Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:46 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày 01-9-2013, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chính thức có hiệu lực. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm cho in-tơ-nét ở Việt Nam phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước sự kiện này, một số cá nhân và tổ chức ở nước ngoài đã có những ý kiến với động cơ không lành mạnh.
Những tổ chức và cá nhân nêu trên tỏ ý “quan ngại” đối với một số điều, khoản trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 72) của Chính phủ Việt Nam quy định về phân loại trang thông tin điện tử. Họ cho rằng, các khoản 3, 4, 5 của Điều 20 “tiềm ẩn nguy cơ bị vận dụng để ngăn cấm công dân Việt Nam thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, thu nhận và chia sẻ thông tin đã được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”.
Cần khẳng định ngay rằng, đó là sự suy diễn chủ quan, không có cơ sở. Bởi lẽ, toàn bộ Điều 20, Nghị định 72 không hề đề cập đến các quyền: tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin,… như Điều 69, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nêu và được Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đang lấy ý kiến của nhân dân) tiếp tục khẳng định. Điều 20 này cũng không liên quan gì đến vấn đề thuộc khoản 2, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) cũng như Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc (năm 1948) quy định về quyền tự do ngôn luận, tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin. Điều 20, Nghị định 72, ngay từ tên gọi, đã nêu rõ là “Phân loại trang thông tin điện tử”; theo đó, trang thông tin điện tử bao gồm: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành; mỗi loại hình có đặc trưng riêng; loại hình nào phải chịu chế tài quản lý đối với loại hình đó.
Việc phân loại trang thông tin điện tử như vậy có mục đích giúp cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động cung ứng, khai thác dịch vụ công nghệ thông tin cũng như sử dụng dịch vụ trang thông tin điện tử nhận thức được đặc điểm, tính chất, phạm vi ứng dụng của trang thông tin điện tử mà mình khai thác, sử dụng, để tự điều chỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Về phía nhà quản lý, việc phân loại trang thông tin điện tử tạo điều kiện thực hiện các chức năng quản lý đúng với luật định, bảo đảm cho in-tơ-nét ở Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng hướng, ngăn chặn những cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin điện tử để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Với mục đích như vậy, việc phân loại trang thông tin điện tử chẳng những không cản trở việc thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin,… mà trái lại, còn tạo hành lang pháp lý để các quyền đó được bảo vệ và phát huy đầy đủ trong thực tế.
Những người có ý kiến “quan ngại” cho đất nước Việt Nam về vấn đề này hẳn nhận thức được tính hai mặt của in-tơ-nét hiện nay. Bên cạnh những ứng dụng tích cực, mà đa số các quốc gia trên thế giới đang ra sức phát triển, khai thác, thì hệ lụy của nó cũng bộc lộ gay gắt. Từ khi xuất hiện những tiện ích mới dưới dạng các trang mạng xã hội (blog, facebook, twitte,…) cho phép con người có thêm cách thức để giao tiếp, kết nối, chia sẻ thông tin, dường như ai cũng nhận thấy thứ phương tiện này nếu không được kiểm soát, quản lý thì hậu quả sẽ khó lường; bởi lợi dụng tính ứng dụng mới của nó, những chuyện bới móc đời tư, bịa đặt, nói xấu, chỉ trích người này, người khác, xâm phạm quyền tác giả, công bố bí mật của quốc gia,… đã xảy ra. Hệ quả tất yếu là mâu thuẫn xã hội, những vấn đề “khó xử” của cá nhân, tổ chức, kể cả của giới lãnh đạo các quốc gia cũng nảy sinh và diễn biến phức tạp. Các vụ tự tử vì không chịu được áp lực do bị bôi nhọ danh dự, uy tín, đời tư hay những vụ xả súng giết người hàng loạt do bị kích động, có lý do từ giao tiếp ảo trên mạng,… ngày càng gia tăng, khiến các cơ quan pháp luật cũng phải vào cuộc. Gần đây nhất, vụ binh sĩ Mỹ Bradley Manning tiết lộ tài liệu mật của quân đội Mỹ cho trang mạng WikiLeaks, dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ và vụ Edward Snowden tiết lộ bí mật hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ, khiến chính phủ Mỹ rất choáng váng, lúng túng trước các phản ứng của nhiều quốc gia, trong đó có cả những đồng minh thân cận của Mỹ, là những ví dụ điển hình về mặt trái của in-tơ-nét. Chẳng thế mà trên thế giới hiện nay, việc tìm cách khắc phục điều này đang là vấn đề nóng, được hầu hết các quốc gia quan tâm.
Đối với Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp, khai thác dịch vụ in-tơ-nét mở rộng thị phần đến mọi vùng, mọi đối tượng1. In-tơ-nét phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có điều kiện được tiếp cận thông tin, trao đổi, tìm hiểu, học hỏi, khám phá…, thiết thực nâng cao trình độ dân trí, năng lực làm chủ xã hội, làm chủ đất nước,… Tuy nhiên, chính in-tơ-nét, nhất là mạng xã hội cũng là thủ phạm gây ra nhiều phiền toái từ gia đình (là tế bào của xã hội) đến phạm vi quốc gia. Cũng giống như ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam gần đây cũng đã xuất hiện những trường hợp học sinh, sinh viên nghiện facebook, phụ thuộc vào thế giới ảo, bế tắc trong cuộc sống thực và tìm cách giải thoát bằng những biện pháp tiêu cực, thậm chí bằng cả cái chết khi bị “ném đá” trên mạng xã hội. Trên lĩnh vực thông tin, tình trạng đăng lại hoặc “xào xáo” tin tức từ báo điện tử và trang thông tin tổng hợp một cách tùy tiện, không xin phép và việc sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân (trang mạng xã hội) như hình thức của báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp,… đang diễn ra khó kiểm soát, do thiếu một chế tài chặt chẽ. Đáng chú ý là, đã có những người lợi dụng tiện ích của mạng xã hội để thực hiện các mục đích không lành mạnh, như bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác hay truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, xấu độc, làm ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Một số đối tượng (cả trong và ngoài nước) đã sử dụng các trang mạng xã hội để công khai xuyên tạc, phủ nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam; công kích quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lôi kéo, kích động người dân có hành vi chống đối chế độ, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Trên lĩnh vực quản lý in-tơ-nét, đã xuất hiện khá phổ biến tình trạng kẻ gian xâm nhập thiết bị để phá hoại hệ thống, lấy cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển thiết bị, làm ngưng trệ hệ thống quản trị, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ in-tơ-nét tên miền quốc gia Việt Nam,… Từ thực tế đó, việc tìm giải pháp ngăn chặn sự phá hoại môi trường in-tơ-nét của Việt Nam là một tất yếu. Việc phân loại trang thông tin điện tử được đề cập trong Nghị định 72 chính là cách giúp cho các nhà quản lý trên lĩnh vực thông tin, truyền thông có cơ sở để đưa hoạt động của các loại hình trang thông tin điện tử đi vào nền nếp; khắc phục những biểu hiện không lành mạnh nêu trên.
Thiết nghĩ, sự cần thiết của việc ban hành Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có một số người cố tình không hiểu; vẫn tỏ ra “quan ngại”, nghi ngờ về nội dung của Nghị định; thậm chí còn om xòm kiến nghị, đòi “xem xét lại” (?). Vì sao họ lại như vậy? Mấu chốt ở đây là, việc phân loại tường minh các loại hình trang thông tin điện tử và những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của chủ thể cũng như sự trung thực, nhất là của trang thông tin điện tử cá nhân mà Nghị định 72 đề cập đã đụng chạm tới thói quen lâu nay của một số cá nhân chuyên sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, bóp méo sự thật, tuyên truyền, kích động, chống Đảng, Nhà nước Việt Nam…, làm cản trở “đất dụng võ” của họ.
Để rộng đường dư luận, cần phải trao đổi để mọi người khỏi lầm lẫn, nhất là về việc trích dẫn các văn bản pháp luật không nên bị cắt xén. Nên hiểu, các văn bản pháp luật mang tính quốc tế mà Việt Nam tham gia đều chặt chẽ về nội dung; trong đó, các điều, khoản có sự liên quan, chế ước lẫn nhau. Đơn cử, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc (năm 1948), một mặt, khẳng định quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm, tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức,… (Điều 19); mặt khác, cũng chỉ rõ “bổn phận đối với cộng đồng” của mỗi người và quy định rõ trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người “phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ” (khoản 2, Điều 29)2. Tương tự, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) trong khi khẳng định quyền tự do ngôn luận, tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin,… (khoản 2, Điều 19), cũng đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện những quyền đó phải “chịu một số hạn chế nhất định,… những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”3. Tinh thần của các văn kiện quốc tế đó cũng được quán triệt và vận dụng vào Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; trong đó, Ðiều 69, Hiến pháp năm 1992 và Điều 26, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin của công dân; đồng thời, cũng chỉ rõ các quyền đó phải được thực hiện “theo quy định của pháp luật”… Vậy thì, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 72 đâu có mâu thuẫn gì với tinh thần của các văn bản pháp lý nêu trên. Đó chính là những “hạn chế theo luật định”, những “quy định cần thiết của pháp luật” về “bổn phận đối với cộng đồng” của mỗi người,… đang ngày càng được Nhà nước Việt Nam bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Không lẽ, việc phân loại trang thông tin điện tử để quản lý, cũng như việc xác định các hành vi bị cấm, như: lợi dụng in-tơ-nét để tuyên truyền chống Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây hận thù, chia rẽ đoàn kết dân tộc hay cản trở việc cung cấp, truy cập thông tin hợp pháp,… lại bị coi là “vi hiến”, là “mơ hồ”, như có người to tiếng!
Rõ ràng, tinh thần của Nghị định 72 là minh bạch và cởi mở. Vì thế, những người sử dụng in-tơ-nét ở Việt Nam không có gì phải e ngại. Thấu hiểu tính hai mặt của in-tơ-nét, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Nghị định 72 và cảnh giác trước những chỉ trích mang động cơ xấu đối với Nghị định này của một số người chuyên “chọc, ngoáy” là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân.
NGUYỄN HỌC ______
1 - Theo số liệu thống kê của Trung tâm số liệu in-tơ-net quốc tế, Việt Nam xếp hạng 18/20 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng in-tơ-net lớn nhất thế giới và đứng thứ 8 ở châu Á, với trên 31 triệu người, chiếm khoảng 35% dân số.
2 - http://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF_Nh%C3%A2n_quy %E1%BB%81n.
3 - http://hcrc.hcmulaw.edu.vn/index.php?option= com_content&view=article&id=11:cong-c-quc-t-v-cacquyn-dan-s-chinh-tr-1966&catid=6:b-lut-nhan-quyn-quc-t& Itemid=20.
Nghị định 72,
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm