QPTD -Thứ Hai, 16/05/2022, 08:00 (GMT+7)
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại

Trên cơ sở tổng kết hơn 10 năm thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa XI), ngày 26/01/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đây là những định hướng quan trọng, cần được quán triệt, thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành Công nghiệp quốc phòng có bước phát triển vượt bậc. Nổi bật là, tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Cơ chế quản lý, hệ thống tổ chức ngày càng hoàn thiện, tinh, gọn, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được coi trọng, thu hút, bổ sung ngày càng nhiều. Đến nay, Ngành đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị kỹ thuật cho lực lượng lục quân và góp phần quan trọng hiện đại hoá các lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, Tình báo, Tác chiến không gian mạng,... giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đồng thời làm chủ được công nghệ lõi, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí chiến lược, tạo bước tiến vượt bậc về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Cùng với phát triển theo chiều sâu, nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hiện đại, thông minh, sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng còn những hạn chế, bất cập. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng chưa tương xứng. Các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh, xuất khẩu chưa nhiều. Việc làm chủ được công nghệ nền, vật liệu đặc chủng và một số lĩnh vực mũi nhọn, như: cơ khí chế tạo, luyện kim hợp kim đặc biệt, điện tử, vật liệu mới còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan một số sản phẩm do
Nhà máy Z111 sản xuất

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tấn công mạng diễn ra gay gắt. Sự phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động sâu sắc đến khoa học - công nghệ quân sự; nhiều loại vũ khí mới ra đời, xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng và công nghiệp quốc phòng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chủ trương xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ, chiến thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại. Thực hiện mục tiêu xác định, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Ngành phát triển. Quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Quân đội và Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Tổng cục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, trình Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành và quyết liệt tổ chức thực hiện. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai các dự án đầu tư tiềm lực, phát triển sản phẩm trọng điểm; huy động nguồn lực tài chính Nhà nước và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; thu hút, đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; khuyến khích, phát huy, trọng dụng nhân tài, v.v. Cùng với đó, Tổng cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất nước. Tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm, phù hợp thế bố trí chiến lược 03 miền: Bắc, Trung, Nam. Tiếp tục chuyển một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ và nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp quốc phòng.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội. Để chủ động hơn nữa trong điều kiện toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tổng cục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ quân sự, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí chiến lược, vũ khí lục quân thế hệ mới, bảo đảm khả năng cơ động và tác chiến trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Tập trung các nguồn lực nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, góp phần hiện đại hoá Quân đội. Trước mắt, Tổng cục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí mới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; nghiên cứu, chế tạo các loại xe quân sự, sản phẩm quốc gia về vũ khí công nghệ cao. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài; đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cấp các dây chuyền sản xuất. Đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học, đảm bảo hiệu quả, thiết thực; siết chặt kỷ luật, hạn chế tình trạng chậm tiến độ đề tài,... nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới vào sản xuất, trang bị cho Quân đội.

Ba là, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng; mở rộng liên kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng là vấn đề lớn, bao hàm nhiều nội dung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, v.v. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Tổng cục tiếp tục tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đề xuất Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với các dự án trọng điểm, sản phẩm mũi nhọn. Trước mắt, Tổng cục tập trung tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đổi mới huy động vốn và chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án đầu tư chương trình công nghiệp quốc phòng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư tiềm lực công nghiệp quốc phòng trung hạn và dài hạn; tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Cùng với đó, Ngành đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng với các đối tác trong và ngoài nước. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phát triển công nghiệp quốc phòng; ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thế mạnh phục vụ nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia, như: hóa chất, luyện kim, cơ khí chế tạo máy, điện tử, tin học, viễn thông,... tham gia vào chuỗi sản xuất của công nghiệp quốc phòng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Bốn là, chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của Ngành cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, cùng với xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu, lộ trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, Tổng cục tiếp tục đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nhân tài, tiềm năng chất xám từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ sở nghiên cứu, viện thiết kế trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù quốc phòng, nhất là các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng và tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật. Cùng với đó, Tổng cục chú trọng chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản trị và công tác thị trường của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng; tích cực áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như trong quản lý chất lượng sản phẩm; tăng cường chuyển đổi số doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, trước mắt là làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức triển lãm quốc phòng tại Việt Nam trong năm 2022.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, thời gian tới, Tổng cục tập trung lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, thất thoát, lãng phí khi thực hiện các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu về công nghiệp quốc phòng. Có chính sách thỏa đáng, phù hợp đối với lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ lõi, đặc thù quân sự, tạo nên thế và lực mới để công nghiệp quốc phòng có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trung tướng, TS. HỒ QUANG TUẤN, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.