QPTD -Thứ Ba, 15/12/2015, 10:27 (GMT+7)
Lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội trước yêu cầu mới
Màn hát múa “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Trường Đại học Văn hóa
Nghệ thuật Quân đội tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014.
 (Ảnh: mod.gov.vn))

Văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản là những mặt công tác quan trọng góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, nên trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng hoạt động, nhất là: Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, v.v. Theo đó, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Chỉ thị 47/CT-ĐUQSTW “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, in và phát hành sách, báo trong quân đội”; Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế 199/2007/QĐ-BQP “Về quản lý báo chí trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thông tư 133/2013/TT-BQP “Về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, Đề án “Hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội giai đoạn 2014-2018”, Thông tư 104/2014/TT-BQP Quy định về chế độ, định mức tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam,… thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với các mặt công tác quan trọng này.

Đặc biệt, 5 năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhân lực, vật lực, kinh phí, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương đưa hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội vào nền nếp, theo đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên, nhân viên làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội thường xuyên được chăm lo bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hệ thống báo chí, xuất bản và cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội luôn được củng cố, phát triển vững mạnh, quy mô hợp lý, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, quy chế hoạt động chặt chẽ1. Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bộ đội và nhân dân; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần động viên, cổ vũ, giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bồi dưỡng niềm tin, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Tuy nhiên, hoạt động trên các lĩnh vực này còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản chưa đầy đủ, sâu sắc. Hoạt động sáng tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí ở một số đơn vị còn lúng túng, thiếu thiết thực, khoa học, đổi mới chậm. Việc đầu tư sáng tác ở một số nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; một số chương trình nghệ thuật, tác phẩm báo chí chất lượng chưa cao. Việc kiểm duyệt chương trình nghệ thuật, nhất là truyền hình trực tiếp, công tác quản lý xuất bản có lúc chưa chặt chẽ, còn để xảy ra sai sót, sơ hở; đấu tranh chống quan điểm, khuynh hướng sai lầm, lệch lạc trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ đôi lúc còn thiếu nhạy bén, v.v.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, việc phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội càng có ý nghĩa quan trọng. Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với các mặt công tác này, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì về tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội. Văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nước nhà; là những mặt công tác không thể thiếu trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, có vai trò định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, xây dựng lối sống có văn hóa, nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của người quân nhân cách mạng. Đồng thời, nâng cao khả năng đề kháng của bộ đội trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; tạo môi trường sàng lọc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại và ngăn chặn sự thẩm lậu của văn hóa, thông tin xấu độc vào cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, v.v. Vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội to lớn là vậy, nên các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị nghệ thuật, cơ quan báo chí, nhà xuất bản cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho các đối tượng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của các mặt công tác này. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đảm bảo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh trung thực đời sống sinh hoạt, công tác của bộ đội; khắc phục biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường, lai căng, thiếu tính chiến đấu, tính nghệ thuật và tính thực tiễn.

Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản thông qua cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì ở cơ sở; là yếu tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo cho các hoạt động này theo đúng định hướng chính trị, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với hoạt động báo chí, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 22/CT-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Thông báo Kết luận số 41/TB-TW của Bộ Chính trị “Về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”, Đề án “Hiện đại hóa các cơ quan Báo chí Quân đội giai đoạn 2014-2018”, v.v. Đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm: báo chí ở cấp nào phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy và sự quản lý, điều hành của người đứng đầu, cơ quan chính trị cấp đó; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, không “thương mại hóa”, không chạy theo thị hiếu cơ chế thị trường. Với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, các cấp cần lãnh đạo quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Chỉ thị 46/CT-TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, v.v. Trên cơ sở đó, cấp ủy các đơn vị xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, xác định phương hướng, mục tiêu phát triển trên từng lĩnh vực. Mọi hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật, báo chí, xuất bản, nhất là chương trình truyền hình trực tiếp phải được kiểm duyệt chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, không để sai sót đáng tiếc xảy ra để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của người đứng đầu trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản phải đảm bảo vừa đúng định hướng của Đảng, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ, nhà báo sáng tạo ra giá trị văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, có tính nhân văn sâu sắc; phê phán những quan điểm sai trái, xem nhẹ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội thời kỳ mới. Để làm được điều đó, nhất thiết chúng ta phải có đề án xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội phát triển bền vững, lâu dài. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tốt, được rèn luyện, thử thách qua thực tế, gắn bó với cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất,… của cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đi đôi với việc quy hoạch, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ báo chí và tạo mọi điều kiện để họ được thụ hưởng đầy đủ chế độ, chính sách do Nhà nước quy định. Trước mắt, chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, truyền thông. Đồng thời, tập trung xây dựng quy hoạch, đào tạo cán bộ văn hóa, văn học, nghệ thuật toàn quân; chú trọng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng ngày càng nâng lên. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa và hạt nhân văn hóa, văn nghệ của các đơn vị cơ sở; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội trong việc đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở; đưa các nội dung công tác văn hóa, văn nghệ vào chương trình đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với người đọc, người nghe và người xem. Cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành quy chế cung cấp thông tin, thiết lập trang điện tử trên in-tơ-nét trong Quân đội bảo đảm đúng quy chế của Bộ Thông tin và Truyền thông, các quy định về bí mật của Nhà nước và Quân đội; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu giúp Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác báo chí đạt chất lượng cao hơn. Việc triển khai Đề án “Hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội giai đoạn 2014-2018” phải được thực hiện theo đúng quy trình, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, tránh để thất thoát, góp phần nâng tầm hoạt động của các cơ quan Báo chí Quân đội theo xu thế chung của nền báo chí nước nhà, sự phát triển của báo chí trên thế giới và khu vực. Đồng thời, lãnh đạo củng cố, kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội, hòa nhập với hệ thống thiết chế, mạng lưới văn hóa, văn nghệ của Nhà nước, tạo ra nhiều sản phẩm, công trình văn hóa có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; đa dạng hóa hình thức, phương pháp, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các thiết chế văn hóa. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần theo phương châm hướng về cơ sở; quan tâm đầu tư cả về tinh thần, vật chất với nhiều hình thức cụ thể, sát thực tiễn đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức hoạt động văn hóa, phát huy vai trò của đoàn thanh niên và các tổ chức quần chúng ở cơ sở, đặc biệt chú ý đến đối tượng chiến sĩ mới, sĩ quan trẻ, các đơn vị có tính đặc thù, đóng quân phân tán, nhỏ lẻ, v.v. Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả xã hội của các hoạt động báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội; kết hợp chặt chẽ và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển cả nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, đáp ứng tốt đời sống văn hóa của bộ đội và nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Năm là, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Cùng với nâng cao hiệu quả đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các đơn vị văn hóa, nghệ thuật và cơ quan báo chí Quân đội cần phải tỏ rõ thái độ kiên quyết, không khoan nhượng với các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản; kịp thời tổ chức các tọa đàm, bài viết phê phán những khuynh hướng sáng tác trái với đường lối văn hóa -  nghệ thuật của Đảng, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, góp phần vào việc nuôi dưỡng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội với tinh thần lấy “xây” để “chống”, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tăng cường công tác giáo dục nhận thức, bồi dưỡng năng lực tự nhận thức, tự đánh giá; tăng cường quản lý tư tưởng và các hoạt động có khả năng trở thành con đường thẩm lậu văn hóa xấu độc; phát huy dư luận tích cực đấu tranh lên án các tệ nạn xã hội, biểu hiện tiêu cực, thói quen xấu. Qua đó, hình thành phong trào tự giác xây dựng nếp sống lành mạnh, phong cách làm việc, giao tiếp, ứng xử có văn hóa và khả năng thưởng thức văn hóa lành mạnh trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Với quan điểm đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tin tưởng rằng, thời gian tới, hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong Quân đội sẽ tiếp tục khởi sắc, giữ vững tôn chỉ, mục đích, hòa vào dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật, báo chí nước nhà, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trung tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
_________________________

1 - Hiện nay, toàn quân có 706 thư viện, phòng đọc, 2.000 phòng Hồ Chí Minh, 28 bảo tàng, 452 phòng truyền thống, 03 nhà hát, 10 đoàn văn công chuyên nghiệp và 58 cơ quan, đơn vị báo chí, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.