QPTD -Thứ Sáu, 29/12/2023, 06:50 (GMT+7)
“Dám đánh và quyết thắng” - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết, đồng chí đã đem hết tài năng và nghị lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng và có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam lớn mạnh, cũng như những tư tưởng, phương châm, phương pháp, cách đánh thắng quân xâm lược.

Trong đó, tư tưởng “dám đánh và quyết thắng” đế quốc Mỹ của Đại tướng không chỉ tạo nên bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta mà còn thể hiện sự phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng, bên phải) nghe báo cáo tình hình trên chiến trường tại Bộ chỉ huy Miền, năm 1966. Ảnh tư liệu
 

Trước những chuyển biến mới của cách mạng miền Nam, đặc biệt sau thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường trong những tháng cuối năm 1963, đầu năm 1964, Bộ Chính trị chủ trương tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị và một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ huy các trận đánh lớn cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều động trở lại Quân đội giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ý thức sâu sắc trọng trách “cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi”(1) mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác. Trước những chuyển biến mau lẹ và rất mới, đặc biệt là đối tượng tác chiến, vấn đề Việt Nam có thể đương đầu với quân Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào?... trở thành yêu cầu nóng bỏng, bức thiết, có ý nghĩa cốt tử đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Cùng với tập thể Trung ương Cục, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc, tinh hoa nghệ thuật quân sự của dân tộc, phân tích khách quan, toàn diện, khoa học thế, lực của ta và địch trên chiến trường cũng như trên bình diện quốc tế để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, từng bước giải tỏa sự băn khoăn, lo lắng. Khả năng, sức mạnh cũng như điểm yếu của đội quân viễn chinh Mỹ; thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đối phương bị phá sản... được Đại tướng phân tích và đánh giá khách quan, cụ thể, chính xác.

Với nhãn quan chiến lược sâu sắc, tư duy nhạy bén, nắm chắc tình hình thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sớm phát hiện bước chuyển chiến lược của đế quốc Mỹ để từ đó có những phân tích sắc sảo, biện chứng về đối tượng tác chiến và chiều hướng phát triển sự nghiệp kháng chiến của quân và dân Việt Nam. Đồng chí kết luận, mặc dù thực hiện bước leo thang cao nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng đế quốc Mỹ không phải là bất khả xâm phạm. Mỹ có mặt mạnh hơn ta nhưng chúng đang ở thế thua và bị động về chiến lược do thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; có nhiều mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng...

Trái lại, cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt; nhiều yếu tố mới đã xuất hiện cho phép phát huy quyền chủ động trên chiến trường, tiếp tục tiến công quân Mỹ. Đại tướng phân tích cặn kẽ và phát hiện những vấn đề mấu chốt xuất phát từ chính trong những mâu thuẫn của đế quốc Mỹ khi đưa quân trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam; qua đó, khẳng định quân đội Mỹ đã thất bại và bị động về chiến lược. Do vậy, “đánh bại và làm phá sản mọi hình thức tác chiến và chiến thuật của Mỹ, làm cho chiến dịch và chiến thuật của chúng khủng hoảng cao độ, giảm đến mức thấp nhất hiệu suất chiến đấu, hiệu quả chiến dịch của đội quân Mỹ, ngụy chính cũng là đập vỡ mọi hy vọng giành lại quyền làm chủ chiến trường của chúng”(2).

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị là giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công ngay khi quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến, vấn đề thống nhất nhận thức, thông suốt tư tưởng, lựa chọn phương thức tác chiến chiến lược... là yêu cầu, trách nhiệm đặt ra đối với đồng chí Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam. Sự phân tích biện chứng và khoa học của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã làm cho cán bộ, đảng viên ngày càng nhận thức rõ hơn bản chất tình hình trên chiến trường, kịp thời khắc phục những tư tưởng nảy sinh và thấy rõ phương hướng chiến lược của ta.

Niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường, qua đó tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, hy sinh, phấn đấu tìm ra và sáng tạo cách đánh thắng quân viễn chinh Mỹ. Để không cho địch “chọc thủng thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã mất mấy năm mới tạo được”(3), Đại tướng quyết định giữ nguyên căn cứ Sở chỉ huy Miền và chọn hướng tiến công. Đồng chí khẳng định trong bối cảnh hiện tại mà ra lệnh dời chuyển căn cứ sẽ là một tai họa và hậu quả không lường được. Về chủ trương tác chiến, Đại tướng không đồng ý với quan điểm tổ chức tiến công quân địch ở hướng rừng núi và khẳng định rằng “các anh đánh lên đấy thì có đưa võng mời quân Mỹ cũng chẳng lên mà ngược lại, chúng sẽ đánh thẳng vào nơi chúng muốn”(4). Đồng chí kết luận, quân Mỹ mạnh nhưng tình huống này là phải biết chọn điểm, phải chấp nhận giao chiến với Mỹ, dám đánh, đánh thẳng vào quân Mỹ ngay tại miền Đông.

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở thời điểm có tính chất bước ngoặt chiến lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xác định không thể giành thắng lợi hoàn toàn nếu ta chỉ phát triển chiến tranh du kích. Thắng lợi của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong trận tiến công ấp chiến lược Bình Giã ở Đông Sài Gòn (2-12-1964 - 3-1-1965) đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của LLVT nhân dân giải phóng miền Nam về trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến tập trung và báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Chiến thắng Bình Giã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng bộ đội chủ lực thành quả đấm mạnh đủ sức làm nòng cốt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Lực lượng cách mạng ngày càng giành quyền chủ động trên chiến trường, thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng vững chắc, liên hoàn ở ba vùng chiến lược. LLVT ba thứ quân phát triển cân đối và lớn mạnh vượt bậc so với những năm đầu chiến tranh.

LLVT cách mạng miền Nam từ 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn bộ đội chủ lực (năm 1964), phát triển lên 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh (cuối năm 1965), nhiều tiểu đoàn, trung đoàn binh chủng kỹ thuật. Lực lượng đặc công, biệt động là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, từ những đội, những tổ hoạt động nhỏ lẻ trên các chiến trường phát triển thành nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đội đặc công, biệt động. LLVT giải phóng tạo được thế trận “cài răng lược” đánh địch tại chỗ, đánh địch ở chính diện, hai bên sườn và sau lưng, buộc chúng phải bị động, phân tán đối phó khắp nơi, khiến cho quân của chúng đông mà vẫn thiếu, phương tiện kỹ thuật hiện đại và sức cơ động cao nhưng không phát huy được tác dụng.

Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo một số vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự. Những quan điểm của đồng chí Bí thư Trung ương Cục được Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (tháng 3-1965) hoàn toàn nhất trí. Đảng xác định tư tưởng cách mạng là tiến công, tiếp tục tiến công, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng cách mạng miền Nam, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Với các “quả đấm” chủ lực được xây dựng và ngày càng phát triển, Bộ tư lệnh Miền liên tiếp mở các chiến dịch tiến công lớn. Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam chứng minh chủ trương chiến lược chọn hướng và đối tượng tiến công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn chính xác. Sự thật về sức mạnh của quân đội Mỹ ngày càng bộc lộ rõ trong các trận đánh trên chiến trường. Trong hai ngày 25 và 26-5-1965, LLVT tỉnh Quảng Nam đã tiêu diệt một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tại Núi Thành.

Thắng lợi của trận đầu đánh Mỹ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở ra khả năng LLVT địa phương được huấn luyện tốt hoàn toàn có thể diệt đơn vị quân chiến đấu Mỹ. Ý nghĩa của trận đánh không chỉ là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công mà còn củng cố bài học về xây dựng tinh thần dám đánh, quyết tâm đánh Mỹ và tìm ra cách thắng Mỹ của quân và dân ta.

Cùng với xây dựng lực lượng, tạo thế trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo quyết tâm tìm ra cách đánh quân Mỹ, coi đây là vấn đề then chốt nhất để đánh thắng địch trên chiến trường. Tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các LLVT giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức tại khu căn cứ Tây Ninh (ngày 2-5 đến 6-5-1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu quyết tâm “cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”(5).

Đây là quan điểm, chủ trương của người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sự nghiệp kháng chiến ở chiến trường miền Nam được hình thành trên cơ sở bám sát thực tiễn, đúc rút từ chính cuộc chiến đấu của quân và dân trên địa bàn. Phương châm tác chiến, cách đánh hiệu quả nhất theo Đại tướng chính là rút ra từ chiến trường. Vì vậy, trước hết phải có quyết tâm dám đánh, quyết thắng, từ đó mới phát hiện được điểm mạnh, yếu của địch cũng như sở trường, hạn chế của ta.

Thắng lợi trong các trận đánh đối đầu trực tiếp với quân Mỹ tiếp tục khẳng định niềm tin, quyết tâm và khả năng đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta, cổ vũ phong trào diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam. Để củng cố niềm tin, ý chí và quyết tâm đánh Mỹ, Đại tướng khẳng định quyết tâm “dám đánh Mỹ và tin chắc là thắng Mỹ”, đồng thời xây dựng cách đánh Mỹ là “tiêu diệt địch đi đôi với phát triển chiến tranh du kích”, “đánh địch đi đôi với phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng”, “tác chiến đi đôi với địch vận để làm tan rã từng mảng địch” và nhấn mạnh “chỉ đánh giặc không thì chưa đủ, mà còn phải làm công tác chính trị tốt trong quần chúng”.

Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng nhanh chóng lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường. Đại tướng chỉ đạo bộ đội, du kích thực hiện chiến thuật “ở gần, đánh gần”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...

Các “vành đai diệt Mỹ” - thế trận chiến tranh nhân dân vây hãm và tiến công địch phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp trên chiến trường miền Nam. Khẩu hiệu “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “10 kinh nghiệm đánh Mỹ ở Củ Chi”... được phổ biến kịp thời và rộng rãi. Nhờ đó, quân và dân ta luôn giành và phát huy thế chủ động tiến công, đánh theo cách đánh mình lựa chọn. Quân Mỹ buộc phải từ bỏ những chiến thuật quen thuộc và cách đánh dựa vào hỏa lực để đối phó với cách đánh của ta.

Những bài viết phản ánh thực tế sống động tình hình chiến trường của Đại tướng trên Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân góp phần kịp thời khắc phục tư tưởng ngại Mỹ, sợ Mỹ, khơi dậy và cổ vũ toàn quân, toàn dân tinh thần dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, truyền đến cán bộ, chiến sĩ các LLVT một ý chí chiến đấu mới, tạo nên sức mạnh vượt lên trên sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhân dân Việt Nam chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ và chứng minh hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh, hỏa lực và sức cơ động. Thời báo New York số ra ngày 21-11-1965 thừa nhận “tướng Mỹ phải đánh theo cách đánh của kẻ thù lựa chọn, không phải theo cách đánh của chúng ta”(6). Quân Mỹ không thể phát huy sức mạnh của vũ khí tối tân, phương tiện chiến tranh hiện đại, lối đánh dựa vào hỏa lực và buộc phải “dùng nĩa ăn cháo, ăn bánh canh”(7) khi rơi vào thế bị động đối phó theo cách đánh của Quân giải phóng. Thất bại ngày càng lớn của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam khiến Tổng thống L.B.Johnson nhiều lần bị Quốc hội Mỹ chỉ trích. Westmoreland, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam sau những thất bại trong các chiến dịch mùa khô buộc phải thừa nhận vấn đề khiến giới quân sự Mỹ lúng túng không chỉ là quân số mà còn là cách đánh.

Thắng lợi vang dội liên tiếp của quân và dân miền Nam trong các chiến dịch đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của đế quốc Mỹ đã chứng minh các phương thức tác chiến mới là hoàn toàn phù hợp, đạt hiệu quả cao. Vấn đề đánh đế quốc Mỹ, cũng như quyết thắng quân Mỹ xâm lược cơ bản được giải quyết. Lực lượng cách mạng ở miền Nam nói chung và LLVT tập trung nói riêng đã đánh bại ý đồ “phân tuyến” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hạn chế tối đa uy lực phi pháo của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng và ngày càng lún sâu vào thế bị động.

Từ năm 1964 đến 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh địch bằng “hai chân, ba mũi”, trên cả 3 vùng chiến lược, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng đông đảo, đồng thời xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực ngày càng lớn mạnh, tạo thành những “quả đấm thép”, giáng những đòn chí mạng vào quân đội viễn chinh xâm lược Mỹ và quân đội Sài Gòn, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam phát triển lên những bước mới.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn bám sát sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ để phát hiện được những vấn đề cơ bản, đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu của địch; đánh giá một cách biện chứng tương quan lực lượng giữa ta và địch, góp phần đề ra quyết tâm chiến lược đúng đắn và chính xác. Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, đồng chí đã tìm tòi, khái quát, tổng kết thực tiễn, đúc rút bài học kinh nghiệm, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo những vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự, mà tư tưởng cơ bản là kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công; không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, biết thắng Mỹ và nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn quân Mỹ xâm lược.

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ 20, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nổi bật thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế, với tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học, sắc sảo và nhạy bén, bám sát và nắm chắc tình hình biến đổi trên chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh sớm phát hiện việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ, phân tích tương quan lực lượng, khả năng của ta...

Đây là những nhận định khoa học và cách mạng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng làm cơ sở cho Đảng hạ quyết tâm và hoạch định đường lối, phương pháp đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân kháng chiến. Ta giành quyền chủ động về chiến lược, từ việc tăng quân từ miền Bắc vào miền Nam đến việc bố trí các “quả đấm” chủ lực, phân chia các chiến trường, xác định phương châm tác chiến, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào miền Nam.

Những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không những góp phần làm cho tư tưởng, đường lối chính trị, quân sự của Đảng ta được quán triệt sâu sắc và ngày càng giành được những thắng lợi vẻ vang mà còn góp phần phát triển, làm giàu thêm kho tàng lý luận quân sự của Đảng.

Trong thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt, những kết luận thể hiện tầm nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng chí đã kịp thời định hướng cho quân và dân miền Nam nỗ lực vượt qua mọi hy sinh, thử thách, hoàn thành quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta phát triển lên một bước mới, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2024) là dịp để chúng ta khẳng định và tôn vinh người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự tài ba, đức độ của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều công lao và cống hiến xuất sắc vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những quan điểm, tư tưởng về “dám đánh và quyết thắng” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung vẫn còn giá trị. Trong giai đoạn cách mạng mới với nhiều thời cơ và thử thách đan xen, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần xây dựng Quân đội theo mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại(8).

Tập trung xây dựng Quân đội và Đảng bộ Quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng, chống “phi chính trị hóa” Quân đội. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”.

Điều chỉnh tổ chức biên chế bảo đảm “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực, bảo đảm cho Quân đội có sức cơ động cao, cân đối giữa các đơn vị chủ lực sẵn sàng chiến đấu và đơn vị bảo đảm, phục vụ, giữa lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân, tự vệ. Đẩy mạnh xây dựng chính quy, duy trì chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa và các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến, phát triển sản xuất các loại vũ khí trang bị hiện đại phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện theo tư duy mới về quân sự, quốc phòng của Đảng, đáp ứng yêu cầu Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Trong quá trình huấn luyện, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí trang bị mới, hiện đại; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện hiệp đồng, xử lý các tình huống phức tạp trên biển, đảo và biên giới đất liền, khu vực trọng điểm... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
____________________

(1) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H.1995, tr.187

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Tổng tập, Nxb QĐND, H.2009, tr.803

(3) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Nxb QĐND, H.1997, tr.211

(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Sđd, tr.211

(5) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 4, Nxb CTQG, H.2013, tr.45

(6) Dẫn theo: Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 4, Sđd, tr.60

(7) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Tổng tập, Sđd, tr.807

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr.48-49

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)