Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:20 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình. Mặc dù chưa là hiện thực, nhưng ngay từ lúc này, sự kiện đó đang thu hút mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Kể từ khi thành lập (ngày 08-08-1967) đến nay, ASEAN không chỉ phát triển về quy mô1, mà ngày càng phát huy vai trò đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. ASEAN cũng là nhân tố hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh, phát triển thông qua việc khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo trong nhiều diễn đàn khu vực hiện có, với sự tham gia rộng rãi của các đối tác; đồng thời, là lực lượng có vai trò quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong quá trình đó, các thể chế hợp tác, phương thức làm việc của ASEAN từng bước được hoàn thiện, phát triển; trong đó, xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 chắc chắn sẽ là một trong những thành tựu nổi bật nhất.
Hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển và hướng tới người dân là mục tiêu, định hướng hoạt động của Cộng đồng ASEAN
Trong kết cấu của Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Các quốc gia ASEAN đã đề ra những mục tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, bao gồm: các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) và Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC). Theo đó, ASEAN phấn đấu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực; một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất; có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn giới đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài; một xã hội chia sẻ, đùm bọc, có trách nhiệm và hướng tới người dân trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã triển khai được khoảng 85% các mục tiêu, biện pháp đề ra trong các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN; trong đó, trụ cột Chính trị - An ninh đạt khoảng 85%, trụ cột Kinh tế đạt gần 81% và trụ cột Văn hóa - Xã hội đạt khoảng 97%. Đồng thời, các quốc gia ASEAN đã cùng nhau triển khai được khoảng 40% Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN và 285 dự án trong khuôn khổ Sáng kiến liên kết ASEAN. Với kết quả này, ASEAN đang trên đường cán đích, hướng tới mốc hình thành Cộng đồng vào ngày 31-12-2015. Quá trình xây dựng Cộng đồng cũng tạo thêm xung lực mới cho những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, tăng cường liên kết kinh tế nội khối, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong những năm qua, ASEAN ngày càng coi trọng các hoạt động lấy người dân làm trung tâm và vì lợi ích của người dân ở khu vực. Nhiều mục tiêu đề ra, nhất là trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội liên quan đến cuộc sống người dân đã được ASEAN triển khai thực hiện. Điển hình là các kế hoạch, dự án, biện pháp quan trọng về phát triển chủ thể doanh nghiệp trẻ và việc làm cho thanh niên, đẩy mạnh an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác quản lý thiên tai, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu,… ở từng quốc gia và khu vực. Cũng vì lẽ đó, Ma-lai-xi-a - nước Chủ tịch ASEAN 2015 - đã xác định chủ đề của năm Chủ tịch là: “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta, với trọng tâm lấy người dân làm trung tâm”. Kết quả công việc theo mục tiêu hướng tới người dân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với thành công của Cộng đồng, bởi người dân là chủ thể chính trong việc xây dựng Cộng đồng và chính những nỗ lực xây dựng Cộng đồng vì hòa bình, ổn định, phát triển cũng là để phục vụ lợi ích của người dân.
Nhận thức rõ xây dựng Cộng đồng vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực không thể tách rời các quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là đối với các cường quốc, ASEAN đã chú trọng thúc đẩy quan hệ với các đối tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ, kể cả về nguồn lực phục vụ xây dựng Cộng đồng. ASEAN tích cực triển khai các cam kết, không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án hợp tác, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Về phía các đối tác cũng khẳng định, tiếp tục coi trọng và thúc đẩy quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như ủng hộ nỗ lực xây dựng Cộng đồng, liên kết và hội nhập khu vực của Hiệp hội.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015
Qua 20 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và có đóng góp tích cực vào công việc của ASEAN, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau 3 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (năm 1998), đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 - 2001), đóng góp tích cực vào việc mở rộng thành viên của ASEAN (kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia), phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng, như: Nga, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Trung Quốc và hiện đang là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU (nhiệm kỳ 2012 – 2015). Việt Nam cũng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, đưa hợp tác ASEAN chuyển biến về chất theo hướng hành động và thực chất hơn, tạo đà mạnh mẽ cho Hiệp hội hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đồng thời, đẩy mạnh quan hệ với các đối tác và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Quốc hội nước ta đã chủ trì nhiều cuộc họp chung hoặc chuyên ngành của Quốc hội các nước ASEAN, tham gia tích cực các hoạt động chung của ASEAN. Các tổ chức hữu nghị, nhân dân của Việt Nam đã có những hoạt động phong phú ở trong nước và tại các cơ chế nhân dân của ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN; chủ động tham gia xây dựng phương hướng phát triển và thảo luận để thông qua các quyết sách lớn của ASEAN; tích cực cùng các nước thành viên triển khai các nội dung ưu tiên hợp tác của ASEAN, nhất là triển khai hiệu quả, đúng hạn lộ trình xây dựng Cộng đồng. Năm 2014, cùng với các quốc gia thành viên khác, Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện những cam kết đã thỏa thuận và là một trong số các thành viên ASEAN đạt tỷ lệ cao khi hoàn thành các dòng hành động trong lộ trình đã xác định.
Về chính trị - an ninh, Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy 14 lĩnh vực ưu tiên, triển khai các mục tiêu còn lại của Kế hoạch tổng thể APSC; trong đó có việc nhận, chủ trì và triển khai 04 dòng hành động trong số 32 biện pháp còn lại, được cho là khó thực hiện do tính nhạy cảm và phức tạp. Việt Nam đã tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), góp phần nâng cao vai trò của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn biển cũng như tự do hàng hải trong khu vực và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.
Về kinh tế, Việt Nam là một trong ba nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%); tham gia tích cực trong đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ; chủ động thực hiện các cam kết về giảm thuế nhập khẩu xuống mức từ 0 - 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (đối với đa số các dòng thuế trong danh mục cắt giảm thông thường) và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.
Về văn hóa - xã hội, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN hiện nay, như: an sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lao động di cư. Trên cương vị là Chủ tịch Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu (giai đoạn 2014 – 2015), Việt Nam chủ trì cùng các nước thành viên xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu 2014 và được Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-25 vừa qua (tháng 11-2014). Cũng trong năm 2014, chúng ta đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa Nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 và Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan. Các hoạt động tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đã góp phần đưa Hiệp hội tiến gần đến mục tiêu hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta đã kiên trì trao đổi cùng các quốc gia trong khu vực để tăng đồng thuận; cùng nhau bày tỏ lo ngại chung đối với những diễn biến đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực; kêu gọi sự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, mà kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các cam kết khu vực, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Lần đầu tiên kể từ năm 1992, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về Biển Đông (ngày 10-5-2014) bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông và khẳng định lập trường chung của ASEAN. Lập trường của Việt Nam và ASEAN đã được sự ủng hộ của nhiều đối tác của ASEAN. Đồng thời, Việt Nam còn chủ động, tích cực phối hợp với các nước thành viên khác trong ASEAN thúc đẩy tiến trình tham vấn với Trung Quốc về thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là đối với Điều 5 (về kiềm chế và không làm phức tạp tình hình) và thảo luận xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tích cực, chủ động xây dựng định hướng phát triển của Hiệp hội giai đoạn sau 2015
Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31-12-2015 khi Cộng đồng ASEAN hình thành không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội. Trên cơ sở nhận thức chung như vậy, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng nội dung Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025) và việc xây dựng này, cần kế thừa kết quả triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (giai đoạn 2009 - 2015); đồng thời, nâng tầm liên kết, kết nối ASEAN và khu vực lên mức cao hơn. Hiện nay, ASEAN đã thành lập Nhóm Đặc trách cao cấp, bao gồm đại diện của 10 nước thành viên và đã tiến hành thương lượng với quyết tâm hoàn tất nội dung Dự thảo Tầm nhìn trước cuối năm nay để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN-27 (vào tháng 11-2015). Để tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động và có trách nhiệm của 20 năm tham gia hợp tác ASEAN; đồng thời, phấn đấu để có đóng góp trong xây dựng, định hình luật chơi chung, phương hướng của chúng ta trong năm bản lề 2015 là: tham gia hợp tác sâu hơn, hiệu quả hơn trong các hoạt động hợp tác ASEAN; trong đó tập trung vào các nội dụng cụ thể sau:
Một là, tích cực và chủ động đóng góp vào việc phát huy vai trò, sự đoàn kết của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua việc đẩy mạnh xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung liên quan đến ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế; trong đó có việc thực hiện DOC, xây dựng COC, củng cố và nâng cao giá trị các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh hiện có ở khu vực.
Hai là, để hoàn thành công việc ở cấp độ quốc gia liên quan đến việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thành các chương trình, kế hoạch mà Hiệp hội đã đề ra; đồng thời, rà soát nhằm kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật và thủ tục hành chính cho phù hợp với các cam kết. Tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN 2015 nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN và coi hoạt động của Việt Nam tại tổ chức này có ý nghĩa quan trọng trong năm hình thành Cộng đồng.
Ba là, để chủ động tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, đòi hỏi các bộ, ngành khẩn trương xác định các nội dung ưu tiên hợp tác ASEAN trong 10 năm tới; từ đó, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch chung của ASEAN trong quá trình xây dựng văn kiện Tầm nhìn ASEAN sau 2015.
Bốn là, qua nghiên cứu những chuyển biến mới của tình hình quốc tế, tổng kết kết quả hoạt động của ASEAN và trên cơ sở những nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, chúng ta cần chủ động đề xuất thêm những sáng kiến, cách thức và biện pháp để thúc đẩy liên kết ASEAN, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Năm là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng chiến lược của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự đầu tư thích đáng về nhân lực và nguồn lực; tăng cường hiệu quả của các cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ tham gia hợp tác ASEAN sau khi Cộng đồng ra đời.
Với tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực, cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân trong khu vực.
LÊ HOÀI TRUNG, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao __________________
1 - Trước năm 1984, Hiệp hội chỉ gồm 5 nước, đến nay đã phát triển lên 10 nước thành viên.
Xây dựng ASEAN
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới