Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:30 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đây là chiến thắng của tinh thần yêu nước, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, mang tầm vóc thời đại. Song, một số người vì sự thù hận cá nhân đã không chịu thừa nhận, hơn thế còn tuyên truyền, xuyên tạc hạ thấp giá trị sự kiện lịch sử trọng đại này.
Nhân dân Sài Gòn xuống đường mừng chiến thắng. (Ảnh Tư liệu)
Chiến thắng 30-4-1974 là chiến công lẫy lừng của quân và dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là yếu tố quyết định hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thu giang sơn về một mối. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những tiền đề quan trọng và là động lực to lớn để nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nó không những có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, mà còn mang tầm vóc thời đại, góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khắp năm châu. Sự thật lịch sử đó rất rõ ràng, là không thể phủ nhận. Cả thế giới hân hoan, chia sẻ niềm vui chiến thắng với dân tộc Việt Nam và từ đáy lòng luôn coi đó là chiến thắng của chính mình. Vậy mà, vẫn có những kẻ không thấy hoặc cố tình không thấy sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy đó. Hơn thế, một số người được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận và cho rằng chiến thắng đó là vô nghĩa. Thật lố bịch, nực cười! Họ biện minh một cách vụng về và kệch cỡm cho cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ tiến hành tại Việt Nam và xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta. Họ còn ngụy biện trắng trợn rằng: đó là cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, “không có kẻ thua, người thắng, chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”, rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này”, v.v. và v.v.
Sự thật lịch sử của chiến thắng 30-4-1975 là điều không phải bàn cãi. Có chăng chúng ta làm rõ vấn đề này để thêm tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta; đồng thời, vạch mặt những kẻ thù địch, những kẻ bán nước cầu vinh, phản bội Tổ quốc, cố tình phá hoại sự phát triển của đất nước, của cách mạng Việt Nam. Trở lại lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, với bản chất của kẻ xâm lược, được sự hậu thuẫn của các nước đế quốc, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã làm hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh. Thế nhưng, “chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới”, nên ta buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (tháng 10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi bắt buộc phải kháng cự lại lũ xâm lăng ấy để bảo vệ gia đình, Tổ quốc chúng tôi”[1]. Chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta với chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Lẽ ra, với chiến thắng đó, nhân dân ta đã có hòa bình, Tổ quốc ta đã độc lập, thống nhất.
Nhưng với âm mưu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và khu vực, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào xâm chiếm nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, phục vụ cho mưu đồ sen đầm khu vực. Mỹ đã đưa vào đây hơn nửa triệu quân và sử dụng tất cả các loại vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhất, kể cả vũ khí hóa học với mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta, buộc chúng ta phải khuất phục. Điển hình của sự thảm khốc, tàn bạo đó là quân đội Mỹ đã dùng pháo đài bay B.52, ném bom hủy diệt Hà Nội và một số thành phố khác, hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. “Cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn ngừng”, như thế, thử hỏi cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược Mỹ liệu có thể tránh được?
Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, luôn thiết tha hòa bình, khát vọng hạnh phúc, nhưng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự tồn vong của dân tộc buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược. Những hành động chà đạp lên độc lập, chủ quyền lãnh thổ, can thiệp, áp đặt,… là điều trái với luân thường, đạo lý và luật pháp quốc tế. Ở đâu có tình trạng đó, tất yếu nhân dân sẽ đứng lên chống lại. Điều đó, càng không thể được đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có truyền thống quật cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cần nhắc lại cho ai đó, do không nhớ, hay cố tình quên rằng: đế quốc Mỹ đã rắp tâm phá hoại cuộc Tổng tuyển cử tháng 7 năm 1956 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954) về lập lại hòa bình ở Đông Dương; ở miền Nam Việt Nam, Mỹ lập ra chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với “Luật 10-59” tàn ác, lê máy chém khắp miền Nam; đó còn là sự tạo cớ của Hải quân Mỹ ở Vịnh Bắc bộ năm 1964 để leo thang đánh phá miền Bắc, v.v. Chính vì thế, nhân dân ta đã buộc phải cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong cuộc chiến này, chỉ có người Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, chứ không có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam, hay một cuộc “nội chiến”, một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”. Một cuộc chiến đấu vì những điều cao quí nhất: độc lập, tự do, dân sinh, dân chủ, nhân quyền và vì đạo lý, nhân phẩm, sao có thể coi là cuộc chiến đấu vô nghĩa?
Với chân lý “không có gì quí hơn độc lập, tự do”, “Nam Bắc một nhà”, “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”[2], “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”[3], dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã đồng tâm, hiệp lực, không ngại hi sinh, gian khổ, đoàn kết chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai giành thắng lợi với mốc son chói lọi là Đại thắng Mùa xuân 30-4-1975. Năm, tháng qua đi, nhưng đối với mỗi người dân đất Việt, những kí ức sâu lắng, hào hùng về một thời oanh liệt đó vẫn còn nguyên vẹn. Ai cũng biết chiến tranh là phải hi sinh, vô cùng gian khổ, vô cùng quyết liệt, nhưng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, toàn dân ta đã ra trận. Có những câu hát, bài thơ của ngày ấy cho đến bây giờ vẫn như đang thôi thúc chúng ta: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Có những ngày vui sao, cả nước lên đường/Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/Xóm dưới làng trên, con trai con gái/Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu”, v.v. Sự ác liệt của chiến tranh không thể ngăn nổi lòng yêu nước, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của quân và dân ta, mà ngược lại, càng tôi thêm chất thép cho những tấm lòng và hành động cao đẹp, luyện thành bản lĩnh và khí phách Việt Nam. Cả một thời chống Mỹ, thử hỏi ở mỗi làng, mỗi xã, mỗi thị trấn, thành phố trên đất nước ta, có gia đình nào là không có đóng góp, không có sự hy sinh. Với vai trò là “hậu phương lớn” cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, v.v. Thực hiện mục tiêu duy nhất “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở tiền tuyến lớn miền Nam, với tinh thần “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, hàng triệu triệu người đã tham gia Quân giải phóng, dân quân, du kích hay “đội quân tóc dài”. Có biết bao chàng trai, cô gái đã hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Biết bao bà mẹ phải hy sinh đứa con độc nhất hoặc cả chồng con của mình. Có bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tiễn chồng và 9 người con mình ra trận, mà họ mãi mãi không về. Hàng triệu chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể, v.v. Tất cả để chiến thắng kẻ thù xâm lược, để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Ngày Chiến thắng của dân tộc ta được bè bạn quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 30-4-1975, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã gửi điện chúc mừng: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam một lần nữa chứng minh hùng hồn rằng, nhân dân một nước, dù là nhân dân một nước nhỏ, miễn là dám vùng dậy đấu tranh, dám cầm vũ khí, lấy chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa, thì nhất định có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào”[4]. Điện mừng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cu-ba khẳng định: “Trong hơn 20 năm qua, toàn thể nhân dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, với chủ nghĩa anh hùng tuyệt vời đã chiến đấu chống lại những hình thức xâm lược đế quốc tàn bạo nhất… Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới cho nhân dân Việt Nam”[5]. Ngay cả những người ở phía bên kia cũng không thể phủ nhận ý nghĩa chiến thắng đó: trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Robert S.McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không chỉ thừa nhận thất bại, coi đó là “một thảm kịch”, mà còn coi đây là cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ gây ra do những sai lầm về chính trị của nhiều đời tổng thống[6]. Trong những sai lầm đó, có những sai lầm về “Đánh giá sai những chủ đích địa chính trị của các đối thủ, đã phóng đại những mối nguy hại của họ đối với nước Mỹ”, hoặc “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh tinh thần dân tộc của họ” và “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hóa và chính trị của nhân dân Việt Nam”[7]. Còn theo ông Trần Chung Ngọc, nguyên Giáo sư Trường Đại học Wisconsin (Mỹ), từng giảng dạy tại Trường Võ bị Quốc gia Đà lạt, thì ngày chiến thắng đó “không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào”. Chiến thắng đó, “đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc gia, không Cộng sản, không Nam, không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh, khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc”[8], v.v. Đó là sự thật hiển nhiên. Vậy mà “các vị” lại nhẫn tâm lãng quên sự hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc trên Đất nước hình chữ S. “Các vị” còn cố tình biện minh cho kẻ xâm lược và bè lũ tai sai bán nước. “Các vị” hãy sờ tay lên trán, tự vấn lương tâm, xem liệu còn xứng là con dân Đất Việt?
Đại thắng Mùa xuân 1975 là mốc son chói lọi mở ra một trang sử mới, vị thế mới cho dân tộc Việt Nam, đưa lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc, bảo đảm cho nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, tự do lựa chọn tương lai tươi sáng của mình - đó là tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, thế và lực của nước ta đã nâng lên ở tầm cao mới. Việt Nam không chỉ là “lương tâm và trí tuệ của loài người”, biểu tượng của “chủ nghĩa Anh hùng cách mạng” mà còn là tấm gương “xóa đói, giảm nghèo”, là điểm sáng thu hút bạn bè đến đầu tư, thăm quan, du lịch. Công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta đã và đang đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v. Vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam tham gia ngày càng mạnh mẽ vào đời sống chính trị thế giới. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó quan hệ đối tác Chiến lược và đối tác Toàn diện với 13 nước. Việt Nam, là: thành viên chính thức của WTO; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009; Ủy viên Hội đồng Nhân quyền tại Đại hội đồng LHQ (khóa 68); Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017; Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện IPU-132, v.v. Trước tác động của suy thoái kinh tế, nhiều nước trên thế giới và khu vực không giữ được ổn định thì tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Năm 2014, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại vẫn đạt được những kết quả tích cực: tăng trưởng 5,98%; xuất khẩu tăng 13,6% với kim ngạch đạt hơn 150 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước vượt 4%. Việt Nam đã đạt được năm trong số tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành hai mục tiêu nữa trong năm 2015. Đặc biệt, quý 1 năm 2015, khi các nước khu vực Đông Nam Á phải chật vật chống đỡ với giá dầu giảm, giá đô-la tăng thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt 6,03%; niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7% so cùng kỳ năm 2014, v.v.
Những thành tựu của ngày hôm nay không thể có được nếu đất nước không được độc lập, không thống nhất, người dân không làm chủ được vận mệnh của mình. Thử hỏi, mốc son chói lọi Đại thắng Mùa xuân 1975 đã đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử thế giới, tại sao lại là vô nghĩa, trong khi gần 90 triệu người dân Việt Nam và những lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn tự hào về chiến thắng này! Bởi, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử vô cùng to lớn mà không một ai, một thế lực nào có thể phủ nhận được. Nó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[9]./.
VINH HIỂN
[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 67.
[2]- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 627.
[3] - Sđd - Tập 4, tr. 280.
[4] - Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta. Nxb Sự thật, H.1977, tr. 31.
[5] - Sđd, tr. 72.
[6] - 5 đời tổng thống Mỹ, kéo dài 222 tháng và 4 lần thay đổi “Chiến lược chiến tranh”.
[7] - Robert McNamara - 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Dẫn theo Dân trí, 22-4-2005.
[8] - Theo Chuyên đề An ninh thế giới, Số 132, ngày 30-4-2011.
[9] - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 471.
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm