Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 06/06/2024, 08:57 (GMT+7)
Toàn quân tiếp tục xung kích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn

Trong những năm qua, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, sự cố ở nước ta diễn ra ngày càng khốc liệt, đặt ra cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn yêu cầu ngày càng cao. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận quan trọng này, Quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc, phát huy vai trò xung kích thực hiện tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, góp phần tô thắm truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Theo đánh giá của các tổ chức khoa học quốc tế có uy tín, Việt Nam là một trong những quốc gia đã, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những tác động do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra đối với nước ta là vô cùng lớn và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước cũng như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước đã ghi nhận 5.331 sự cố, thiên tai với 21/22 loại hình, diễn ra trên tất cả các vùng miền, làm 1.129 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỉ đồng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2024, một số đợt thiên tai nghiêm trọng dã diễn ra trên cả nước, như: rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất tại đồng bằng sông Cửu Long, v.v. Đáng chú ý là tình trạng nắng nóng kỷ lục đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; thêm vào đó là các vụ cháy nổ, cháy rừng, mưa đá,... tại nhiều địa phương, làm hàng chục người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 400 tỉ đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Thiện và lực lượng dân quân giúp người dân dựng lại nhà bị đổ. Ảnh: qdnd.vn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong toàn quân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,... bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, toàn quân đã phát huy vai trò xung kích, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng có liên quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt nghiêm túc nhiệm vụ, chủ động nắm và dự báo đúng tình hình, chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án phù hợp với đặc điểm địa bàn; tổ chức tốt việc tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống lụt, bão, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn và duy trì nghiêm các chế độ ứng trực theo quy định. Ý thức, trách nhiệm và khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn của toàn quân được nâng cao. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, năm 2023, Bộ Quốc phòng đã điều động 108.838 lượt cán bộ, chiến sĩ và 10.585 lượt phương tiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ứng phó, xử lý hiệu quả 2.978 vụ thiên tai, sự cố, cứu được 2.216 người, 166 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ, di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn; khắc phục, sửa chữa 3.856 nhà, 125km đường giao thông; thu hoạch 15.920ha lúa và hoa màu; chữa cháy 870 nhà và 1.190ha rừng, v.v. Trong các tình huống đặc biệt khẩn cấp đã điều động, sử dụng hàng chục lượt máy bay các loại tham gia tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong cấp cứu y tế cho quân nhân, ngư dân gặp nạn trên biển, đảo xa, đưa về đất liền điều trị kịp thời. Thông qua thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ không quản nguy hiểm, dũng cảm cứu người, cứu tài sản, góp phần quan trọng trong khắc phục, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ổn định tình hình và đời sống của nhân dân, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình thiên tai, sự cố vẫn diễn biến phức tạp. Sau El Nino nhiều khả năng sẽ xuất hiện La Nina vào những tháng cuối năm có thể gây mưa lớn, bão lũ, nhất là tại khu vực miền Trung làm tăng nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, sập đổ công trình với tính chất, quy mô và phạm vi ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn quân cần tiếp tục nêu cao cảnh giác, thường xuyên nắm chắc tình hình, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và vai trò nòng cốt, xung kích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu; nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là Cục Cứu hộ - Cứu nạn phát huy vai trò Cơ quan Thường trực chủ động phối hợp nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, trên cơ sở đó đề xuất Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với xây dựng công trình, phương án ứng phó, xử lý các tình huống. Theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, trọng tâm triển khai thực hiện tốt Luật Phòng thủ dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024); Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu, Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79) giai đoạn 2019 - 2025, tăng cường các biện pháp nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn vùng biển xa, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cơ quan quân sự các địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp phát huy phương châm “4 tại chỗ”; tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho người dân về nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

2. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và dân quân tự vệ về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất tư tưởng, hành động, tạo động lực, ý chí, quyết tâm cao độ cho lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đi trước một bước trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, chú trọng quán triệt, phổ biến cho bộ đội nắm chắc các quy định của pháp luật, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của trên về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Về nhận thức, toàn quân phải xác định rõ: phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Từ đó, xác định rõ động cơ, thái độ, trách nhiệm, quyết tâm trong tổ chức thực hiện; đảm bảo dù tình huống nào, Quân đội cũng luôn đi đầu, chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân; tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần vì nhân dân phục vụ, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện hình thức, tư tưởng chủ quan, ngại khó khăn, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ này.

3. Đổi mới công tác huấn luyện, diễn tập, không ngừng nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ. Thực tiễn hiện nay cho thấy, thiên tai, sự cố luôn là vấn đề hiện hữu, có thể diễn ra theo quy luật hoặc không theo quy luật, với những hình thức, cường độ và tính chất khác nhau, nhưng thời điểm diễn ra thường bất ngờ, ngày càng cực đoan có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, nâng cao năng lực ứng phó, tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong mọi tình huống là vấn đề có tính quyết định. Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tập huấn, huấn luyện, diễn tập; bồi dưỡng về kinh nghiệm tổ chức, điều hành, kỹ năng, quy trình xử lý sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng. Trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; tập trung huấn luyện chuyên sâu, huấn luyện nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện đại. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện, diễn tập sát với diễn biến thời tiết, thiên tai, sự cố trên từng địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa mô hình huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản, toàn diện với huấn luyện chuyên sâu. Tổ chức tốt việc tập huấn cho toàn quân công tác chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, điều hành công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quân sự địa phương thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức luyện tập, diễn tập khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn,... nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp và nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng xử lý các tình huống phức tạp cho các lực lượng.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn cho các bộ, ngành, địa phương, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước. Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

4. Chủ động phối hợp với các lực lượng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn.  Các cơ quan, đơn vị duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ ứng trực, nhất là giai đoạn cao điểm mùa mưa bão; thường xuyên nắm, dự báo, cập nhật chính xác, kịp thời diễn biến thiên tai; tổ chức chuẩn bị đầy đủ, chu đáo kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, vật chất và các mặt bảo đảm, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra. Các quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch; kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, khi mùa mưa bão năm 2024 đã bắt đầu, các đơn vị cần chủ động tổ chức hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan kiểm tra các khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; rà soát, bổ sung điều chỉnh các phương án, hiệp đồng nhiệm vụ cụ thể các lực lượng, chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao rủi ro sự cố, thiên tai đến nơi an toàn. Trước mắt, các đơn vị chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ giúp các địa phương phía Nam khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tính toán chặt chẽ, khoa học, từ lập kế hoạch, tổ chức hiệp đồng, đến giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, trên từng địa bàn, khu vực; chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng cùng làm nhiệm vụ trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương; thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, điều hành trong ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ rõ biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, từng bước nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, toàn quân nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò xung kích cùng các lực lượng và cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN TRỌNG BÌNH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước