốt nhân dân, vì nhân dân, những kẻ chủ mưu các “trò chơi chính trị” này cố tình đào sâu, suy diễn, thổi phồng các ý kiến góp ý trái chiều của một vài cá nhân, rồi biến nó thành ý kiến cực đoan đối lập của đông đảo quần chúng; đồng thời, còn ra sức tạo dựng dư luận về một phong trào chống đối nào đó với Đảng và chính quyền. Hãng BBC đã tùy tiện xuyên tạc: “Ván cờ đã động và những cơ hội đã ló rạng, phong trào đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần vuột khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và trở thành một phong trào đòi hỏi tự do, dân chủ”! Cũng “theo đóm ăn tàn”, có kẻ còn lớn tiếng kêu gọi: “Tự xóa bỏ Điều 4 phi lý, nực cười trong Hiến pháp, bỏ Điều 4 là tự cứu”!

Mưu toan là vậy, song những thủ đoạn “tát nước theo mưa”, “đục nước béo cò” ấy đâu dễ có thể đổi trắng, thay đen, xoay đổi được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Ý kiến của tuyệt đại đa số nhân dân vẫn đồng tình cao với các vấn đề chủ yếu được đưa ra trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là về sự cần thiết tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội. Đối với nhân dân Việt Nam, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của ĐCSVN là hoàn toàn có cơ sở lịch sử, chính trị - tư tưởng, pháp lý rõ ràng, vững chắc. Hơn 80 năm gắn bó với Đảng, vượt qua mọi thăng trầm, biến cố của lịch sử, hy sinh cống hiến cho đất nước, dân tộc, hơn ai hết người dân Việt Nam thấu hiểu những giá trị mình đang có hôm nay và biết gửi trọn lòng tin của mình vào ai, biết chọn con đường nào để hướng tới tương lai. Vẫn biết rằng, trong suốt quá trình đó, không phải Đảng không có những sai lầm, khuyết điểm. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn là điều cốt tử, đòi hỏi Đảng phải kiên quyết khắc phục; song, những thành tựu trong lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong hơn 27 năm qua là hoàn toàn không thể phủ nhận. Thử hỏi, trong suốt tiến trình lịch sử đó tới nay, có lực lượng chính trị nào đã có thể thay thế hoặc chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chính trị trước nhân dân và dân tộc cùng Đảng, được nhân dân ghi nhận hay chưa?

Thiết nghĩ, người nào đó, nếu thực tâm vì đất nước, vì dân tộc, thì hãy hòa vào ý nguyện chung của nhân dân, thông qua sự đóng góp trung thực, tâm huyết vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chứ không nên theo đuổi những ý tưởng hão huyền, không thực tế, hay núp bóng những vỏ bọc ngụy tạo, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam.

 

THƯỜNG VŨ

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.