Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:21 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 20 đến 28-01-2016) đã thành công rất tốt đẹp, bằng những dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề cơ bản để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đập tan những luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đại hội XII) đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn của cộng đồng quốc tế. Thành công của Đại hội đã mang lại tinh thần phấn khởi, niềm tin to lớn của toàn dân, toàn quân ta và bạn bè khắp năm châu đối với bản lĩnh, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thế nhưng, có một số người tự xưng là: “yêu nước”, “bất đồng chính kiến”, hay vì “sự phát triển” của Việt Nam lại xem Đại hội XII là “Một thất bại chung”! Họ thất vọng, bởi lẽ Đại hội XII, đã không phải là nơi để Đảng Cộng sản Việt Nam “thay đổi thành một đảng dân tộc và dân chủ”, hay “Hòa bình tiến hành một cuộc cải cách chính trị từ trong Đảng ra và từ xã hội dân sự đến toàn xã hội”, “tiếp tục tự đi tiếp tới sụp đổ”- “cái gì phải đến sẽ đến”,… như họ mộng tưởng. Với họ, Đại hội XII “thất bại” vì đã không diễn ra cái kịch bản “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam để biến thành “Một đảng dân tộc và dân chủ”, nói cách khác là thành một đảng chính trị theo mô hình “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” phương Tây, từ đó hòng chuyển đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thành chế độ tư sản. Trái lại, Đại hội XII khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì con đường đổi mới dựa trên sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa công cuộc đổi mới sang một trang mới, một giai đoạn mới, mà Văn kiện Đại hội đã viết một cách giản dị là: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Những lập luận về cái gọi là “thất bại chung” nói trên không chỉ là một sai lầm về nhận thức chính trị, mà trên thực tế còn là một sự xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc nội dung, ý nghĩa, vai trò Đại hội XII, hơn nữa là một sự vu cáo trắng trợn đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế cho thấy, sau khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn (30-4-1975), Hoa Kỳ đã thực hiện chính sách bao vây cấm vận toàn diện đối với nước ta. Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt của chủ nghĩa đế quốc, đời sống của nhân dân gặp vô vàn khó khăn, nhưng với tinh thần độc lập, tự chủ, nhân dân Việt Nam đã nêu cao truyền thống yêu nước, chủ động, sáng tạo, tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước từng bước phát triển. Cùng với đó, đập tan hành động xâm lược của các thế lực phản động, thù địch quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước ở biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc, Biển Đông và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong sáng.
Chưa hết những khó khăn này, nhân dân ta lại đứng trước những khó khăn khác. Cuộc “cải tổ” ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rơi vào khủng hoảng, sụp đổ (1989 - 1991), chỗ dựa về tinh thần và kinh tế quan trọng của Việt Nam không còn nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta lại một lần nữa vượt qua khó khăn bằng việc đề ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), nhằm chuyển đổi mô hình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa kiểu cũ sang mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa kiểu mới. Với phương châm: sẵn sàng là bạn với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới trên cơ sở vì hòa bình, phát triển của mỗi nước và cộng đồng quốc tế, không can thiệp chủ quyền và công việc nội bộ của nhau, Việt Nam đã từng bước mở rộng quan hệ quốc tế. Năm 1990, Việt Nam - Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ. Sau hai thập kỷ cấm vận, ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn và Thủ tướng Việt NamVõ Văn Kiệt đã ra Tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, v.v. Có thể nói, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam không chỉ ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, mà còn trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới đất nước, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt mục tiêu đó, dựa trên những thành tựu của 30 năm đổi mới và nền tảng tư tưởng, chính trị, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng, nhưng đồng thời cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt về lợi ích của các nước lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không như cách nhìn hạn hẹp chỉ về chính trị xã hội của các nhà “yêu nước”, “dân chủ” mạng, Đại hội XII còn chỉ rõ, ngoài những khó khăn, thách thức chung, còn là những thách thức về mặt môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán. Đồng thời, tái khẳng định bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ (khóa VII) vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguy cơ “diễn biến hòa bình” lại gắn với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng,… đang làm cho lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Nhà nước có phần giảm sút, các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chế độ.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, tinh thần của các nguyên tắc đổi mới được tái khẳng định. Còn nhớ, năm 1985, Đại hội XXVII, Đảng Cộng sản Liên Xô đề ra đường lối “cải tổ”, tiếp đó là các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng cải cách sâu rộng chế độ xã hội, dẫn đến cuộc khủng hoảng và sụp đổ chế độ ở từng nước, cũng như hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Đại hội VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) đã đề ra các nguyên tắc: đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là “thực hiện chủ nghĩa xã hội dựa trên những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội”; “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta”. Đổi mới tư duy lý luận là “nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm”, những nhận thức lỗi thời về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về chủ nghĩa xã hội, là “vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong hoàn cảnh”; “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng”. Để làm được điều đó, Đảng phải “không ngừng hoàn thiện, nâng cao sức chiến đấu, lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến phê bình trung thực” của nhân dân; “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,… vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”; “Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện lịch sử mới”. Tinh thần của các nguyên tắc đổi mới này, được Đại hội XII tái khẳng định và nhấn mạnh những khía cạnh mới về chính trị, tư tưởng, như: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục thực hiện toàn diện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, Phát huy quyền làm chủ của nhân dân” và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguyên tắc đổi mới không chỉ là sự phát triển sáng tạo, mà còn là bản lĩnh chính trị, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những ý kiến cho rằng Đại hội XII: “Chỉ nhằm vào duy trì bằng được chế độ toàn trị”, là một sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” với những nội dung cơ bản. Về tư tưởng, chính trị: “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Về thể chế Nhà nước: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Về giáo dục, đào tạo, khoa học và văn hóa, xã hội: “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”. Về kinh tế: “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nội dung mới”. Trong chặng đường đổi mới đầu tiên, Đại hội VI của Đảng cho rằng cần phải: “củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”, “Tiếp tục cải tạo” 1 , đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Nay, Đại hội XII xác định: động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là một điểm mới nổi bật trên lĩnh vực kinh tế so với giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam thực hiện cơ cấu lại đầu tư; thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng; giải quyết nợ xấu; doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền, lợi ích của các nước lớn ở khu vực Biển Đông, Đại hội XII xác định: kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Điểm mới trong hoạt động đối ngoại của Đại hội XII là, trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Khi đánh giá về Đại hội XII, giáo sư Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) cho rằng đây là “Chiến thắng của các lực lượng lành mạnh”. Ông nhấn mạnh: những ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thay đổi thể chế là không cần thiết khi “Việt Nam hiện nay đã đạt tới tầm phát triển xứng đáng và vị thế nổi bật trên thế giới với những thành tựu chưa từng có trước đây” và “trong bối cảnh mà mọi thứ đều hoạt động nhịp nhàng, chính xác, khi đất nước đã đạt tới sự cân bằng nhất định giữa kinh tế và chính trị, quốc gia có tình hình chính trị ổn định, thì đòi hỏi thay đổi tổng thể căn bản là không có cơ sở và là con đường chẳng dẫn tới đâu”2. Lời nhận định của giáo sư Dmitry Mosyakov là một thực tế khách quan đối với tình hình Việt Nam; đồng thời, là câu trả lời cho những ai còn mơ tưởng về những thay đổi thể chế chính trị và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại có những điều kiện thuận lợi, đặc biệt là những nền tảng về tư tưởng, chính trị vững chắc do Đảng Cộng sản Việt Nam tạo dựng nên. Bởi vậy, Đại hội XII là một sự kiện chính trị đặc biệt, một dấu mốc mới tạo tiền đề cơ bản cho nhân dân ta, dân tộc ta trên con đường đổi mới, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
BẮC HÀ _______
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H. 1987, tr. 44.
2 - Báo Nga: Đại hội Đảng Việt Nam là thắng lợi lành mạnh (ngày 29-01-2016): htt://viettimes.vn
Đại hội XII,tiền đề đổi mới
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm