Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 08/06/2020, 09:35 (GMT+7)
Quân đội phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cùng với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, Quân đội đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Nhận thức sâu sắc hậu quả do sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự và nhiều chiến lược, kế hoạch, phương án chuyên ngành cấp quốc gia, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Theo đó, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 689-NQ/QUTW, ngày 10/10/2014 về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện trong toàn quân và đạt kết quả quan trọng.

Sư đoàn 316 tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Ảnh: quankhu2.vn

Nổi bật là, Quân đội đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa phát huy vai trò nòng cốt tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu; chủ động nắm, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án; tổ chức huấn luyện, diễn tập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện; duy trì các chế độ ứng trực; phối hợp với các lực lượng xử lý tốt tình huống; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực bên ngoài để tăng cường khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong ứng phó với các sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; điều chỉnh, bổ sung kịp thời các kế hoạch, phương án bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa bàn, điều kiện khí tượng thủy văn của vùng, miền. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”1 nên đã xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả nhiều tình huống, kể cả tình huống phức tạp, nguy hiểm trên đất liền, trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân2.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan quân sự của một số địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự hiệu quả; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhất là nhân dân chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư tưởng chủ quan, đơn giản, thậm chí chấp hành chưa nghiêm quy định của lực lượng chức năng để thiệt hại về người và tài sản. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với lực lượng chuyên trách trong ứng phó, xử lý tình huống chưa hiệu quả; trao đổi, cung cấp thông tin giữa các lực lượng chưa kịp thời; dự báo, cảnh báo thiên tai độ chính xác chưa cao; nguồn lực đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, mua sắm trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu, thuyền của ngư dân hoạt động trên biển thiếu chặt chẽ; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, v.v.

Dự báo thời gian tới, do biến đổi khí hậu toàn cầu có thể xuất hiện mưa bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn không theo chu kỳ; việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, thiếu bền vững dễ xảy ra các thảm họa, như: sập đổ công trình, cháy nổ, tràn dầu, rò rỉ hóa chất,... tác động trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau.

1. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Trên cơ sở nghiên cứu, dự báo chính xác các yếu tố tác động, nguyên nhân dẫn đến thiên tai, thảm họa, các cơ quan, đơn vị, nhất là Cục Cứu hộ, Cứu nạn cần phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tham mưu cho Ủy ban quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiện toàn, bổ sung Cơ quan chỉ đạo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định quản lý, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tham mưu cho Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư nguồn lực, hiện đại hóa đồng bộ hệ thống trang bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và những nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, thảm họa nghiêm trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quân đội cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đưa ra những dự báo, cảnh báo về thiên tai, thảm họa, dịch bệnh làm cơ sở để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với xây dựng công trình, phương án ứng phó, xử lý các tình huống. Trực tiếp theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ; chú trọng triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược quốc gia về Phòng thủ dân sự trong Quân đội, Kế hoạch quốc gia Ứng phó sự cố tràn dầu, Công ước quốc tế về Tìm kiếm cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79) giai đoạn 2019 - 2025; tăng cường các biện pháp nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn vùng biển xa, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cơ quan quân sự địa phương các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ phòng, chống sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn.

2. Chú trọng huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, hội thao, diễn tập các nội dung, tình huống ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, từ đó xác định trách nhiệm trong huấn luyện, diễn tập. Về nội dung, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào đặc điểm địa bàn, điều kiện khí tượng thủy văn, môi trường, tổ chức huấn luyện cho bộ đội nắm chắc kế hoạch, phương án ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn; chú trọng huấn luyện làm chủ trang thiết bị, phương tiện chuyên ngành cứu hộ, cứu nạn. Tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện, tăng cường luyện tập, bồi dưỡng, hội thao, diễn tập, nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp và khả năng thực hành của các lực lượng, phân đội tìm kiếm cứu nạn chuyên trách và kiêm nhiệm trong xử lý các tình huống phức tạp: bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, hỏa hoạn, cháy rừng, tai nạn đường biển, v.v.

Để xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, toàn quân cần tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng làm nhiệm vụ trên không, trên biển, đảo, nhất là các đơn vị bộ đội chủ lực ở địa bàn trọng điểm và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị hóa học xử lý sự cố độc xạ, sinh học, v.v. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên ngành cứu hộ, cứu nạn cho các bộ, ngành, địa phương, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn cho cả cộng đồng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sự sống, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước bền vững. Các lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Công binh, Gìn giữ hòa bình, Quân y,... cần chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn; chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo,... nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Trên cơ sở kết quả phối hợp diễn tập cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới trên đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Campuchia năm 2019, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng hợp tác diễn tập cứu hộ, cứu nạn với các nước có chung đường biên giới.

Bộ đội tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải  (tỉnh Yên Bái). Ảnh: qdnd.vn

3. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần nhận thức rõ nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả nước và là nhiệm vụ chính trị - “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của Quân đội; từ đó, xác định rõ động cơ, thái độ, trách nhiệm, quyết tâm trong quá trình tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ ứng trực 24/24 giờ; thường xuyên nắm, dự báo, cập nhật chính xác, kịp thời diễn biến thiên tai; tổ chức chuẩn bị đầy đủ, chu đáo kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy cần tính toán hết sức chặt chẽ, khoa học, từ lập kế hoạch, tổ chức hiệp đồng, đến giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, trên từng địa bàn, khu vực, trong từng nhiệm vụ, tình huống; sử dụng lực lượng hợp lý; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, lấy lực lượng tại chỗ xử lý ban đầu là chủ yếu, lực lượng chủ lực cơ động làm nòng cốt, bảo đảm đúng phương châm “4 tại chỗ”; chú ý bảo đảm an toàn về người và phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng cùng làm nhiệm vụ trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến cơ sở trong ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình thực hiện, cán bộ, chiến sĩ cần giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục khẳng định, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, thực sự là lực lượng nòng cốt trên mặt trận ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, góp phần quan trọng làm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, v.v. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động thi đua, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; chỉ rõ biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn trong các nhiệm vụ, tình huống tiếp theo.

Thực hiện tốt những giải pháp trên, là cơ sở quan trọng để Quân đội hoàn thành tốt chức năng “đội quân công tác”, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chuẩn Đô đốc NGUYỄN TRỌNG BÌNH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
____________________

1 - “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

2 - Trong năm 2019, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động được 207.642 lượt người và 7.062 lượt phương tiện; tổ chức ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn hiệu quả 3.505 vụ, cứu được 5.143 người và 252 phương tiện (trong đó có 51 vụ/225 người/16 phương tiện có yếu tố nước ngoài).

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước