Thứ Năm, 24/04/2025, 11:31 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Ngày 31-12-2015, với ba trụ cột về Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành. Đây là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ở Đông Nam Á, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các nước thành viên ASEAN vì mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Trong đó, Việt Nam tự hào với những đóng góp quan trọng vào thành công chung của ASEAN.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo về Cộng đồng ASEAN. (Ảnh: TTXVN)
Từ ý tưởng, quyết tâm đến những thành công lớn
Ngay từ thập niên cuối của thế kỷ XX, những chuyển biến căn bản của cục diện thế giới cùng sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới đặt ra nhu cầu cấp thiết về hợp tác giữa các quốc gia, nhằm gia tăng sức mạnh và lợi thế để bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển ở từng khu vực và trên toàn thế giới. Xuất phát từ nhận thức chung đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020; trong đó, lần đầu tiên đề cập ý tưởng về một cộng đồng mang tính hài hòa của các quốc gia Đông Nam Á. Từ ý tưởng đó, tháng 10-2003, trong Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN, với ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội vào năm 2020. Tuy nhiên, trước tốc độ của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng nhanh chóng và sâu sắc, nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu đặt ra đòi hỏi phải nâng tầm quan hệ hợp tác và liên kết khu vực. Do đó, thời gian liên kết nội khối, hình thành Cộng đồng ASEAN đã được rút ngắn vào cuối năm 2015 (mặc dù khó khăn đặt ra đối với từng nước thành viên không phải ít). Đây là quyết tâm, sự đoàn kết, đồng thuận rất cao của ASEAN, đáp ứng đòi hỏi của mỗi nước, khu vực cũng như xu thế của thời đại. Đồng thời, còn là cơ sở quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý để ASEAN xây dựng thể chế, triển khai hàng trăm đầu việc, nhằm thúc đẩy liên kết nội khối một cách sâu rộng, toàn diện và nhanh chóng vì sự phát triển thịnh vượng chung của khu vực. Thực tiễn cho thấy, qua 7 năm triển khai xây dựng Cộng đồng, với tỷ lệ công việc về đích đạt 94% đã phản ánh nỗ lực bền bỉ cùng những kết quả quan trọng mà ASEAN đã đạt được trên cả ba trụ cột.
Thứ nhất, hợp tác chính trị - an ninh đã được nâng lên tầm cao mới theo hướng: rộng lớn hơn về lĩnh vực, sâu sắc hơn về nội dung và phong phú hơn về hình thức. Theo đó, các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử tầm khu vực, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC),… được hình thành, phát huy và trở thành nền tảng chỉ đạo không chỉ trong quan hệ giữa các nước ASEAN, mà còn đối với quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Điều đáng nói là, giá trị của các chuẩn mực đó được nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy văn hóa đối thoại, tham vấn và xây dựng lòng tin ở khu vực, nhất là trong xây dựng lòng tin chiến lược. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nổi cộm ở khu vực, như: vấn đề nhân quyền, di cư, an ninh Biển Đông cùng các thách thức an ninh phi truyền thống,… đều được ASEAN đưa lên bàn nghị sự để bàn thảo với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết. Đồng thời, nhiều cơ chế của khu vực cũng được thiết lập và vận hành hiệu quả, như: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); Diễn đàn biển ASEAN (AMF),… có tác động tích cực trong tăng cường tình đoàn kết và khẳng định vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực.
Thứ hai, hợp tác kinh tế cùng phát triển thịnh vượng giữa các nước được đẩy mạnh, thông qua các đặc trưng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)1 đã, đang tạo động lực cho một thị trường chung của 10 nền kinh tế với hơn 625 triệu dân và quy mô GDP ước đạt 2.600 tỷ USD. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2007 - 2013, tổng giao dịch thương mại và đầu tư của ASEAN đã tăng từ 1.600 tỷ USD lên tới 2.500 tỷ USD; đầu tư trực tiếp vào khu vực tăng từ 84 tỷ USD lên 122 tỷ USD, tăng gần 50% (mức cao nhất so với các khu vực trên toàn cầu). Còn theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm tới, tăng trưởng kinh tế ở khu vực ước đạt 7,1% và có thể tạo ra 14 triệu việc làm mới. Trên nền tảng đó, dự báo đến năm 2050, nền kinh tế ASEAN (hiện xếp thứ 7 toàn cầu) được kỳ vọng vươn lên hàng thứ 4 trên thế giới.
Thứ ba, hợp tác văn hóa - xã hội gắn liền với cuộc sống của người dân giữa các nước thành viên ASEAN đã có bước phát triển toàn diện và thực chất. Trên khắp các lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường đến ứng phó với các thách thức: thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường,… trụ cột Văn hóa - Xã hội đều hướng vào chăm lo, nâng cao cuộc sống của người dân. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ người nghèo và cực nghèo ở các nước thành viên đã giảm hơn 4 lần so với trước; trong khi đó, số người thuộc tầng lớp trung lưu đã tăng 6 lần, từ con số 50 triệu người (năm 2004) lên tới 300 triệu người (năm 2014). Đặc biệt, các hoạt động hợp tác sôi động, hiệu quả giữa các nước thông qua nhiều khuôn khổ và cơ chế đã hình thành thói quen hợp tác, chia sẻ để cùng nhau xây dựng đại gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự hình thành một bản sắc chung của ASEAN để kết nối người dân ở các nước với nhau trong ý thức cộng đồng và đưa các giá trị ASEAN vươn ra ngoài khu vực.
Ngoài ra, hướng tới một khu vực hợp tác rộng mở với vai trò trung tâm của ASEAN cũng là kết quả nổi bật của Hiệp hội. Cùng với hợp tác nội khối, ASEAN theo đuổi chính sách hướng ngoại, tạo sắc thái cởi mở cho tiến trình liên kết khu vực. Với vai trò “người trung gian thực tâm”, ASEAN đã thành công trong việc thu hút và gắn kết các đối tác vào hợp tác khu vực thông qua các khuôn khổ, như: ASEAN+1, ASEAN+32, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Các cơ chế này với những đặc thù riêng, đan cài, bổ trợ lẫn nhau để dần hình thành một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, đa lĩnh vực với tâm điểm thuộc về ASEAN. Kiên trì thực hiện chính sách này, thời gian qua, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 7 nước, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ấn Độ và quan hệ đối tác toàn diện với Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ca-na-đa. Đây là thành quả to lớn và có tính bước ngoặt của ASEAN trong quá trình hội nhập và phát triển. Với những kết quả nêu trên, ngày 31-12-2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức công bố trước thế giới về sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.
Như vậy, nhìn lại từng bước tiến trong gần 50 năm qua, nhất là lộ trình 7 năm xây dựng Cộng đồng, có thể khẳng định, hợp tác ASEAN là một quá trình tiệm tiến, từ thấp đến cao, từ các vấn đề chung đến cụ thể, từ không chính thức đến chính thức và thể chế hóa với mục tiêu xuyên suốt là một tầm nhìn chung. Trong dòng chảy đó, xây dựng Cộng đồng ASEAN được xác định là một quá trình lâu dài, đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả khu vực và từng nước thành viên, mà bao trùm là gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển và thịnh vượng. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu ấn lịch sử, ghi nhận tiến trình hợp tác, liên kết khu vực lên một tầm mức mới, sâu rộng, chặt chẽ hơn; đồng thời, đó cũng là nền tảng định hướng và khuôn khổ cho ASEAN bước vào giai đoạn mới, vừa đáp ứng lợi ích của các quốc gia thành viên, vừa phản ánh vai trò trung tâm, tính chủ động của Hiệp hội trước xu thế tăng cường hợp tác.
Những dấu ấn đóng góp của Việt Nam
Là quốc gia thành viên từ năm 1995, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng ASEAN lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa ý tưởng hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trong 20 năm đồng hành cùng ASEAN, với phương châm tham gia “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết, nghĩa vụ của một nước thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển, lớn mạnh của Hiệp hội nói chung, xây dựng Cộng đồng ASEAN nói riêng, được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao.
Điều đó được thể hiện trước hết, khi năm 1998, tức là chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, chúng ta đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị ASEAN 6 với đầy đủ chương trình nghị sự. Trong đó, với vai trò của nước chủ nhà, cùng nỗ lực của các nước thành viên, Việt Nam đã dẫn dắt, nâng cao chất lượng Hội nghị với nhiều điểm đột phá, nhất là thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Hà Nội, biểu thị quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn và phá tan những chỉ trích, nghi ngờ về tính hiệu quả của ASEAN. Cũng tại Hội nghị, với việc vận dụng linh hoạt phương cách ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy việc kết nạp Cam-pu-chia làm thành viên thứ 10, hiện thực hóa giấc mơ đoàn kết 10 quốc gia Đông Nam Á dưới mái nhà chung và đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Ba năm tiếp theo, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2000-2001, Việt Nam đã thúc đẩy và đưa nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển trở thành một ưu tiên hàng đầu và thường xuyên của ASEAN (thông qua Tuyên bố Hà Nội 2001 về thu hẹp khoảng cách phát triển). Trong quá trình xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển là bước đi quan trọng để hỗ trợ các nước thành viên hội nhập đầy đủ, hiệu quả và mang lại thịnh vượng chung cho cả khu vực.
Tiếp đà những thành công đó, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và môi trường. Vai trò của Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN, như: Tuyên bố Hòa hợp Bali II (2003), Chương trình Hành động Viên-chăn (2004), Hiến chương ASEAN (2007), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).
Đáng chú ý nhất, đánh dấu sự trưởng thành vững vàng và được các nước đánh giá cao là, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, đưa bộ máy mới của Hiệp hội (sau Hiến chương ASEAN) vận hành trôi chảy, góp phần quan trọng đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng theo hướng thực thi và thực chất. Cũng trong năm đó, quan hệ đối ngoại của ASEAN không ngừng được mở rộng. Lần đầu tiên tại Hà Nội đã diễn ra tới 10 Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác, đưa ra nhiều định hướng lớn cho hợp tác và phát triển ở khu vực; trong đó có quyết định về việc mời Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á. Với những dấu ấn đó, năm 2010 được xem là năm bản lề quan trọng của ASEAN trong hành trình liên kết khu vực.
Phát huy thành công của năm 2010, thực hiện thắng lợi chủ trương mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra là: “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh”, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN và là một trong những nước thực hiện đầy đủ nhất các nghĩa vụ và cam kết trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng, triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới, như: Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu (2011), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (2011), Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (2012) và gần đây nhất là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành sẽ đưa ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, năng động hơn và thực chất hơn. Một ASEAN liên kết sâu rộng chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên và khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Tiếp tục phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình, vì tương lai một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.
PHẠM BÌNH MINH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
______________
1 - Gồm các đặc trưng: một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, gắn liền với lưu chuyển thuận lợi của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và vốn; một khu vực kinh tế cạnh tranh; một khu vực phát triển đồng đều và một khu vực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
2 - Gồm: ASEAN với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
cộng đồng ASEAN
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp tổ chức quân sự địa phương 23/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Binh chủng Tăng thiết giáp 23/04/2025
Chủ tịch nước: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tạo sự đồng thuận 22/04/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 5 kết quả đồng thuận mà Hội nghị P4G đã đạt được 18/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV 17/04/2025
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone 17/04/2025
Bộ trưởng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Đổng Quân 17/04/2025
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 16/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 16/04/2025
Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn 16/04/2025
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam
Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar
Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Đẩy mạnh hợp tác giữa hai đảng cầm quyền ở Việt Nam và Singapore
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với Burundi
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội