Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 20/03/2020, 10:13 (GMT+7)
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tin giả - vấn đề cấp thiết hiện nay

Hiện nay, tin giả đã trở thành vấn nạn, gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, lợi ích từng cá nhân, tổ chức và cả xã hội, sự phát triển của đất nước. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả đã trở thành vấn đề cấp thiết của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Tin giả còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, bao gồm các thông tin cố ý hoặc lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông tin tức truyền thống (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến. Những thông tin này thường sử dụng lối viết giật gân, không trung thực hoặc dùng các tiêu đề bịa đặt để câu view, tăng lượng độc giả. Thực chất, tin giả là tin tức sai sự thật. Tin giả ra đời từ rất lâu trong đời sống xã hội, do cá nhân hoặc tổ chức “sản xuất”, có hình thức tồn tại khác nhau, được truyền đi bằng những phương tiện thông tin phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nội dung của tin giả thường chứa đựng những thông tin không có thật, hoặc đã bị thêm thắt, cắt xén, lai ghép. Nó được “nhà sản xuất” đưa vào xã hội dưới nhiều hình thức, như: “tin nóng”, “tờ rơi”, “thông báo”, phim, video clip,… sau đó được tung ra xã hội với nhiều cách thức thông qua: truyền khẩu, rỉ tai,… hoặc các báo, tạp chí viết, phát thanh,... không chính thống. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, ứng dụng tiện ích internet bùng nổ, thì trang báo điện tử, blog, mạng xã hội, như: Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoochat, Instagram, Zalo,… phát triển, liên kết tới hàng tỷ người sử dụng thì không gian mạng đã trở thành nơi, phương tiện chủ yếu để tin giả tồn tại và lan truyền. Mục đích của nó là hướng tới làm méo mó nhận thức, hành động của người đọc, bôi nhọ, hạ bệ hình ảnh, việc làm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, chế độ xã hội, đất nước mà đối tượng sản xuất nhắm tới.

Những tháng đầu năm 2020, cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang căng mình để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, loại trừ đại dịch Covid-19, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Thế nhưng, các “anh hùng bàn phím” lại bất chấp đạo lý, tìm mọi cách tung tin bịa đặt về nguồn gốc, tiến triển, phương thức phòng, chống và chữa trị virus corona chủng mới. Theo thống kê của cơ quan chức năng Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay (18-3-2020), trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài; gần 600.000 video clip đăng trên mạng xã hội, trong đó có rất nhiều nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật. Những tin giả này, có hệ lụy rất lớn, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân hoang mang, lo lắng, rối loạn; đình trệ hệ thống sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho những kẻ “buôn gian, bán lận”, đầu cơ, tích trữ, kiếm lời bất chính. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước1 đã liên kết, chi hàng chục ngàn USD để chạy quảng cáo trên Facebook với các nội dung xuyên tạc, đưa tin sai sự thật nhằm làm rối loạn thông tin tình hình dịch bệnh, công kích Chính phủ Việt Nam che dấu sự thật, chia rẽ tinh thần đoàn kết của Việt Nam với các nước trong phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Bên cạnh việc xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, truyền thống dân tộc, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thành quả của công cuộc đổi mới,… họ còn tập trung công kích tình hình đảm bảo quyền con người, quyền công dân, thành tựu kinh tế - xã hội đất nước, quan hệ đối ngoại, việc ký kết các hiệp định kinh tế giữa Việt Nam với các nước, các nền kinh kế và đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, v.v. Mục đích của chúng vẫn là nhằm đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội và nội bộ, nhằm phá hoại hình ảnh “Đạo đức, văn minh” của Đảng, hình ảnh cán bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, thiết lập chế độ dân chủ tư sản “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta.

Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trước hết là của cơ quan chức năng và là vấn đề cấp thiết hiện nay. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền, giáo dục, cơ chế, chính sách, pháp luật, hạ tầng cơ sở kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện và người dân; trong đó, tập trung thực hiện tốt mấy nội dung giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nhận thức, năng lực phân biệt, xử lý tin giả và tác hại của nó cho các đối tượng. Đây là vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả. Thực tế cho thấy, tin giả thường không hề dễ phân biệt, lan truyền rộng trong xã hội, với đủ loại đối tượng, nên chỉ khi nào mọi người dân cùng chung sức đấu tranh ngăn chặn, thì việc loại trừ tin giả và tác hại của nó mới có hiệu quả. Vì thế, công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, với những nội dung, hình thức, phương tiện phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Quá trình thực hiện, cần tập trung làm rõ nguồn gốc, khái niệm, bản chất, phương thức tồn tại, lan truyền, tác hại của tin giả. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người dân những thông tin chính thống về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trước dịp diễn ra kỷ niệm lớn, sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, v.v. Đặc biệt, cần đi sâu, làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; làm rõ những vấn đề phức tạp mà xã hội đang quan tâm,… không để người dân bị “đói”, bị “nhiễu” thông tin, tạo điều kiện cho tin giả lộng hành. Cơ quan chức năng cần hướng mạnh công tác tuyên truyền tới học sinh, sinh viên, thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, nơi đặc biệt khó khăn; thực hiện hiệu quả cơ chế cung cấp thông tin (người phát ngôn), v.v. Qua đó, làm cho nhân dân nhận rõ thật, giả, đúng, sai, kiên quyết không xem, không chia sẻ, không lan truyền tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng; tích cực lên án, phối hợp cùng cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn, loại trừ tin giả, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội.

Thứ hai, phát huy vai trò cơ quan báo chí, truyền thông trong định hướng dư luận xã hội, đấu tranh loại bỏ tin giả. Việt Nam có hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông với đội ngũ người làm báo hết sức hùng hậu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức, trình độ, năng lực tốt; hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 1 Ðiều 14, Luật Báo chí). Họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp quan trọng trong giữ vững “trận địa thông tin”, bảo vệ quyền tự do thông tin, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội. Với nhiều phương pháp, hình thức chủ động, sáng tạo, cơ quan chức năng các cấp kịp thời cung cấp thông tin chính xác để báo chí, truyền thông chuyển tải nhanh, nhạy, đúng, trúng đến người dân, góp phần quan trọng ngăn chặn, phản bác, đầy lùi tin giả. Hiện nay, Việt Nam có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 02 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Đây là lực lượng quan trọng, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân để đấu tranh, ngăn chăn, đẩy lùi tin giả. Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh việc tinh, gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ người làm báo cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn đất nước, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp tục phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, kiên quyết đấu tranh loại bỏ thông tin “bẩn”, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhân dân của thế lực thù địch, v.v.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng của lực lượng nòng cốt, chuyên sâu. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả. Lực lượng nòng cốt, chuyên sâu là lực lượng trực ban, tác chiến thường trực, được bố trí ở các cấp trong hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, nhiệt huyết, dũng khí; có trình độ, khả năng chuyên môn cao; sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật để khai thác, phản bác thông tin xấu độc. Vì thế, bên cạnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu đề ra, các cấp cần chú trọng bồi dưỡng họ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức, phương pháp, kỹ năng đấu tranh, phản bác tin giả; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, động viên họ tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực xử lý thông tin độc hại, nhất là ở những thời điểm phức tạp, những vấn đề dư luận quan tâm. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại,… đảm bảo cho lực lượng này phát huy năng lực, đấu tranh, loại trừ tin giả một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thứ tư, kịp thời điều tra, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã điều tra, xét xử nhiều cá nhân tung tin giả xâm phạm quyền, lợi ích của không ít cá nhân, tổ chức và đất nước (riêng quý I/2020, đã có 654 trường hợp bị phạt vì tung tin giả về dịch Covid -19, với số tiền gần 02 tỷ đồng được dư luận rất đồng tình, ủng hộ), nhưng nạn tin giả vẫn diễn biến rất phức tạp, gây hệ lụy khó lường. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, học tập, công tác ở Việt Nam đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật về thông tin; những tổ chức, cá nhân nào vi phạm nhất định phải bị điều tra, xét xử, với những chế tài cụ thể theo quy định, nhất là hành vi tung tin giả trong tình hình hiện nay. Vì vậy, các cấp cần nắm chắc các điều quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng,…. thực hiện nghiêm quy chế, quy định sử dụng thông tin; quản lý, nắm chắc địa bàn, nội bộ và các mối quan hệ xã hội của từng người; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, kỷ luật thông tin, nhất là khi trao đổi, chia sẻ thông tin trong xã hội, trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân, v.v. Trong thực hiện, cơ quan chức năng phải chỉ rõ nguồn gốc, lực lượng, nội dung, mục đích phát tán, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, kiên quyết không để tin giả lộng hành.

MINH QUÂN
__________

1 - Ở nước ngoài, có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong; 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web; ở trong nước, có hàng trăm trang web, blog, Facebook,… gia tăng các loại tin giả, chống phá Đảng, Nhà nước.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.