Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 09/03/2023, 09:48 (GMT+7)
Toàn quân phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng năm 2023

Đối ngoại quốc phòng là bộ phận của đối ngoại quốc gia và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên các lĩnh vực, việc thực hiện tốt công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Điều đó đòi hỏi toàn quân cần nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực này, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Năm 2022, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển là chủ yếu, trên bình diện thế giới và từng khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, tác động sâu, rộng đến nhiều quốc gia. Đối với nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân, đã từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, đưa hoạt động toàn xã hội trở lại trạng thái bình thường; kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Toàn quân đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; triển khai toàn diện công tác quân sự, quốc phòng; trong đó có công tác đối ngoại quốc phòng. Mặc dù nhiệm vụ đối ngoại nhiều, chịu tác động từ nhiều nhân tố, với nhiều thách thức và biến động,... song, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần chủ động, sáng tạo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội. Nét nổi bật là, toàn quân đã trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai toàn diện công tác đối ngoại quốc phòng, xử lý quan hệ quốc phòng với các nước lớn bảo đảm thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả. Quân đội đã làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định nhiều chủ trương, đối sách, chiến lược, đề án đối ngoại quan trọng1; từng bước hoàn thiện thể chế hội nhập quốc tế, đối ngoại, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế và triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Các lĩnh vực hợp tác quốc phòng được mở rộng, thúc đẩy với tần suất cao hơn những năm trước đây2.

Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa nước ta với các nước, nhất là các nước láng giềng, đối tác quan trọng được củng cố, tăng cường; công tác đối ngoại biên giới, hợp tác trao đổi đoàn, quân chủng, binh chủng, hợp tác an ninh biển, khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, công nghiệp quốc phòng,... được chú trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước, góp phần tăng cường lòng tin, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, gia tăng sức mạnh quốc phòng. Đối ngoại quốc phòng đa phương được triển khai hiệu quả; hoạt động hợp tác, triển lãm quốc phòng, hội thao quân sự quốc tế được coi trọng và đạt kết quả tốt; lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được mở rộng phạm vi, lĩnh vực và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; tham gia có trách nhiệm các hội nghị, diễn đàn an ninh, quốc phòng khu vực, quốc tế, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực, được cộng đồng quốc tế, khu vực ghi nhận, đánh giá cao. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và giữa Quân đội với Bộ Ngoại giao, các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan được tổ chức khá chặt chẽ, hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại quốc phòng được đổi mới, bảo đảm đúng nguyên tắc, định hướng, giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội, đất nước.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: qdnd.vn

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, phức tạp và rất khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ,... cùng với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn ra gay gắt hơn, kéo theo sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, hành vi ứng xử của các nước trong quan hệ quốc tế. Các nước ASEAN chịu tác động trước sự can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng của các nước lớn. Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, v.v. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi toàn quân phải chủ động nghiên cứu nắm chắc, đánh giá, kết luận chính xác tình hình; tích cực đổi mới, sáng tạo, vừa tham mưu, vừa triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai toàn diện công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu bảo đảm cho hoạt động đối ngoại quốc phòng đúng định hướng, đạt được mục tiêu đối ngoại tổng thể quốc gia, tăng cường sức mạnh “mềm” trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân, nhất là các quân khu, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,... cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/3/2016 của Chính phủ Quy định về đối ngoại quốc phòng, v.v. Tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm công tác đối ngoạị nắm chắc quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, nhiệm vụ,... đối ngoại quốc phòng, làm cơ sở để vận dụng, triển khai trong thực tiễn. Cơ quan đối ngoại chuyên trách các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai hoạt động đối ngoại năm 2023, bảo đảm đúng định hướng, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, địa bàn, đối tác quan hệ và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc, kịp thời, làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng giai đoạn tiếp theo.

2. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong hoạt động đối ngoại quốc phòng. Trước diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực, các cơ quan chức năng, trọng tâm là Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh nghiên cứu, nắm, dự báo, đánh giá chính xác tình hình, nhất là những động thái, điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại của các nước lớn. Tập trung nghiên cứu, đánh giá, nhận diện rõ ý định, mục đích, bản chất việc điều chỉnh chiến lược, hoạt động đối ngoại của các nước lớn, các nước trong khu vực; phân tích toàn diện, sâu sắc, nhiều chiều, làm rõ thuận lợi, khó khăn, những tác động tích cực, tiêu cực đến hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, hết sức coi trọng dự báo những nguy cơ tiềm tàng, yếu tố gây bất ổn, thái độ, hành vi, hành động bất thường trong quan hệ, ứng xử của các nước đe dọa trực tiếp đến nền hòa bình, ổn định của khu vực, đất nước. Trên cơ sở đó, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đối sách, giải pháp giải quyết các vấn đề quốc phòng, an ninh, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, đạt được cả mục đích trước mắt và lâu dài, không để bị động, bất ngờ về chiến lược và không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Toàn quân tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng trong các ngành, lực lượng; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược; độc lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác. Triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp hợp tác với tất cả các nước, các đối tác, ưu tiên các nước láng giềng3, các nước lớn, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, thực chất, thiết thực, hiệu quả. Tích cực tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào các cấu trúc, diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế, trọng tâm là tham gia cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN; chủ động đưa ra sáng kiến, thể hiện vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực có thế mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và chất lượng hội thao quân sự quốc tế Army Games 2023. Mở rộng, thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực: an ninh biển, khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng,... với các đối tác truyền thống, các nước lớn, đối tác quan trọng và các nước ASEAN; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết sản xuất hàng kinh tế, quốc phòng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Chuẩn hóa, triển khai hoạt động trao đổi đoàn với các nước bảo đảm chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; chú trọng triển khai, hiện thực hóa các kế hoạch, dự án, biên bản thỏa thuận, bản ghi nhớ đã ký về hợp tác quân sự, quốc phòng với các nước. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tốt hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các tổng cục, quân khu, quân chủng và tương đương. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế đối ngoại biên giới; đa dạng hóa các hình thức, biện pháp giao lưu hữu nghị giữa nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên ở các cấp, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

4. Chú trọng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi triển khai hoạt động đối ngoại quốc phòng. Hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trì và tiến hành, nhằm thực hiện mục tiêu kép là huy động các nguồn lực bên ngoài vào đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, gia tăng sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và cùng với các kênh đối ngoại khác tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng, liên quan nhiều thành phần, lực lượng, lĩnh vực cả trong và ngoài Quân đội, cả ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan, nghiên cứu, phát triển, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, thực tiễn hoạt động của Quân đội; đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luật pháp, thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi nhất để triển khai hoạt động đối ngoại quốc phòng đạt hiệu quả. Trước mắt, cần tập trung tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoàn thiện, thông qua Bộ Chính trị phê duyệt Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trong toàn quân; tổ chức tổng kết Nghị định số 104/2012/NĐ-CP, ngày 05/12/2012 của Chính phủ về Quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 806/NQ-QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ xây dựng Luật tham gia gìn giữ hòa bình; ban hành các thông tư trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quân.

5. Xây dựng, phát huy vai trò của cơ quan và đội ngũ cán bộ đối ngoại quốc phòng chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan và đội ngũ cán bộ đối ngoại quốc phòng chuyên trách giữ vai trò hết sức quan trọng - lực lượng nòng cốt hiện thực hóa chủ trương, đường lối đối ngoại, đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm, thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế; xây dựng hệ thống cơ quan đối ngoại các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” gắn với chủ trương, lộ trình điều chỉnh lực lượng Quân đội, bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng chuyên môn cao, đủ sức tham mưu và triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại của cơ quan, đơn vị, ngành, lực lượng. Trong đó, tập trung xây dựng cơ quan đối ngoại cấp chiến lược, chiến dịch, cơ quan đối ngoại thuộc lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Vùng Hải quân, Cảnh sát biển,... những đơn vị, ngành liên quan nhiều đến hoạt động đối ngoại quốc phòng ngày càng vững mạnh. Chú trọng làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực đối ngoại chất lượng cao. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động đối ngoại quốc phòng trong môi trường, điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu, rộng. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đối ngoại quốc phòng cho cả lực lượng trong nước và ở nước ngoài; thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm quy hoạch, luân chuyển, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại quốc phòng chuyên trách, giúp họ tâm huyết, gắn bó, công hiến, xây dựng đơn vị, Quân đội, góp phần gia tăng tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng Đề án Chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2030; Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, v.v.

2 - Năm 2022, tổ chức 21 đoàn ra, đón 163 đoàn vào, ký kết 15 văn bản thỏa thuận quốc tế, v.v.

3 - Tham dự cuộc gặp thường niên Bộ trưởng Quốc phòng 03 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia); tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng, ký kết văn bản quản lý biên giới với Trung quốc; phối hợp với Lào tổ chức diễn tập ngăn chặn di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép; giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; giao lưu sĩ quan trẻ Biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.