Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:01 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Phóng viên (PV): Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ hai nước được nhắc đến như là đối tác chiến lược và tốt đẹp chưa từng có. Xin ông cho biết một vài đánh giá của mình về vấn đề này?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Tôi cảm thấy thực sự vui vì đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức long trọng và hết sức thành công tại hai nước nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Cá nhân tôi năm nay cũng rất may mắn khi được nhận Huân chương hữu nghị từ Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mối quan hệ đối tác chiến lược mà là hai nước bạn bè cùng chung nhịp đập trái tim. Đối với Nhật Bản, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Việt Nam là quốc gia có thể dùng cụm từ “dĩ tâm truyền tâm” có nghĩa là người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời để nói. Tôi nghĩ rằng Việt Nam chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy nhất. Thật tuyệt vời khi đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức trong dịp kỷ niệm 40 năm này và qua đó sự tin cậy hiểu biết giữa người dân hai nước ngày càng thêm sâu sắc.
Tôi vốn dĩ rất thích nghe các bài hát của Nhật Bản nhưng khi được nghe các bài hát Việt Nam tôi thấy rằng có rất nhiều bài hát Việt Nam rất hay và dễ dàng đi vào lòng người dân Nhật. Cả các điệu múa cũng vậy. Quả thực, văn hóa hai nước rất gần gũi nhau. Tôi cũng có dịp đi thăm một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, và có rất nhiều lời khen tặng đối với sự cần cù của người Việt Nam. Người Nhật thường được khen rằng rất cần cù nhưng tôi thấy rằng người Việt Nam còn cần cù hơn cả người Nhật.
Tôi có thể nói rằng xét trên nhiều khía cạnh, người Việt Nam và người Nhật Bản là những đối tác có thể hợp tác với nhau, có thể tin cậy lẫn nhau về lâu về dài. PV: Cả khi còn giữ chức vụ Thủ tướng và bây giờ không giữ cương vị đó, ông đều có rất nhiều cống hiến cho quan hệ hai nước. Xin ông chia sẻ về những điều mà ông đã làm được và những điều mà ông dự định sẽ làm trong tương lai?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Trong thời gian làm thủ tướng, tôi đã ba lần gặp chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu tính cả không chính thức chắc còn nhiều hơn. Và chúng tôi đã xây dựng được một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai thủ tướng cũng như giữa hai đất nước.
Sau khi không làm thủ tướng nữa, tôi đã có khoảng năm lần đến Việt Nam và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi cũng có dịp diện kiến cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi các vị đến thăm Nhật Bản. Lần này, tôi cũng sẽ gặp và nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa những nhà lãnh đạo quả là điều đáng giá đối với Nhật Bản. Do đó, điều tôi cảm thấy mình đã làm tốt nhất chính là việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy này.
Nhân đây tôi cũng muốn nói đến sự kiện 11-3 cách đây hai năm rưỡi khi Nhật Bản phải hứng chịu trận động đất sóng thần và gặp phải sự cố hạt nhân. Khi đó, người dân Việt Nam đã dành cho Nhật Bản những tình cảm thật ấm áp. Điều đó cho thấy, bên cạnh quan hệ tin cậy giữa những nhà lãnh đạo, hai nước chúng ta còn xây dựng được tình cảm ấm áp giữa người dân hai nước. Đó là điều đáng giá thứ hai. Sau sự cố hạt nhân, Nhật Bản phải xem xét lại nhiều mặt chính sách năng lượng hạt nhân của mình để nâng cao hơn nữa độ an toàn. Trong tình hình đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tin tưởng điện hạt nhân của Nhật Bản. Đó cũng là điều đáng quý đối với Nhật Bản. Và điều tôi muốn làm để đóng góp cho quan hệ hai nước chính là giáo dục. Nhật Bản sau chiến tranh đã nhanh chóng phát triển thành một nước công nghiệp. Tôi nghĩ rằng điều cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay là nhanh chóng đào tạo thật nhiều những kỹ thuật viên trẻ lành nghề có khả năng đáp ứng ngay công việc như vậy. Để làm được điều đó, tôi mong muốn Việt Nam áp dụng hệ thống trường đào tạo nghề chuyên nghiệp của Nhật Bản. Tôi sẽ đề nghị với các nhà lãnh đạo Việt Nam về ý tưởng này. Tất cả mới chỉ vừa bắt đầu. Thêm một điều tôi muốn làm nữa đó là tạo ra một môi trường thuận lợi cho người Nhật sống và làm việc ở Việt Nam bởi ngày càng có nhiều người muốn đến làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Ví dụ như: xây dựng một trung tâm y tế nơi người Nhật có thể đến khám chữa bệnh để yên tâm làm ăn tại Việt Nam. Cụ thể là trong năm nay chúng tôi đã làm việc với tỉnh Hà Nam và được biết tỉnh Hà Nam rất mong muốn có một trường đào tạo nghề như của Nhật Bản. Có thể chúng tôi sẽ mời những giáo viên của các trường dạy nghề chuyên nghiệp của Nhật Bản sang Việt Nam.
Sẽ có những khó khăn trong việc tạo dựng môi trường cho các giáo viên Nhật phát huy khả năng cũng như khó khăn do rào cản ngôn ngữ. Tôi nghĩ rằng cần phải suy tính trong khoảng hai năm để tìm ra phương án tốt nhất. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang rất quan tâm đến chủ đề này. Do đó, chúng tôi sẽ phải thúc đẩy nhanh chóng ý tưởng này.
Một điều khác mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất quan tâm là vấn đề công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản. Khác với Mỹ với nền nông nghiệp quy mô lớn, cả Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều điểm chung với một nền nông nghiệp quy mô nhỏ. Tôi tính đến việc áp dụng mô hình nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam bao gồm cả hệ thống tưới tiêu cũng như việc ứng dụng công nghệ IT trong nông nghiệp.
PV: Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản không chỉ là vì hai quốc gia mà còn vì hoà bình, an ninh và phồn vinh của khu vực. Hai nước đang hợp tác tổ chức Hội nghị cấp cao Nhật Bản và các nước khu vực sông Mekong, thành lập cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh tình hình khu vực đang có những diễn biến phức tạp, hai nước từ nay cần làm gì để cống hiến cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Theo tôi, mô hình sẽ là cộng đồng kinh tế chung ASEAN cộng thêm nhiều nước khác nhưng trước mắt là cộng thêm ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. ASEAN+3 sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hòa bình, ổn định của khu vực.
Việc hình thành cộng đồng chung ASEAN đang tiến triển thuận lợi. Điều quan trọng là Nhật – Trung – Hàn cũng bắt tay được với nhau. Giữa các nước vẫn còn một số trở ngại nhưng điều quan trọng là cần nhận thức được rằng sự phát triển của nước kia cũng liên quan mật thiết đến sự phát triển của nước mình.
Ngay từ đầu mà đề cập đến vấn đề an ninh thì khá khó khăn. Do đó, để làm được điều đó, chúng ta nên bắt đầu từ các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, một mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ khu vực.
PV: Xin ông lý giải rõ hơn về tư tưởng “hữu ái” mà ông đang chủ trương để hướng đến một thế giới hoà bình, đặc biệt khi lập ra Trung tâm nghiên cứu Cộng đồng Đông Á?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Nội hàm của tư tưởng “hữu ái” mà tôi muốn nói đến đây có hai thái cực cốt lõi là tự do và bình đẳng. Nếu quá coi trọng khía cạnh tự do để cho năng lực tự điều tiết của thị trường điều chỉnh thì những chủ thể yếu sẽ phải chịu thất bại và tính đa dạng cũng bị triệt tiêu. Trong khi đó, bình đẳng là quan điểm có vai trò hết sức quan trọng trong tư tưởng “hữu ái”.
Mọi người ai cũng có quyền được sống và cơ hội ngang nhau trong cuộc sống. Điều đó thật lý tưởng. Tuy nhiên, nếu bình đẳng phát triển tới mức thái quá, tức là cho dù ai đó có nỗ lực đến đâu mà vẫn ngang bằng so với người khác thì điều đó cũng làm triệt tiêu ý chí vươn lên và nỗ lực của con người. Điều mấu chốt ở đây là phải làm sao để cả hai yếu tố này không đi quá đà. Cần phải có một cái phanh để hãm cả hai cái đó và liên kết chặt chẽ hai thái cực này lại với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, giúp nó vận hành một cách thuận lợi.
Trong thế giới hiện đại, ta có thể liên tưởng đến hai khái niệm “tự lập” và “cộng sinh” cùng song hành tồn tại. Mỗi con người trong một tập thể đặt cho mình một ý chí luôn nỗ lực hết mình và nếu không có ý chí tự lập thì cá nhân đó khó có thể tiến bộ được. Tuy nhiên, ý chí tự lập thôi chưa đủ vì một cá nhân không thể làm được bất cứ việc gì. Người nông dân không thể một mình trồng lúa, một ngư dân không thể tự đánh bắt cá hay một cái xe hơi không thể do một người làm ra.
Trong một xã hội mà tất cả mọi người đều cùng nhau làm việc hăng say, bản thân mỗi con người sẽ có thể phát huy được tất cả khả năng của mình. Điều đó chẳng phải là thực sự lý tưởng hay sao? Tất cả mọi người đều khác nhau và không thể nói rằng “không được phép có sự khác biệt,” mà “hãy cùng sống trong sự khác biệt.” Như vậy, là mọi người sống trong một xã hội cùng nhau nỗ lực, cùng nhau làm việc và cùng hưởng thụ niềm hạnh phúc. Đó chính là tư tưởng cốt lõi của tư tưởng “hữu ái” mà tôi đề xướng.
PV: Thời gian gần đây, tình hình ở khu vực Đông Bắc Á đang trở nên căng thẳng và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tư tưởng “hữu ái” của mình, cựu Thủ tướng có thể chia sẻ quan điểm cá nhân của ông về một giải pháp giảm căng thẳng và gắn kết các quốc gia lại với nhau không?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức hệ trọng. Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay không ở trong thời khắc của “hữu ái” và lâm vào tình cảnh hết sức nghiêm trọng tuy không đến mức xảy ra xung đột quân sự nhưng tình hình đang trở nên căng thẳng tới mức khó hoà dịu. Tuy nhiên, ngay cả trong những tình huống như thế này, hai nước đều có nhu cầu cùng tồn tại để phát triển và tôi cũng nhận thấy sự cố gắng của cả hai bên. Sự khác biệt giữa hai bên cũng là một điều tốt. Điều quan trọng là hai nước cần hiểu nhau và bắt đầu từ chính sự khác biệt để cùng nhau phát triển.
Đơn cử như trên khía cạnh kinh tế, Nhật Bản có nguồn tài chính dồi dào trong khi Trung Quốc lại có nguồn nhân lực đông đảo và lao động rẻ, là nơi có thể sản xuất ra những sản phẩm cuối cùng của chu trình sản xuất. Hai bên hoàn toàn có thể hợp tác chặt chẽ với nhau, tạo nên sự hài hoà giữa những khác biệt để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Đó chính là quan điểm về “hữu ái.” Tôi cho rằng các lãnh đạo của Nhật Bản cần đưa bổ sung tư tưởng này vào trong cách ứng xử với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.
PV: Viện Nghiên cứu Cộng đồng Đông Á mà ông đã sáng lập nhằm mục đích tạo ra một cộng đồng để kiến tạo nền hoà bình thế giới dựa trên nền tảng tư tưởng “hữu ái”. Vậy cựu Thủ tướng có cho rằng tư tưởng “hữu ái” hiện ra sao trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản? Và theo ông, quan hệ song phương sẽ phát triển ra sao trong tương lai?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Tôi nghĩ rằng giữa Việt Nam và Nhật Bản có tồn tại phạm trù “hữu ái” và tình cảm đó đang tiến triển hết sức thuận lợi. Như tôi đã nói ở trên, Nhật Bản và Việt Nam có vai trò quan trọng trong cộng đồng Đông Á. Việc nâng cao quan hệ “hữu ái” giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tạo ra môi trường cho hợp tác trong khu vực. Tôi nghĩ rằng giữa Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như năng lượng, môi trường... Điều quan trọng là hai nước cần đưa ra những dự án hợp tác cụ thể và xúc tiến triển khai những dự án đó.
Cho đến nay, thông qua các dự án ODA, Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng từ nay về sau, hai nước cần tiếp tục bổ sung cho nhau để cùng hợp tác phát triển. Với cốt lõi “hữu ái” đó, hai nước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Tôi nghĩ rằng sắp đến lúc hai nước bước vào giai đoạn mới với quan điểm “hữu ái” được nâng tầm thêm một cấp.
PV: Tôi được biết cựu Thủ tướng không chỉ là một chính trị gia dày dạn mà còn là người có nhiều kinh nghiệm về điều hành kinh tế. Theo ông, với trọng tâm là quan hệ kinh tế, hai nước cần làm gì trong tương lai để mối quan hệ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Hiện nay, kinh tế Nhật Bản đang trở nên khấm khá hơn so với trước đây. Kinh tế Việt Nam cũng phát triển rất nhanh. Trong hoàn cảnh như vậy, điều dễ nhận thấy là Việt Nam có giá nhân công rẻ. Tôi có cảm giác là công nhân tại các xí nghiệp ở Việt Nam đều có tinh thần lao động hăng say và một niềm tin to lớn vào tương lai.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư ra nước ngoài để vực dậy nền kinh tế và họ nhìn thấy ở Việt Nam những tiềm năng hợp tác và phát triển. Hai bên có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao mà trọng tâm là các lĩnh vực trí tuệ như công nghệ thông tin (IT)…
Việt Nam hiện đang có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và cần đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó cần tạo điều kiện để họ học tập tại các trường dạy nghề của Nhật Bản.
PV: Nhật Bản - ASEAN đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN hiện đang ở vào thời điểm hết sức tốt đẹp và thuận lợi. Theo ông, các bên cần cố gắng như thế nào để thúc đẩy mối quan hệ này tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới? Ngoài ra, Nhật Bản kỳ vọng điều gì từ mối quan hệ với Việt Nam và ASEAN?
Cựu Thủ tướng Hatoyama: Mối quan hệ Nhật Bản và ASEAN hiện đang ở vào thời điểm hết sức tốt đẹp. Từ nay, mối quan hệ này sẽ còn tiếp tục phát triển ở mức độ hoàn thiện hơn. Đối với từng nước trong ASEAN, Nhật Bản sẽ có những hỗ trợ mà cụ thể là viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Một số nước trong ASEAN tăng trưởng nhanh nhưng một số khác như Lào, Campuchia và Myanmar cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước trong ASEAN để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là tiếp tục duy trì đầu tư mạnh vào những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Không chỉ là đầu tư về hạ tầng, song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng nguồn vốn đầu tư vào những nước này. Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư ra nước ngoài, mở nhiều nhà máy ở các khu vực và mỗi nước trong ASEAN để tác động trở lại đến sự phát triển kinh tế của chính Nhật Bản. Và tôi cho rằng đó là mô hình phát triển tốt nhất hiện nay trong mối quan hệ Nhật Bản và ASEAN.
Nguồn: chinhphu.vn
Trả lời phỏng vấn
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới