QPTD -Thứ Năm, 26/03/2020, 15:27 (GMT+7)
Tư tưởng chủ động tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là kết quả của quá trình phát huy tư tưởng chủ động tiến công, giành thắng lợi từng bước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tạo thời cơ và bước chuyển quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó là thắng lợi về chủ trương, phương châm lãnh đạo, chỉ đạo với tư tưởng chủ động tiến công tác chiến chiến lược mùa Xuân 1975 của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong
Chiến dịch Tây Nguyên, tháng  3-975. (Ảnh tư liệu)

1. Xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến chiến lược, lấy Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975.

Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết Quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mặc dù vậy, nhưng trên chiến trường vẫn không ngưng tiếng súng, bởi Nguyễn Văn Thiệu đẩy mạnh thực hiện xua quân “tràn ngập lãnh thổ” trên toàn miền Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã họp (7-1973), xác định: “Con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Bất kể trong tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”1. Theo đó, cơ quan Tổng hành dinh đã tập trung vào xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược. Kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các tư lệnh chiến trường; sau nhiều lần hoàn thiện theo chỉ đạo của trên, kế hoạch chiến lược được hoàn chỉnh, báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Tháng 10 và 12 năm 19742, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã tổ chức hai cuộc họp cùng với lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt các chiến trường thống nhất và thông qua kế hoạch chiến lược. Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976 và Kế hoạch Tác chiến chiến lược năm 1975 do Bộ Tổng Tham mưu đề nghị3.

Ngày 06-01-1975, Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long “trận trinh sát chiến lược” của ta giành thắng lợi, tạo cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị chính thức hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, xác định: Tây Nguyên là chiến trường chủ yếu. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ trên giao, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan, cùng đội ngũ cán bộ tác chiến khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị chiến trường, nhất là xây dựng và hoàn thành kế hoạch chiến dịch, bao gồm các kế hoạch: Triển khai đường cơ động trên các hướng, các mũi chiến dịch; cơ động lực lượng; nghi binh chiến dịch; tập kết bộ đội; bảo đảm hậu cần kỹ thuật; tiếp nhận cơ sở vật chất, lực lượng tăng cường và bảo đảm tối đa hệ số kỹ thuật các phương tiện hiện có. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngày 09-01-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp, bàn và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên với mật danh “Chiến dịch 275”. Từ ngày 17 đến 19-02-1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch họp và xác định phương án tác chiến; trong đó, xác định cách đánh chung là: “Bí mật triển khai lực lượng cắt đường giao thông đường số 14, 19, 21, ngăn chặn lực lượng cơ động chiến dịch, chiến lược của quân Ngụy ứng cứu, tăng viện cho Buôn Ma Thuột”4. Ngày 04-3-1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên và chọn mục tiêu tiến công chủ yếu là Buôn Ma Thuột làm trận đột phá then chốt mở màn cho Chiến dịch giành thắng lợi, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch, buộc chúng phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku, tạo bước ngoặt quan trọng và thời cơ thuận lợi cho các chiến trường tiến tới thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Dự kiến Phương án và Kế hoạch Tác chiến chiến lược cho năm 1975, Trung ương Đảng đã khẳng định: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”5. Sự quyết đoán của Trung ương Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, quyết tâm chiến lược táo bạo nhưng hết sức chính xác. Cùng với đó, ta đã tận dụng được thời cơ chiến lược mở ra từ thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, chuyển sang kế hoạch một năm từ tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược, rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam.

2. Chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Năm 1974, Quân đội Sài Gòn bị thất bại nặng nề, nhưng lực lượng của địch còn hàng triệu quân, được trang bị hiện đại, đang triển khai hoàn chỉnh trên bốn quân khu từ Trị Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long. Trong tình hình đó, việc lựa chọn hướng, mục tiêu chủ yếu mở đầu cuộc tổng tiến công, tiêu diệt lớn quân địch làm thay đổi nhanh chóng so sánh tương quan lực lượng, chuyển biến cục diện chiến trường, tạo bước ngoặt về chiến lược là vấn đề hết sức quan trọng đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cân nhắc hết sức cẩn trọng. Buôn Ma Thuột được lựa chọn mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên, đó là mục tiêu lớn ta tổ chức đánh, làm rúng động quân địch, tạo điều kiện cho các hướng phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng đột phá tiến hành và phát triển thuận lợi để đánh vào các mục tiêu quan trọng.

Tháng 6 năm 1974, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ra Nghị quyết xây dựng khối chủ lực Tây Nguyên thành binh đoàn chiến dịch, có khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng, có sức cơ động cao. Về lực lượng, thành lập trung đoàn pháo binh ở các sư đoàn; lực lượng pháo binh của mặt trận được tổ chức thành 02 trung đoàn hoàn chỉnh; lực lượng phòng không được tổ chức lại thành 02 trung đoàn (234, 575); thành lập Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn Xe tăng 273, Trung đoàn Thông tin 29. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là thành lập một số quân đoàn chủ lực6.

Về hậu cần, kỹ thuật, được tổ chức theo hướng bảo đảm khả năng tác chiến tập trung quy mô lớn, có sức cơ động cao, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu. Bộ Tư lệnh Trường Sơn phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên tổ chức xây dựng hệ thống đường cơ động, kho, trạm dự trữ được khối lượng lớn vật chất hậu cần chiến dịch, bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến hiệp đồng binh chủng dài ngày. Cùng với đó, công tác huấn luyện được coi trọng kết hợp giữa tác chiến với luân phiên đưa bộ đội về phía sau để huấn luyện theo hình thức tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã mở nhiều lớp tập huấn chiến dịch - chiến thuật7 cho cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên. Bước vào thực hiện Chiến dịch, Bộ Tư lệnh tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, nhất là quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 21; tổ chức các cuộc vận động “nâng cao chất lượng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”, “thi đua giết giặc lập công”…, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi với quyết tâm chiến đấu cao. Bộ đội Công binh phối hợp với các lực lượng chuẩn bị chu đáo hệ thống đường cơ động chiến dịch, bảo đảm tuyến vận chuyển chiến lược - chiến dịch trên đường Hồ Chí Minh và mở thêm nhiều tuyến đường mới bảo đảm cho thực hiện chiến dịch giành thắng lợi.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, để giữ quyền chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo tiến hành kế hoạch nghi binh rất công phu. Trong lúc địch cho rằng ta chưa đủ điều kiện để đánh lớn ở Tây Nguyên và tiến công giải phóng miền Nam…; chúng lại rơi vào thế bị động; phân tán lực lượng; chưa phán đoán được quyết tâm chiến lược của ta, ta quyết định mở chiến dịch. Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng, kết hợp các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ và các tiểu đoàn bộ binh bí mật tiến vào bố trí sẵn, với tốc độ tiến công cao, đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, đập tan Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và Sở Chỉ huy tiểu khu của địch, sau đó phát triển tiến công, cùng các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và ven biển miền Trung. Triệt để tận dụng thời cơ chiến lược mở ra từ chiến thắng Tây Nguyên ta chuyển sang Tổng tiến công chiến lược hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Kết quả đó là nhờ chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Tây Nguyên và thực hiện kế hoạch quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nên ta đã triệt để chớp thời cơ giành thắng lợi lớn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

3. Chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, triệt để giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên, chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn Xuân 1975

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Muốn tạo thời cơ, tranh thủ thời cơ, trước hết phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo: Kiên quyết tiến công, tích cực tiêu diệt địch”8 và “Nếu không có tinh thần kiên quyết và liên tục tiến công thì không thể tạo được thời cơ tốt, có thời cơ tốt cũng bỏ lỡ mà có khi còn bị địch ép vào thế bị động rất nguy hiểm”9. Nắm bắt thời cơ lịch sử, sau khi giải phóng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng “Chớp thời cơ nâng cao tốc độ tiến công”. Các đơn vị thừa thắng, phát triển xuống vùng Duyên hải Trung Bộ lần lượt giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh… làm cho toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 của địch bị tan rã; hệ thống phòng thủ chiến lược của địch bị chia cắt, tạo nên thời cơ mới. Trong lúc Chiến dịch Tây Nguyên tập trung phản kích đánh địch ở Buôn Ma Thuột và tổ chức trận đánh tiêu diệt các lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 Quân đội Sài Gòn rút chạy trên Đường số 7. Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn 1 Quân đội Sài Gòn, không cho chúng rút về Sài Gòn; giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 đã mở Chiến dịch Trị Thiên - Huế (05-3 - 26-3-1975) nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Từ ngày 05 đến 20-3-1975, ta tiến hành nghi binh ở bắc Quảng Trị; sử dụng lực lượng địa phương đánh nhỏ trên các trục giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền; các đơn vị chủ lực đồng loạt tiến công đánh chiếm các căn cứ, vị trí phòng ngự của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng, đập tan mọi cố gắng phản kích của địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy; ngày 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng; ngày 26-3-1975, giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.

Tiếp đó, từ ngày 26 đến 29-3-1975, Quân đoàn 2, Quân khu 5 đã tổ chức Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Quảng Đà và lực lượng Quân đoàn 1 - Quân khu 1 Quân đội Sài Gòn tại Đà Nẵng. Trên các hướng, Quân Giải phóng tiến công các vị trí phòng thủ vòng ngoài của địch, mở đường tiến vào Thành phố. Hướng Bắc, Quân đoàn 2 đánh chiếm Phước Tường, Lăng Cô, đèo Hải Vân, kho xăng Liên Chiểu, tiến vào trung tâm Thành phố. Hướng Nam, các đơn vị chủ lực Quân khu 5 và lực lượng vũ trang Quảng Đà pháo kích chặn các cửa biển, đánh chiếm quận lỵ Duy Xuyên, Vĩnh Điện, thị xã Hội An, sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà, căn cứ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 Quân đội Sài Gòn, sân bay Đà Nẵng. Đến ngày 29-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà.

Đòn tiến công chiến lược vào Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi, tạo bước nhảy vọt về chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cục diện so sánh lực lượng, thế trận. Trên đà thắng lợi, với tư tưởng: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…”, ta bước vào chiến dịch cuối cùng, có ý nghĩa quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch diễn ra với quy mô lớn, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng chính trị quần chúng rộng khắp, đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn. Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị và tập trung một khối lượng lớn lực lượng và phương tiện trong thời gian ngắn nhất ở vùng kế cận Sài Gòn, chiều 26-4-1975, ta nổ súng mở màn Chiến dịch. Từ năm hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn, chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn, làm cho địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Ngày 29-4-1975, ta tổng tiến công bằng các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tinh thần, ý chí triệt để cách mạng, tư tưởng tích cực, chủ động tiến công.

Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên đến Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là sự vận dụng sáng tạo quan điểm tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh muốn giành thắng lợi không thể chỉ dựa vào ý chí, mà phải có đường lối chiến lược đúng đắn, sáng tạo, biết tạo ra sức mạnh và “Phải được tiến hành theo đúng những nguyên tắc căn bản của khoa học và chiến thuật quân sự”10. Đó là một hệ thống bao gồm các luận điểm về thế tiến công; về vận dụng các nhân tố lực, thế, thời và dùng mưu đánh giặc; về phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, đánh địch bằng mọi hình thức, mọi cách đánh và mọi thứ vũ khí trang bị; là biết giành thắng lợi từng bước, biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh. Trong đó, tư tưởng “Kiên quyết không ngừng thế tiến công” giữ vị trí chủ đạo.

Tư tưởng chủ động, tích cực tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên là đòn tiến công chiến lược mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giành thắng lợi, là nét đặc sắc trong chỉ đạo kiên quyết, triệt để. Thể hiện việc phát huy tư tưởng chủ động tiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được bắt đầu từ các phong trào đồng khởi Bến Tre; Chiến thắng Tua Hai, Chiến dịch Bình Giã… ; điển hình cho phát huy tính chủ động tiến công trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã giáng cho đế quốc Mỹ một đòn thất bại nặng nề về quân sự và chính trị, buộc Mỹ phải xuống thang và chấp nhận giải quyết cuộc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho ta. Với tư tưởng chủ động tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên, một lần nữa cho thấy tầm tư duy quân sự của Đảng ta đã đưa đến một quyết định chiến lược dũng cảm và chính xác. Nhờ đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi trọn vẹn. Quân và dân ta đã đập tan bộ máy chiến tranh của chính quyền tay sai ở miền Nam, quét sạch bộ máy chính quyền Sài Gòn mà đế quốc Mỹ đã xây dựng hơn 20 năm. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam và các đảo do Quân đội Sài Gòn chiếm giữ. Nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Tây Nguyên khẳng định sự đúng đắn về sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, về sức mạnh của chiến tranh nhân dân, thể hiện chủ động tích cực tiến công địch của dân tộc ta tiếp tục được kế thừa, phát huy để chống mọi cuộc chiến tranh xâm lược đi đến giành thắng lợi quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc kết thúc chiến tranh. Những kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát huy trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Kế hoạch, Quản lý khoa học và Đào tạo
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_____
_____________

1 - Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) - Tập 5, Nxb QĐND, H. 2017, tr. 499.

2 - Kế hoạch hai năm được Quân ủy Trung ương thông qua ngày 28 tháng 10, được Bộ Chính trị thông qua trong Hội nghị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến ngày 08-01-1975.

3 -  Kế hoạch Tác chiến chiến lược chia làm ba đợt: Đợt 1, từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 02 năm 1975. Đợt 2, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1975. Đợt 3, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975.

4 - Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H. 1980, tr. 289-290.

5 - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) - Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, H. 1980, tr. 238.

6 - Ngày 24-10-1973, thành lập Quân đoàn 1; ngày 17-5-1974, thành lập Quân đoàn 2; ngày 20-7-1974, thành lập Quân đoàn 4; ngày 26-3-1975, thành lập Quân đoàn 3.

7 - Trước chiến dịch, toàn Mặt trận Tây Nguyên đã tổ chức được 127 lớp tập huấn chiến dịch - chiến thuật.

8 - Đại tướng Văn Tiến Dũng, Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1974, tr.275.

9 - Sđd, tr. 275.

10 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 583.

Ý kiến bạn đọc (0)