QPTD -Thứ Hai, 16/12/2024, 10:22 (GMT+7)
Đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn của ý chí, niềm tin và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta; là biểu tượng của ý chí, niềm tin và cội nguồn sức mạnh, nhân tố giữ vai trò quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt, bài học lớn của cách mạng Việt Nam, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, dày công vun đắp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc cũng như xây dựng khối đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Theo Người, sức mạnh lớn nhất của cách mạng Việt Nam là nằm ở nhân dân, nếu đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh vô địch: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”1 và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”2. Kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn lấy đó làm nền tảng để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng sáng ngày 25/8/1945. Ảnh tư liệu

Thực tiễn đã chứng minh, gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò, trọng trách và sứ mệnh vẻ vang của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội, khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), Mặt trận đã tập hợp mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, luôn sát cánh cùng lực lượng vũ trang nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức yêu nước và tiến bộ đã luôn đoàn kết, thống nhất; hết lòng giúp đỡ, nuôi dưỡng, che chở và cùng với lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp là Quân đội nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch, đánh bại kẻ thù, hoàn thành vẻ vang cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận ngày càng cao trong xã hội. Đồng thời, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động; sâu sát cơ sở; đa dạng hóa các hình thức vận động nhân dân, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó có tiềm lực quốc phòng; giải quyết nhiều vấn đề phức tạp về quốc phòng, an ninh nảy sinh trên từng địa bàn. Thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đoàn kết nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới,... tạo thành sức mạnh to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa thật đầy đủ, chưa khơi dậy được tiềm năng to lớn của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác này ở một số lĩnh vực, địa phương còn chưa kịp thời; trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” có mặt còn hạn chế, v.v.

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh chóng, khó lường; xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ,... cùng các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, qua gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã giành nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, song vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần phải đẩy mạnh, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tập trung vào một số giải pháp sau:

Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và toàn dân về tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào thì lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc, tinh thần trọng nhân nghĩa và tình đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau luôn trở thành lẽ sống, truyền thống vô cùng tốt đẹp đối với mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, chăm lo, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết, bởi đó là nguồn gốc, động lực tạo nên sức mạnh to lớn, bảo đảm cho cách mạng đi đến thành công, đất nước phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự cùng cấp, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vị trí, tầm quan trọng của việc quy tụ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận thức rõ âm mưu, hoạt động chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại đoàn kết quân - dân của các thế lực thù địch, phản động. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, củng cố ý chí, niềm tin của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cũng như phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến tặng quà cho các hộ gia đình xã Đình Cao (Phù Cừ, Hưng Yên) có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: mattran.org.vn

Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, song phải bảo đảm phù hợp với từng tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hóa, nghệ thuật trong tuyên truyền, vận động; phối hợp đồng bộ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói riêng cũng như những thành tựu phát triển, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc,... tạo niềm tin và sức mạnh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường phối hợp giữa Mặt trận với Quân đội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, nghị quyết để Nhà nước kịp thời ban hành chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng trong xã hội phát huy tinh thần yêu nước, sức sáng tạo, năng động, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị; đồng thời, là thành viên trong hệ thống đó; do vậy, Đảng không thể đứng ngoài để lãnh đạo Mặt trận, mà phải thông qua hiệp thương dân chủ để nhân dân đồng tình, ủng hộ, đồng thuận cùng thực hiện thành công mọi nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo sự đoàn kết, thống nhất, làm cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong điều kiện mới, cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các cấp, ngành, lực lượng,... trong đoàn kết các giai tầng, các cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự cùng cấp, đơn vị Quân đội trên từng địa bàn vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân3. Tích cực, chủ động các hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với đó, Mặt trận phải làm tốt hơn nữa vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy vai trò của Quân đội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, hoạt động chống phá đoàn kết quân - dân; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong toàn xã hội.

Ba là, chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn, tạo sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa thực sự khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn của nhân dân cho sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang xây dựng các chương trình, kế hoạch chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến, vùng có đông đồng bào tôn giáo cũng như thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Kịp thời phát hiện, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực xã hội, các nhà hảo tâm, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, gia đình chính sách, có công với cách mạng để không để ai bị bỏ lại phía sau. Tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, thật sự là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân ngay tại cơ sở, không để tạo thành điểm nóng. Thường xuyên động viên nhân dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; huy động nguồn lực, tiềm năng to lớn của nhân dân để củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc theo hướng “thiết thực, hiệu quả”, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Với phương châm “Khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào Thi đua yêu nước, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Thường xuyên chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; khơi dậy, quy tụ và phát huy chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội; tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Khi vận động, tập hợp nhân dân, phải đa dạng về phương thức, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung, thực sự trở thành diễn đàn của quần chúng, là nơi mà các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng và đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp phát huy sức mạnh các nguồn lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Tập hợp và phát huy tối đa vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân; có phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân”, thật sự là tấm gương sáng để “dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ”.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng với truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái sâu sắc, chúng ta tin tưởng rằng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục trường tồn và phát triển, không chỉ tạo sức mạnh to lớn thúc đẩy đất nước phát triển, mà còn thực sự là ý chí, niềm tin và sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ĐỖ VĂN CHIẾN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
___________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 244.

2 - Sđd, Tập 13, tr. 120.

3 - Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các luật: Quốc phòng, Nghĩa vụ quân sự, Dân quân tự vệ, Phòng thủ dân sự, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chặng đường rực rỡ chiến công
Cách đây tròn 80 năm, sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay vào đúng thời điểm đầy khó khăn nhưng hết sức cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Đây là khởi nguồn, bước ngoặt lịch sử để qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công chói lọi,...