Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 13/12/2012, 14:34 (GMT+7)
Xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại - vinh dự, trách nhiệm và thách thức

Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2012), Bộ đội Phòng không - Không quân - lực lượng nòng cốt trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt đó - càng nhận thức sâu sắc hơn vinh dự, trách nhiệm và thách thức, quyết tâm xây dựng Quân chủng hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Chiến dịch Phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972  là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta, tạo bước ngoặt tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng đó là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam mà Bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt; là bước phát triển cao của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân đất đối không, chống tên đế quốc sừng sỏ nhất. Trong suốt Chiến dịch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trương ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP), Quân chủng PK-KQ đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng; mưu trí, sáng tạo trong xây dựng thế trận PK-KQ, trong tạo dựng cách đánh, bắn rơi 53 trong tổng số 81 máy bay các loại; trong đó có: 32 trên tổng số 34 máy bay B.52, góp phần quyết định làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong chiến dịch và trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Quân chủng và nhiều đơn vị PK-KQ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đây là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn cho Quân chủng nói riêng, cho Quân đội ta nói chung.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta diễn ra trong điều kiện đất nước đang hội nhập quốc tế, vừa có những thời cơ, vận hội mới vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực, nhất là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Mặt khác, những biến động ở Bắc Phi - Trung Đông càng cho thấy, bản chất xâm lược, hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc không hề thay đổi. Đối với nước ta, chúng đang ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN. Điều đó đòi hỏi trong khi tập trung cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, xây dựng đất nước mạnh giàu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải chăm lo tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, Quân chủng PK-KQ được xác định tiến thẳng lên hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ xác định phải có giải pháp đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị ra sức phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là truyền thống trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và những năm tiếp theo.

Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo  xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Trong Chiến dịch Phòng không năm 1972, chúng ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, làm cho bộ đội nhận thức rõ bản chất phản động, hiếu chiến, sự liều lĩnh, ngoan cố của đế quốc Mỹ; tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của Chiến dịch đối với kết cục của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhờ đó, Bộ đội PK-KQ đã xác định tốt trách nhiệm vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Toàn Quân chủng thành một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng, với tinh thần, ý chí “thép”, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), hy sinh, quyết “đánh thắng từ trận đầu, đánh thắng liên tục, bắn trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B.52”. Với ý chí và niềm tin tất thắng, Bộ đội PK-KQ cùng quân, dân cả nước đã biến Quyết tâm chiến lược của Đảng, của QUTƯ và BQP thành hành động chiến đấu cụ thể để quyết đánh thắng trong trận quyết chiến chiến lược với quân thù.

Hiện nay, đất nước ta tuy đang có hòa bình, nhưng phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời, sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô (nếu xảy ra). Vì thế, việc vận dụng bài học kinh nghiệm về yếu tố chính trị - tinh thần trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 để xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay là rất quan trọng, cấp thiết. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ VIII. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ cách mạng của Quân đội, Quân chủng và của đơn vị, thấy được “bảo vệ bầu trời Tổ quốc” là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của các lực lượng PK-KQ. Từ đó, các đơn vị chăm lo xây dựng vững mạnh về mọi mặt, có chất lượng tổng hợp, trình độ SSCĐ và chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số 317-CT/QUTW của QUTƯ, vừa qua các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Qua đó đã rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải coi tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp; đồng thời, đẩy mạnh các phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của cơ quan và đội ngũ chỉ huy các cấp; xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Cùng với đó, phải chú trọng việc nghiên cứu, bố trí thế trận PK-KQ từng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong thế trận liên hoàn của cả nước, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Trong Chiến dịch Phòng không năm 1972, để đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, Quân chủng đã xây dựng thế trận phòng không chiến dịch kết hợp chặt chẽ với thế trận phòng thủ của các địa phương trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc, đặc biệt ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Thế trận PK-KQ được coi trọng xây dựng từ rất sớm và không ngừng được bổ sung trong quá trình chiến dịch, đáp ứng tốt yêu cầu “liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc”. Thế trận đó đảm bảo khả năng vừa bảo vệ vững chắc mục tiêu chiến lược trọng yếu, vừa có thể chuyển hóa thế trận, cơ động lực lượng, vận dụng linh hoạt các cách đánh để đánh địch ngay tại mục tiêu chúng đánh phá, đánh suốt chặng đường chúng bay vào, bay ra, đánh được cả máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược. Nét đặc sắc của việc xây dựng thế trận được thể hiện ở chỗ bố trí lực lượng PK-KQ. Bộ đội ra-đa bố trí ở vị trí thích hợp để phát hiện sớm máy bay địch. Lực lượng pháo cao xạ, súng máy tập trung đánh máy bay chiến thuật, máy bay bay thấp. Không quân đánh vòng ngoài, đánh bóc vỏ, làm rối loạn đội hình, làm giảm cường độ nhiễu, tạo điều kiện để các lực lượng khác phát hiện tiêu diệt địch. Bộ đội tên lửa (lực lượng nòng cốt) được bố trí hợp lý, có lực lượng ở vòng ngoài và lực lượng chốt ở trong Hà Nội, Hải Phòng tạo hỏa lực tập trung để bắn hạ tại chỗ máy bay B.52. Nhờ đó, chúng ta đã đánh thắng ngay từ trận đầu (đêm 18-12, bắn rơi 3 máy bay B.52), càng đánh càng thắng lớn (đêm 26-12, bắn rơi 8 chiếc B.52), tiến tới đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch. Chiến dịch Phòng không năm 1972 đã trở thành “nỗi kinh hoàng nhất” trong lịch sử của không lực Hoa Kỳ.

 Ngày nay, với ưu thế hơn hẳn về vũ khí, trang bị tiến công đường không (TCĐK) có trình độ công nghệ cao, nếu tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, kẻ địch sẽ mở đầu bằng TCĐK với quy mô, cường độ và tốc độ lớn; sử dụng nhiều phương tiện, phương thức, thủ đoạn để “tiến công từ xa”, “tiến công phi tiếp xúc”, “phi đối xứng” đồng thời vào các mục tiêu chiến lược trọng yếu của đất nước, nhất là cơ quan đầu não Trung ương, sở chỉ huy các cấp, kho tàng, đài phát thanh, truyền hình... hòng nhanh chóng đánh bại ta, giành chiến thắng. Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với xây dựng, tạo lập thế trận phòng không, nhất là việc đảm bảo tính “liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu” của thế trận. Vấn đề có tính nguyên tắc là xây dựng thế trận phòng không phải trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân cả nước và từng KVPT tỉnh (thành phố); kết hợp nhiều tuyến, nhiều tầng, phát huy cao nhất khả năng tác chiến phòng không của các lực lượng, phương tiện chiến đấu, bảo đảm khả năng phòng tránh, cơ động bảo toàn lực lượng, phương tiện chiến đấu và đánh địch rộng khắp từ xa đến gần, trên mọi hướng, mọi độ cao, cũng như hiệp đồng đánh tập trung tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch, đánh liên tục, đánh lâu dài làm thất bại mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Muốn vậy, ngay từ thời bình, Quân chủng phải chủ động tham mưu cho QUTƯ và BQP việc bố trí phòng thủ chiến lược trên cả nước, xây dựng lực lượng PK-QK quốc gia và triển khai công tác phòng không lục quân, phòng không nhân dân trên từng KVPT. Đồng thời, làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị, trong đó chú ý nghiên cứu kỹ, nắm vững âm mưu, thủ đoạn, khả năng TCĐK của địch; điều kiện địa lý, khí hậu, thủy văn trên từng địa bàn, khu vực. Trên cơ sở đó, các đơn vị có kế hoạch bố trí, triển khai thế trận, lực lượng, phương tiện chiến đấu, nhất là trên các khu vực quan trọng, địa bàn, mục tiêu trọng yếu, hướng TCĐK chủ yếu của địch. Hoàn thiện các văn kiện chiến đấu, kế hoạch quản lý bầu trời, quản lý điều hành bay, chống địch phong tỏa đường không, các phương án tác chiến chống TCĐK, kể cả TCĐK kết hợp tiến công đường biển và đường bộ; kế hoạch phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn. Chú trọng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống chỉ huy, thông tin, trinh sát, thông báo, báo động sớm; duy trì nghiêm các chế độ quy định không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ.

Tiếp tục kiện toàn, chấn chỉnh lực lượng, tổ chức biên chế, đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của BQP và Quân chủng về công tác tổ chức biên chế; thường xuyên rà soát, kiện toàn quân số, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, cân đối giữa cơ quan và đơn vị, giữa quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, ưu tiên đủ quân số cho các đơn vị trực SSCĐ trên các hướng, địa bàn trọng yếu chiến lược, các đơn vị thành lập mới theo yêu cầu của BQP. 

Trong công tác huấn luyện, các đơn vị phải quán triệt sâu sắc phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, chú trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, đảm bảo đúng chương trình nội dung, kế hoạch, giáo trình, giáo án. Đối với cá nhân, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy - tham mưu, chỉ huy tác chiến đường không, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay cho đội ngũ cán bộ chỉ huy - tham mưu; đội ngũ phi công và các lực lượng chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng huấn luyện các khoa mục bay ứng dụng chiến đấu, chuyển loại, tiếp thu, sử dụng có hiệu quả các vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) mới bảo đảm an toàn. Đối với phân đội, chú trọng nâng cao trình độ kíp chiến đấu sở chỉ huy, phân đội các cấp, kíp chiến đấu ra-đa, chú trọng huấn luyện diễn tập vòng tổng hợp nâng cao sức cơ động, trình độ tác chiến ban đêm, thời tiết xấu, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng bảo vệ biển, đảo… Các đơn vị, nhà trường cần chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong điều kiện hiện đại; gắn huấn luyện quân sự với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, lễ tiết, tác phong quân nhân theo đúng quy định của Quân chủng.

Tập trung xây dựng Quân chủng hiện đại. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Quân chủng PK-KQ vẫn được ưu tiên đầu tư mua sắm nhiều VK,TBKT hiện đại. Đây là sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của QUTƯ, BQP, là một vinh dự và là trách nhiệm lớn lao đối với Quân chủng. Do đó, toàn Quân chủng cần quán triệt phương châm “thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”, làm tốt công tác quản lý tài chính, có chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình và bước đi phù hợp, lựa chọn kỹ đối tác, chủng loại, kết hợp giữa sử dụng tốt các trang bị hiện có với khai thác các loại VK,TBKT hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, quản lý, điều hành bay, hệ thống hỏa lực, điều khiển hỏa lực phòng không…, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất với BQP để củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng PK-KQ các nước, nhất là nước láng giềng, khu vực và các đối tác quan trọng trên các lĩnh vực có liên quan. Cùng với việc trang bị vũ khí hiện đại, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung xây dựng con người, coi đây là nhân tố quan trọng có tính quyết định đến việc xây dựng Quân chủng hiện đại. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt Cuộc vận động 50, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến kéo dài tuổi thọ và nâng cấp chất lượng VK,TBKT hiện có. Duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng định kỳ theo quy định, bảo đảm hệ số kỹ thuật của VK,TBKT khi có lệnh là cơ động, chiến đấu được ngay. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, chăm lo xây dựng doanh trại “chính quy, xanh, sạch, đẹp”, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống và bảo đảm các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho bộ đội.

Nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm, với quyết tâm cao, Quân chủng PK-KQ nhất định vượt qua mọi thách thức, xây dựng Quân chủng PK-KQ “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng với toàn quân, toàn dân quản lý và bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc thân yêu.

Trung tướng PHƯƠNG MINH HÒA

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước