QPTD -Thứ Hai, 25/10/2021, 08:16 (GMT+7)
Tăng cường công tác thi hành án dân sự trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Công tác thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói riêng và đời sống xã hội nói chung, đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước. Là một bộ phận của thi hành án dân sự toàn quốc, công tác thi hành án dân sự trong Quân đội góp phần duy trì nghiêm kỷ luật, pháp luật, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện công tác thi hành án và thu được kết quả thiết thực. Đáng chú ý là, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự. Đồng thời, quan tâm xây dựng ngành Thi hành án Quân đội về tổ chức, biên chế, lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng  thăm và làm việc với Cục Thi hành án (tháng 3/2021)

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW, Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác thi hành án dân sự”; đồng thời, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự trong Quân đội theo đúng thẩm quyền. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã bám sát thực tiễn, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác thi hành án ở cơ quan, đơn vị mình. Ngành Thi hành án Quân đội phát huy tốt vai trò tham mưu với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về thi hành án dân sự; thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thi hành án dân sự trong Quân đội đạt kết quả cao, có nhiều năm vượt chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trong Quân đội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do địa bàn rộng, đối tượng phải thi hành án đa dạng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; lực lượng làm công tác thi hành án mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn; nguồn cán bộ, nhân viên thường được tuyển chọn từ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải đào tạo bổ sung. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu, đề xuất của cấp ủy, chỉ huy các cấp có lúc chưa kịp thời; việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội trong tổ chức thi hành án có thời điểm thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; có việc thi hành án còn kéo dài, v.v.

Giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thi hành án dân sự tiếp tục có nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là việc thi hành thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt liên quan đến các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Để công tác thi hành án dân sự trong Quân đội đạt hiệu quả cao, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác thi hành án dân sự. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thi hành án. Trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị (khóa XII); Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án”; Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và các thông tư, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của công tác thi hành án dân sự, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp trên trực tiếp của cơ quan thi hành án đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thi hành án trong Quân đội, các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, trong đó có pháp luật về thi hành án dân sự cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Cục Thi hành án chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư và tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng, triển khai thực hiện có hiệu quả trong Quân đội.

Hai là, tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự trong Quân đội và tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự. Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp rà soát, kịp thời phát hiện sự chồng chéo, bất hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; từ đó, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản mới thay thế, điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự trong Quân đội. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự và chế độ, tiêu chuẩn, chính sách đối với ngành Thi hành án dân sự nói chung, ngành Thi hành án Quân đội nói riêng. Tiếp tục xây dựng, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong Quân đội; phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội với các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội, giải quyết tốt những vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành án.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong Quân đội. Các cơ quan tư pháp trong Quân đội thực hiện nghiêm túc, kịp thời các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật tố tụng, không để các đối tượng tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Đối với cơ quan điều tra cần sớm cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của đương sự có nghĩa vụ thi hành án cho cơ quan thi hành án để chủ động có kế hoạch, phương án thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước. Các bản án, quyết định của tòa án ngoài yêu cầu đúng pháp luật phải phù hợp thực tiễn, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho công tác thi hành án trên thực tế.

Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án dân sự trong Quân đội. Chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của cơ quan tài phán thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án cấp quân khu, tập trung vào những vụ việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, có giá trị về tiền, tài sản phải thi hành lớn; vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ khác. Chủ động, sáng tạo đề ra các giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, nâng cao tỷ lệ, giá trị về tiền, tài sản thu hồi cho Nhà nước, đảm bảo cao nhất quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm sát, kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác kỷ luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện, khắc phục sai sót, vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh những sai phạm trong thi hành án dân sự theo quy định của kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.

Bốn là, xây dựng ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức, biên chế ngành Thi hành án Quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; nghiên cứu, xây dựng nhóm chức vụ, trần quân hàm đối với đội ngũ cán bộ ngành Thi hành án trong Quân đội tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đổi mới cơ chế tuyển chọn cán bộ làm công tác thi hành án, ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, có tâm huyết, được đào tạo cơ bản về chuyên ngành luật. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và xây dựng quy hoạch nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp bảo đảm chất lượng, đủ tiêu chuẩn theo quy định. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành Tư pháp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, quan tâm bảo đảm kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho các cơ quan thi hành án dân sự; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Tăng cường công tác thi hành án dân sự trong Quân đội là đòi hỏi khách quan, cấp thiết hiện nay. Toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp, ngành Thi hành án Quân đội cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là các nghị quyết, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thượng tướng VÕ MINH LƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.