Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:13 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội là một bộ phận đặc thù của chính sách xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp góp phần bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng thụ hưởng; tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Quân đội, hậu phương Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, toàn quân cần đẩy mạnh thực hiện công tác quan trọng và nhân văn này.
Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng, tạo động lực mạnh mẽ góp phần xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Toàn quân đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng, đủ các chế độ, chính sách hiện hành đối với lực lượng tại ngũ, thôi phục vụ tại ngũ, dự bị động viên, dân quân tự vệ, nhất là chính sách phục vụ chủ trương tinh giản biên chế, điều chỉnh tổ chức, lực lượng trong Quân đội. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an, điều dưỡng đối với các đối tượng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, bám sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ Quân đội, chủ động phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và bảo đảm đúng, đủ, kịp thời chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chế độ, chính sách đối với lực lượng mới thành lập, làm nhiệm vụ đặc thù, trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và làm nhiệm vụ quốc tế, v.v.
Cùng với đó, các chế độ, chính sách đối với Người có công, hậu phương Quân đội ngày càng hoàn thiện, thực hiện chu đáo, kịp thời, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và gia đình cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong Quân đội. Đã cơ bản hoàn thành giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; tích cực giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và Người có công còn tồn đọng sau chiến tranh thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ1. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quân và trong xã hội2. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị để phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương trình Ban Bí thư (khóa XII) thông qua Đề án về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người có công với cách mạng; phối hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về Ưu đãi Người có công với cách mạng; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng được thụ hưởng, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ; năng lực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước có mặt còn hạn chế; công tác phối hợp trong triển khai tổ chức thực hiện chính sách ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có nội dung chưa chặt chẽ, đồng bộ, v.v.
Hiện nay, phương hướng xây dựng Quân đội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra là: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong khi đó, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; mặt trái của kinh tế thị trường, tiêu cực của đời sống xã hội có tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; khối lượng, nhiệm vụ công tác chính sách lớn, phức tạp, nhất là giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh. Điều đó đặt ra yêu cầu cao về thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 169-CT/QUTW, ngày 29/12/2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, của Tổng cục Chính trị về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, trọng tâm là: Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII), Chỉ thị số 169-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương; Kế hoạch số 723/KH-CT, ngày 28/4/2021 của Tổng cục Chính trị về triển khai thực hiện Chỉ thị số 169-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, v.v. Tích cực thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, kết quả thực hiện công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; về những thuận lợi, khó khăn của đất nước, Quân đội, đơn vị, địa phương; truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; quan điểm tự lực, tự cường, phương châm: Nhà nước, nhân dân và những người được thụ hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu. Trong tổ chức thực hiện, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, phù hợp với thực tiễn và đối tượng. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa ở đơn vị,… để tuyên truyền, định hướng dư luận, giải đáp chế độ, chính sách. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân và hệ thống chính trị tham gia thực hiện, đảm bảo chuyển tải đầy đủ chế độ, chính sách đến các tổ chức, đối tượng và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội.
Hai là, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới và triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trong đó ngành Chính sách Quân đội cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì, thường xuyên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng tại ngũ, dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; quan tâm đến các đối tượng còn khó khăn, v.v. Tập trung hoàn thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phục vụ chủ trương điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội; đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và làm nhiệm vụ quốc tế; ứng phó, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ gìn, thu hút, trọng dụng nhân tài, người có cống hiến, cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ thợ lành nghề. Đồng thời, phục vụ Đề án cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Quân đội và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đối với dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, v.v. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng, đề bạt quân hàm, nâng lương và công tác an, điều dưỡng. Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, khám, chữa bệnh đối với lực lượng tại ngũ, thôi phục vụ tại ngũ và đối tượng chính sách. Bám sát thực tiễn tình hình, kịp thời nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 08/02/2021 và Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 08/6/2021 của Chính phủ; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành và Bộ Quốc phòng.Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương Quân đội; kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, v.v. Đổi mới và thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; quan tâm, chăm sóc cán bộ Quân đội nghỉ hưu, nhất là cán bộ có nhiều công lao, cống hiến trong các thời kỳ cách mạng; ưu tiên hỗ trợ đối với cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người có nhiều thành tích cống hiến, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, v.v.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với Người có công, các đối tượng chính sách và phát huy hơn nữa hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về Ưu đãi Người có công với cách mạng. Hoàn thành cơ bản việc giải quyết tồn đọng về xác nhận, công nhận Người có công thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Hoàn thành và thực hiện có hiệu quả Đề án xác nhận và giải quyết chính sách đối với quân nhân mất tin, mất tích sau các cuộc chiến tranh; giải quyết kịp thời, chu đáo chế độ, chính sách đối với các trường hợp bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, v.v. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, ngày 20/7/2018 của Chính phủ.
Quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản về tìm kiếm quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, thúc đẩy hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là địa bàn trong nước, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào và Campuchia.
Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; quan tâm chăm sóc Người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ các Trung tâm nuôi dưỡng Người có công, v.v. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi Người có công, nâng cấp các công trình, thiết chế tri ân. Chủ động đề xuất kế hoạch và phối hợp tổ chức hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực công tác chính sách nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội.
Bốn là, tăng cường phối hợp thực hiện chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; chăm lo xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ công tác, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân công và tổ chức thực hiện công tác chính sách, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; chủ động phối hợp trong khai thác, huy động mọi nguồn lực của xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội; quan tâm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho các đối tượng trong thực hiện chủ trương điều chỉnh tổ chức lực lượng; bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội bền vững. Đồng thời, giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày; hỗ trợ các trường hợp hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong Quân đội. Phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình, cuộc vận động của Trung ương, địa phương về xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, v.v.
Cơ quan quân sự địa phương các cấp cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, quán triệt văn bản, quy định, hướng dẫn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước về thực hiện các chế độ chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; đề xuất chủ trương, giải pháp và cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sát đúng, phù hợp với tình hình địa phương để triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương (đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn nắm chắc số lượng đối tượng chính sách và tình hình thực hiện các chế độ, chính sách ở địa phương; xây dựng phương án, kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp tiến hành công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn của địa phương.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách các cấp; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình công tác, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời nắm và giải quyết những vướng mắc, phát sinh; xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực trong thực hiện công tác chính sách.
Công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội có vị trí, vai trò quan trọng, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong toàn quân nêu cao trách nhiệm chính trị, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của hệ thống chính trị, không ngừng chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng được thụ hưởng, góp phần tạo động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng ĐỖ CĂN, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam __________________
1 - Xác nhận, đề nghị công nhận thương binh: 6.303 trường hợp; bệnh binh: 410 trường hợp; liệt sĩ: 470 trường hợp; cán bộ lão thành cách mạng: 23 trường hợp; cán bộ tiền khởi nghĩa: 99 trường hợp. Hỗ trợ hơn 54 tỉ đồng cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tìm kiếm, quy tập được 9.075 hài cốt liệt sĩ (trong nước: 4.241, Lào: 1.265, Campuchia: 3.569). Giải quyết trợ cấp một lần cho 2.698.870 đối tượng; 6.183 đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2 - Phụng dưỡng: 2.867 Mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”: 530 tỉ đồng; xây tặng 4.334 “Nhà Tình nghĩa”, trị giá trên 306 tỉ đồng; thăm, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công: 350 tỉ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, gần 30.000 ngày công, v.v.
công tác chính sách,“Đền ơn đáp nghĩa”,hậu phương Quân đội
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới