QPTD -Thứ Năm, 17/02/2022, 09:37 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân đội chủ động thích ứng trước thách thức an ninh phi truyền thống

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 liên tục bùng phát, lây lan nhanh, rộng; song, với tinh thần tích cực, chủ động, kiên quyết khắc phục khó khăn, ngành Hậu cần Quân đội đã bám sát nghị quyết của Quân ủy Trung ương, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chỉ lệnh công tác hậu cần, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, Hậu cần các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình; chỉ đạo bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho các nhiệm vụ. Chủ động rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện hậu cần sẵn sàng chiến đấu; duy trì dự trữ vật chất, trang bị hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất ở các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Toàn Ngành đã chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần bảo đảm cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí để các đơn vị nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt cho bộ đội. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh, trên diện rộng, kéo dài tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với tinh thần “ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội”, Ngành kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, huy động số lượng lớn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất, hiện đại nhất,... xung kích tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phòng, chống dịch1. Qua đó, khẳng định trình độ, quyết tâm, bản lĩnh, tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhân dân của người quân nhân cách mạng; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân cả nước tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.

Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" toàn quân năm 2021. (Ảnh: qdnd.vn)

Thời gian tới, dự báo tình hình, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tính mạng, sức khỏe của nhân dân và nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là sản xuất, lưu thông, làm cho giá nhiều mặt hàng hóa tăng cao; trong khi đó, nhu cầu về ngân sách lớn, nhưng khả năng đáp ứng hạn chế, v.v. Trước thách thức đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương; chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng, trực tiếp là Chỉ lệnh công tác hậu cần năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao năng lực dự báo, chủ động thích ứng linh hoạt, bảo đảm tốt các mặt công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống, trọng tâm là Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ Ban hành quy định tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần xác định: “Chủ động thích ứng, nâng cao năng lực, bảo đảm tốt hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống” là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Để thực hiện tốt chủ trương đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần bám sát thực tiễn hoạt động của bộ đội trong từng môi trường, nhiệm vụ cụ thể, dự báo, đánh giá chính xác những tác động, ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất chỉ đạo trúng, đúng, bảo đảm hậu cần đầy đủ, tốt nhất cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng nhiều tình huống, phương án từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất về dịch bệnh, thiên tai,... dự kiến mức độ ảnh hưởng trong từng tình huống; căn cứ vào yêu cầu, thực lực,... đề ra phương thức, cách thức bảo đảm hậu cần cho từng nhiệm vụ, từng đối tượng một cách phù hợp, hiệu quả, nhất là với các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Trong đó, lấy việc hoàn thành và vượt các chỉ tiêu bảo đảm hậu cần, giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống làm phương châm xuyên suốt trong từng hành động. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị chú trọng phát huy nội lực, huy động hiệu quả các nguồn lực, vai trò hậu cần khu vực phòng thủ, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, gắn các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần với nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn quân. Đồng thời, phát huy vai trò cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng,... đối với công tác hậu cần Quân đội trong trạng thái bình thường mới.

Hai là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thực hiện khâu đột phá về tổ chức, biên chế; hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần; nâng cao hiệu quả xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình mục tiêu của Ngành. Đây là những nội dung cơ bản, quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần Quân đội cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, tạo khả năng thích ứng với điều kiện mới do tác động từ an ninh phi truyền thống, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh để tiến lên hiện đại theo lộ trình xác định. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và thực hiện tốt các quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế; trọng tâm là triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chiến lược, tổ chức biên chế, đề án hậu cần. Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt bảo đảm, xây dựng ngành Hậu cần toàn quân tinh, gọn, mạnh. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước mắt, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh điều chỉnh về tổ chức biên chế lực lượng hậu cần từ cấp sư đoàn và tương đương trở xuống; đảm bảo vừa gọn, chất lượng cao, vừa phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm ở đơn vị cơ sở, tăng khả năng bảo đảm tại chỗ, nhất là trong điều kiện phải triển khai nhiều hoạt động đột xuất do ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai, v.v.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, trung tâm nghiên cứu, các học viện, đơn vị, nhà khoa học,... đảm nhiệm nghiên cứu công tác hậu cần Quân đội cần nắm chắc quy định của pháp luật, đặc thù hoạt động từng ngành, đơn vị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tham mưu, đề xuất xây dựng hệ thống văn kiện, như: Điều lệ công tác Hậu cần, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực Ngành và hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ một cách chặt chẽ, khoa học, phù hợp với sự phát triển của Quân đội, điều kiện đất nước, nhất là các nhiệm vụ mang tính đặc thù. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, dự án, chương trình mục tiêu của Ngành; chú trọng các yêu cầu cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng và tổ chức biên chế Quân đội, bảo đảm tiến độ, thời gian, v.v. Tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án: “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho hậu cần toàn quân giai đoạn 2020 - 2025 và đến năm 2030”; “Đổi mới phương tiện vận tải thủy quân sự giai đoạn 2021 - 2030”; “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất - chế biến trong quân đội giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030”. Trước mắt, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình “Nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng quân đội”; trọng tâm là thành lập Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine tại Học viện Quân y, các khoa Y học dự phòng tại các bệnh viện quân đội và đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo đảm chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Đây là chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, không những đáp ứng yêu cầu trong Quân đội, mà còn mang tầm quốc gia khi dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn ra phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19.

Ba là, tập trung xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Trong điều kiện các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng lớn, nhiệm vụ bảo đảm luôn phát triển,... nên việc xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện sẽ tạo môi trường thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ trong điều kiện mới. Theo đó, các đơn vị cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác, xây dựng chính quy Ngành theo đúng hướng dẫn về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Phát huy trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần. Quản lý chặt chẽ ngân sách, cơ sở vật chất, trang bị hậu cần; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong mua sắm, tạo nguồn vật chất hậu cần theo phân cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực ở các cấp, các khâu nhất là trong mua sắm, quản lý, sử dụng, bảo quản. Tổ chức huấn luyện hậu cần cho các đối tượng theo đúng chương trình, kế hoạch, sát yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu và nhiệm vụ đột xuất của đơn vị; trong đó, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; đảm bảo cán bộ hậu cần các cấp nắm chắc Điều lệ Ngành, công tác tổ chức bảo đảm hậu cần trong các nhiệm vụ; nhân viên hậu cần giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng thành thạo trang, thiết bị hiện có; chiến sĩ phân đội biết tổ chức ăn, ở, sinh hoạt dã ngoại và phòng, chống dịch, bệnh. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề các chuyên ngành theo phân cấp chặt chẽ, nghiêm túc, thiết thực, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục chuẩn hóa chương trình giáo dục đào tạo về hậu cần.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Ngành tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin, các sáng kiến cải tiến, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong công tác hậu cần; chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Mở rộng hợp tác hậu cần với Quân đội các nước ASEAN và các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, nhất là với các nước có chung đường biên giới; tập trung vào lĩnh vực quân y. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động, xây dựng nhiều cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, làm cơ sở quan trọng để ngành Hậu cần Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
____________________

1 - Riêng trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, toàn Ngành đã huy động gần 10.500 cán bộ, nhân viên quân y; thành lập 13 bệnh viện dã chiến và 01 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, với gần 8.000 giường bệnh, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.