Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 13/10/2015, 08:23 (GMT+7)
Ai là người mang lại quyền con người cho người dân Việt Nam?

Lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam là thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch. Càng gần đến Đại hội XII của Đảng họ lại càng ra sức chống phá quyết liệt hơn. Thế nhưng, họ cố tình quên rằng chính họ đã gây nên những nghịch lý về nhân quyền ở Việt Nam và quyền con người ở Việt Nam có được chính là do Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam mang lại.

 

Không phủ nhận rằng về phương diện lịch sử, chế định quyền con người ra đời từ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Ngày nay, khi nói về lịch sử chế định quyền con người, người ta thường nhắc tới “Luật về các quyền của Anh” năm 1689, “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1789 của Pháp. Trong đó, hai văn kiện của Mỹ và Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam năm 1945.

Thế nhưng, từ khi xuất hiện chủ nghĩa đế quốc (vào thế kỷ XIX) với các cuộc chiến tranh xâm lược, mở rộng thị trường…, các chính quyền thực dân đã không thực hiện các giá trị tự do, bình đẳng, bác ái với các dân tộc thuộc địa. Trái lại, chính các cuộc xâm lược đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho các dân tộc bằng sự áp đặt chế độ thuộc địa, đồng thời duy trì chế độ phong kiến bản địa hà khắc để bóc lột lao động và cướp bóc tài nguyên của các dân tộc bị áp bức. Ở nước ta, đó chính là cuộc xâm lược và các chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp từ năm 1858 đến năm 1954. Hậu quả của cái mà họ nói “khai hóa” cho nhân dân Việt Nam là: vào cuối năm 1944, đầu năm 1945 trên địa bàn từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc Bộ đã diễn ra nạn đói khủng khiếp, đau thương, nhất là tỉnh Thái Bình[1].  Theo nhiều nghiên cứu, riêng từ tháng 01 đến tháng 5-1945, số người chết đói lên đến trên 2 triệu người, gần bằng 10% dân số Việt Nam lúc đó! Đây là nghịch lý đầu tiên về nhân quyền diễn ra ở Việt Nam.

Sau khi nhân dân ta giành được độc lập, thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược hòng xóa bỏ thành quả Cách mạng Tháng Tám do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến Việt Nam thành hai quốc gia riêng biệt. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ - quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí mang tính hủy diệt. Họ dùng máy bay B52 ném bom vào thành phố, các xóm làng bình yên, hòng đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Trong 10 năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu héc-ta rừng và đất nông nghiệp. Ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người cả Việt Nam và Mỹ, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam, v.v. Cần phải nhắc lại: sau khi Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (tháng 4-1975), các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề nhân quyền để bao vây, cấm vận và thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước của nhân dân ta. Đây là nghịch lý thứ hai về nhân quyền diễn ra ở Việt Nam.

Sau sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7-2013), với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai nước; đồng thời, mở ra con đường giải quyết những vấn đề bất đồng về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Song, trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015), một số người “bất đồng chính kiến” còn lợi dụng tư duy cũ về sự khác biệt giữa hai chế độ để “củng cố” thêm rào cản nhân quyền giữa hai quốc gia với tham vọng gây thêm khó khăn cho Việt Nam. Họ “gợi ý” cho chính quyền của Tổng thống B. Obama rằng, “Việt Nam muốn được Hoa Kỳ cho tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)” thì phải thay đổi chế độ xã hội, phải sửa đổi pháp luật, phải thả tất cả “tù nhân lương tâm”, “tự do ngôn luận, cho ra báo chí tư nhân”, cho “lập hội, đoàn độc lập”. Những việc làm phi lý nêu trên của họ thể hiện sự thù địch và hơn thế vi phạm nhân quyền đối với một quốc gia, dân tộc, đồng thời cản trở sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ - Việt Nam, trong khi thực tế đang có sự tiến triển tích cực.

Những năm qua, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam, trước hết trong lĩnh vực kinh tế: xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục. Nếu năm 2000, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 800 triệu USD thì đến năm 2014, con số này đã là 29,4 tỷ USD, tăng gần 36 lần. Trong điều kiện hai nước đã trở thành đối tác toàn diện, nhiều vấn đề nhân quyền đã và sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hoa kỳ đã và đang triển khai nhiều hoạt động, như: rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, v.v. Việt Nam cũng làm nhiều việc, như: phối hợp với đối tác Hoa Kỳ trong những hoạt động trên; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, v.v. Như vậy, trong quan hệ chính thức, cấp quốc gia, sự khác biệt về tư duy chính trị (trong đó bao hàm chế độ xã hội) trong quan hệ đối ngoại giữa hai quốc gia đã có những thay đổi tích cực bước đầu (gắn với chế độ chính trị). Tất nhiên, những khác biệt về vấn đề này giữa hai quốc gia cần tiếp tục được khắc phục dù vẫn biết không thể trong “một sớm một chiều”, nhưng chí ít không là rào cản chính trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Nói vậy để thấy, nghịch lý về nhân quyền không phải không còn tồn tại đối với Việt Nam. Bởi, nó xuất phát từ những chủ thể phi chính thức trong quan hệ đối ngoại và cả ở không gian mạng. Nghịch lý đó do một số người cực hữu trong Hạ nghị viện Hoa Kỳ và một số người tự xem là “người bất đồng chính kiến” ở trong và ngoài nước gây ra. Gần đây (ngày 18-6-2015), tại Hạ nghị viện Hoa Kỳ đã diễn ra cuộc “điều trần về nhân quyền, tôn giáo Việt Nam” do Hạ nghĩ sỹ Chris Smith, Tiểu Ban Nhân Quyền Hạ viện Hoa Kỳ chủ trì. Những nội dung được “điều trần” nhằm chuẩn bị cho cái gọi là “Dự luật nhân quyền cho Việt Nam” chỉ là những thông tin sai lệch về tình hình thực tiễn ở Việt Nam, do những trang mạng chống Cộng cung cấp. Ở trong nước, những người “bất đồng chính kiến” ra sức xuyên tạc, bôi nhọ chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điệp khúc mà họ thường rêu rao là: chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là chế độ “độc tài toàn trị”. Theo họ, những người vi phạm pháp luật bị xử lý là “dân oan”, là “người bất đồng chính kiến”, người “chống tham nhũng”, “người yêu nước”, v.v. Thật xấu hổ khi họ không tự hỏi, trên thế giới có quốc gia nào không xử lý những kẻ vi phạm pháp luật? Mục tiêu của họ đã rõ ràng là lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống Đảng, chế độ. Họ cố tình ngụy biện cho giải pháp mà họ đưa ra là chuyển chế độ “độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam” sang chế độ “dân chủ, dân tộc”.

Ai cũng biết kinh tế Việt Nam hiện nay còn gặp khó khăn cả về thị trường nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng tới công ăn, việc làm, thu nhập của người lao động. Như vậy, việc cố tình gây khó khăn cho Việt Nam giải quyết những vấn đề kinh tế nói trên, tác động tiêu cực đến đời sống của người lao động chẳng phải là một “nghịch lý về nhân quyền” được những người “bất đồng chính kiến” tạo ra đó sao?

Tuy nhiên, những “nghịch lý về nhân quyền” nói trên đã không có cơ hội để tồn tại. Bởi, nền dân chủ của Việt Nam đang đi vào cuộc sống với những sự kiện sống động. Chẳng hạn: chế độ bảo hiểm, tiền lương của người lao động, cơ chế dân chủ, nhất là vai trò của Công đoàn được bảo đảm. Tháng 6-2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau một năm nghỉ việc theo kiến nghị của người lao động. Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội…, theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Hoặc gần đây, là vấn đề về mức tăng lương tối thiểu, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động theo cơ chế “ba bên” của chế độ ta. Rõ nhất là, mới đây Đảng ta đã đưa ra lấy ý kiến toàn dân về các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; qua đó, tiếp thu những đóng góp hợp lý của nhân dân để Đảng bổ sung, hoàn thiện đường lối lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, người dân Việt Nam ngày càng được tham gia sâu rộng hơn vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Sự thực trên minh chứng rõ rằng: Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam đã và đang phấn đấu nỗ lực hết mình để bảo đảm quyền con người ngày một tốt hơn. Thực tiễn đời sống xã hội ở nước ta đã khẳng định điều đó, không có chỗ để những kẻ lợi dụng vấn đề “nhân quyền” lải nhải những điều phi lý và vô nghĩa về quyền con người ở Việt Nam./.

 

BẮC HÀ

 


[1]- Theo con số ghi chép từ cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam- những chứng tích lịch sử” của GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải- Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.