Chủ Nhật, 24/11/2024, 07:46 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Là một trong ba trụ cột chủ yếu của Cộng đồng ASEAN, hợp tác chính trị - an ninh ASEAN đã, đang trở thành “nền tảng” và điều kiện “tiên quyết” cho sự phát triển của từng quốc gia và toàn khu vực. Vì thế, đánh giá sự hợp tác trong lĩnh vực này và vai trò của Việt Nam để có phương hướng tham gia phù hợp là vấn đề rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tham dự Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN. (Ảnh:TTXVN)
Xuất phát từ nhu cầu đoàn kết, hợp tác để bảo vệ lợi ích quốc gia và cùng nhau đối phó với các thách thức của khu vực, nên ngay từ khi thành lập Hiệp hội (năm 1967) đến nay, hợp tác chính trị - an ninh luôn là nội dung quan trọng hàng đầu của ASEAN. Ban đầu, sự hợp tác này được ASEAN lựa chọn, tiếp cận từ việc xây dựng, chia sẻ chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực với nhau, bao gồm: các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, v.v. Đây là sự khởi đầu quan trọng để từ đó mở ra sự gắn kết ngày càng chặt chẽ, toàn diện trên các lĩnh vực của ASEAN. Tiếp đó, các chuẩn mực ứng xử này được Hiệp hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thông qua các tuyên bố, hiệp ước được ký kết, như: Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN); Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Với các nỗ lực này, ASEAN đã dần tạo được sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, xây dựng môi trường hợp tác, hữu nghị, hạn chế sự can thiệp của bên ngoài, tạo không gian ngoại giao riêng để thực hiện các sáng kiến của Hiệp hội.
Tuy nằm trong một khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng đa số các thành viên của ASEAN là các quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế chủ yếu gắn kết nhiều với bên ngoài, nên sự hợp tác nội khối sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Điều đó đã thôi thúc ASEAN không chỉ tăng cường hợp tác với nhau, mà còn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác bên ngoài, nhất là đối với các cường quốc, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Quá trình này được bắt đầu từ năm 1976 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a) và được tổ chức thường niên dưới hình thức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác1 (từ năm 1979). Trong tiến trình đó, hợp tác và đối thoại chính trị - an ninh giữa ASEAN với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đẩy mạnh thông qua khuôn khổ các diễn đàn đa phương, bắt đầu từ việc thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994.
Chính nhu cầu gia tăng hợp tác nội khối và mở rộng hợp tác với bên ngoài về chính trị, an ninh đã dẫn tới ý tưởng về xây dựng một Cộng đồng An ninh ASEAN, được thể hiện chính thức tại Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II của Hội nghị cấp cao ASEAN-9 (năm 2003). Hợp tác chính trị - an ninh tiếp tục được nâng lên tầm cao mới khi Hội nghị Cấp cao ASEAN-12 (năm 2007) quyết định xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN - một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN và đến Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 (năm 2015), các nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố lịch sử chính thức hình thành Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Quá trình trên thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất, khả năng tự cường của Hiệp hội trong việc ứng phó với các nguy cơ, thách thức đối với khu vực, tạo nền tảng thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển.
Những đóng góp quan trọng của hợp tác chính trị - an ninh ASEAN
Những năm qua, mặc dù bối cảnh khu vực, quốc tế liên tục biến chuyển và xuất hiện nhiều thách thức mới, liên quan trực tiếp đến khu vực Đông Nam Á, như: sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; khủng bố quốc tế; thiên tai, thảm họa cùng những nguy cơ bất ổn ở Biển Đông,… nhưng ASEAN vẫn vươn lên phát triển thịnh vượng trong hòa bình. Đây là biểu hiện rõ nét sự đóng góp của hợp tác chính trị - an ninh ASEAN trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Trên thực tế, trong giai đoạn 2009-2015, ASEAN đã triển khai và hoàn thành 146 dòng hành động hợp tác cụ thể, tập trung vào 14 lĩnh vực ưu tiên và 3 cụm vấn đề chính. Đó là: hoạt động theo luật lệ với các chuẩn mực chung; có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; mở rộng hợp tác với bên ngoài. Đến nay, hầu hết các dòng hành động này đều hoàn thành và phát huy hiệu quả, có đóng góp quan trọng vào gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cho khu vực, được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, ASEAN đã xây dựng và nhân rộng giá trị, các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực. Thông qua phát triển khuôn khổ các văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiến chương ASEAN và Tuyên bố Cấp cao Đông Á về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi ở khu vực, các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của khu vực được phổ biến và chấp nhận rộng rãi, tạo nền tảng thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác. Đặc biệt, việc Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á quy tụ được 22 quốc gia bên ngoài ASEAN tham dự cùng nhiều nước khác bày tỏ nguyện vọng tham gia, đã đề cao giá trị của Hiệp ước cũng như thành công của ASEAN trong chia sẻ các chuẩn mực ứng xử. Ngoài ra, ASEAN còn chú trọng tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột; chia sẻ thông tin về chính sách an ninh - quân sự; tổ chức đào tạo cán bộ và diễn tập chung; thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng; triển khai mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN; tham vấn và hợp tác về các vấn đề quốc phòng với các đối tác.
Thứ hai, ASEAN chú trọng củng cố thể chế và các cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như: hoàn thiện bộ máy tổ chức hoạt động tuân theo luật định; tăng cường hợp tác về chính trị, quốc phòng, hỗ trợ pháp luật cũng như về lãnh sự và đi lại. Đồng thời, ASEAN luôn nỗ lực phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, nhất là thông qua vai trò đi đầu trong xử lý các vấn đề nổi cộm của khu vực và vai trò chủ đạo trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực, như: ASEAN+1, ASEAN+32, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với 11 đối tác chính (có 09 nước đối thoại)3, 01 tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu) và 01 tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc). Đến nay, ASEAN đã hình thành các khuôn khổ đối tác chiến lược hoặc toàn diện có tính lâu dài với các đối tác trên, kèm theo các kế hoạch hành động cụ thể; lập nhiều quan hệ đối tác ở mức độ thấp hơn nhưng đi vào vấn đề cụ thể, thực chất, như: quan hệ theo lĩnh vực với Pa-ki-xtan, Na Uy và với một số nước và tổ chức khu vực khác. Hiện tại, đã có 83 quốc gia ngoài ASEAN và Liên minh châu Âu cử đại sứ tại ASEAN.
Thứ ba, ASEAN đã, đang đóng vai trò quan trọng trong xử lý những thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, nhất là thúc đẩy đối thoại để giải quyết các tranh chấp trên bộ và trên biển; hợp tác cứu trợ, ứng phó với các thảm họa thiên tai; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, di cư bất hợp pháp, v.v. Thực tiễn cho thấy, từ khi ra đời cho đến nay, không có cuộc xung đột lớn nào nổ ra giữa các quốc gia trong khu vực. Thời gian gần đây, ASEAN thường xuyên thảo luận và đạt được lập trường chung về vấn đề Biển Đông; trên cơ sở đó, lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đối với hòa bình và an ninh ở Biển Đông và khu vực; thu hút sự quan tâm và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, cộng đồng quốc tế; đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Năng lực và khả năng phối hợp giữa các nước ngày càng được nâng cao, thông qua nhiều thỏa thuận khu vực; trong đó có Công ước của ASEAN về Chống khủng bố, Hiệp định về Quản lý thảm họa và phản ứng khẩn cấp (AADMER); Công ước ASEAN về Chống buôn bán người; Trung tâm trợ giúp nhân đạo về quản lý thảm họa (AHA), v.v. Bên cạnh đó, ASEAN tăng cường hợp tác nhằm mục tiêu hướng tới người dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, với nhiều biện pháp cụ thể, như: thực hiện Tuyên bố nhân quyền ASEAN, thành lập Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ các quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC); tổ chức gặp gỡ các lãnh đạo ASEAN và đại diện các giới, tăng cường sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Vai trò của Việt Nam
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại của Đại hội X, XI và XII của Đảng, chúng ta đã tham gia ASEAN với phương châm: “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, được các nước ghi nhận, đánh giá cao. Theo đó, Việt Nam đã đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong một số lĩnh vực, nhất là tăng cường về thể chế, cơ chế được thể hiện trong Hiến chương ASEAN; Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN; cải tiến nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của các cơ quan ASEAN; xây dựng Tuyên bố Tầm nhìn ARF và hoàn tất Kế hoạch hành động Hà Nội 2010, v.v. Đặc biệt, chúng ta đã chủ động thúc đẩy thành công một số vấn đề quan trọng giúp ASEAN bảo đảm vai trò trung tâm ở khu vực cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, nhất là quyết định mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á, với sự tham gia của cả Nga và Mỹ; đưa ra sáng kiến và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác lần đầu tiên tại Hà Nội. Ngoài ra, Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, làm sâu sắc quan hệ hợp tác chính trị - an ninh ASEAN với các đối tác; trong đó, đã đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (giai đoạn 2009 - 2012), ASEAN - EU (giai đoạn 2012 - 2015) và hiện tại là ASEAN - Ấn Độ.
Lập trường và đóng góp tích cực của Việt Nam thời gian qua không chỉ thể hiện tốt trách nhiệm của nước thành viên, mà còn giúp ASEAN tăng cường đoàn kết, thống nhất, nâng cao vai trò và uy tín của Hiệp hội. Quan trọng hơn, phát huy vai trò của mình, chúng ta đã khéo léo lồng ghép, thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh ở vùng biển đầy nguy cơ bất ổn này.
Định hướng hợp tác trong thời gian tới
Với nhận thức xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, ASEAN đã đề ra Tầm nhìn 2025 cùng các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột. Trong đó, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh thời gian tới được các nước nhất trí thông qua với những mục tiêu hợp tác cơ bản là: tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, tăng cường đoàn kết và thống nhất nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên các luật lệ, nâng cao khả năng của Hiệp hội trong xử lý kịp thời, hiệu quả những thách thức an ninh và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Đây là vấn đề rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng để thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025; đồng thời, có vị trí và ý nghĩa tất yếu đối với từng quốc gia thành viên và toàn Hiệp hội. Vì vậy, trong giai đoạn mới, ASEAN cần tăng cường hợp tác để xử lý các cách thức chung cũng như đối với từng nước thành viên; trong đó có thể kể đến sự tồn tại khác biệt về thể chế, lợi ích, hệ thống luật pháp của các nước thành viên cũng như cách tiếp cận giải quyết vấn đề và sự cạnh tranh can thiệp của các nước lớn.
Tuy nhiên, do quan hệ, hợp tác về chính trị - an ninh của ASEAN không chỉ diễn ra trong phạm vi nội khối, mà còn với tất cả các nước đối thoại, đối tác bên ngoài khu vực, với mức độ và tần xuất rất khác nhau, nên việc hợp tác này cũng chịu tác động của nhiều nhân tố, cả bên trong và bên ngoài. Vì thế, về ngắn hạn, hợp tác chính trị - an ninh ASEAN sẽ phát triển tiệm tiến, chưa nên đi vào chiều sâu ngay, mà theo hướng: tiếp tục duy trì “thống nhất trong đa dạng” với mức độ hợp tác được nâng cao hơn, nhưng không phát triển thành mô hình “khối phòng thủ chung” hoặc có chính sách quốc phòng - an ninh chung.
Đối với Việt Nam, thông qua hợp tác ASEAN, chúng ta có thể làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên ASEAN; đồng thời, tăng cường quan hệ nhiều mặt với các đối tác ngoài khu vực. Trên thực tế, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN ngày càng được thể chế hóa và phát huy hiệu quả sẽ đề cao vai trò của ASEAN trên trường quốc tế; từ đó, chúng ta có cơ hội tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của mình trên Biển Đông. Mặt khác, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam tham gia trực tiếp vào các hoạt động hợp tác, nhằm xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống và nâng cao năng lực quốc gia.
Như vậy, hợp tác chính trị - an ninh ASEAN - một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN - luôn hướng tới và vì cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế cùng sự phát triển bền vững của các nước thành viên nói riêng, Cộng đồng ASEAN nói chung. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho chúng ta trong quán triệt, triển khai thực hiện đường lối đối ngoại được thể hiện trong các văn kiện tại Đại hội XII của Đảng. Đó là: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”4, góp phần cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh.
LÊ HOÀI TRUNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
______________
1 - Gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ấn Độ, Nga, Liên minh châu Âu và Ca-na-đa.
2 - Giữa ASEAN với Trung Quốc và giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
3 - Gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nga, Hoa Kỳ và Ca-na-đa.
4 - Trích Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 21-01-2016, tr.4, cột 6.
Hợp tác chính trị,an ninh,cộng đồng ASEAN
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia 23/11/2024
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới