Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:43 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Năm 2019, công tác hậu cần Quân đội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Đó là tiền đề quan trọng để toàn quân tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc hơn nữa công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực của toàn quân, trong năm qua, công tác hậu cần Quân đội tiếp tục đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hậu cần đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần tiếp tục được nâng lên, đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ đột xuất. Ngành Hậu cần đã thực hiện tốt việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách theo cơ chế quản lý tài chính mới; chấp hành nghiêm chủ trương đổi mới phương thức tạo nguồn vật chất hậu cần. Các cơ quan, đơn vị tích cực khai thác, tạo nguồn, chủ động phòng, chống dịch bệnh, duy trì tăng gia sản xuất, giữ ổn định đời sống bộ đội. Cơ quan hậu cần các cấp được kiện toàn, điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, thống nhất; chế độ công tác đi vào nền nếp chính quy. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ huy, điều hành công tác hậu cần được đẩy mạnh. Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên lĩnh vực hậu cần được mở rộng, đạt kết quả tốt1.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác hậu cần cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Việc duy trì các chế độ, quy định của Ngành ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; công tác tham mưu chuyển đổi phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, nhất là trong tạo nguồn bảo đảm có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giá trị sản phẩm tăng gia sản xuất còn thấp; quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội ở một số đơn vị còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, v.v.
Năm 2020, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Quân đội có sự phát triển mới. Đây là năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X; toàn quân triển khai nhiều nhiệm vụ, nội dung công tác quan trọng; nhu cầu bảo đảm hậu cần tăng mạnh, yêu cầu cao, nhất là bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới của Tổ quốc. Trong khi đó, ngân sách bảo đảm chưa đáp ứng đủ nhu cầu; tình hình thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ khó lường, v.v. Thực tế trên đòi hỏi toàn quân, trước hết là ngành Hậu cần cần đẩy mạnh đổi mới, tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác hậu cần. Trong đó, chú trọng thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu cần. Ngành Hậu cần toàn quân, trước hết là các cục chuyên ngành, cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược về lĩnh vực hậu cần quân sự. Trong đó, chú trọng tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước hết, tập trung tham mưu thực hiện tốt việc xây dựng chương trình, mục tiêu công tác hậu cần giai đoạn 2020 - 2025; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án hậu cần, cùng các chương trình, kế hoạch thực hiện Luật Quốc phòng 2018, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất Bộ báo cáo Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 70/2015/NĐ-CP, ngày 01-9-2015 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu” và Nghị định 76/2016/NĐ-CP, ngày 01-7-2016 của Chính phủ “Quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng”, phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng, hoàn thiện các đề án, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, kết luận của Quân ủy Trung ương, quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế và bảo đảm trang bị, phương tiện đối với ngành Hậu cần Quân đội đến năm 2025.
Hai là, chủ động chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, đảm bảo kịp thời nhu cầu hậu cần sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất. Cơ quan hậu cần các cấp cần chủ động rà soát, điều chỉnh các kế hoạch bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhất là Quyết tâm A, Kế hoạch bảo vệ đại hội đảng các cấp và các hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Chú trọng cân đối, điều chỉnh vật chất, trang bị hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ thị 15/CT-TM, ngày 03-12-2018 của Tổng Tham mưu trưởng; tập trung triển khai thực hiện kế hoạch hiệp đồng giữa hậu cần chiến lược với hậu cần Hải quân và các lực lượng ven biển, trên biển, nhằm thống nhất chỉ huy, chỉ đạo, bảo đảm hậu cần khi có tình huống; duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy nhanh việc bảo đảm đồng bộ trang bị, vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện dã ngoại, theo hướng gọn cho từng đơn vị; tăng cường luyện tập, diễn tập bảo đảm hậu cần, nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm của cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp.
Hậu cần các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu, giúp chỉ huy tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ. Cơ quan chức năng của Tổng cục chỉ đạo, bảo đảm tốt hậu cần cho các lực lượng Quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược, nhiệm vụ C, K; chỉ đạo, bảo đảm, huấn luyện Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 và Đội Công binh, sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần thường xuyên. Năm 2020, hậu cần các cấp cần chỉ đạo, ưu tiên đầu tư hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần đã xác định trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X và lộ trình thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW. Theo đó, công tác quân nhu chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội. Cục Quân nhu đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn quân nhu cho các lực lượng đặc thù, mới thành lập và sắp xếp lại tổ chức đối với những bếp ăn dừng xã hội hóa theo chủ trương của Bộ Quốc phòng. Tiếp tục bổ sung, đồng bộ trang bị nhà ăn, nhà bếp, quân nhu dã ngoại; ưu tiên bếp ăn trên đảo, ven biển và trang bị mới hệ thống bếp điện, bếp dầu Diesel thay thế bếp lò hơi cơ khí theo lộ trình. Chủ động tạo nguồn, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng và quản lý sử dụng chặt chẽ. Các đơn vị tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát triển trồng rau, củ, quả hữu cơ; khẩn trương tái đàn, tăng tỷ lệ đàn lợn nái, lợn thịt siêu nạc, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, trâu, bò tập trung và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ngắn ngày để bảo đảm định lượng đưa vào bữa ăn. Đồng thời, triển khai đúng quy định trong đầu tư xây dựng các công trình tăng gia sản xuất tập trung; quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ, rõ ràng giá sản phẩm tăng gia, chế biến, đưa vào bữa ăn hợp lý, cải thiện đời sống bộ đội.
Ngành Quân y nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội ngay từ cơ sở; chú trọng công tác phòng, chống dịch bênh, nâng cao chất lượng khám, điều trị của các tuyến. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch hệ thống bệnh viện, bệnh xá toàn quân” gắn với Đề án “Đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực công tác bảo đảm quân y và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội, xây dựng ngành Quân y từng bước hiện đại giai đoạn 2018 - 2020”; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong thực hiện khám, chữa bệnh, chuyển tuyến cho quân, dân trên Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Tiếp tục nghiên cứu giải quyết bất cập trong thực hiện bảo hiểm y tế quân nhân; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện quân y.
Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản theo hướng đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các đơn vị mới thành lập, đơn vị đủ quân, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo,… theo đúng định hướng và kế hoạch đã được Bộ phê duyệt. Cơ quan hậu cần các cấp tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại; thực hiện tốt các quy chế, quy trình trong đầu tư, xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý, giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí. Các đơn vị phát huy nội lực, chủ động làm tốt công tác sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hạng mục sẵn có; hạn chế phá dỡ để xây mới các công trình còn niên hạn sử dụng, công trình xây dựng đã hết niên hạn hoặc sau cải tạo nhưng còn sử dụng tốt. Tập trung hoàn thành xây dựng các công trình nước sạch, phấn đấu hết năm 2020, có 100% cơ sở doanh trại được sử dụng nước sạch; cải tạo, nâng cấp hệ thống sân, đường nội bộ đạt 90%, hệ thống điện hạ thế đạt 96% nhu cầu của toàn quân, thiết thực nâng cao đời sống bộ đội.
Ngành Xăng dầu và các đơn vị cần nắm vững tình hình thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu và khí tài xăng dầu cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai hạn mức, định mức xăng dầu bảo đảm cho từng ngành, đơn vị trực thuộc; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng, thanh quyết toán xăng dầu, thực hiện tiết kiệm 10% hạn mức được phân bổ theo quy định, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ ở các cấp, v.v. Để hoàn thành các chỉ tiêu công tác vận tải, các đơn vị thực hiện tốt việc phân cấp vận chuyển; thực hiện một phần xã hội hóa vận chuyển quân và những mặt hàng thông dụng; duy trì nghiêm các chế độ công tác kỹ thuật; bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo hệ số kỹ thuật đối với xe, tàu thuyền làm nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu. Tổng cục tiếp tục thực hiện các dự án mua sắm, thay mới phương tiện vận tải, trang bị, khí tài xăng dầu; cải tạo, nâng cấp hệ thống kho xăng dầu trong toàn quân, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Bốn là, tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp tinh, gọn, mạnh, hiệu quả; trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Kiện toàn tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng một cách thực chất công tác huấn luyện, xây dựng chính quy Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới”. Trước mắt, cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp quán triệt, làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng; trong đó, chú trọng làm tốt việc chuẩn bị báo cáo chính trị, chương trình hành động và nhân sự cấp ủy khóa mới. Sau đại hội, chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần đã xác định, gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác hậu cần năm 2020 để nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống. Các đơn vị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội; trong đó, tăng cường phân cấp cho đơn vị, thực hiện đúng pháp luật trong mua sắm, đấu thầu. Trên cơ sở chỉ tiêu ngân sách được giao, cơ quan hậu cần các cấp phối hợp chặt chẽ cơ quan tài chính tham mưu, giúp cấp ủy, chỉ huy, thực hiện phân cấp triệt để đến các đơn vị có đủ điều kiện tự tạo nguồn, phù hợp với đặc điểm, địa bàn đóng quân, khả năng khai thác và quy định quản lý tài chính. Các cục chuyên ngành tích cực nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức vật tư - kỹ thuật các sản phẩm quốc phòng làm cơ sở cho quản lý, giám sát, kiểm soát trong mua sắm, đấu thầu và bảo đảm.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, huấn luyện hậu cần, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần theo các phương án, kế hoạch, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc; chú trọng huấn luyện lực lượng quân y tăng cường, phối thuộc cho Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ trên biển, đảo; sẵn sàng huấn luyện Đội tuyển tham gia Army Games 2020 do Liên bang Nga tổ chức. Tổng cục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Điều lệ công tác hậu cần, Điều lệ công tác các chuyên ngành hậu cần phù hợp với hệ thống Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên, cứu ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, sáng kiến cải tiến, thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành Hậu cần; chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất, tiến tới không sử dụng sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần trong hoạt động hậu cần và trong sinh hoạt.
Cùng với đó, Ngành làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm lần thứ năm phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; sơ kết 05 năm lần thứ ba phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; sơ kết 05 năm lần thứ hai Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Ngành, gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng; qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hậu cần năm 2020, góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
____________
1 - Tham gia Army Games 2019, Đội Bếp dã chiến Việt Nam là đội duy nhất của châu Á lọt vào Chung kết và xếp thứ 7; có 01 bác sĩ giành Huy chương Đồng.
hậu cần Quân đội,năm 2020
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới