QPTD -Thứ Năm, 09/02/2017, 07:52 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của mỗi công dân, được pháp điển hóa trong Luật Nghĩa vụ quân sự. Thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cả trước mắt và lâu dài. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 19-6-2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự mới, có hiệu lực từ 01-01-2016 (thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981; sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1994, 2005). Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các quy định mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Luật cũng đã khắc phục được những bất cập của Luật Nghĩa vụ quân sự trước đó, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự và đảm bảo tính khả thi, ổn định lâu dài.

Ngay sau khi Luật được ban hành, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông,… tham mưu giúp Chính phủ kịp thời ban hành các nghị định, thông tư chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật và các văn bản hướng dẫn đến mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật cho các đối tượng có liên quan. Trong đó, chú trọng làm rõ những điểm mới, phát triển của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi chung là tuyển quân - nội dung cốt lõi trong Luật Nghĩa vụ quân sự).

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, năm 2016 - năm đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự mới, chất lượng công tác tuyển quân được nâng lên rõ rệt. Các địa phương, đơn vị đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu; số lượng thanh niên nhập ngũ có trình độ văn hóa trung học phổ thông trở lên đạt trên 55%; trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 12,1%; sức khỏe loại 1 và 2 đạt 65%; tỷ lệ đảng viên đạt 1,6%. Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ, tháng 02-2016. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Bên cạnh kết quả tích cực đó, việc thực hiện Luật vẫn còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục ở một số địa phương chưa được coi trọng đúng mức; nhận thức của một bộ phận nhân dân về Luật Nghĩa vụ quân sự chưa thật đầy đủ. Việc thực hiện quy trình tuyển quân ở một số địa phương còn lúng túng, nhất là áp dụng những điểm mới trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và khi địa phương phải thực hiện “tròn khâu”. Việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ ở một số địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ, v.v.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Trước hết, cần chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Luật. Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, năm 2017 tiếp tục được xác định là năm đột phá về chất lượng tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự mới. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với cấp ủy, chính quyền, hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp và công dân trong độ tuổi nhập ngũ về Luật. Trong đó, cần kết hợp tuyên truyền thường xuyên với tổ chức các đợt tuyên truyền cao điểm trong “mùa tuyển quân”; kết hợp giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, với lồng ghép phổ biến luật trong hoạt động của các tổ chức, đoàn thể: Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, v.v. Việc tuyên truyền cần tập trung làm rõ nội dung cơ bản về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, giúp công dân hiểu rõ nghĩa vụ thiêng liêng, cũng như các chế độ, chính sách mà quân nhân, gia đình quân nhân được hưởng trong thời gian tại ngũ, khi xuất ngũ. Đi liền với đó, các địa phương cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự, để nâng cao hiệu quả giáo dục và răn đe. Mặt khác, các địa phương thường xuyên coi trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nghĩa vụ quân sự, nhất là cấp xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của cơ quan quân sự địa phương trong thực hiện công tác tuyển quân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu tích cực bám nắm tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, đơn vị giải quyết những vướng mắc nảy sinh để thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự. Phát huy kinh nghiệm của những năm qua, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, dự lễ giao nhận quân tại các địa phương. Các cơ quan thông tấn, báo chí của Quân đội, Trung ương và địa phương kịp thời tuyên truyền, góp phần động viên công dân hăng hái lên đường nhập ngũ.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quân sự, quốc phòng của các địa phương, đơn vị và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân, trong đó, cơ quan quân sự làm nòng cốt. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, cơ quan quân sự địa phương cần chú trọng tăng cường cán bộ bám nắm cơ sở, chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển quân; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kỹ các nội dung cơ bản, những nội dung mới của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và quy trình, quy định công tác tuyển quân đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật. Đặc biệt, phát huy vai trò của cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn trong việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại địa phương, từ đăng ký nguồn thực hiện nghĩa vụ quân sự lần đầu, đến đăng ký bổ sung công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở về nơi cư trú, cả công dân nữ có ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác để phúc tra nắm nguồn sẵn sàng nhập ngũ tại các nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp,… nơi công dân đang học tập, công tác, bảo đảm công bằng trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Thực tiễn công tác tuyển quân cho thấy, các trường hợp đơn vị phải loại trả chủ yếu do không bảo đảm sức khỏe và vi phạm pháp luật trước khi nhập ngũ. Vì vậy, cơ quan quân sự các tỉnh, huyện cần tham mưu, phối hợp với ngành chức năng địa phương tổ chức xét duyệt tiêu chuẩn chính trị, khám tuyển sức khỏe chặt chẽ, theo đúng quy định, đảm bảo “tuyển người nào chắc người đó”. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ trong thực hiện Luật và bảo đảm tốt chế độ, chính sách trong công tác tuyển quân. Qua một năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, bước đầu đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị trong công tác tuyển quân. Tuy nhiên, việc tuyển chọn công dân có trình độ đại học, cao đẳng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong Quân đội vẫn còn ít; phối hợp giữa cơ quan chức năng trong đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự với quản lý công dân theo Luật Cư trú, Luật Xuất nhập cảnh,... chưa chặt chẽ, v.v. Thời gian tới, các cơ quan chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyển quân, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự; trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,... trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, đơn vị để có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở cho việc thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà Quân đội có nhu cầu.

Các địa phương, đơn vị cần quan tâm huy động các nguồn lực xã hội phục vụ thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, chế độ, chính sách cho công dân, nhất là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tổ chức tốt việc hướng nghiệp cho quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tạo điều kiện cho họ có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần động viên, khích lệ công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với các nội dung, biện pháp trên, các đơn vị nhận quân phải thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương trong tuyển chọn, tiếp nhận chiến sĩ mới, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, nhất là các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần bám sát thực tế ở địa phương, đơn vị, chỉ đạo chặt chẽ quá trình tuyển quân và thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh theo chức trách, thẩm quyền được giao, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng LÊ QUANG CHÍNH, Cục trưởng Cục Quân lực

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.