Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:26 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu là chủ trương chiến lược của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Thực hiện điều đó, những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật1 về lực lượng dự bị động viên, làm cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị Quân đội thực hiện. Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực, đạt kết quả quan trọng. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên cho bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch, quy mô, loại hình tổ chức, số lượng các đơn vị dự bị động viên; tiếp nhận lực lượng dự bị động viên cụ thể cho các đơn vị trong toàn quân. Do đó, chế độ tạo nguồn, đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được duy trì thường xuyên, có nền nếp. Đến nay, 100% các địa phương đã xếp đủ đầu mối tổ chức các đơn vị dự bị động viên. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chú trọng công tác huấn luyện cho các đơn vị dự bị động viên; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, khả năng quản lý, huấn luyện cho cán bộ các cấp từ tiểu đội và tương đương đến tiểu đoàn. Thường xuyên tổ chức diễn tập chỉ huy và cơ quan về động viên; kết hợp huy động, tiếp nhận đơn vị dự bị động viên trong huấn luyện, diễn tập; bảo đảm đúng, đủ chế độ, chính sách cho quân nhân và gia đình quân nhân dự bị. Nhiều địa phương còn hỗ trợ quân nhân dự bị xây nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết,… nên đã khích lệ, động viên quân nhân dự bị thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc xây dựng lực lượng dự bị động viên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chưa cao. Công tác đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật, một số địa phương chưa thực sự chú trọng, v.v. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp quy về công tác này chưa đầy đủ, có điểm còn bất cập và chưa phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên biển, đảo,... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Đối với nước ta, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Để thực hiện, các cấp, các ngành, địa phương, các đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ này. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu về xây dựng lực lượng dự bị động viên, nhất là khi đang chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Lực lượng dự bị động viên đã ban hành. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị Quân đội, đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,… nhất là Luật Lực lượng dự bị động viên. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm: xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu là nhiệm vụ thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, cơ quan quân sự làm tham mưu. Trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp lãnh đạo sát thực, phù hợp từng đối tượng, địa bàn và khả năng của từng địa phương. Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị, trong đó Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Cục Quân lực - Cơ quan thường trực tham mưu cho Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng dự bị động viên cần đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung hoàn thành tốt việc xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; tổ chức tập huấn, xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, làm cơ sở triển khai Luật Lực lượng dự bị động viên nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần làm cho các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược về xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Tập trung nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng này luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đồng thời, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân ngay từ cơ sở, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Hai là, xây dựng lực lượng dự bị động viên gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm pháp luật, thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần gắn xây dựng lực lượng dự bị động viên với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để thực hiện, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ với xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là quân nhân dự bị, cán bộ quân sự xã, phường, chú trọng những nơi xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v.
Cơ quan quân sự các địa phương cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt hơn nữa công tác đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị. Tăng cường phối hợp với các đơn vị thường trực thực hiện tốt công tác phúc tra, kiểm tra, sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị theo quy định; kết hợp linh hoạt giữa sắp xếp đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự với gần, gọn địa bàn một cách hợp lý. Để khắc phục sự mất cân đối nguồn động viên và chuyên nghiệp quân sự, cần tiếp tục tham mưu cho địa phương quy hoạch vùng động viên gắn với địa bàn tuyển quân, tạo nguồn quân nhân dự bị ngay từ khâu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, đào tạo sĩ quan dự bị, chú trọng địa bàn khó khăn về nguồn; chủ động rà soát, bổ nhiệm, miễn nhiệm quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy, xây dựng đội ngũ cán bộ khung B. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh quy mô, loại hình tổ chức đơn vị dự bị động viên phù hợp với định hướng điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh” của Quân đội. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lực lượng dự bị động viên. Phát huy vai trò cán bộ chuyên trách; tăng cường phối hợp giữa cơ quan quân sự các cấp với ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả; khắc phục tình trạng khoán trắng cho cơ quan quân sự. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm, truyền thống xây dựng “đội quân dự bị” của các triều đại phong kiến, “ngụ binh ư nông”, lực lượng dự bị động viên thời đại Hồ Chí Minh trong thời gian qua và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo sĩ quan dự bị, huấn luyện quân nhân dự bị. Để nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan dự bị, các cấp, các ngành, địa phương khi tuyển chọn, xét duyệt cần thực hiện nghiêm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể cho từng đối tượng, bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, tuổi đời phù hợp và có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Các học viện, nhà trường Quân đội đảm nhiệm đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan dự bị cần chấp hành nghiêm thời gian, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức đào tạo theo hướng cập nhật khoa học kỹ thuật hiện đại, bám sát đòi hỏi của thực tiễn, bảo đảm đào tạo đội ngũ sĩ quan dự bị có đủ trình độ, năng lực chỉ huy, quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ theo chức trách, nhiệm vụ.
Trong huấn luyện quân nhân dự bị cần chuẩn hóa chương trình, nội dung cho các đối tượng, theo hướng “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; bảo đảm toàn diện, nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phải coi trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ khung B, huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự, binh chủng, chuyên môn kỹ thuật; tăng cường tổ chức diễn tập chỉ huy, cơ quan, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, thực hành huy động tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, nhằm rèn luyện, nâng cao năng lực chỉ huy, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng cơ sở huấn luyện theo quy định. Đây là yếu tố rất quan trọng và bức thiết, cần thực hiện quyết liệt.
Cùng với các nội dung, giải pháp trên, các cấp, các ngành, các đơn vị cần thực hiện tốt nền nếp, chế độ công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng lực lượng dự bị động viên; kiện toàn đầy đủ tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, chăm lo xây dựng khung thường trực và các đơn vị dự bị động viên. Bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách đối với quân nhân và hậu phương gia đình quân nhân dự bị, người vận hành, người điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động, v.v. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên ngày càng hùng hậu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trung tướng NGUYỄN VĂN NGHĨA, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ________________
1 - Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng; Nghị định số 39/CP, ngày 28/4/1997, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên; Nghị định số 26/2002/NĐ-CP, ngày 21/3/2002 về Sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v. Đặc biệt, ngày 26/11/2019, Quốc hội (khóa XIV) thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
xây dựng lực lượng dự bị động viên
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới