Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 14/07/2019, 14:50 (GMT+7)
Toàn quân tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nội dung quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Do vậy, nội dung này cần được chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học.

Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã xác định; bước hiện thực hóa quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai toàn diện các mặt công tác quân sự, quốc phòng; trọng tâm là tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, phương châm, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương tham quan mô hình học cụ huấn luyện của Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3 (02-2019). Ảnh: quankhu3.vn

Trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, toàn quân đã tập trung bám sát phương châm huấn luyện, phương án, quyết tâm chiến đấu, tình hình thực tiễn đất nước, lấy nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu, phương hướng; công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ được chú trọng. Do vậy, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, công tác huấn luyện được tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ cơ quan Bộ đến các đơn vị trong toàn quân, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, bảo đảm sát với nhiệm vụ của từng lực lượng, đặc điểm địa bàn, theo tiêu chuẩn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Kết quả 100% nội dung huấn luyện, kiểm tra, diễn tập đều đạt yêu cầu; tỷ lệ khá, giỏi từng bước được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường đã chú trọng thực hiện biện pháp đột phá, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, diễn tập và công tác bảo đảm huấn luyện ở các cấp; gắn huấn luyện với diễn tập, duy trì nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, cổ động thao trường, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, củng cố niềm tin vào vũ khí, trang bị kỹ thuật và cách đánh của ta, v.v. Thông qua thực tiễn huấn luyện, diễn tập, các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, phát triển lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; hoàn chỉnh hệ thống phương án, kế hoạch tác chiến các cấp; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, nhất là các bệnh viện, nhà máy, đơn vị kinh tế - quốc phòng có thời điểm chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Việc đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo chưa toàn diện; hệ thống tài liệu, giáo trình chưa theo kịp sự phát triển của đối tượng tác chiến, biên chế vũ khí, trang bị, nhiệm vụ mới; chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, thực hiện quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập chưa triệt để; thậm chí một số đơn vị còn để quân nhân vi phạm kỷ luật, đơn vị mất an toàn, v.v.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội. Quân đội tuy được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư một số vũ khí, trang bị mới để từng bước hiện đại hóa, nhưng chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhưng kinh nghiệm, kỹ năng thực hành còn hạn chế; nguồn lực bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là hệ thống thao trường huấn luyện, diễn tập các nội dung mới chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, v.v. Vì vậy, toàn quân cần tiếp tục đột phá đổi mới công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhằm góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, nhất là tư duy mới về quân sự, quốc phòng của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nghiên cứu, phát triển và vận dụng hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, từ đó xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này; chú trọng đột phá, đổi mới các nội dung huấn luyện, đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả, vững chắc; khắc phục triệt để một số hạn chế đã được chỉ ra qua sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 765. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung điều chỉnh, bổ sung nội dung, chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm phù hợp với đối tượng tác chiến, sự phát triển của nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn và môi trường, điều kiện tác chiến hiện đại; tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế lãnh đạo; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong thực hiện dân chủ về quân sự. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, cổ vũ thao trường, gắn xây dựng đơn vị “vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, mẫu mực” với xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh”.

Hai là, tập trung nâng cao khả năng nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, luyện tập các phương án, quyết tâm chiến đấu, kịp thời đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống đan xen, sự chuyển hóa mau lẹ giữa đối tượng và đối tác, cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng,… đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các cơ quan chiến lược cần chủ động huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng nâng cao khả năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình ở tầm vĩ mô của khu vực và thế giới. Tập trung phân tích, đánh giá sâu, kỹ các chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng của các nước lớn, các nước láng giềng; những vấn đề được đưa ra bàn luận trong các diễn đàn liên quan đến quốc phòng, an ninh khu vực, quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân xác định nội dung, chương trình, nhiệm vụ, phương hướng huấn luyện, duy trì các biện pháp sẵn sàng chiến đấu; điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng phù hợp. Để công tác này đạt hiệu quả, các cơ quan chiến lược thuộc Bộ Tổng Tham mưu cần tham mưu xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước lớn, các nước láng giềng; đề xuất các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các địa bàn trọng điểm, quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, điều chỉnh quyết tâm chiến đấu cho phù hợp tình hình thực tiễn và đối tượng tác chiến; tăng cường luyện tập các phương án chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp trực chỉ huy, trực ban, trực tác chiến ở các cơ quan, đơn vị; chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng liên quan, nhất là lực lượng Công an, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xử lý bom, mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, v.v.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện chỉ lệnh, kế hoạch huấn luyện đã phê duyệt; tổ chức điều chỉnh, hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định; phân định rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện với cấp ủy, chỉ huy đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ này. Đồng thời, chú trọng kiện toàn cơ quan quân huấn các cấp, từ cấp chiến lược đến cơ sở và đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện theo Đề án điều chỉnh tổ chức Quân đội đến năm 2021; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện, trọng tâm là năng lực tham mưu, đề xuất của cơ quan chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện các cấp. Trong quá trình huấn luyện, các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa duy trì, thực hiện nghiêm nguyên tắc, chế độ, quy định của Điều lệ công tác tham mưu huấn luyện chiến đấu với nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành luyện tập, diễn tập ở các quy mô, hình thức cho cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng cấp chiến dịch, chiến lược, diễn tập chiến thuật tổng hợp có một phần thực binh kết hợp bắn đạn thật và diễn tập thực nghiệm các nội dung mới về kỹ thuật, chiến thuật, nhất là diễn tập “Quân sự chủ trì tham mưu xử lý tình huống chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố” trong khu vực phòng thủ, tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện. Các đơn vị, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình huấn luyện cơ bản, hệ thống tài liệu cho các đối tượng, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, toàn diện, chuyên sâu, phù hợp với đối tượng tác chiến, chức năng, nhiệm vụ, biên chế vũ khí, trang bị của từng lực lượng. Trong đó, chú trọng bổ sung nội dung, chương trình huấn luyện cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, chuyên sâu, mới thành lập, đơn vị mới sáp nhập1; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật, kỹ thuật và công nghệ quân sự, hướng trọng tâm vào thực hiện hiệu quả các chiến lược: quân sự, quốc phòng, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tập trung đổi mới nội dung, chương trình theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo tình huống, phương án, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, cứu hộ, cứu nạn, v.v. Đồng thời, chú trọng đổi mới quy trình đào tạo ở các học viện, nhà trường Quân đội, công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả theo hướng tăng dần độ khó, nâng cao chỉ tiêu, sát thực tế chiến đấu và bảo đảm thực chất; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, giáo dục - đào tạo với huấn luyện chiến đấu, gắn huấn luyện với rèn luyện thể lực, chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, đối ngoại và hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa.

Năm là, đổi mới công tác bảo đảm huấn luyện theo hướng đồng bộ, kịp thời, toàn diện, có trọng điểm; trong đó, ưu tiên bảo đảm hợp lý cho các đơn vị mới thành lập, đơn vị ở địa bàn trọng điểm, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị mới sáp nhập; kết hợp nguồn kinh phí trên cấp với nguồn của đơn vị, địa phương và huy động công sức bộ đội xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện, diễn tập. Các cơ quan chức năng của Bộ, nhất là Cục Tác chiến, Cục Quân huấn, Cục Nhà trường,… cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện theo hướng chuẩn hóa, thống nhất trong toàn quân; kết hợp chặt chẽ giữa trung tâm huấn luyện quân sự Quốc gia, trường bắn khu vực và trường bắn, thao trường huấn luyện của đơn vị; thực hiện mô hình 3 trong 1 (trường bắn, thao trường huấn luyện cấp tỉnh với trung tâm huấn luyện dự bị động viên, trung tâm giáo dục quốc phòng). Các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần đổi mới, thống nhất cơ chế, phương thức bảo đảm, thực hiện công khai, dân chủ, chuẩn hóa định mức huấn luyện cho từng đối tượng; chống lãng phí, sử dụng sai mục đích. Tổ chức đảm bảo đầy đủ, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật,… phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ, đồ dùng, trang bị huấn luyện, đào tạo theo hướng hiện đại, bền, đẹp, tiện sử dụng. Cùng với đó, cần quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho bộ đội thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện.

Yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và khả năng ứng dụng vào thực tiễn chiến đấu, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
____________

1 - Lực lượng: Cảnh sát biển, Tàu ngầm, Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Tác chiến không gian mạng, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước