QPTD -Thứ Hai, 16/12/2024, 10:22 (GMT+7)
Xây dựng tỉnh Cao Bằng vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng

Là tỉnh miền núi, “phên giậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có giá trị về nhiều mặt của vùng căn cứ địa, “cái nôi” của cách mạng, nơi khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng quyết tâm xây dựng địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng tầm địa danh lịch sử.

Từ ngàn xưa, Cao Bằng được biết đến là vùng đất cổ, giàu bản sắc văn hóa, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương của Tổ quốc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cộng đồng các dân tộc trong Tỉnh luôn có truyền thống yêu nước, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, đoàn kết chống ngoại xâm, bảo vệ, giữ yên cương vực, bờ cõi nước nhà. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cao Bằng được xác định là một trong những nơi khởi đầu cách mạng, để ngày 28/01/1941, mảnh đất linh thiêng này vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Người đã chọn Cao Bằng - vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” là nơi dừng chân, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Đồng chí Trần Hồng Minh chủ trì Hội nghị Đảng ủy Quân sự Tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quý IV/2024 và Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo, Cao Bằng trở thành “cái nôi” cách mạng; là miền đất khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ khi Pác Bó, Cao Bằng trở thành căn cứ địa, đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vận mệnh quốc gia - dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Chiến thắng Biên giới năm 1950, giải phóng Cao Bằng; Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý1.

Kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông, những năm qua, Cao Bằng đã có sự phát triển vượt bậc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nhiều năm liền, Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá2, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng đi lên. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc; công tác xây dựng Đảng được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền biên giới quốc gia được quản lý, bảo vệ vững chắc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững, v.v.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động chưa cao; địa hình hiểm trở, điều kiện kết nối giao thông với các trung tâm phát triển vùng còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn; khí hậu khắc nghiệt, thiên tai tàn phá,… nên Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, v.v.

Trước tình hình đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đột phá, với bước đi thận trọng, linh hoạt, vững chắc, nhằm xây dựng Cao Bằng vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh theo hướng phát triển “nhanh, bền vững, toàn diện”, phấn đấu đến năm 2030, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trước hết, Tỉnh tập trung khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Để làm được điều đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị kiên trì bám dân, bám bản, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng nâng cao nhận thức, xây dựng quyết tâm chính trị cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền cơ sở, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, giữ vững niềm tin sắt son, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thiếu sự liên kết, lối tư duy cũ nhằm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, thu hút được nhiều dự án có quy mô sản xuất lớn. Quá trình thực hiện, bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. Qua đó, xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh, trí tuệ tập thể, sức sáng tạo của nhân dân, khơi dậy niềm tự hào quê hương cội nguồn cách mạng, hăng say lao động, sản xuất; tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, có ý chí tự lực, tự cường vươn lên, làm giàu trên chính quê hương mình. Bằng những cách làm mới, sáng tạo, sát với từng địa bàn và đối tượng, tiếp tục cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng, biến nhận thức, niềm tin thành hành động; phát huy “khí chất” và bản sắc văn hóa, con người Cao Bằng để khơi nguồn động lực, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Để đạt hiệu quả bền vững, Tỉnh tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, với năng suất cao, phát triển “xanh, bền vững” để nhân rộng, tạo nên những phong trào lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu không thua kém các tỉnh khác, như lời căn dặn của Bác Hồ, đưa “... Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Nhằm thực hiện khát vọng vươn lên, Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trọng tâm, lĩnh vực đột phá, huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ các “nút thắt”, phát huy các lợi thế riêng biệt, tạo sự “bứt phá” mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở để củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động sát đúng, kế hoạch cụ thể trong tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn, bất cập, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, tạo sức mạnh nội sinh. Quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi trọng phát huy trách nhiệm nêu gương, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo tinh thần “07 dám”3; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của các cấp, ngành, địa phương; kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đạt hiệu quả bền vững.

Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về “xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, toàn diện trong thời gian tới.

Với mong muốn nhân dân nơi cội nguồn quê hương cách mạng được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển và mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là nhanh chóng tháo gỡ 03 “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế chính sách đang cản trở sự phát triển của địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh đặt quyết tâm thực hiện 03 đột phá chiến lược: (1). Phát triển du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xứng đáng là trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; (2). Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm; (3). Tăng cường phát triển kinh tế cửa khẩu, coi đây là động lực phát triển mới, đưa Cao Bằng trở thành trung tâm chuyển tiếp hàng hóa của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc. Để các đột phá trên đạt hiệu quả thiết thực, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện 03 chương trình trọng tâm: phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và đổi mới cơ chế chính sách; trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là nội dung quan trọng hàng đầu, chiến lược, tập trung ưu tiên, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để Cao Bằng “vươn mình” phát triển toàn diện, với trọng điểm là dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Quá trình thực hiện, Tỉnh coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; từng công trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,... đều gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, thực hiện “mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh”. Cùng với đó, Tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, duy trì mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của nước bạn, tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân,... xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Tự hào là vùng đất khai sinh ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy Quân sự Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh. Tập trung xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, gắn với xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch, vững mạnh; tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, duy trì nghiêm kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, sẵn sàng chiến đấu cao, v.v. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, đủ số lượng, chất lượng chính trị cao, đúng cơ cấu thành phần, trình độ quân sự, chuyên môn giỏi; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, chất lượng cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, v.v. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc, tạo điều kiện để Tỉnh phát triển nhanh, toàn diện.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Cao Bằng tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Cao Bằng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.

TRẦN HỒNG MINH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng
____________________
        

1 - Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000), Huân chương Sao vàng (năm 1985), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2019), v.v.

2 - 09 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 07%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023; xếp hạng về tăng trưởng đứng thứ 34 cả nước và đứng thứ 10/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, v.v.

3 - “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chặng đường rực rỡ chiến công
Cách đây tròn 80 năm, sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay vào đúng thời điểm đầy khó khăn nhưng hết sức cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Đây là khởi nguồn, bước ngoặt lịch sử để qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công chói lọi,...