QPTD -Thứ Sáu, 15/10/2021, 14:48 (GMT+7)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyền thoại

Đường Hồ Chí Minh trên biển, một trong hai tuyến vận tải chiến lược chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Quyết định mở tuyến vận tải trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước tình hình đấu tranh của quân và dân miền Nam đang lên cao, để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng đi đúng hướng, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã phân tích, đánh giá chính xác tình hình chiến trường, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng miền Nam, đó là:  khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược, chiến trường miền Nam cần có sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc. Vì thế, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập tuyến vận tải trên biển, nhằm chi viện lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư y tế cho chiến trường miền Nam. Tuyến vận tải này đi vào hoạt động như một kỳ tích, đáp ứng mọi nhu cầu của quân, dân miền Nam, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

1. Đường Hồ Chí Minh trên biển - nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ

Mặc dù chuyến vượt biển đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 603 - Tập đoàn đánh cá sông Gianh (27/01/1960), chở 05 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Khu V bằng đường biển không thành, nhưng việc chi viện lực lượng, vũ khí, phương tiện,… cho các chiến trường, nhất là chiến trường miền Đông Nam Bộ đang “khát” vũ khí, trang bị là đòi hỏi cấp bách, nhiệm vụ quan trọng, mang tính sống còn, nên Trung ương chỉ đạo: nhiệm vụ vận tải quân sự phải theo kịp sự phát triển của chiến trường, nếu có điều kiện phải đi trước một bước, có như vậy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mới nhanh chóng kết thúc thắng lợi. Trong khi tuyến đường chi viện trên dãy Trường Sơn hùng vĩ mới đến Khu V, lại hết sức gian nan, hiệu quả chưa cao, phải mất vài ba năm nữa mới vươn tới chiến trường miền Đông Nam Bộ, thì tuyến vận tải trên biển với “100 tấn vũ khí, chỉ một con tàu và 15 thủy thủ là trong một tuần hàng có thể tới cực Nam Nam Bộ”1. Theo đó, Trung ương kịp thời chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh có kinh nghiệm vượt biển ra Bắc, như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa,… nghiên cứu, trinh sát, tổ chức lực lượng, chuẩn bị tàu, thuyền ra Bắc nhận vũ khí, chuyển vào chiến trường miền Nam. Quyết định này nhận được sự đồng tình của các địa phương, đồng thời đáp ứng lòng mong mỏi của quân, dân miền Nam, nhất là khi phong trào đấu tranh vũ trang đang phát triển mạnh mẽ.

Từ thành công của những chuyến vượt biển ra Bắc vào Nam và ngược lại của đồng bào miền Nam, nhận thấy việc mở tuyến vận tải trên biển đã chín muồi, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chỉ đạo Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Đoàn Vận tải biển 7592 - tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, để cùng với Đoàn 559 chi viện vũ khí, thuốc chữa bệnh và bổ sung lực lượng, phương tiện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Do tính chất quan trọng và yếu tố bí mật, nên Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp nắm, chỉ đạo việc mở tuyến đường vận tải trên biển, không thông qua cơ quan nào. Triển khai thực hiện nhiệm vụ, Trung ương và Tổng Quân ủy, trực tiếp là đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ Nhất chỉ đạo chặt chẽ từ việc khảo sát, trinh sát nắm tình hình, táo bạo tổ chức các chuyến thăm dò, xác định tuyến đường, phương thức vận chuyển và dự kiến một số phương án xử trí tình huống. Cùng với đó, Tổng Quân ủy cử một số cán bộ cấp cục xuống giúp đỡ đơn vị, chỉ đạo xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, chỉ định những cán bộ mưu trí, dũng cảm, có kinh nghiệm đối phó với quân địch trên biển trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ quan trọng này3. Điều đó thể hiện tầm nhìn, tư duy, tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trên biển - nét độc đáo, sáng tạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ: độc đáo ở việc phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân các địa phương ven biển, nhất là ngư dân trong việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam bằng đường biển; sáng tạo ở chỗ dám nghĩ, dám làm, dám vào những nơi khó khăn, nguy hiểm, luôn giữ được yếu tố bí mật, khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ. Bởi, lực lượng Hải quân của Mỹ, ngụy có thể nói là mạnh nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ, với vũ khí, trang bị, kỹ thuật, tàu thuyền, phương tiện trinh sát hiện đại chúng có thể quản lý nhất cử, nhất động trên biển.

Với phương châm “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải biển 759 tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, làm tốt công tác chuẩn bị. Tháng 10/1962, chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đến với lực lượng vũ trang Cà Mau, đáp ứng được “cơn khát” vũ khí của chiến trường Nam Bộ - như “nắng hạn, gặp mưa rào”. Và từ đây, những chuyến tàu của Đoàn 759 không chỉ chở “vũ khí, trang bị, vật tư y tế”, mà còn mang theo “tinh thần, tình cảm, trách nhiệm và ý chí, quyết tâm” của hậu phương lớn miền Bắc đến với đồng bào miền Nam cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vậy là con đường vận tải quân sự chiến lược trên biển không còn là dự định, mong ước mà đã trở thành hiện thực - tuyến chi viện chiến lược chủ yếu - “Con đường Huyền thoại” - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Việc đưa vũ khí, trang bị, thiết bị, vật tư y tế đến vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ cổ vũ tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, mà còn củng cố niềm tin tất thắng, lòng tin tưởng tuyệt đối của quân và dân miền Nam vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

2. Con đường Huyền thoại

Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam bằng những tuyến vận tải chiến lược. Khai thông tuyến đường vận tải trên biển đã khó, giữ được bí mật cho tuyến đường lại càng khó hơn. Nếu tuyến đường chi viện trên dãy Trường Sơn có núi, rừng che chở - “rừng che bộ đội”, thì tuyến vận tải trên biển trống trải, tàu, thuyền không có gì che khuất, lại thêm sóng to, gió lớn, quân địch kiểm soát, lùng sục gắt gao. Vì vậy, để tuyến vận tải chiến lược trên biển bảo đảm bí mật, thông suốt, không bị gián đoạn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương4 chỉ đạo sát sao đối với Bộ Tư lệnh Hải Quân, trực tiếp Đoàn Vận tải biển 759 trong thực hiện nhiệm vụ. Sau những chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí vượt biển vào đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ thành công, ta tiến hành rút kinh nghiệm từ việc chuẩn bị nhân lực, mở bến bãi, cải tiến phương tiện, đổi mới phương thức, nguyên tắc vận chuyển, bốc dỡ hàng,… nhờ đó mà tuyến vận tải trên biển hoạt động ngày càng hiệu quả và chủ động hơn.

Tuy nhiên, sau sự kiện Vũng Rô tháng 02/1965, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tạm dừng hoạt động tuyến vận tải trên biển một thời gian để tìm phương thức vận chuyển mới, phù hợp với tình hình. Đây là quyết định rất kịp thời, sáng suốt, nhằm bảo toàn lực lượng, phương tiện và có thời gian nghiên cứu, làm công tác chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo. Trong thời gian ngừng vận chuyển, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải biển tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần khắc phục khó khăn, không ngại hy sinh, gian khổ; tổ chức luyện tập cách thả hàng, đi biển bằng thiên văn; mở thêm bến tiếp nhận hàng, đóng mới, nâng cấp, cải hoán phương tiện tàu, thuyền, đồng thời cử người đi nghiên cứu, nắm tình hình địch một cách cụ thể cả ở ven bờ, ngoài khơi và hải phận quốc tế; tìm đường đi mới đảm bảo bí mật, bất ngờ, v.v. Tháng 10/1965, sau khi xem xét kỹ lưỡng công tác chuẩn bị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng ý cho Đoàn Vận tải biển tiếp tục vận chuyển lực lượng, phương tiện chi viện cho chiến trường miền Nam. Đối đầu với quân địch mạnh hơn ta nhiều lần về vũ khí, trang bị, tàu thuyền, phương tiện trinh sát,… nhưng bằng ý chí, nghị lực, sức mạnh tinh thần, sự nỗ lực, can trường, lòng quả cảm và được nhân dân hết lòng giúp đỡ, những “con tàu không số”, dưới sự chỉ huy, điều khiển của cán bộ, chiến sĩ Hải quân vượt qua phòng tuyến nghiêm ngặt của quân thù một cách ngoạn mục, cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị, thiết bị vật tư y tế cho tuyến lửa miền Nam. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có con đường vận tải quân sự nào độc đáo, sáng tạo và thành công như thế5. Lúc đầu chỉ là những chiếc thuyền gỗ thô sơ, trọng tải nhỏ, chạy dọc bờ biển, sau phát triển nhanh chóng thành những con tàu sắt, trọng tải lớn, được ngụy trang, nghi trang khéo léo, hoạt động lúc hợp pháp, lúc bất hợp pháp, không chỉ trong vùng biển của mình mà còn vươn ra hải phận quốc tế; phương thức vận chuyển, bốc dỡ hàng, lựa chọn bến bãi cũng linh hoạt, sáng tạo: lúc biển xa, khi biển gần, lúc lợi dụng địa hình, khi lợi dụng thủy triều, thời tiết, v.v.

Trong suốt những tháng, năm chiến tranh, Đường Hồ Chí Minh trên biển - đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, là một trong hai tuyến vận tải quân sự chiến lược chủ yếu, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định đường lối, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta là hết sức độc đáo và sáng tạo; bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, bài học quý cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá TRẦN CÔNG TOÀN
_____
____________

1 - Đường Hồ Chí Minh – Nxb QĐND, H. 2007, tr. 177.

2 - Quyết định số 97/QP do đồng chí Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký.

3 - Chuyến tàu đầu tiên - “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng; Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng 11 thủy thủ.

4 - Năm 1961, Tổng Quân ủy đổi tên thành Quân ủy Trung ương.

5 - Từ năm 1961 đến năm 1975, có gần 1.900 lượt tàu thuyền vận hành trên tuyến biển, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)