Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:46 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác – Lê-nin ngày càng được thực tiễn chứng minh tính cách mạng, khoa học, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam và vũ khí lý luận sắc bén cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân và các chính đảng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào thoái trào, chủ nghĩa Mác – Lê-nin luôn bị các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc sự thật bóp méo, phủ nhận. Chúng hô hào, tung ra những luận điệu đặc biệt nguy hại, như: “Chủ nghĩa Mác chỉ là sản phẩm của nền công nghiệp cơ khí thế kỷ XIX, không thể áp dụng trong nền khoa học và công nghệ hiện đại với quy mô toàn cầu hiện nay”(!). “Chủ nghĩa Mác là sản phẩm của nền công nghiệp phương Tây, không phù hợp với văn hóa phương Đông và Việt Nam”(!). Cả lý luận và thực tiễn cho thấy, đó là những quan điểm sai trái, xuyên tạc và bịa đặt.
Sở dĩ khẳng định được điều đó, xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin là khát vọng chân chính về tiến bộ của nhân loại. Đó là, giải phóng con người hoàn toàn khỏi ách áp bức, bóc lột, làm cho con người được ấm no, tự do và hạnh phúc. Đây là ước vọng của toàn nhân loại ở khắp năm châu chứ không chỉ ở phương Tây và đâu phải chỉ đến cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ XIX – XX mới có. Ước vọng đó có từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến nay. Mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự khái quát hóa, trừu tượng hóa những mong muốn, ước vọng ngàn đời của con người và hoạch định trước về mục tiêu, hướng đích mà con người tất yếu phải đi tới một xã hội tương lai không còn áp bức, bóc lột, bất công. Logic về sự lựa chọn con đường tới đích cuối cùng của xã hội hiện thực ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều nằm trong cái tất yếu mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khái quát, tiên liệu.
Lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa Mác – Lê-nin là khoa học biện chứng, hiện đại. Đây là khoa học nghiên cứu, luận giải về những quy luật phổ biến về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cách mạng của quần chúng bị áp bức, bóc lột, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Giá trị bền vững tự nhiên của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự chính xác về khoa học, tính toàn diện, hệ thống và biện chứng, nhằm giải phóng người lao động, giải phóng xã hội khỏi áp bức, bóc lột và mọi sự tha hóa, thực hiện một xã hội công bằng, nhân đạo. Thử hỏi, trước hay cùng thời với C.Mác, V.I.Lê-nin có khoa học nào đưa ra được một học thuyết hoàn bị đến như vậy? Sau C.Mác và V.I.Lê-nin có ai đưa ra được một khoa học về xã hội với mục tiêu tiến bộ, triệt để như các ông? Mục tiêu mà C.Mác và V.I.Lê-nin đưa ra chẳng phải là ước mơ ngàn đời nay của người lao động chân chính sao? Chẳng phải là sự kết thúc mà những kẻ áp bức, bóc lột cả “truyền thống” lẫn hiện đại khiếp sợ nhất đó sao? Vì vậy, sự bịa đặt, xuyên tạc, bài bác các lý tưởng cao đẹp của con người nói chung, chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói riêng đã thuộc về bản chất của những người có ý thức hệ đối lập, thù địch. Tuy vậy, cứ mỗi lần phải chống lại các trào lưu tư tưởng đối lập thì lại một lần chủ nghĩa Mác – Lê-nin chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình; các tư tưởng tư sản phản động, các loại chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chủ nghĩa vô chính phủ và đủ loại “sắc mầu” khác đều thất bại, nhục nhã ê chề. Những thế lực và những cá nhân xu thời dù có khuấy động, tranh thủ ít nhiều một bộ phận dân chúng, những người mơ hồ, ảo tưởng về một xã hội được trang điểm bằng những nhãn mác “dân chủ”, “công bằng”, “bình đẳng”, ngoài lý tưởng, con đường mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin vạch ra đều vỡ mộng, bị nhân dân lao động từ chối, lên án và lịch sử phủ nhận.
Với linh hồn sống là phép biện chứng duy vật, về lý luận kinh tế là học thuyết giá trị thặng dư và phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản là học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội cùng với việc chỉ rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,... đã chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho đến nay vẫn là đỉnh cao trí tuệ nhân loại về khoa học xã hội, chưa gì có thể thay thế được. Việc bổ sung, phát triển hoàn thiện của các Đảng Cộng sản là tất yếu, song, không vì thế mà làm mất đi tính khoa học của nó. Với giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới, chủ nghĩa Mác – Lê-nin luôn là vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh tự giải phóng mình; còn với các giai cấp áp bức, bóc lột (nhất là giai cấp tư sản), chủ nghĩa Mác – Lê-nin mãi là nỗi khiếp đảm, sợ hãi nhất. Cho dù, họ cố tình bóp méo, xuyên tạc thế nào chăng nữa, chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn luôn trường tồn, với sức sống dẻo dai và giá trị bền vững xuyên suốt thời gian, không gian trong xã hội loài người.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, các chính trị gia tư sản phản động đã và đang hí hửng tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, rêu rao về sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa cộng sản, về “Sự tận cùng của lịch sử”, về “Chiến thắng không cần chiến tranh”, v.v. Thật đáng tiếc, có những người một thời được coi là người mác xít, giờ đây lại xuyên tạc, bác bỏ, công kích chủ nghĩa Mác – Lê-nin và cách mạng nước ta. Họ cho rằng, học thuyết đó đã “lỗi thời”, “bị lịch sử bỏ qua”(!) Để tăng thêm “sức nặng” quan điểm của mình, họ thường dùng các chiêu trò: viện dẫn những sai lầm, thiếu sót của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhất là Liên Xô (cũ), ra sức chứng minh “kinh tế tri thức, nền văn minh tin học không dung nạp chủ nghĩa xã hội”,… để rồi quy kết: “sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở một mảng lớn trên thế giới chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một sai lầm”(!). Họ hô hào thay Đại hội XII của Đảng bằng một “Hội nghị Diên Hồng thời đại mới để chung sức tìm ra một giải pháp chính trị cho đất nước đang lâm vào khủng hoảng và bế tắc”, v.v. Nhưng họ không hiểu hay cố tình không hiểu “Học thuyết Mác là học thuyết vạn năng, vì nó là một học thuyết chính xác. Đó là một học thuyết cân đối và hoàn bị, nó cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ sự mê tín nào, một hành vi phản động nào, một hành vi bảo vệ sự áp bức của tư sản”.
Thực tiễn cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu khởi phát năm 2008, nổ ra giữa tiền đồn của thế giới tư bản - Hoa Kỳ, đã tạo ra cái “bóng đen” bao trùm toàn xã hội về một sự trắng tay, với những khối tài sản khổng lồ do tước đoạt và tích lũy tư bản hàng ngàn đời nay, những nhà tư bản kếch sù cùng giới tài phiệt là nhanh chân hơn cả trong việc tìm đọc và nghiên cứu lại bộ Tư bản của C.Mác, hòng tìm cách “vá víu” lối thoát trước cảnh sinh - tử của mình. Trước tình cảnh đó, nhà xã hội học người Mỹ Michael Burawoy (2000) nhận xét, chủ nghĩa Mác như chiếc boomerang - càng cố tình ném nó đi xa thì càng khiến nó mau quay trở lại, vì cốt lõi của học thuyết này chính là sự phê phán sâu sắc chủ nghĩa tư bản. Ngay cả học giả có tư tưởng bảo thủ như Robert Kagan (2008) lại dùng chính ngôn từ “kết thúc của sự cáo chung của lịch sử” trước đó vốn ám chỉ chủ nghĩa Mác – Lê-nin để mỉa mai những người đã “mừng hụt” và bịa đặt về chủ nghĩa xã hội trên thế giới gần hai thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong cơn suy thoái của nước Mỹ và để cuộc tranh cử vào Nhà trắng lần hai thắng lợi, người đứng đầu nước Mỹ - Tổng thống Obama đã đưa ra các chủ trương, chính sách “nửa xanh, nửa đỏ” - tự do, công bằng, bình đẳng, về một xã hội “tiến lên xã hội chủ nghĩa”.
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, ngoài chủ nghĩa Mác – Lê-nin, các học thuyết về xã hội chỉ đặt ra việc cải tạo xã hội thông qua sự thay thế giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác để thống trị xã hội. Với lý luận về cách mạng xã hội và đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử. Ở đó, vấn đề trung tâm là lật đổ giai cấp bóc lột, đưa giai cấp những người lao động, trước hết là giai cấp công nhân trở thành chủ nhân đích thực của xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng đã chỉ ra đặc trưng riêng có, bản chất, sự sống còn của chủ nghĩa tư bản là dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Thiếu hai vấn đề cơ bản này thì chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản sẽ hoàn toàn biến mất khỏi đời sống nhân loại. Điều mà giai cấp tư sản và các bồi bút của nó luôn rắp tâm che đậy giai cấp những người làm thuê, bị bóc lột. Từ vận dụng phép biện chứng duy vật vào lĩnh vực xã hội, “chủ nghĩa Mác mở đường cho việc nghiên cứu rộng rãi và toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế – xã hội”. Với học thuyết giá trị thặng dư, chủ nghĩa Mác đã bóc trần nguồn gốc hình thành nên thu nhập của các nhà tư sản và giai cấp bóc lột trong chủ nghĩa tư bản, nhờ chiếm đoạt giá trị thặng dư của công nhân làm thuê. Điều mà những kẻ bóc lột, nhất là giai cấp tư sản muốn chôn vùi, che giấu nhân loại để biện minh cho sự giàu lên của họ trong sự bần cùng của giai cấp lao động làm thuê. Với những quy luật phổ biến mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra, có thể khẳng định, sự phát triển của nhân loại trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là một tất yếu và đã được dự báo cách đây hàng trăm năm. Điều đó, chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn là học thuyết khoa học, cách mạng duy nhất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lịch sử. Đời sống xã hội đương đại dù còn nhiều phức tạp và có thể còn phải trải qua biết bao thăng trầm, biến cố; cục diện thế giới dù có đổi thay thế nào chăng nữa, cũng luôn tuân theo những quy luật phổ biến đã được chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ ra.
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin mãi mãi là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta. Hơn tám thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phấn đấu, hy sinh làm cho đất nước hoàn toàn được độc lập, nhân dân được ấm no, dân tộc vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhờ được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ với tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc và nhân loại, Đảng đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân, đế quốc thắng lợi, mang lại nền độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước; khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phát triển; đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; quốc phòng, an ninh vững mạnh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, vị thế đất nước được tăng cường, quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở, hội nhập tích cực và sâu rộng với khu vực và thế giới, v.v. Đây là những điều mà không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn được hầu hết nhân dân và các chính phủ trên thế giới thừa nhận.
Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, những lúc gặp khó khăn, vấp váp, sai lầm trong tổ chức thực hiện, hoặc bị công kích, bài bác từ nhiều phía, đã nảy sinh không ít những tư tưởng lo ngại về nền tảng tư tưởng của Đảng. Song cần nhận thức, vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trên cả ba phương diện: Lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là lập trường duy vật, cách mạng triệt để. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là khoa học, xuất phát từ thực tiễn, phát hiện quy luật và làm theo quy luật. Phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phương pháp biện chứng. Đây cũng là lập trường, quan điểm, phương pháp của tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp ấy, phải đứng trên quan điểm, lập trường, phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để từ đó vận dụng giải quyết những vấn đề cách mạng nước ta, thời cục, thời đại đặt ra và phân biệt rõ các vấn đề: những luận điểm nào trước kia, bây giờ vẫn đúng; những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử hiện nay thay đổi, không còn phù hợp, cần phải bổ sung, phát triển hoặc thay đổi; những luận điểm mà C.Mác, V.I.Lê-nin đã phát hiện sai và đã sửa; những luận điểm nào chúng ta hiểu không đầy đủ, hiểu sai do nghiên cứu không thấu đáo, hoặc hiểu theo cách hiểu không đúng của người khác, đảng khác, v.v. Đây là những vấn đề lý luận, quan điểm lớn, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thông qua thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, làm cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin ngày càng phát huy, phát triển sống động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta.
Trước những thời khắc trọng đại của dân tộc, càng nghiên cứu, học tập và quán triệt, chúng ta càng thấy rõ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng, sự phù hợp với Việt Nam của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; bác bỏ những xuyên tạc, bịa đặt vô lối của các tư tưởng, quan điểm thù địch, sai trái. Bài học đầu tiên mà Đảng ta nêu trong Đại hội XII: “trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam” đã khẳng định rõ điều đó.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN QUANG, Viện Khoa học Xã hội và nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng
Chủ nghĩa Mác,Lê-nin,học thuyết khoa học,cách mạng
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm