Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 05/12/2013, 16:41 (GMT+7)
Vấn đề đặt ra từ diễn tập ứng phó thảm họa, cứu trợ nhân đạo khu vực ASEAN năm 2013

Ngày 23-10-2013, Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo khu vực ASEAN năm 2013 đã được tổ chức tại Việt Nam. Tham gia cuộc Diễn tập có lực lượng của 10 nước ASEAN, các quan sát viên quốc tế và các tổ chức của Liên hợp quốc. Đây là dịp để các nước ASEAN đánh giá khả năng, rà soát bổ sung các quy trình chuẩn trong việc đưa lực lượng ứng phó khẩn cấp ở một nước xảy ra thảm họa.

Xử lý tình huống cứu sập công trình, tìm kiếm cứu nạn.

Nhằm góp phần hiện thực hóa Hiệp định về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp trong khu vực ASEAN; đồng thời, thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với khu vực và cộng đồng quốc tế, tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã đăng cai tổ chức diễn tập về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (ARDEX - 13). Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc diễn tập quốc tế, quy mô khu vực, với sự tham gia của nhiều nước và tổ chức quốc tế nên có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động phối hợp hợp tác, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Mục đích của cuộc diễn tập nhằm đánh giá và kiểm duyệt quy trình chuẩn về điều phối hoạt động ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thảm họa ở cấp khu vực (SASOP); nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng trong ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thảm họa giữa lực lượng của các nước ASEAN. Thông qua diễn tập, các nước có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành; kiểm tra khả năng chỉ huy, phối hợp trong ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thảm họa theo các quy chuẩn của ASEAN khi thảm họa, thiên tai, sự cố lớn xảy ra. Đồng thời, qua đó còn thể hiện cam kết việc thực hiện hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết những thách thức an ninh chung, tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao khả năng tương tác đa phương, phòng chống thiên tai và thúc đẩy ổn định an ninh trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung diễn tập ARDEX - 13 gồm: Diễn tập Truyền thông; Thông tin báo cáo (của nước bị thảm họa) với Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm họa (AHA); Đánh giá nhanh tình hình; Diễn tập nhập cảnh…; trong đó, diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo là vấn đề trọng tâm, chuẩn bị công phu và được các nước ASEAN kỳ vọng nhất.

Để thực hiện thành công nội dung trọng tâm, Ủy ban Quốc gia (UBQG) tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có Kế hoạch 63/KH-UB, ngày 07-3-2013; Bộ Quốc phòng có Kế hoạch 577/KH-TM, ngày 23-4-2013 về diễn tập thực binh ARDEX - 13, tạo cơ sở cho các cơ quan, đơn vị triển khai làm công tác chuẩn bị. Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Văn phòng UBQG TKCN) đã triển khai nghiên cứu nội dung và kinh nghiệm tổ chức diễn tập của một số nước để tham mưu cho UBQG TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức diễn tập thực binh ARDEX - 13 cùng các tổ xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch diễn tập, bao gồm: kịch bản diễn tập và các kế hoạch điều hành, tượng trưng tạo giả thao trường, huấn luyện thực binh, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, an ninh an toàn, thông tin liên lạc và truyền thông, truyền hình, v.v.

Căn cứ vào ý định diễn tập, Văn phòng UBQG TKCN phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo diễn tập ARDEX - 13, Trung tâm AHA và Ban Thư ký ASEAN tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa các nước ASEAN nhằm giới thiệu kịch bản, ý định diễn tập và tổ chức khảo sát địa hình khu vực diễn tập. Trên cơ sở đó, các nước thống nhất về nội dung, kế hoạch kịch bản để đăng ký nội dung và cử lực lượng tham gia. Do làm tốt công tác điều phối, kịch bản diễn tập phù hợp nên đã có 7/10 nước ASEAN cử lực lượng thực binh diễn tập và 3 nước cử quan sát viên. Ngoài ra, còn có các đại diện đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a cùng một số tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức xã hội và cơ quan, tổ chức quốc tế khác cũng tham dự (với tư cách quan sát viên), làm cho ARDEX - 13 trở thành cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Để bảo đảm cuộc diễn tập thành công, Ban Tổ chức diễn tập ARDEX - 13 ban hành Quyết định thành lập các khung diễn tập theo 4 tình huống giả định: sơ tán, cứu trợ khẩn cấp nhân dân vùng ngập lụt; ứng cứu sập đổ công trình và TKCN; ứng phó sự cố hóa chất độc, TKCN; triển khai bệnh viện dã chiến. Quân chủng Phòng không - Không quân, các binh chủng: Công binh, Hóa học, Thông tin liên lạc và Cục Quân y,… đã khẩn trương tổ chức các đơn vị thực binh; xây dựng thao trường diễn tập theo kịch bản; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác huấn luyện, kiểm tra theo ba bước: huấn luyện trước tại đơn vị, luyện tập tại thao trường diễn tập và hợp luyện, tổng duyệt. Riêng Binh chủng Công binh, từ tháng 5-2013 đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị huy động hàng nghìn ngày công của bộ đội để xây dựng hệ thống thao trường tạo giả (theo 4 tình huống xác định), các bến vượt, hệ thống đường cơ động cùng một số công trình bảo đảm khác, như: Trung tâm chỉ huy, điều hành diễn tập, Trung tâm báo chí và truyền thông đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan và thành phố Hà Nội xây dựng, triển khai các kế hoạch bảo đảm về cơ sở vật chất kỹ thuật, thông tin liên lạc cũng như công tác an ninh, an toàn cho cả trước, trong và sau diễn tập.

Với sự chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng, diễn tập thực binh ARDEX - 13 đã diễn ra theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Điểm nổi bật trong công tác chỉ huy, điều hành các lực lượng thực binh diễn tập được “Trung tâm chỉ huy đa quốc gia” thực hiện đúng theo quy chuẩn của SASOP. Việc vận hành hệ thống thông tin liên lạc, truyền hình, thuyết minh trực tiếp phục vụ các đại biểu, tổ trọng tài, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm AHA được tổ chức chặt chẽ, thông suốt, không chỉ bảo đảm đánh giá chính xác hoạt động ứng phó khẩn cấp, TKCN của các lực lượng tại hiện trường mà còn truyền tải thông tin kịp thời về các nước. Toàn bộ nội dung của các tình huống đã được tổ chức và thực hiện thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, được các nước trong khu vực và quan khách quốc tế đánh giá cao, nhất là về kịch bản, kết cấu tình huống, tổ chức thực binh ở từng nội dung và hệ thống thao trường mô phỏng đã phản ánh sát thực tế thảm họa. Đặc biệt, lần đầu tiên trong diễn tập ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo cấp khu vực, Việt Nam đã sáng tạo trong tổ chức, điều hành 3/4 tình huống cùng một lúc, nên vừa sôi động, sát với thực tiễn, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí; đồng thời, thể hiện khả năng, trình độ tổ chức, điều hành, phối hợp của nước chủ nhà trong diễn tập ở quy mô lớn, điều kiện phức tạp.

Cứu trợ khẩn cấp nhân dân trong thảm họa bằng đường không.

Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, số vụ thiên tai, thảm họa có chiều hướng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, tác động xấu tới nhiều nước; trong đó, Việt Nam là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề. Kết quả của cuộc diễn tập ARDEX - 13 đặt ra cho chúng ta một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn dân về vai trò, ý nghĩa của công tác quản lý, ứng phó với thiên tai, thảm họa trong khu vực. Trong giáo dục, tuyên truyền, phải làm cho mọi người hiểu rõ thiên tai là mối hiểm họa thường xuyên đối với đời sống con người, với mọi quốc gia; diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát của một nước. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, các lực lượng và toàn dân trong hoạt động phòng, chống thiên tai thường xuyên cũng như trong bố trí, dự phòng và tích cực tham gia hoạt động ứng phó thảm họa, cứu trợ nhân đạo đối với các quốc gia trong khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, hợp tác quốc tế khi có thiên tai nghiêm trọng xảy ra. Trong quá trình thực hiện, cần có nhiều hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền phong phú, toàn diện, nhưng cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng lực lượng, nhất là đối với các lực lượng nòng cốt, chuyên trách.

Hai là, nâng cao hiệu quả phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng của các nước thành viên cả trước, trong và sau thiên tai, thảm họa. Đây là nội dung quan trọng quyết định đến hiệu quả trong ứng phó khẩn cấp, cứu trợ thảm họa và TKCN của các nước trong khu vực; vì vậy, cần được chú trọng cả trong diễn tập và khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. Trước hết, chúng ta cần coi trọng việc rà soát, hoàn thiện toàn bộ quy trình phối hợp từ thông báo thảm họa; hiệp đồng, giải quyết khâu nhập cảnh người và phương tiện đến việc chỉ huy, điều phối trong thực hành ứng phó và cứu trợ khẩn cấp trên từng địa bàn. Về lâu dài, phải trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của quân đội các nước thành viên để đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như chủ động phối hợp trong giải quyết những vấn đề phức tạp mà thực tiễn đặt ra, nhất là về đánh giá tình hình, sử dụng lực lượng và biện pháp xử lý về công nghệ trong ứng phó khẩn cấp, TKCN.

Ba là, tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo chuyên ngành về công tác quản lý, ứng phó thiên tai, thảm họa theo hướng có cơ quan chuyên trách và lực lượng chuyên nghiệp. Qua diễn tập ARDEX - 13 cho thấy, một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công là Ban Tổ chức biết phát huy vai trò của Trung tâm chỉ huy, điều hành đa quốc gia cùng năng lực và sự chuyên nghiệp của các đội thực binh tham gia diễn tập. Điều đó đặt ra cho chúng ta cần phải coi trọng công tác huấn luyện, đào tạo cơ quan chuyên trách và lực lượng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Theo đó, lực lượng chuyên nghiệp cần được tổ chức chặt chẽ, quy mô phù hợp, bố trí trên các địa bàn, nhất là ở nơi trọng điểm về thiên tai, thảm họa để sẵn sàng ứng phó, TKCN khi có tình huống xảy ra. Lực lượng này phải được lựa chọn kỹ, bảo đảm các tiêu chuẩn về sức khỏe, chính trị, đạo đức; được đào tạo, huấn luyện về ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và các kỹ năng chuyên ngành cần thiết trong quản lý, ứng phó thiên tai, thảm họa để thực sự là lực lượng nòng cốt trong ứng phó thảm họa, TKCN ở trong nước và sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng với tập trung đầu tư mua sắm bổ sung trang bị, phương tiện hiện đại bảo đảm cho các lực lượng đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trước mắt, các đơn vị tiếp tục khai thác, bảo quản, sử dụng có hiệu quả các trang bị, thiết bị hiện có; chủ động nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất một số trang bị, thiết bị có tính năng tương đương với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến. Đồng thời, nghiên cứu, mua sắm một số trang bị, thiết bị mới theo nguyên tắc: hiệu quả, phù hợp với địa bàn, đơn vị và tình huống; trong đó, tập trung vào nhóm trang bị: phòng, chống cháy nổ; cứu sập công trình, hầm lò; hóa chất độc xạ và TKCN trên biển,... Cùng với mua sắm trang bị, cần coi trọng làm tốt việc hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sử dụng, bảo quản nhằm vừa khai thác đạt hiệu quả cao, vừa hạn chế tối đa sự xuống cấp của phương tiện, đáp ứng yêu cầu: sẵn sàng, kịp thời khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.

Thiếu tướng PHẠM HOÀI GIANG
Chánh Văn phòng Ủy ban QGTKCN, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước