Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:11 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Nằm ở khu vực có điều kiện khí hậu nhiệt đới, gió mùa, điều kiện địa lý đa dạng: vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều rừng núi, sông suối, bên cạnh mặt thuận lợi, Việt Nam cũng thường xuyên phải chịu tác động của bão, lũ lụt, lốc xoáy, lũ quét, hạn hán và nhiều thiên tai khắc nghiệt khác. Mặt khác, quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng, miền của đất nước, tình hình tai nạn, các sự cố có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong 5 năm qua, đã có 30 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; tai nạn trên sông, trên biển xảy ra 6.473 vụ; cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình 24.398 vụ; sự cố tràn dầu 36 vụ... Những vụ thiên tai, tai nạn, sự cố trên đã gây hậu quả nặng nề: làm chết và mất tích hơn 6.000 người, bị thương khoảng 5.500 người, làm chìm 4.660 phương tiện, làm cháy 11.346 ha rừng các loại, làm ngập và hư hại hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng xấu đến đời sống, lao động, sản xuất và công tác quốc phòng của nhiều địa phương.
Nhận thức rõ những hiểm họa từ thiên tai, tai nạn và các sự cố có thể gây ra, trên cơ sở nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm bão, lũ, chức năng, nhiệm vụ được giao, quân đội tích cực, chủ động phát huy vai trò là lực lượng chủ lực trong phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) đã thường xuyên thực hiện tốt việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; đồng thời, kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nghĩa vụ, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố, TKCN. Theo đó, các đơn vị trong toàn quân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các lực lượng thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sát với thực tế khu vực địa bàn, vùng miền; tổ chức tốt công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao để nâng cao trình độ phối hợp, hiệp đồng và khả năng cơ động của các lực lượng, phương tiện trong xử trí tình huống thiên tai, sự cố khi xẩy ra. Trong điều kiện nguồn kinh phí trên cấp còn eo hẹp, các cấp, các ngành, các đơn vị cũng đã có nhiều sáng kiến khai thác các nguồn vốn, tập trung đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị, nhất là những trang thiết bị chuyên dụng để trang bị cho bộ đội; đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ quy định về trực ban, trực chiến, đảm bảo công tác quan trắc, trinh sát, thông tin liên lạc, thông báo báo động; chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện cơ động, lượng dự trữ hậu cần, quân y và các mặt kỹ thuật khác để ứng phó kịp thời khi thiên tai, sự cố xảy ra, không để bị động, bị bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong 5 năm qua, để ứng phó với bão, lũ, cháy rừng, sự cố, TKCN, BQP đã điều động hơn 796.600 lượt cán bộ, chiến sĩ; hơn 8.200 lượt xe ô-tô, hơn 9.820 lượt tầu, xuồng các loại, 432 lần chuyến máy bay; hơn 2.790 nhà bạt quân dụng; 154 bộ cầu phà và hàng nghìn trang thiết bị công binh, công trình khác...; tổ chức bắn pháo hiệu, bay báo bão, gọi được 1.788.492 lượt tầu thuyền, với 2.789.422 lượt ngư dân đang hoạt động trên biển vào khu vực tránh trú an toàn; tổ chức di dời 682.526 hộ dân với 1.421.610 lượt người, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa từ những nơi nguy hiểm về các địa điểm an toàn; tổ chức TKCN 1.830 vụ, cứu được 12.844 người, 1.778 tầu thuyền đánh cá của ngư dân; tham gia chữa cháy được 20.010 ha rừng các loại. Các đơn vị trong toàn quân cũng tích cực tham gia khắc phục hậu quả bão lũ, sự cố, tai nạn, đã tổ chức đào đắp, nâng cấp được 184.765 m3 đê; sửa chữa hàng chục nghìn nhà dân, hàng nghìn trường học, bệnh xá; phun thuốc vệ sinh địa bàn, làm sạch hàng vạn giếng nước ăn cho nhân dân; tổ chức khám chữa bệnh cho 43.880 lượt người; cấp hơn 3.620 cơ số thuốc cho đồng bào. Cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội cũng quyên góp hàng trăm tỷ đồng để giúp chính quyền, nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa sớm ổn định cuộc sống và sản xuất... Năm 2010, các quân khu (2,4,5), Tổng cục Hậu cần, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh chủng Công binh..., là những đơn vị tiêu biểu trong công tác phòng chống lụt, bão, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, ứng phó sự cố và TKCN. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu giúp nhân dân trong bão, lũ, ứng phó sự cố, TKCN...; được Nhà nước, BQP, chính quyền địa phương khen thưởng. Họ là những tấm gương sáng tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống anh hùng cách mạng của quân đội, tạo được sự yêu mến, tin cậy của chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần tăng cường quan hệ máu thịt quân-dân.
Năm 2011 và những năm tiếp theo, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai, sự cố... Năm 2011 cũng là năm bản lề thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 theo Quyết định 46/2006/QĐ-TTg ngày 28-02-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN, quân đội cần tập trung làm tốt các nội dung chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tập trung quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc: phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; trong đó, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Đó là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của quân đội. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các cơ quan, đơn vị phải chú trọng nghiên cứu, xây dựng tổ chức biên chế hệ thống cơ quan, đơn vị TKCN có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần dũng cảm, ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm; có trình độ, kiến thức chuyên môn vững vàng, sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiệm vụ phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề hơn, tiềm ẩn nhiều bất trắc, hiểm nguy, nên trong thực hiện phải chú ý quán triệt phương châm: "tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hiệu quả", lấy các biện pháp phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ... Cùng với đó, các đơn vị cần chú trọng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố, TKCN, nhất là Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Đê điều, Pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy, Pháp lệnh Phòng chống bão lũ, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, Chiến lược phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020...; các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội cùng các chỉ thị, hướng dẫn của BQP, BTTM và các cơ quan chức năng. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Hai là, thường xuyên làm tốt mọi mặt công tác chuẩn bị, nhất là hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án sát đúng với tình hình thực tiễn; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập phòng chống các sự cố và TKCN. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định đến kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Hệ thống các kế hoạch phòng chống lụt bão, cháy nổ cháy rừng, ứng cứu sập đổ công trình, sự cố tràn dầu, phóng xạ hạt nhân, TKCN..., phải đảm bảo tính hệ thống và tính chuyên ngành, phê duyệt theo phân cấp, sát với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, thực tế địa bàn, địa hình, nhất là trên các hướng, các khu vực, vùng trọng điểm về thiên tai, sự cố. Trong đó, cần nghiên cứu dự kiến đúng các tình huống để có các phương án bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng xử trí hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thường xuyên phải làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức khảo sát thực địa, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhất là sau thiên tai, sự cố để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án.
Trong huấn luyện, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", chú trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chủ yếu; kết hợp huấn luyện cá nhân với phân đội; gắn huấn luyện kỹ thuật với giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện thể lực, tâm lý, ý thức tổ chức kỷ luật; tăng cường huấn luyện diễn tập, hội thi, hội thao ứng phó với thiên tai, các sự cố, TKCN sát thực tế, yêu cầu nhiệm vụ. Trong huấn luyện diễn tập, tập trung nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, phương pháp, biện pháp xử lý thảm họa, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ người, tài sản công cộng, đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự xã hội... Đối với lực lượng chuyên trách, chú ý đảm bảo thời gian, nội dung chương trình, giáo án, vật chất huấn luyện; tích cực cải tiến phương pháp huấn luyện, nhất là làm chủ các trang thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất được BQP giao; tổ chức tốt công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong quân đội để nâng cao hiệu quả phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN.
Ba là, tập trung hoàn thiện các công trình phòng chống thiên tai, sự cố; tăng cường đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng trang bị cho bộ đội. Trước mắt, tập trung đầu tư cho các công trình, dự án chuyển tiếp đã được phê duyệt, gồm Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không và đường biển; Trạm TKCN đảo Phú Quý... Cùng với đó, triển khai thực hiện các dự án mới: đóng tầu TKCN; mua sắm trang bị đã được phê duyệt cho 2 tiểu đoàn công binh của Quân khu 4 và Quân khu 9; xây dựng 2 trạm TKCN ở đảo Cồn Cỏ và đảo Lý Sơn; mua sắm trang thiết bị quan trắc, thông tin liên lạc, cảnh báo, báo động sớm các thảm họa môi trường; quy hoạch khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh bão khu vực quần đảo Trường Sa; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật: Kế hoạch Quốc gia về TKCN trên biển; Kế hoạch Quốc gia TKCN đường không; Kế hoạch Quốc gia về ứng phó các sự cố thảm họa, sóng thần, tai nạn bức xạ hạt nhân. Tiếp tục trình Chính phủ phương án điều chỉnh định hướng đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị TKCN giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN. Theo thỏa thuận đã đạt được giữa Chính phủ các nước ASEAN, quân đội đang tích cực hoàn thiện cơ chế hợp tác với quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai và TKCN; triển khai thực hiện Quyết định 1278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu vùng Vịnh Thái Lan... Ngoài ra, quân đội đã và đang tích cực mở rộng hợp tác với lực lượng vũ trang các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có trình độ khoa học tiên tiến trong huấn luyện, đào tạo, chế tạo, sản xuất trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, thảm họa, TKCN trên biển.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, quân đội nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng chống, ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN, xứng đáng với sự tin cậy và vinh dự mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trung tướng TRẦN QUANG KHUÊ
Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN,
Phó Chủ tịch Thường trực UBQG Tìm kiếm, Cứu nạn
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới