Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:18 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Kỷ luật tự giác, nghiêm minh là bản chất, truyền thống và là cơ sở tạo nên sức mạnh của Quân đội ta. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi quân nhân phải không ngừng nâng cao ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Thực hiện lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”1, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân luôn được chú trọng. Ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng tướng Lê Chiêm chủ trì buổi kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Quân chủng Phòng không-Không quân, ngày 23-02-2017. (Ảnh: qdnd.vn)
Trong triển khai thực hiện, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật từng giai đoạn và hằng năm. Cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tính chất đặc thù hoạt động quân sự, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và đối tượng quản lý. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp được kiện toàn cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu thành phần; chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các đề án, kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội đối với các đơn vị. Công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm đúng mức. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quân đội. Hình thức tiến hành có nhiều đổi mới, phong phú, sinh động, sát thực tiễn, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo bộ đội và nhân dân. Đến nay, toàn quân đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, như: “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, “Mỗi tuần học một điều luật”; “Câu lạc bộ pháp luật chiến sĩ”; “Tổ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; sân khấu hóa “Ngày Pháp luật”; thi tìm hiểu pháp luật; phát hành tờ rơi, tờ gấp pháp luật, v.v. Việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách, ngăn sách pháp luật được thực hiện nền nếp, hiệu quả; tài liệu và sách về pháp luật phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Hoạt động xét xử lưu động, ra thông báo kết quả xét xử được triển khai kịp thời, chính xác, v.v. Nhờ đó, lượng thông tin pháp luật đến với bộ đội ngày càng đa dạng, kịp thời; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị được nâng lên; ý thức chấp hành pháp luật của bộ đội có chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm kỷ luật trong toàn quân có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; số vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong toàn quân tuy có giảm, nhưng chưa vững chắc; tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật; nội dung giáo dục còn dàn trải, hình thức chưa phong phú. Công tác quản lý con người, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, địa bàn, phòng gian, bảo mật có nơi chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật pháp Nhà nước, kỷ luật Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Cá biệt, có chỉ huy đơn vị nhận thức việc xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm còn giản đơn, giải quyết chưa kịp thời, còn có biểu hiện hữu khuynh, giấu giếm khuyết điểm, v.v.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá ta về nhiều mặt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tác động trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật ở Việt Nam. Tình hình vi phạm, tội phạm và mặt trái của xã hội tiếp tục ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mọi quân nhân phải nâng cao ý thức, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu trên, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, quán triệt, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giáo dục ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho quân nhân. Ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của quân nhân biểu hiện tập trung ở sự hiểu biết, kiến thức và niềm tin vào pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội, tự giác chấp hành ở mọi lúc, mọi nơi. Muốn vậy, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần tăng cường giáo dục cho bộ đội nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội và các quy định của đơn vị. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến về nhận thức và hành động, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường làm việc chính quy, khoa học, kỷ cương, kỷ luật, lễ tiết, tác phong quân nhân. Việc làm này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, với những nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng để mang lại hiệu quả thiết thực. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó chú trọng các văn bản pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và các quy định của Bộ Quốc phòng đã ban hành. Đồng thời, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ sự cần thiết cũng như yêu cầu của việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới và những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Quá trình thực hiện phải bám sát thực tiễn, môi trường hoạt động, tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ. Cần phải xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị, việc làm hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, khắc phục nhận thức xem nhẹ hoặc coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm riêng của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ quan chuyên môn.
Hai là, phát huy tốt vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này. Đây là một giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc trong việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của quân nhân. Bởi vậy, các đơn vị cần chú trọng củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cả về cơ cấu, thành phần, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện quy chế hoạt động; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định. Tích cực làm tốt việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện “Ngày Pháp luật” trong Quân đội và “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (ngày 09-11 hằng năm) bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp với đặc thù Quân đội. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp chế, cơ quan chính trị thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên rút kinh nghiệm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của đơn vị, làm cơ sở để xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ. Do đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở đơn vị thường là kiêm nhiệm, nên việc bồi dưỡng cần được tiến hành theo lịch, vào thời điểm thích hợp, bồi dưỡng cả về chuyên môn và phương pháp sư phạm; trong đó, cần tập trung bồi dưỡng, đào tạo cơ bản về kiến thức pháp luật, chuyên ngành, trình độ hiểu biết đời sống xã hội. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải là người mẫu mực về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, phương pháp, tác phong công tác để mọi người học tập, noi theo.
Ba là, tăng cường các biệp pháp quản lý tư tưởng, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, rèn luyện tác phong chính quy ở đơn vị cơ sở. Để nâng cao ý thức pháp luật cho bộ đội thì công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng có vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo cho bộ đội nắm vững chức trách, nhiệm vụ, tích cực, chủ động trong công tác, rèn luyện, gắn mình vào mọi quy định, hoạt động của đơn vị. Bởi vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của bộ đội, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, những quân nhân đi công tác lẻ, xa đơn vị, ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây mất đoàn kết nội bộ và chủ động đấu tranh, ngăn chặn các tiêu cực, không để xâm nhập vào đơn vị. Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-BQP, ngày 09-02-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa ngăn chặn vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật gắn với các biện pháp tổ chức hành chính, duy trì kỷ luật, chấp hành nghiêm các chế độ, nhất là nền nếp xây dựng chính quy ngày, tuần; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị là người chịu trách nhiệm cao nhất về xây dựng chính quy, quản lý và rèn luyện kỷ luật của đơn vị mình, thông qua việc giáo dục, quán triệt, hướng dẫn và làm gương cho bộ đội rèn luyện. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tích cực hướng dẫn cho bộ đội chấp hành nghiêm mọi chế độ, nền nếp; thực sự là tấm gương sáng về chấp hành pháp luật và kỷ luật, thì ở đó, cấp dưới sẽ tự giác rèn luyện noi theo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật. Ngược lại, ở đâu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thiếu gương mẫu, tự do, tùy tiện, thì ở đó đơn vị sẽ yếu kém, tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật nhiều. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải ra sức tự tu dưỡng, rèn luyện; gương mẫu trong học tập và giữ kỷ luật; đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động và sáng tạo, luôn đổi mới hình thức, biện pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, cần thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, tạo môi trường thuận lợi để họ rèn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị.
Bốn là, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật và chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi để thực hiện thống nhất trong toàn quân. Quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của Chính phủ trong Bộ Quốc phòng. Trong triển khai thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; trong đó, nâng cao hiểu biết và xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật là khâu trọng tâm, có ý nghĩa quyết định. Thực tế cho thấy, từ hiểu biết luật đến chấp hành luật luôn có một khoảng cách nhất định, nên việc trang bị cho quân nhân kiến thức cần thiết về luật không chỉ dừng ở việc cung cấp nội dung của luật, điều luật, mà quan trọng hơn là phải giúp cho họ hiểu sâu sắc tính tất yếu của việc chấp hành luật, điều luật và hậu quả, tác hại của những hành vi vi phạm luật. Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho bộ đội, cần lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, không dàn trải, nặng về lý thuyết, mà phải tăng phần liên hệ, vận dụng, đưa từng điều luật vào cuộc sống, làm cho quân nhân nhận thức được đúng, sai, xử lý tốt các mối quan hệ trong công tác, sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ nhớ để mọi quân nhân nắm vững những kiến thức cơ bản; chú trọng giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản của Nhà nước, Quân đội, đơn vị,... cùng những chế tài xử phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trên các lĩnh vực, theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, khơi dậy trong mỗi quân nhân ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Quân đội.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu hằng năm của Bộ Quốc phòng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Khi đơn vị có vụ việc, cấp ủy, chỉ huy phải kiên quyết xử lý, thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Thông tư 192/2016/TT-BQP, ngày 26-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng”. Các bước tiến hành xử lý kỷ luật phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm minh, kịp thời, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với người vi phạm; là bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, tệ nạn xã hội của đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm kỷ luật, tệ nạn xã hội; duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa đơn vị với chính quyền địa phương để thông báo tin tức, tình hình xã hội, chấp hành kỷ luật của quân nhân và quan hệ quân - dân, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh, toàn diện. Khi có vụ việc vi phạm, cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn trên địa bàn, không để lây lan, phát triển thành vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến đơn vị, địa phương.
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của mỗi quân nhân giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung, giải pháp trên để góp phần xây dựng Quân đội chính quy, kỷ cương, kỷ luật, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng tướng LÊ CHIÊM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng __________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.
toàn quân,kỷ luật Quân đội,pháp luật Nhà nước
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới