Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:30 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Năm 2019, bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến hoạt động đối ngoại của đất nước nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng. Song, bằng quyết tâm chính trị, tinh thần chủ động, sáng tạo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác đối ngoại quốc phòng. Tập trung bám sát nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020); Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; triển khai hiệu quả Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, v.v. Nhờ đó, công tác đối ngoại quốc phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, Quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, đối ngoại quốc phòng tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam kiên trì duy trì các hoạt động hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, đặc biệt là đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng biên giới, thúc đẩy các cuộc gặp giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước để tăng cường nhận thức, bàn thảo các giải pháp hóa giải những vấn đề còn tồn tại. Mặt khác, luôn tận dụng tốt các diễn đàn đa phương, nhất là các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La),… để vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện, Việt Nam luôn giữ vững nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đấu tranh, bảo đảm phù hợp với lợi ích chiến lược, tổng thể của khu vực và thế giới; kiên trì, mềm dẻo, không để điểm nóng phát triển thành xung đột quân sự và không để những bất đồng phá vỡ quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc.
Thứ hai, đối ngoại quốc phòng góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xây dựng lòng tin là đặc trưng cơ bản của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Vì vậy, năm 2019, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện; tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phân tán nguồn lực. Trong đó, ưu tiên quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, củng cố tình hữu nghị, xây dựng đường biên giới hòa bình, tạo vành đai an ninh, an toàn, ổn định trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây, Tây Nam của đất nước. Đồng thời, Việt Nam chủ động thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng với các nước lớn và các nước ASEAN trên cơ sở những văn bản đã ký kết, chú trọng lĩnh vực mà ta đang cần tăng cường năng lực, như: an ninh biển, an ninh, an toàn hàng hải, đào tạo, tìm kiếm cứu nạn, v.v. Thông qua hợp tác, xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng chiến lược, đan xen lợi ích; xử lý hài hòa mối quan hệ với các nước lớn, không để bị hiểu lầm, nghi kỵ giữa nước ta với các nước và giữa các nước với nhau; qua đó, tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại quốc phòng nhất quán, đúng đắn, rộng mở của Việt Nam. Với các nước bạn bè truyền thống, Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ, củng cố lòng tin, tạo sự ủng hộ về chính trị đối với nước ta. Đặc biệt, năm 2019 đã thể hiện bước phát triển mới trong hội nhập quốc tế về quốc phòng của nước ta, thông qua việc ký với Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) và việc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng (tháng 10-2019), tiếp tục triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế.
Thứ ba, đối ngoại quốc phòng đã tranh thủ tối đa các nguồn lực góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Để góp phần xây dựng Quân đội và tăng cường tiềm lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, năm 2019, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, lĩnh vực hợp tác đã được thiết lập với thúc đẩy nhiều mối quan hệ và lĩnh vực hợp tác mới. Đây là cơ sở quan trọng giúp chúng ta có thêm nhiều cơ hội trong việc đào tạo cán bộ, tranh thủ công nghệ, trình độ của các nước có nền khoa học quân sự tiên tiến vào nâng cao khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị và giúp ta có nhiều lựa chọn về công nghệ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng phù hợp với tổ chức, biên chế, nghệ thuật quân sự và đặc điểm địa hình, thời tiết Việt Nam.
Thứ tư, đối ngoại quốc phòng thiết thực góp phần khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và bảo đảm môi trường, không gian an toàn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nước khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đó là nội dung quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng. Cùng với việc hoàn thành Dự án xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng, bàn giao đất sạch cho Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng Việt Nam và đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục triển khai Dự án xử lý ô nhiễm chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa. Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, hồi hương nhiều hài cốt liệt sĩ từ đất bạn Lào, Cam-pu-chia trở về quê hương.
Thứ năm, tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt cho năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, từ việc hình thành ý tưởng, hoạt động tham vấn, đến xây dựng kế hoạch, phân công chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng sự kiện cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng đảm bảo cho chúng ta thể hiện tốt vai trò nước chủ nhà trong năm 2020, đóng góp có hiệu quả vào xây dựng hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đánh dấu 25 năm Việt Nam chính thức tham gia vào ngôi nhà chung ASEAN; đồng thời, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quân sự, quốc phòng của ASEAN. Việc thực hiện thành công các vai trò trên có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 - 2020 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó lường. ASEAN tiếp tục có nhiều vấn đề mới đặt ra, nhất là nhu cầu củng cố vững chắc hơn sự đoàn kết, gắn bó nội khối, nâng cao năng lực thích ứng với những biến đổi nhanh chóng và phức tạp trên trường quốc tế. Để góp phần vào thành công chung của nền ngoại giao nước nhà trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, công tác đối ngoại quốc phòng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục triển khai hoạt động theo đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Qua đó, nhận thức đúng đắn đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng là một trong những phương thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình. Chủ động hợp tác, lấy hợp tác làm tiền đề thúc đẩy xây dựng lòng tin, tạo sự đan xen, gắn kết, ràng buộc, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế; đẩy lùi các nguy cơ xung đột, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
2. Tích cực, chủ động nắm chắc tình hình, nhất là những tác động từ bên ngoài liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước; xác định đúng đối tác, đối tượng, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các quyết sách quan trọng nhằm củng cố lòng tin, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống; kịp thời ngăn ngừa xung đột, bảo vệ chủ quyền quốc gia; kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong nắm, dự báo tình hình, làm cơ sở điều chỉnh chiến lược, các chính sách đối ngoại của đất nước; chú trọng tham mưu, đề xuất đối sách xử lý các tình huống cả trước mắt và lâu dài, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
3. Tiếp tục triển khai hợp tác quốc phòng với các nước, phù hợp với quan hệ đối tác cấp Nhà nước, chọn đúng khâu đột phá, từng bước đưa quan hệ, hợp tác đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thực chất; trong đó, chú trọng các lĩnh vực: đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo - cứu trợ thảm họa, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nghiên cứu chiến lược, công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật, thương mại quân sự và an ninh biển, v.v. Tăng cường củng cố, thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương với các nước ASEAN và các nước đối tác, đối thoại, nhằm xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các nước đối với năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
4. Phát huy vai trò là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm trong hợp tác quân sự, quốc phòng đa phương. Tham gia đầy đủ, hiệu quả các tổ chức, cấu trúc an ninh, diễn đàn,... vì mục tiêu ổn định, hòa bình trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu; chú trọng tham gia xây dựng các điều luật, nguyên tắc và đề xuất sáng kiến tổ chức các hoạt động trên thực địa. Triển khai kế hoạch tổ chức các hội nghị và hoạt động quốc phòng, quân sự ASEAN năm 2020 theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Trong đó, chú trọng Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM retreat); Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Lễ kỷ niệm 10 năm (ADMM+),… góp phần vào thành công chung của năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Để đạt yêu cầu đề ra, tập trung xây dựng nội dung, sáng kiến của các hội nghị, bảo đảm yêu cầu sát chủ đề của Bộ Quốc phòng xác định cho năm ASEAN 2020 là: “Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Thực hiện ba ưu tiên lớn là: (1) Thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc phòng, quân sự nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác. Chủ động đề xuất sáng kiến, hình thức hợp tác mới, nhất là các sáng kiến hướng vào việc củng cố thể chế, nâng cao năng lực phối hợp hoạt động chung và làm sống động các cơ chế hợp tác hiện có; (2) Tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh và các vấn đề nảy sinh trên biển, trên biên giới; (3) Nâng cao năng lực của Việt Nam thông qua hợp tác thực chất và đăng cai đồng chủ trì Nhóm chuyên gia (ADMM+) về gìn giữ hòa bình. Tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tiếp tục chuẩn bị triển khai Đội Công binh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
5. Nâng cao khả năng dự báo chiến lược, năng lực tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại quốc phòng, hội nhập quốc tế về quốc phòng; bảo đảm từ khâu lãnh đạo, định hướng, chỉ đạo thực hiện đến phát ngôn, tuyên truyền đối ngoại,… thành một trục xuyên suốt, thống nhất và chặt chẽ theo đúng mục tiêu, quan điểm đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
6. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng phù hợp với sự phát triển của tình hình và luật pháp quốc tế. Trước mắt, ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 22/2016/NĐ-CP, ngày 31-3-2016 của Chính phủ về đối ngoại quốc phòng; trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2012/NĐ-CP, ngày 05-12-2012 của Chính phủ quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
7. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại quốc phòng năm 2020, thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương với các nước; kết quả hợp tác trong các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, biển, đảo, đối ngoại biên giới; kết quả của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; vai trò, vị thế, các sáng kiến và những đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020; quảng bá tuyên truyền về ASEAN, quân đội các nước ASEAN giai đoạn 2019 - 2020; quảng bá đất nước, văn hóa, lịch sử và các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.
8. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,… cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác đối ngoại quốc phòng, đảm bảo có đủ khả năng tham gia vào thành phần của các tổ chức quốc tế, khu vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh và đảm bảo phục vụ tốt các hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN năm 2020.
Các vấn đề trên là những nội dung cơ bản, quan trọng, định hướng toàn bộ hoạt động đối ngoại quốc phòng năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Toàn quân cần quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
một số định hướng,đối ngoại quốc phòng,năm 2020
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới