Chủ Nhật, 24/11/2024, 05:05 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Vì thế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta là vấn đề quan trọng, cấp thiết.
Biến đổi khí hậu và nỗ lực ứng phó toàn cầu
Trong quá trình phát triển, biến đổi khí hậu (do phát thải khí nhà kính gây ra) là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa tới sự tồn vong của toàn nhân loại. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển năm 2015 đã vượt qua ngưỡng 400/106 thể tích; trong khi đó, giới hạn an toàn của chỉ số này là 350/106 thể tích. Còn theo báo cáo của Nhóm Công tác về Cơ sở khoa học thuộc Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (công bố ngày 27-9-2013) thì nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển đã không ngừng gia tăng; trong đó, nồng độ khí CO2 (giai đoạn 2005 - 2011) đã tăng 40% so với năm 1750. Nhiệt độ bề mặt trái đất tăng nhanh, trong giai đoạn 1901-2012 đã tăng 0,890C; riêng giai đoạn 1951 - 2012 tăng khoảng 0,720C. Điều đó được thể hiện ở số ngày, đêm lạnh/năm giảm, số ngày, đêm và đợt nắng nóng/năm tăng lên rõ rệt. Mực nước biển trung bình của thế giới cũng có xu thế tăng trong suốt thế kỷ XX, với mức tăng bình quân 1,7 mm/năm (giai đoạn 1900 - 1992) và 3,2 mm/năm (giai đoạn 1993 - 2010). Về lượng mưa, các vùng có số đợt mưa lớn tăng nhiều hơn số vùng có số đợt mưa lớn giảm. Các cơn bão mạnh xuất hiện ngày một nhiều, nhất là những siêu bão, với sức gió chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Khai mạc Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh: TTXVN)
Để cứu trái đất - ngôi nhà chung của các thế hệ hôm nay và mai sau khỏi thảm họa biến đổi khí hậu, ngày 12-12-2015, Thỏa thuận về khí hậu đã được 196 bên thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Pa-ri (Pháp). Đây là Thỏa thuận đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc sau hơn 2 thập kỷ, nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế gia tăng nhiệt độ của trái đất. Từ đây, sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu - kỷ nguyên phát triển phát thải các-bon thấp, với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Quá trình ấy có sự tham gia tích cực của các thành phần trong xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, công nghệ, giáo dục, hoạt động văn hoá, doanh nghiệp, cả xã hội và cộng đồng, v.v.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển và là nước dễ bị tổn thương đặc biệt do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Theo kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam phiên bản 20161 cho thấy, nhiệt độ trên các vùng, miền của nước ta đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986 - 2005), với mức tăng lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Nếu theo kịch bản trung bình (RCP4.5), nhiệt độ trung bình/năm trên toàn quốc giai đoạn 2016 - 2035 có mức tăng phổ biến từ 0,6oC - 0,8oC. Còn theo kịch bản cao (RCP8.5), nhiệt độ trung bình/năm ở nước ta vào đầu thế kỷ XXI có mức tăng phổ biến từ 0,8oC - 1,1oC. Ngoài ra, nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình ở cả hai kịch bản trên đều có xu thế tăng lên.
Về lượng mưa, dự báo sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi toàn quốc. Theo kịch bản trung bình, lượng mưa trung bình/năm vào đầu thế kỷ này có xu thế tăng ở hầu hết cả nước, phổ biến từ 5% - 10%; vào giữa thế kỷ có mức tăng từ 5% - 15%; trong đó, một số tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có thể tăng trên 20%. Theo kịch bản cao, lượng mưa trung bình/năm có xu thế tăng tương tự như kịch bản trung bình. Đáng chú ý là vào cuối thế kỷ, mức tăng nhiều nhất có thể lên tới trên 20% và được phân bố ở Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, một phần Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, lượng mưa 1 ngày lớn nhất và 5 ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng từ 40% - 70% (phía Tây Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Thừa Thiên - Huế, vùng Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ). Các khu vực khác có mức tăng phổ biến từ 10% - 30%.
Về mực nước biển dâng trung bình ở Việt Nam có khả năng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Theo kịch bản trung bình, đến năm 2050 là 22 cm; năm 2100 là 53 cm. Theo kịch bản cao, các số liệu của các thời điểm tương ứng lần lượt là 25 cm và 73 cm. Dự báo, nếu mực nước biển dâng 1 m và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập chìm trong nước.
Trước tình hình đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn đối với quốc gia, dân tộc; từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, lực lượng tích cực, chủ động ứng phó trên mặt trận này, đạt nhiều kết quả quan trọng. Về nhận thức, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Công ước khí hậu), Nghị định thư Kyoto. Đặc biệt, ngày 22-4-2016, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới ký Thỏa thuận Pa-ri tại Niu-Y-oóc (Mỹ). Cùng với đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu được thực hiện. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân về biến đổi khí hậu cùng nguy cơ tác động của nó đối với các lĩnh vực đời sống xã hội từng bước được nâng cao.
Về thể chế, chính sách, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành, như: Luật Đê điều; Luật Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; Pháp lệnh phòng chống lụt, bão; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, v.v. Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, hình thành đơn vị đầu mối ở Trung ương để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được xây dựng, thường xuyên cập nhật và công bố. Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu được triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả bước đầu. Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã xây dựng trên 300 nội dung chính sách, huy động cho ngân sách nhà nước gần 1 tỷ USD. Việc nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến một số lĩnh vực, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó thường xuyên được chú trọng. Năng lực dự báo, cảnh báo, tổ chức thực hiện cùng điều kiện, phương tiện phòng, chống thiên tai ở các khu dân cư, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao về thiên tai được nâng lên một bước mới. Các chương trình, dự án về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới, tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, nhiên liệu sinh học) cùng các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được triển khai tích cực. Việc thực hiện Chương trình giảm mất và suy thoái rừng, nhằm giữ khả năng hấp thụ khí nhà kính của hệ sinh thái rừng bước đầu phát huy hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam đã sớm xây dựng báo cáo Đóng góp dự kiến (do quốc gia tự quyết định) và trình Ban Thư ký Công ước khí hậu vào tháng 9-2015. Theo đó, chúng ta cam kết giảm 8% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2030 và có thể tăng lên 25% nếu có hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế.
Cùng với kết quả đạt được, thời gian tới, việc thực thi Thỏa thuận Pa-ri vừa mở ra thời cơ cho nước ta trong hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tạo động lực để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng và cơ hội tranh thủ các nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực) để hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp; đồng thời, đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt. Trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động, gây hậu quả nặng nề đối với đời sống người dân và cả nền kinh tế, nhất là ở các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và chăn nuôi. Điều đó đòi hỏi chúng ta, một mặt cần huy động nhiều nguồn lực hơn cho thích ứng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; mặt khác, vẫn phải nỗ lực đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong khi đó, việc chi phí đầu tư cho cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch (theo cam kết) không hề nhỏ, tạo áp lực lớn đối với tăng trưởng nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ của một bên tham gia Thỏa thuận, Việt Nam phải thay đổi cách thức tiến hành kiểm kê khí nhà kính cũng như chế độ báo cáo theo phương thức: chuyển từ mục tiêu mang tính tương đối sang các tiêu chí có tính định lượng rõ ràng, với các tiêu chuẩn cao hơn. Điều đó cũng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nguồn lực. Đây là những thách thức rất lớn đối với nước ta.
Một số giải pháp chính
Trong thời gian tới, Thỏa thuận Pa-ri sẽ tạo ra bước ngoặt lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu cũng như ở cấp quốc gia. Để chúng ta có thể tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, vừa từng bước phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh theo hướng bền vững, cần triển khai các giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, trên cơ sở chỉ ra thuận lợi, khó khăn (khi thực hiện Thỏa thuận Pa-ri) đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta cần chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống và thích ứng. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng. Đồng thời, cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới hình thành các mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; từ đó, tạo cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm dần thiệt hại về người và tài sản.
Hai là, chủ động rà soát các cơ chế, chính sách ứng với các nội dung của Thỏa thuận; trên cơ sở đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung và ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phù hợp với những quy định mới sẽ hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai. Trước mắt, cần tổ chức nghiên cứu kỹ những nội dung của Thỏa thuận, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp theo quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, lồng ghép nội dung đó vào quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành và địa phương ngay từ giai đoạn 2016 - 2020 để chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn tiếp theo. Về lâu dài, cần chủ động luật hóa những quy định mang tính ràng buộc của Thỏa thuận vào chính sách, pháp luật của Việt Nam, tiến tới xây dựng Luật Biến đổi khí hậu quốc gia. Cùng với đó, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình phù hợp, nhằm tiến tới xóa bỏ các chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch, kể từ sau năm 2020; thực hiện bù giá đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế và sản xuất điện từ chất thải.
Ba là, tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tích cực nghiên cứu, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo thống nhất về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như việc huy động, sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp và cách thức thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Coi trọng phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, như: vật liệu thông minh, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.
Năm là, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam. Trong đó, cần khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm hoàn thành việc nghiên cứu, thử nghiệm công tác phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế.
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đã và đang là thách thức gay gắt đối với Việt Nam. Vì thế, thực hiện tốt các giải pháp trên, sẽ tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để chúng ta tin tưởng việc tận dụng thành công các cơ hội và hóa giải hiệu quả những thách thức do Thỏa thuận Pa-ri mang lại, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
TS. TRẦN HỒNG HÀ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
__________________
1 - Kịch bản này có sử dụng số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo; số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn và của kỹ thuật đo đạc từ vệ tinh; sử dụng kết quả cập nhật các mô hình khí hậu toàn cầu.
Biến đổi khí hậu,Việt Nam ứng phó
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia 23/11/2024
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới