QPTD -Thứ Tư, 02/06/2021, 16:03 (GMT+7)
Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - động cơ trong sáng, giá trị sâu sắc

Với khát vọng cháy bỏng đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi  từ Bến cảng Nhà Rồng, quyết tâm thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, mà còn ghi vào lịch sử dân tộc thời khắc chuyển mình mạnh mẽ phát triển theo chiều hướng mới.

Đó là quyết định táo bạo, đầy sáng tạo, được thúc đẩy bằng động cơ trong sáng:

Thứ nhất, ra đi tìm đường cứu nước vì lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước, từ khi còn nhỏ, Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây tạo nên một nhân cách mới - nhân cách Hồ Chí Minh. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc. Vốn có tư chất thông minh, nhạy bén với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái”. Tất cả những yếu tố ấy hòa quyện với nhau làm nảy nở, bồi đắp, nhân lên lòng yêu nước, thương dân và khát vọng giải phóng dân tộc: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1. Ham muốn đó thật cao cả, vĩ đại, thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, một hoài bão lớn lao, một khát vọng cháy bỏng, một tầm nhìn chiến lược của Lãnh tụ thiên tài. Đây chính là nhân tố cơ bản thúc giục Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước.

Nguồn: trungtamvanhoals.vn

Thứ hai, ra đi tìm đường cứu nước vì quyết tâm tìm ra con đường mới để giải phóng dân tộc. Thực tiễn xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã tác động trực tiếp đến tư tưởng cứu nước và chí hướng cách mạng của Người. Sau khi đặt ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp cấu kết với triều đình nhà Nguyễn bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Một lẽ tự nhiên, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp theo nhiều khuynh hướng khác nhau đã liên tiếp nổ ra, nhưng đều thất bại. Điều này thể hiện mâu thuẫn giữa tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc với sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục ý chí đấu tranh của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Vì vậy, Người quyết chí ra đi tìm con đường mới để cứu nước, một quyết định có ý nghĩa lịch sử, thể hiện rõ tầm nhìn, tư duy độc lập, sáng tạo. Từ phân tích, đánh giá ý nghĩa các sự kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các cuộc cách mạng xã hội, Người đã định hình ra con đường để đòi quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân mình. Người đã có một bước phát triển mới trong nhận thức về con đường cứu nước khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công. Đặc biệt, khi tiếp xúc với bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, Người vạch ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”3.

Thứ ba, ra đi tìm đường cứu nước vì mong muốn xác định chính xác lực lượng đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam rơi vào khủng hoảng sâu sắc, toàn diện không chỉ về đường lối cách mạng mà còn cả về giai cấp lãnh đạo cách mạng. Chính trong thời điểm ấy, ở Việt Nam xuất hiện một giai cấp hoàn toàn mới - giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, vừa mang những đặc điểm chung của giai cấp công nhân thế giới, vừa có những nét riêng biệt. Với nhãn quan chính trị thiên tài, đặc biệt khi đứng trên lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Người nhấn mạnh: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”4.

Thứ tư, ra đi tìm đường cứu nước vì khát vọng, hoài bão, niềm tin tất thắng vào sức mạnh dân tộc. Sinh ra và lớn lên trong cảnh mất nước, chứng kiến nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân và nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp lần lượt bị thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc, Người xác định rõ mục đích cao cả là quyết tâm tìm một con đường cứu nước, cứu dân. Đây không phải là “cuộc phiêu lưu mạo hiểm”, mà đó là sự hội tụ đầy đủ ý chí, nghị lực và niềm tin tất thắng về sức mạnh đoàn kết, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đó còn là quyết định xuất phát từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Người khẳng định: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi và hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”5. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã xây dựng một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn nước nhà; xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Bằng trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn rộng mở, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người chiến sĩ Cộng sản xuất sắc, đã làm sáng rõ con đường cách mạng Việt Nam, soi đường, chỉ lối cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác dưới sự lãnh đạo của Đảng do Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tận tụy, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại. 

110 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa to lớn, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị:

Một là, đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, đó là một mốc son mở đầu trang sử mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đưa cách mạng đi đến thành công. Người là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng; biểu tượng về ý chí, nghị lực, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt mọi gian khó; tấm gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã kiến tạo một kho báu tư tưởng vô giá trên mọi phương diện của sự nghiệp cách mạng: về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; quy luật ra đời và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng một chính đảng Mác xít ở một nước thuộc địa nửa phong kiến; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, v.v.

Hai là, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Người không chỉ sáng lập ra Đảng Cộng sản mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự là một Đảng cách mạng chân chính, “là đạo đức, là văn minh”6. Hơn 91 năm qua, Đảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mặc dù, tình hình trong nước và quốc tế hiện nay có nhiều biến đổi; song, Đảng vẫn kiên định mục tiêu, con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

Ba là, đối với các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là với thanh niên, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì đất nước; biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; động lực phát huy truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc ta, nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Hồ Chí Minh: tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên; thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”7,… đó là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước, tinh thần học tập sáng tạo, độc lập tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân mà Người là tấm gương tiêu biểu.

Bốn là, đối với phong trào cách mạng thế giới, vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm hết sức sáng tạo về: lực lượng cách mạng, vấn đề nông dân; mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; xây dựng một chính đảng vô sản kiểu mới; quan điểm lý luận cách mạng phải gắn liền với thực tiễn cách mạng,... làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta là nguồn cổ vũ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Theo gương Việt Nam, hàng loạt nước thuộc địa đã đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc giành độc lập. Với tư duy chính trị nhạy bén, Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của thời đại để từ đó gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và sự nghiệp hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, mà còn đóng góp quý báu vào sự nghiệp cách mạng các dân tộc bị áp bức, sự phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại. Những cống hiến, hy sinh trọn đời của Người trở thành tấm gương sáng ngời về sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, đóng góp to lớn cho tình đoàn kết giữa nhân dân các nước, giữa giai cấp vô sản ở chính quốc và nhân dân các dân tộc thuộc địa, giữa các nước xã hội chủ nghĩa với lực lượng tiến bộ trên thế giới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

ThS. NGUYỄN QUANG BÌNH, Trường Sĩ quan Chính trị
_____________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 161, 162

2 - Sđd, tr. 603.

3 - Sđd, tr. 563.

4 - Sđd, tr. 256.

5 - Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb CTQG, H. 2020, tr. 04.

6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 403.

7 - Sđd, tr. 510.

Ý kiến bạn đọc (0)