Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 10/09/2012, 15:59 (GMT+7)
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong Quân đội

Công tác giáo dục - đào tạo trong Quân đội đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trước yêu cầu mới, công tác này cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng hơn nữa.


Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên trao đổi về nội dung giáo dục Quốc phòng-An ninh (Nguồn: qdnd.vn)
 

Những năm qua, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân, trực tiếp là các nhà trường quân đội tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Nhờ vậy, quy mô và loại hình đào tạo trong Quân đội được mở rộng; hệ thống nhà trường quân đội được kiện toàn cả về chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất. Năng lực đào tạo của các nhà trường quân đội đã được nâng lên một bước. Quân đội không chỉ đào tạo cán bộ cho mình mà còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Thực hiện chủ trương đại học hóa đội ngũ sĩ quan, các trường sĩ quan đã từng bước phát triển lên đào tạo bậc đại học. Việc các học viện, nhà trường quân đội đào tạo bậc đại học và thực hiện tuyển sinh theo phương thức “3 chung” cùng với các trường đại học trên cả nước (từ năm 2002 đến nay) đã tạo sự chuyển biến mới về công tác GD-ĐT trong Quân đội, làm cho trình độ học vấn của học viên đào tạo sĩ quan phù hợp với mặt bằng kiến thức chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng nguồn cán bộ cho Quân đội.

Cùng với những kết quả trên, các nhà trường quân đội đã xây dựng chương trình GD-ĐT phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng. Theo đó, quy trình đào tạo cán bộ trong Quân đội được điều chỉnh ở cả ba cấp (chiến thuật, chiến dịch và chiến lược), với tổng thời gian đào tạo từ 9 năm xuống còn 7 năm; đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp thực hiện theo Luật Giáo dục. Theo quy trình đã điều chỉnh, chương trình, nội dung GD-ĐT trong Quân đội được đổi mới, bảo đảm đủ khối kiến thức theo quy định chung và phù hợp đặc thù của lĩnh vực quân sự. Đi đôi với đổi mới chương trình, nội dung, việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng được các nhà trường quân đội chú trọng theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Vì vậy, mặc dù tổng thời gian đào tạo giảm, song chất lượng GD-ĐT vẫn bảo đảm, có mặt còn được nâng lên. Kết quả là, hầu hết học viên sau khi ra trường đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành được chức trách ban đầu theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, có khả năng phát triển, thay thế lớp cán bộ đi trước, đáp ứng yêu cầu cơ bản của sự nghiệp xây dựng Quân đội trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD-ĐT trong Quân đội còn có một số mặt chưa theo kịp xu thế phát triển giáo dục của đất nước. Nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của chiến tranh và phương thức tác chiến hiện đại chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời vào chương trình đào tạo. Đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng và tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao. Nhà giáo đầu ngành còn ít, lực lượng kế cận mỏng. Năng lực và mặt bằng kiến thức của một bộ phận giảng viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển GD-ĐT. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường quân đội chưa tương xứng với nhiệm vụ GD-ĐT; chưa có phương pháp khảo sát, đánh giá thực chất kết quả nghiên cứu khoa học và việc ứng dụng kết quả các đề tài khoa học chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất bảo đảm cho sinh hoạt, cũng như trang thiết bị bảo đảm cho việc dạy, học và nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ đào tạo còn lạc hậu so với đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT chưa chặt chẽ, việc phân cấp quản lý và công tác bảo đảm còn chồng chéo, phân tán. Quy hoạch tổ chức hệ thống nhà trường chưa ổn định. Công tác phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ gặp nhiều khó khăn. Hoạt động tuyên truyền, hướng nghiệp thanh niên vào học tập tại các nhà trường quân đội còn đơn giản, thiếu chiều sâu. Chất lượng đầu vào học viên đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có xu hướng giảm và mất cân đối giữa các vùng, miền… Những hạn chế trên đã ảnh hưởng đến kết quả GD-ĐT và đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng nguồn bổ sung cán bộ cho Quân đội.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đang đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, toàn quân cần tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới công tác GD-ĐT; nắm vững quan điểm, mục tiêu GD-ĐT gắn với từng đối tượng và gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng trường, từng cơ quan, đơn vị; trong đó, tập trung vào một số mặt công tác chủ yếu sau:

1- Đẩy mạnh việc quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý đào tạo và xây dựng nhà trường. Thực hiện công tác này, các cơ quan chức năng, nhà trường, đơn vị cần bám sát hướng tổ chức Quân đội trong những năm tới để xây dựng quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội sao cho tinh, gọn, ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, bậc học, ngành nghề và lưu lượng đào tạo; trong đó, ưu tiên xây dựng trường trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Việc quy hoạch mạng lưới nhà trường quân đội, một mặt, phải chú ý góp phần giảm sự mất cân đối giữa các vùng, miền, phù hợp với nhu cầu đào tạo thời bình; mặt khác, vẫn bảo đảm đủ năng lực để mở rộng quy mô đào tạo khi cần thiết. 

Cùng với quá trình quy hoạch, cơ quan chức năng cần phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp chỉ đạo, đầu tư, bảo đảm, tránh chồng chéo, phân tán; đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bằng của các bậc học và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường quân đội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh việc tổ chức luyện tập, diễn tập đánh giá kết quả huấn luyện, đào tạo, các nhà trường còn phải tích cực tham gia các hoạt động diễn tập của toàn quân và thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu gắn với xây dựng và củng cố địa bàn nơi đóng quân.

2- Đổi mới quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp GD-ĐT. Mục tiêu đổi mới quy trình, chương trình, nội dung GD-ĐT thống nhất với mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Do đó, phải đổi mới quy trình, chương trình, nội dung GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với mặt bằng chung của hệ thống giáo dục quốc gia và phản ánh hoạt động đặc thù của lĩnh vực quân sự. Để đảm bảo việc đổi mới quy trình đạt kết quả thiết thực, các nhà trường cần chủ động rà soát kỹ các đối tượng; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình chuẩn, phù hợp; khắc phục sự trùng lắp về kiến thức ở các bậc học; dành thời gian để cập nhật sự phát triển mới về khoa học - kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự, nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới. Yêu cầu của việc đổi mới chương trình, nội dung là: toàn diện, đồng bộ, coi trọng cả giáo dục và đào tạo, cả rèn luyện phẩm chất, nhân cách và huấn luyện về năng lực chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ.

Đi đôi với đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy - học cần phải được các nhà trường coi là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Về đổi mới cách dạy, cần khắc phục lối truyền thụ một chiều (thầy đọc, trò ghi, thầy nói, trò công nhận); thay vào đó, người dạy và người học tăng cường đối thoại, tranh luận, gợi mở, nêu vấn đề; người dạy dạy người học phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo, phát hiện cái mới (đi sâu vào việc tìm kiếm, hình thành ý tưởng). Đổi mới cách dạy còn là việc đa dạng hóa các loại hình, phương pháp dạy - học nhằm khai thác, ứng dụng triệt để các thành tựu về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông, tin học, ngoại ngữ vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, thiết bị mô phỏng để tăng cường tính trực quan cho người học. Đào tạo con người hoạt động trong lĩnh vực quân sự, nên người dạy phải luôn đặt người học vào môi trường tác chiến (giả định), rèn luyện tác phong sát thực tế, sát chiến trường, sát chức trách của đối tượng đào tạo; từng bước hình thành cho người học khả năng thích ứng với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ở đơn vị.

3- Tiếp tục kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Từng trường căn cứ vào nhiệm vụ, quy mô đào tạo để xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt chuẩn theo quy định của Chính phủ. Trước mắt, lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2010 - 2015, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng (nhấn mạnh bản lĩnh chính trị, trình độ giảng dạy và hiệu quả công tác), có lượng dự trữ đúng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trong quá trình phát triển đội ngũ, trường nào cũng phải chú ý xây dựng các chuyên gia đầu ngành, các nhà giáo có trình độ cao; kết hợp chặt chẽ việc tạo nguồn với đào tạo và sử dụng; tận dụng kinh nghiệm của các nhà giáo đã qua thực tiễn chiến đấu, xây dựng đơn vị vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc tự đào tạo, từng trường căn cứ vào nhu cầu, điều kiện cụ thể để hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Ngoài việc thường xuyên đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế đơn vị, các nhà trường cần tăng cường mời lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đầu ngành và chỉ huy các đơn vị tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó là cách thiết thực giúp cho nhà trường gắn liền với địa phương, đơn vị; giúp người học, kể cả đội ngũ giảng viên, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế.

4- Tạo mọi điều kiện để thu hút học sinh giỏi vào học tập trong các nhà trường quân đội. Chất lượng đầu vào, đặc biệt là đối tượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp (đầu vào ban đầu) là tương lai của Quân đội. Vì vậy, cần chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông một cách căn bản. Việc làm này là trách nhiệm của ngành Giáo dục; song về phía Quân đội, chúng ta cần tạo ra nhiều “kênh” thông tin để học sinh dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận với các nhà trường quân đội. Cách tốt nhất là các nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan quân sự cùng cấp để tuyên truyền, giao lưu, tổ chức cho học sinh tham quan đời sống sinh hoạt, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường, hoặc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong quá trình tuyên truyền, cần khơi dậy lòng yêu nước, yêu Quân đội của thế hệ trẻ, làm rõ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp GD-ĐT trong Quân đội. Thông qua các hoạt động đó, động viên học sinh giỏi, xuất sắc đăng ký thi tuyển vào các trường quân đội, tạo mọi điều kiện cho các tài năng cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Tuyển sinh quân sự, ngoài trình độ học vấn, còn đòi hỏi yêu cầu rất cao về sức khỏe và phẩm chất đạo đức của đối tượng tuyển sinh. Vì vậy, trong quá trình sơ tuyển, hội đồng tuyển sinh các cấp phải liên hệ chặt chẽ với địa phương để đảm bảo đúng các tiêu chuẩn theo quy định. Sau cùng, việc tổ chức thi tuyển của các nhà trường quân đội phải được tiến hành thật sự nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo niềm tin ngay từ ban đầu cho học sinh, gia đình học sinh và dư luận xã hội, góp phần nâng cao uy tín của hệ thống nhà trường quân đội.

5- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ GD-ĐT với nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học quân sự nói riêng là nhiệm vụ đặt ra cho mọi cơ quan, đơn vị trong toàn quân; trong đó, nhà trường quân đội có vai trò hết sức quan trọng. Để làm tốt nhiệm vụ này, từng trường cần tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong cán bộ, giảng viên và học viên, hướng chủ thể nghiên cứu vào các đề tài trực tiếp phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT, nhiệm vụ của quân chủng, binh chủng, ngành, quân khu, quân đoàn, tỉnh (thành phố) mà nhà trường có nhiệm vụ đào tạo. Các học viện, nhà trường đào tạo bậc đại học và sau đại học còn phải hướng cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu sâu về các đề tài khoa học xã hội nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự, lý luận và thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Cùng với các mặt công tác trên, thường xuyên coi trọng việc bảo đảm tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu; nâng cao đời sống cho cán bộ, học viên, công nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các nhà trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo…, cũng là những vấn đề cần được Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan và các học viện, nhà trường phải tiếp tục quan tâm. Đó là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng GD-ĐT và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trung tướng PHẠM XUÂN HÙNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.