QPTD -Thứ Hai, 12/02/2018, 10:22 (GMT+7)
Phát huy kết quả thực hiện Nghị quyết 513-NQ/QUTW, hoàn thành tốt công tác tài chính Quân đội năm 2018

Từ kết quả, kinh nghiệm đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 513-NQ/QUTW, ngày 21-9-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Công tác tài chính Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, toàn quân, mà nòng cốt là ngành Tài chính tiếp tục sử dụng và thực hiện đồng bộ các công cụ, biện pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Năm 2017, ngành Tài chính Quân đội, trước hết là Cục Tài chính đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tài chính, góp phần bảo đảm cho toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 513-NQ/QUTW (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 513) của Thường vụ Quân ủy Trung ương, giai đoạn 2013 - 2017.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 513, toàn quân đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Công tác tài chính và hoạt động của ngành Tài chính Quân đội đi vào nền nếp, chính quy. Mục tiêu Nghị quyết đề ra đã cơ bản đạt được. Công tác lập dự toán, điều hành, chấp hành dự toán ngân sách có nhiều đổi mới, tiến hành linh hoạt, chặt chẽ. Công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực tiến hành nghiêm túc, quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường. Hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và hiệu quả sử dụng ngân sách được nâng lên. Mặc dù ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng ngành Tài chính đã chủ động tham mưu tạo lập, huy động các nguồn lực; cân đối, bố trí ngân sách đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm kịp thời tài chính cho nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; ưu tiên cho các chương trình, mục tiêu lớn, quan trọng theo định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những kết quả trên là cơ sở, động lực để toàn quân phát huy nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tài chính, ngân sách năm 2018 và những năm tiếp theo.

Năm 2018 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Toàn quân đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa một số lực lượng theo quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; đồng thời, triển khai nhiều nhiệm vụ, nội dung công tác lớn, yêu cầu cao, mang tính đột phá, nhất là về tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm vũ khí, trang bị. Nhu cầu tài chính cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tăng cao, nhưng ngân sách Nhà nước đảm bảo còn hạn hẹp (cơ bản không tăng so với năm 2017 nếu loại trừ yếu tố chế độ, chính sách mới). Trước tình hình đó, các ngành, đơn vị, cơ quan tài chính các cấp cần chủ động triển khai toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sử dụng đồng bộ các công cụ, biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt việc điều hành, chấp hành ngân sách, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 513 gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác tài chính năm 2018. Các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan tài chính cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung Nghị quyết 513, Quy chế 707-QC/QUTW về “Lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam”, nắm vững phương hướng, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp công tác tài chính mà Quân ủy Trung ương xác định. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm trong điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách theo phân cấp. Cơ quan tài chính các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp và tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 513. Trong đó, chủ động gắn thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu công tác tài chính, ngân sách quốc phòng năm 2018 với chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 513. Chú trọng đột phá vào các nội dung công tác trọng tâm, nhiệm vụ trọng điểm; khắc phục kịp thời những khâu yếu, mặt yếu đã được chỉ ra qua sơ kết thực hiện Nghị quyết 513 và tổng kết thực hiện dự toán ngân sách, nhiệm vụ công tác tài chính năm 2017.

2. Chủ động điều hành, chấp hành dự toán ngân sách năm 2018 một cách nghiêm túc, chặt chẽ, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng thứ tự ưu tiên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nhận thức rõ khó khăn chung về tài chính, ngân sách; quán triệt chính sách tài khóa tiết kiệm của Chính phủ. Từ đó, đề cao trách nhiệm, có các chủ trương, biện pháp nhạy bén, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách; thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, chấp hành nghiêm dự toán được duyệt, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ. Cục Tài chính tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng giữ vững các cân đối lớn; trong đó, ưu tiên bảo đảm cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm và cho thực hiện Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Các ngành, đơn vị bám sát chỉ tiêu ngân sách được giao, chủ động tiếp nhận, cấp phát, giải ngân theo kế hoạch, tiến độ đã được phê duyệt. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường phân cấp cho cấp trực tiếp chi tiêu; hạn chế tối đa mua sắm tập trung, cấp phát hiện vật. Cơ quan tài chính các cấp chủ động cân đối, điều chỉnh cơ cấu chi một cách hợp lý, bảo đảm toàn diện cho các nhiệm vụ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên. Kịp thời triển khai thực hiện hệ thống mục lục ngân sách và chế độ kế toán mới theo quy định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị có liên quan, chủ động nắm, dự báo sát tình hình thị trường, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị đẩy nhanh tốc độ chi, giải ngân, thanh toán,… khắc phục tình trạng chi dồn, chi ép vào cuối năm và xin chuyển ngân sách sang năm sau.

3. Tích cực tạo lập, huy động các nguồn lực tài chính để tăng khả năng cân đối ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Những năm qua, toàn quân đã coi trọng, thực hiện khá tốt việc huy động các nguồn lực tài chính, góp phần giải quyết khó khăn do khả năng ngân sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Phát huy kết quả đó, các ngành, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp Quân đội, căn cứ vào dự toán thu được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện ngay từ quý đầu năm, phấn đấu tăng mức thu. Để đạt hiệu quả, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình đơn vị. Theo đó, các đơn vị dự toán cần phát huy tiềm năng, thế mạnh, tích cực huy động nguồn ngân sách địa phương chi cho công tác quân sự, quốc phòng và tăng cường nguồn thu từ tăng gia sản xuất, huy động, sử dụng nguồn vật tư, hàng hóa tồn kho để đưa vào cân đối bảo đảm. Các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao tính tự chủ về tài chính, thực hiện tốt việc tham gia làm kinh tế, dịch vụ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo nguồn thu, giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp Quân đội đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại theo kế hoạch, lộ trình đã xác định và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm tốt nghĩa vụ thu nộp ngân sách, nộp điều tiết về Bộ. Ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo lập, phương thức huy động các nguồn tài chính hỗ trợ cho nhiệm vụ quốc phòng. Trước mắt, xây dựng, áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong Quân đội, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn.

4. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản. Các ngành, đơn vị tiếp tục sử dụng và thực hiện đồng bộ các công cụ, biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong đó, chú trọng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng, gắn với nâng cao trách nhiệm của người chỉ huy (chủ tài khoản), người trực tiếp được giao quản lý tài chính, tài sản và vai trò của cơ quan tài chính trong tham mưu, chỉ đạo, giám sát thực hiện. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tài chính các cấp duy trì nghiêm chế độ, nguyên tắc công tác tài chính; kết hợp chặt chẽ bảo đảm với giám đốc về tài chính; tăng cường biện pháp kiểm soát chi, quản lý giá, quản lý tài chính trong đấu thầu, xét thầu; tiếp tục thực hiện tốt việc thẩm định giá, duyệt giá sản phẩm quốc phòng; quản lý chặt chẽ các loại kinh phí, các dự án đầu tư và nguồn thu, hoạt động có thu ở đơn vị, v.v. Đặc biệt, cần tiến hành rà soát, tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy xử lý sớm và chấm dứt các hợp đồng đã đến hạn thu hồi đất quốc phòng, giải quyết dứt điểm các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng; quản lý tốt nguồn thu từ khai thác, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Chủ động triển khai các biện pháp cơ cấu tài chính, phân loại và xây dựng phương án, lộ trình xử lý tồn đọng về tài chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiến hành cơ cấu lại và thực hiện đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp Quân đội, nhất là các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể trong năm 2018, v.v. Các ngành, đơn vị quản lý chặt chẽ hơn nữa tài khoản, tiền mặt, quỹ vốn, nguồn vốn gối đầu, cấp trước, dự trữ sẵn sàng chiến đấu ở tất các các cấp; chú trọng mở rộng đấu thầu trong mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tiến độ quyết toán các dự án, công trình đã hoàn thành, xử lý dứt điểm nợ đọng, khắc phục đầu tư dàn trải trong xây dựng cơ bản.

Cùng với đó, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp duy trì nghiêm nền nếp, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra tài chính ở các cấp theo quy định. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra nghiệp vụ của cơ quan tài chính với kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và tập thể quân nhân, giữa kiểm tra thường xuyên và đột xuất; tăng cường công tác tự kiểm tra, tự giám sát, nhất là đối với nội dung quản lý, sử dụng nguồn thu, quản lý, sử dụng đất quốc phòng, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản. Cơ quan chức năng của Cục Tài chính tiếp tục phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm toán theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh kiểm toán nội bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính.

5. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động công tác tài chính. Phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, cơ quan tài chính các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Các đơn vị cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa những nội dung, chỉ tiêu, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống tiêu cực, lãng phí trong hoạt động công tác tài chính ngay từ khi lập kế hoạch, quy hoạch, dự toán và trong cả quá trình điều hành, chi tiêu, sử dụng, thanh quyết toán. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chỉ huy cấp trên khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, vi phạm quy định về quản lý tài chính, tài sản trong Quân đội.

Cùng với thực hiện tốt các nội dung trên, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chú trọng kiện toàn, xây dựng cơ quan tài chính các cấp vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tài chính, ngân sách quốc phòng năm 2018.

Thiếu tướng, TS. LƯU SỸ QUÝ, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.