Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 06/03/2012, 16:57 (GMT+7)
Tiếp tục mở rộng thực hiện và nâng cao hiệu quả xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội

Xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội là một trong những nội dung đổi mới quan trọng trong chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác bảo đảm hậu cần. Qua thí điểm triển khai thực hiện cho thấy, đây là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của Quân đội và nền kinh tế đất nước trong thời bình; phù hợp với đặc điểm của đơn vị khối cơ quan chiến dịch, chiến lược và các học viện, nhà trường, bệnh viện quân đội. Phát huy kết quả đạt được, các đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt lộ trình, kế hoạch mở rộng xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.


Ban Nghiên cứu thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội tham quan bếp ăn XHH của Học viện Hậu cần. (Nguồn: qdnd.vn)

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Quân uỷ Trung ương, ngày 29-6-2009, Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 77/CT-BQP giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hậu cần, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và một số học viện, nhà trường tổ chức triển khai thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác nuôi dưỡng bộ đội (NDBĐ), nhằm rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện mô hình, làm cơ sở nhân rộng. Sau gần 2 năm (2009 - 2011) thực hiện thí điểm, bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm đã tích cực, chủ động làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xã hội hoá công tác NDBĐ một cách nghiêm túc, đúng định hướng chỉ đạo của Bộ. Mặc dù thời gian thực hiện thí điểm ngắn, nhưng về cơ bản chúng ta đã đạt được các mục tiêu đề ra, hiệu quả của xã hội hoá công tác NDBĐ được khẳng định. Các bếp ăn xã hội hoá có chất lượng phục vụ tốt, bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn của bộ đội theo quy định; cơ cấu món ăn hợp lý, chế biến đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng bữa ăn của bộ đội được giữ vững và có phần cải thiện. Công tác quản lý, thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, chất đốt, quản lý, sử dụng trang bị, dụng cụ cấp dưỡng có hiệu quả hơn trước… Quá trình thực hiện xã hội hoá đã góp phần từng bước giảm được quân số biên chế và chi phí phục vụ của các đơn vị, tiết kiệm ngân sách quốc phòng1. Qua thăm dò dư luận cho thấy: cán bộ, chiến sĩ trực tiếp ăn tại các bếp xã hội hoá đồng tình, ủng hộ cao.

Kết quả, kinh nghiệm đạt được qua thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác NDBĐ là rất đáng khích lệ; qua đó, khẳng định chủ trương, hướng đi đúng đắn của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới đối với Quân đội ta, quá trình tiến hành yêu cầu đòi hỏi cao, nên việc triển  khai thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức, phương pháp, cách làm, sự phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực hiện cũng như công tác quản lý, giám sát của đơn vị, hoạt động bảo đảm của nhà thầu... Các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, vướng mắc đó.

Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, ngày 04-8-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 99/CT-BQP, nhằm triển khai mở rộng xã hội hoá công tác NDBĐ trong những năm tiếp theo. Theo đó, trong thời gian tới, các đơn vị đang thực hiện thí điểm (5 học viện, nhà trường) sẽ tiến hành xã hội hoá tất cả các bếp ăn. Các đơn vị khác thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2011 - 2015), xã hội hoá tất cả các bếp ăn của khối học viện, nhà trường còn lại trong toàn quân, trước mắt, mỗi đơn vị chọn 1 - 2 bếp ăn; khối cơ quan Bộ Quốc phòng chọn bếp ăn cơ quan Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Hậu cần làm trước để rút kinh nghiệm. Giai đoạn 2, xã hội hoá các bếp ăn cơ quan Bộ còn lại, bếp ăn cơ quan các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Giai đoạn 3, thực hiện với các bếp ăn còn lại có thể xã hội hoá.

Để thực hiện đúng lộ trình đó, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả xã hội hoá công tác NDBĐ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện xã hội hoá cần phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung, giải pháp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 99/CT-BQP; trong đó, chú trọng tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ xã hội hoá công tác NDBĐ. Đây là vấn đề có vị trí quan trọng hàng đầu, nhân tố quyết định sự thành công của việc thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ. Theo đó, cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Quân uỷ Trung ương, Chỉ thị số 99/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị cần tập trung sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện bằng những biện pháp chặt chẽ, đồng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thấy rõ mục đích, ý nghĩa của xã hội hoá công tác NDBĐ, nhất là thấy được những kết quả thiết thực mà xã hội hoá mang lại… Về nhận thức, mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải thấy rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, bước đổi mới phương thức tổ chức bảo đảm ăn uống của bộ đội, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, Quân đội, với mục tiêu huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực xã hội bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội, tiết kiệm ngân sách quốc phòng.

Do đây là nội dung mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, nên quá trình triển khai thực hiện sẽ còn nảy sinh khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần tích cực bám, nắm tình hình, hướng mạnh về cơ sở, kịp thời xử lý những phát sinh về tư tưởng, động viên cán bộ, nhân viên trong đơn vị, đặc biệt là lực lượng nuôi quân; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và chính sách; phát huy vai trò nòng cốt của ngành Hậu cần trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện. Mặt khác, coi trọng việc phát hiện, phê phán những nhận thức lệch lạc, biểu hiện tiêu cực nảy sinh. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội hoá công tác NDBĐ giai đoạn 1 theo Kế hoạch số 1032/KH-HC, ngày 22-8-2011 của Tổng cục Hậu cần đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, phải luôn lấy việc giữ ổn định và từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội là mục tiêu cao nhất; chú ý đảm bảo an toàn mọi mặt, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

2. Tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện thí điểm, chúng ta đã chủ động vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xây dựng, hoàn thiện một bước những nội dung cơ bản của Đề án xã hội hoá công tác NDBĐ và các văn bản có liên quan, để hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu. Hiện nay, khi triển khai thực hiện xã hội hoá, khó khăn, vướng mắc chủ yếu mà các đơn vị gặp phải là những vấn đề về quy trình, thủ tục tiến hành, quy chế hoạt động, quy chế kiểm tra, giám sát đối với bếp ăn xã hội hoá, công tác chính sách đối với lao động dôi dư… Vì vậy, Ban nghiên cứu thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cần chủ động phối hợp, bám sát tình hình thực tiễn của đơn vị, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản về cơ chế, chính sách, quy chế, quy định liên quan đến hoạt động xã hội hoá công tác NDBĐ. Các văn bản đó phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc thù công tác nuôi dưỡng bộ đội và điều kiện cơ chế thị trường. Trước mắt, tập trung xây dựng, hoàn thiện quy trình đấu thầu, thương thảo hợp đồng, thẩm định hợp đồng với đối tác trúng thầu; mẫu hợp đồng kinh tế; tiêu chí của nhà thầu; quy chế hoạt động của bếp ăn xã hội hoá; cơ chế điều chỉnh giá tiền chi phí phục vụ theo hợp đồng với nhà thầu; quy định chế độ bảo vệ an ninh; các chỉ thị, hướng dẫn về xây dựng mức giá trần cho từng loại bếp ăn, công tác thanh quyết toán, lộ trình cắt giảm, quy hoạch lực lượng nuôi quân, hoạt động tăng gia sản xuất ở các đơn vị thực hiện xã hội hoá… tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả.

3. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo đảm của bếp ăn xã hội hoá và nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng công tác giữa các cơ quan, đơn vị, nhà thầu trong quá trình thực hiện. Do tính chất phức tạp của quy trình tổ chức ăn uống, nhà thầu luôn tính toán để tăng lợi nhuận. Nếu các cơ quan, đơn vị không làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thì chất lượng bữa ăn của bộ đội sẽ giảm sút và nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, ngay từ bước triển khai xã hội hoá, các đơn vị cần làm tốt việc xây dựng các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, nhất là việc quy chuẩn một suất ăn của bộ đội về số lượng, chất lượng lương thực, thực phẩm (LTTP) theo định mức tiền ăn; xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát của đơn vị, làm cơ sở cho việc thương thảo hợp đồng và tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cần coi trọng xây dựng, kiện toàn, phát huy vai trò của Tổ quản lý bếp ăn xã hội hoá trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo đảm của nhà thầu theo đúng nội dung điều khoản hợp đồng đã ký kết. Để quản lý chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức NDBĐ của bếp ăn xã hội hoá, các đơn vị cần sử dụng đồng bộ các công cụ, biện pháp quản lý. Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của bộ phận chuyên trách với kiểm tra của cơ quan chuyên ngành; tăng cường hình thức kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo, đối chứng giữa các bếp ăn; đồng thời, đẩy mạnh dân chủ, công khai các tiêu chuẩn, chế độ để bộ đội cùng tham gia quản lý, giám sát… Đặc biệt, các đơn vị cần thực hiện tốt cơ chế duyệt giá, kết hợp với kiểm soát chặt chẽ chất lượng LTTP đầu vào2 để giữ vững chất lượng bữa ăn của bộ đội; nhưng đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu phát huy tính chủ động trong bảo đảm, thực hiện tốt hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải chủ động phối hợp với nhà thầu để tổ chức tốt việc NDBĐ; chú trọng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhà thầu những nội dung cơ bản về công tác NDBĐ, nhất là việc bảo đảm ăn của bộ đội khi thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại, diễn tập; kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh, phối hợp giải quyết trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, tránh để xảy ra tranh chấp, gây phiền hà hoặc nể nang, khoán trắng cho nhà thầu. Các cơ quan Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp, hiệp đồng công tác, thường xuyên nắm tình hình, tiếp thu các ý kiến phản ánh của đơn vị, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh trong lĩnh vực được phân công phụ trách, báo cáo Bộ để xử lý. Tổng cục Hậu cần (Cơ quan Thường trực của Ban nghiên cứu thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ) tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu, trung tâm hiệp đồng, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, hết sức coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực hiện xã hội hoá công tác NDBĐ theo định kỳ, đánh giá đúng những mặt mạnh, mặt yếu kém, nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm, làm cơ sở để tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện tốt lộ trình và mục tiêu xã hội hoá công tác NDBĐ mà Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã xác định.

Thượng tướng, TS. LÊ HỮU ĐỨC

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

                  

1 - Chi phí ngân sách giảm 10 - 25% so với bếp ăn chưa thực hiện xã hội hoá có quân số ăn tương ứng.

2 - Hội đồng giá của đơn vị duyệt giá LLTP theo từng thời điểm, sát với giá trị trường; trên cơ sở đó, nhà thầu tổ chức khai thác, cung ứng. Tổ quản lý bếp ăn xã hội hoá có trách nhiệm kiểm tra số lượng, chất lượng LTTP đầu vào.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.