Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 09/08/2012, 15:18 (GMT+7)
Toàn quân tích cực xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua Quyết thắng

Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một nội dung cơ bản, có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm cho phong trào Thi đua Quyết thắng thực sự là động lực thúc đẩy toàn quân phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đơn vị.

alt
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trao Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2011 (nguồn: qdnd.vn)

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của điển hình tiên tiến (ĐHTT) trong phong trào thi đua, Bộ Chính trị (khoá IX) đã ra Chỉ thị số 39-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân ĐHTT”; Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Chỉ thị số 339-CT/ĐUQSTW về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT), phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng ĐHTT trong Quân đội”. Qua hơn 5 năm thực hiện các chỉ thị đó, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TĐQT trong Quân đội nói chung, việc xây dựng và nhân rộng ĐHTT nói riêng đã có bước phát triển mới cả diện rộng và chiều sâu, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hầu hết cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp đã nhận thức đúng, đề cao ý thức, trách nhiệm, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua; gắn phong trào TĐQT trong Quân đội với phong trào thi đua yêu nước của các ngành, các tổ chức quần chúng, các cuộc vận động; kết hợp xây dựng, nhân rộng ĐHTT trong các phong trào thi đua với phát hiện, biểu dương, tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc xây dựng, nhân ĐHTT được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm đúng mức, có hình thức, bước đi, cách làm phù hợp, triển khai thực hiện nghiêm túc ở cả ba khâu: phát hiện, xây dựng và nhân rộng. Trước mỗi đợt thi đua, các đơn vị đã định hướng tiêu chí lựa chọn ĐHTT toàn diện và ĐHTT trên từng lĩnh vực; tập trung vào những tập thể, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác ở nơi biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa... Ngoài việc động viên các ĐHTT tích cực hoạt động trong phong trào thi đua chung, các đơn vị còn chú ý tạo điều kiện để họ tham gia các hội thi, hội thao; thử thách trong các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, phức tạp, giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Sau mỗi đợt thi đua, công tác sơ kết, tổng kết, bình xét khen thưởng được tiến hành kịp thời; qua đó, phát hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình, cách nghĩ, cách làm hay, sáng tạo, thực sự xứng đáng để thúc đẩy, cổ vũ mọi người học tập, noi theo. Việc phát hiện, nhân rộng ĐHTT, người tốt, việc tốt trong phong trào TĐQT đã khơi dậy trong mọi cán bộ, chiến sĩ ý chí tiến công, sức sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Năm 2011, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, phong trào TĐQT đã bám sát nhiệm vụ chính trị, có chiều sâu và sức lan toả rộng; xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân ĐHTT tiêu biểu cho phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên các lĩnh vực, trong mọi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, có 13 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 50 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 146 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 221 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”… Đặc biệt, có 03 tập thể: Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettell), Công ty 72 (Binh đoàn 15); 03 cá nhân: Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn; Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36; Trung tá Võ Trọng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh được vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng cục Chính trị phối hợp thực hiện, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xây dựng và nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục. Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chưa cụ thể; chưa làm rõ các tiêu chí ĐHTT toàn diện và trên từng mặt công tác. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng ĐHTT chưa đồng bộ; chất lượng ĐHTT ở một số đơn vị chưa cao. Nhiều nơi xây dựng ĐHTT chủ yếu nhằm tuyên dương, lấy thành tích, mà chưa tạo được phong trào sâu rộng thúc đẩy mọi người học tập, phấn đấu đuổi và vượt ĐHTT. Việc phát hiện điển hình có nơi còn cảm tính, hình thức; khi lựa chọn điển hình chỉ tập trung vào những đơn vị, cá nhân có điều kiện thuận lợi để dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, nên sức thuyết phục, cảm hoá không cao. Công tác tuyên truyền, biểu dương ĐHTT chưa phong phú; hình thức thiếu tính hấp dẫn. Công tác khen thưởng, động viên còn cào bằng, mang tính phong trào hơn là chọn ĐHTT… Những hạn chế, khuyết điểm trên do nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất là do nhận thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm xây dựng và nhân rộng ĐHTT của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng phong trào chưa thoả đáng; chưa tạo được môi trường thuận lợi để ĐHTT khẳng định trong thực tiễn…

Để bảo đảm cho việc xây dựng, nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT thực sự là động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 83-KL/TW, ngày 30-8-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá IX); Kế hoạch số 510/KH-CT, ngày 22-4-2011 của Tổng cục Chính trị và Chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về xây dựng, nhân ĐHTT trong Quân đội 5 năm (2011 - 2015). Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đối với xây dựng và nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT. Hiện nay, quan niệm về ĐHTT ở một số đơn vị chưa đúng, còn nhầm lẫn giữa ĐHTT với người có thành tích; đồng nghĩa xây dựng điển hình với xây dựng đơn vị điểm; coi xây dựng ĐHTT là mục đích của phong trào TĐQT, nên không quan tâm đến việc nhân rộng điển hình... Điều đó không đúng với bản chất, mục đích của việc xây dựng và nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT. Nếu không khắc phục kịp thời điều đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua cũng như việc xây dựng tổ chức, con người vững mạnh của các đơn vị. Cần phải thống nhất nhận thức: mục đích của việc tổ chức phong trào TĐQT là nhằm phát huy cao độ tính tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc xây dựng và nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào tiếp tục đổi mới và phát triển. Nếu không xây dựng và nhân rộng ĐHTT, hoặc ĐHTT không có sức thuyết phục thì phong trào TĐQT sẽ thiếu động lực tinh thần để cổ vũ mọi người phấn đấu vươn lên đuổi kịp và vượt ĐHTT. Trên cơ sở nhận thức đúng, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên theo dõi, bám sát các hoạt động xây dựng, nhân rộng ĐHTT ở cơ sở để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp và phân công nhiệm vụ trong cấp ủy nhằm triển khai tổ chức thực hiện đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra; kịp thời phát hiện và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng phong trào TĐQT.

Hai là, tập trung xây dựng các tiêu chí ĐHTT của tập thể và cá nhân phù hợp với đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Để xây dựng được ĐHTT có sức thuyết phục cao cần phải có tiêu chí cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở bình xét, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích. Thực tiễn tổ chức phong trào TĐQT ở các đơn vị cho thấy, khi bình xét thi đua có điển hình tiêu biểu toàn diện, nhưng cũng có điển hình trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác. Điều đó đặt ra cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phải có biện pháp xây dựng, bình chọn điển hình bảo đảm hội tụ được các tiêu chuẩn đã xác định; đồng thời, phải quan tâm nuôi dưỡng, nhân rộng, phát huy đầy đủ vai trò, ý nghĩa của nhân tố ĐHTT. Việc xây dựng các tiêu chí, hoàn thiện mô hình ĐHTT phải căn cứ vào yêu cầu chung và bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở. Theo đó, tập thể ĐHTT toàn diện là những cơ quan, đơn vị từ cấp sư đoàn và tương đương trở xuống, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thật sự mẫu mực về mọi mặt, là ngọn cờ tiêu biểu trong phong trào TĐQT; có sự sáng tạo, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; nội bộ đoàn kết, thống nhất; tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Với cá nhân ĐHTT toàn diện phải là những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có sáng kiến, giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; gương mẫu đi đầu sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, phức tạp; mưu trí, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; hằng năm được tặng thưởng danh hiệu thi đua. Với tập thể, cá nhân ĐHTT trên từng mặt công tác phải thực sự tiêu biểu, gương mẫu trong chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội; có cách làm hay, hiệu quả trên từng lĩnh vực công tác, trong thực hiện các nhiệm vụ: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, sản xuất - kinh doanh, xây dựng môi trường văn hoá... 

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng những tập thể, cá nhân để xây dựng ĐHTT. Trên cơ sở kế hoạch xây dựng và nhân ĐHTT đã được xác định, các đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thực hiện ở cấp mình, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao; trong đó, phải thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, lộ trình xây dựng và nhân rộng ĐHTT. Trong kế hoạch phải dự kiến được những tập thể, cá nhân xây dựng điển hình; xác định mô hình, nội dung, biện pháp tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng ĐHTT toàn diện và trên từng mặt công tác. Những tập thể, cá nhân xây dựng ĐHTT phải thực sự tiêu biểu; hướng vào những đơn vị còn nhiều khó khăn, bảo đảm đánh giá đúng thực chất hiệu quả của phong trào, tránh làm tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình xây dựng điển hình phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, công phu, nghiêm túc, kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, chờ đợi. Việc nhận xét, đánh giá, phân loại, bình xét phải bảo đảm khách quan, trung thực, không vì xây dựng điển hình mà có sự châm chước. Khi đã phát hiện điển hình phải đầu tư xây dựng; thử thách trong môi trường khó khăn, phức tạp, việc khó, việc mới, khâu yếu, mặt yếu… để khẳng định trong thực tiễn. Các cấp cần thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho ĐHTT phát huy thành tích; đồng thời, phát hiện những biểu hiện lệch lạc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời.

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT để mọi tập thể, cá nhân học tập, phấn đấu đuổi kịp và vượt ĐHTT. Đây là giải pháp bảo đảm cho phong trào TĐQT trong Quân đội thực sự là động lực tinh thần to lớn thúc đẩy các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Bởi vậy, các cấp cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt việc tôn vinh ĐHTT để mọi người thấy được sự nỗ lực, cố gắng, thành tích xuất sắc của những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua. Để làm được điều đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương và tại đơn vị; phát huy tốt vai trò của hệ thống báo cáo viên, các thiết chế văn hoá (bảng tin, báo tường, Phòng Hồ Chí Minh, truyền thanh nội bộ…) để phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả, những chiến công, thành tích của một số ĐHTT trên phạm vi toàn quân, toàn quốc. Sau mỗi đợt thi đua, các đơn vị cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên dương công trạng, khen thưởng thành tích tập thể, cá nhân điển hình, tổ chức hội trại, trưng bày kết quả của phong trào thi đua. Ngoài việc khen thưởng thường xuyên theo quy định, các đơn vị cần chú ý khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc đột xuất. Khi đã xác định được những tập thể, cá nhân ĐHTT, các đơn vị cần tổ chức phát động phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, xuất bản sách viết về gương ĐHTT; lựa chọn những điển hình tiêu biểu xuất sắc để giới thiệu tuyên truyền, biểu dương tại Đại hội TĐQT các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (lần thứ IX). Trong tổ chức phong trào, các cấp cần chú ý khắc phục những biểu hiện của “bệnh thành tích”, “đầu voi, đuôi chuột”, làm không đến nơi, đến chốn, không phát huy được vai trò của các ĐHTT.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ĐHTT khẳng định trong thực tiễn. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp, việc phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo xây dựng và nhân ĐHTT, Hội đồng (ban, tổ) Thi đua - Khen thưởng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và các tổ chức quần chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm cho việc xây dựng và nhân rộng ĐHTT trong phong trào TĐQT mang lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là kinh nghiệm đã được khẳng định trong thực tiễn tổ chức phong trào TĐQT ở các đơn vị thời gian qua. Nếu các cấp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong tổ chức, kiểm tra, bám, nắm phong trào, tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, cán bộ chủ trì đơn vị lựa chọn, bình xét điển hình đúng thực chất, thì việc đánh giá, phân loại thành tích sẽ bảo đảm chính xác, xây dựng và nhân rộng được nhiều ĐHTT, gương người tốt, việc tốt, thúc đẩy phong trào đi lên. Ngược lại, sẽ làm giảm sự nhiệt tình, trách nhiệm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ và thui chột ĐHTT. Các đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa phong trào TĐQT với phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, “Xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội”,… tạo môi trường thuận lợi để các ĐHTT có điều kiện phấn đấu, khẳng định mình trước tập thể.

Thực hiện có hiệu quả những nội dung, giải pháp trên đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng và nhân rộng ĐHTT, gương người tốt, việc tốt, bảo đảm cho phong trào TĐQT ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới.

Trung tướng MAI QUANG PHẤN

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước