Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:02 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Năm nay, Việt Nam và Cam-pu-chia kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 - 24-6-2012) và "Năm hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia 2012". Cùng với các hoạt động thiết thực tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, quan hệ hợp tác quốc phòng là một nội dung được hai nước hết sức chú trọng phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng gần gũi, gắn bó, bởi những mỗi quan hệ lịch sử và văn hóa từ lâu đời... Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, lật đổ chế độ diệt chủng ở Cam-pu-chia trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, lực lượng cách mạng Việt Nam luôn sát cánh cùng lực lượng cách mạng Cam-pu-chia tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1970, Chính quyền của Quốc vương Nô-rô-đôm Si-ha-nouk luôn có mối quan hệ tốt với các lực lượng cách mạng Việt Nam, luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Ngày 24–6–1967, Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và từ đó, quan hệ hai nước ngày càng trở nên gắn bó. Giai đoạn từ tháng 3-1970 đến tháng 4-1975, các lực lượng cách mạng 3 nước Đông Dương đã thành lập Mặt trận đoàn kết Đông Dương để hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh chung chống quân xâm lược. Giai đoạn từ năm 1979 đến 1989, nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia lật đổ và ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh và phát triển.
Bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hai nước tiếp tục củng cố, tăng cường và phát triển quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; trong đó, quan hệ hợp tác quốc phòng là một nội dung quan trọng được phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Năm 1980, Việt Nam chính thức đặt Tuỳ viên Quân sự tại Cam-pu-chia và đến năm 1982, Cam-pu-chia đặt Tùy viên quân sự tại Việt Nam. Từ đây, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Cam-pu-chia đã bước sang trang mới, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Quán triệt đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, theo phương châm: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có biên giới liền kề, trong đó có Cam-pu-chia, Bộ Quốc phòng nước ta đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng Vương quốc Cam-pu-chia chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng thực sự trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước. Năm 2002, Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng. Đây là văn kiện quan trọng nhất để quân đội hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài, với những hình thức và nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong quan hệ hai nước thời kỳ mới. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, năm 2010, hai bên đã ký Nghị định thư hợp tác 5 năm (2010 - 2014) và trên cơ sở Nghị định thư này, hai bên đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hợp tác hằng năm. Các văn kiện trên là cơ sở chính, tạo hành lang pháp lý để quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Việc trao đổi Đoàn các cấp được duy trì thường xuyên; thông qua đó, hai bên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng quân đội, phát triển khoa học - công nghệ quân sự, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, duy trì, phát triển và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, hai quân đội. Bộ Quốc phòng hai nước cũng thường xuyên tham vấn để trao đổi thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề quốc tế, khu vực phức tạp mà hai bên cùng quan tâm hoặc có lợi ích liên quan, như: kinh nghiệm trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tổ chức các hội nghị quân sự - quốc phòng của ASEAN... Hợp tác đào tạo, huấn luyện là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước cho cán bộ quân đội bạn mà còn góp phần củng cố, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội hai nước.
Các đơn vị làm nhiệm vụ biên phòng của hai nước cũng làm tốt công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, định kỳ trao đổi thông tin và tình hình địa bàn, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên toàn tuyến biên giới; phối hợp, triển khai có hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống hoạt động vượt biên trái phép, tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế và các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động, ngăn chặn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài hòng gây mất an ninh, ổn định biên giới, chia rẽ quan hệ hai nước. Lực lượng hải quân hai nước định kỳ tiến hành tuần tra chung trên vùng nước lịch sử và tổ chức họp để rút kinh nghiệm, đánh giá sự phối hợp hoạt động. Hai bên đã thống nhất không sử dụng vũ lực khi ngư dân vi phạm lãnh hải của nhau; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật hai nước trong việc khai thác các nguồn lợi trên biển; duy trì thường xuyên và hiệu quả đường dây liên lạc trực tiếp giữa hải quân hai nước để trao đổi thông tin và xử lý các tình huống xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước yên tâm lao động, sản xuất, đánh bắt hải sản trong vùng biển quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa trên biển.
Công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới chung là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng, được các bộ, ngành, địa phương hai nước tích cực, chủ động thực hiện tốt. Thời gian qua, hai bên đã tổ chức các cuộc hội đàm, xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành việc phân giới, cắm mốc trong năm 2012, như kế hoạch mà Chính phủ hai nước đã đề ra. Hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, xây dựng đường biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ đối với mỗi nước, đối với quan hệ hai nước mà còn là nhân tố tích cực, góp phần đảm bảo hòa bình, phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới.
Cùng với đó, công tác dân vận là một mặt quan trọng luôn được các lực lượng hai bên chú trọng nhằm tăng cường sự đoàn kết gắn bó của nhân dân hai nước, nhất là đối với nhân dân vùng biên giới. Hai bên nỗ lực tăng cường mở rộng hợp tác, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, với nhiều hình thức và nội dụng thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền về truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước, các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, giúp đỡ quân y,... đã tạo được lòng tin, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân và quân đội hai nước. Hai bên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Hai bên cũng thống nhất không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để xâm hại an ninh, an toàn và ổn định của nước kia. Các hoạt động đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả bạn, nhất là an ninh khu vực biên giới giữa hai nước. Hai bên đã phối hợp làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Hơn 10 năm qua, với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền các cấp, của nhân dân và Quân đội Vương quốc Cam-pu-chia, chúng ta đã quy tập và đưa được phần lớn hài cốt các liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam về nước.
Các doanh nghiệp quốc phòng của Việt Nam, như: Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng cổ phần Quân đội (MB),… cũng đã mở rộng đầu tư vào Cam-pu-chia. Các doanh nghiệp này đã và đang chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nước bạn và bước đầu đã thu được một số thành quả nhất định. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Cam-pu-chia không chỉ thu hút được một lực lượng lao động nhất định của nước bạn mà còn đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần đảm bảo an ninh, ổn định kinh tế, chính trị của Cam-pu-chia.
Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên cũng không ngừng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, khu vực và quốc tế, như hợp tác trong Ủy hội sông Mê-công, Tiểu vùng sông Mê-công mở rộng; chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc hành lang Đông - Tây và nhất là trong khuôn khổ Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Quân đội hai nước cũng tích cực hợp tác với quân đội các nước ASEAN và các nước ở ngoài khu vực trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là trong phòng, chống các thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn các loại tội phạm, khủng bố, cướp biển... Đặc biệt, thực hiện cam kết của ASEAN, hai nước đã và đang tăng cường, mở rộng hợp tác với các nước thành viên để Khối có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, dựa trên 3 trụ cột (kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội) vào năm 2015.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị định thư và Kế hoạch hợp tác hằng năm, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Cam-pu-chia ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả thiết thực. Chúng ta luôn xác định, giúp bạn là giúp chính mình. Sự vững mạnh, kiên cường của Quân đội bạn sẽ tạo thế và lực vững chắc, cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam, sát cánh bên nhau, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ cho vùng biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia mãi mãi bình yên, giữ cho tình hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia đời đời bền vững. Trên khu vực biên giới, các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước phải thường xuyên tăng cường hợp tác, xây dựng kế hoạch gặp gỡ định kỳ hoặc đột xuất nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn trên toàn tuyến biên giới. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị của hai bên nhằm nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, nâng cao cảnh giác không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, xuyên tạc, vu cáo phá hoại quan hệ hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia. Trong bối cảnh vùng biển còn diễn biến phức tạp, hải quân hai nước phải tăng cường hợp tác, phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm phát triển nghề cá và thuận lợi cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa trên biển.
Để đạt được kết quả đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng của hai bên cần phối hợp chặt chẽ với nhau ngay từ khâu lập và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác hằng năm. Các đề án hợp tác phải có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của mỗi nước và xu thế phát triển chung; chú trọng lựa chọn những lĩnh vực, hình thức hợp tác là thế mạnh và là nhu cầu thực sự của nhau. Trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác, hai bên cần chú ý bám sát các văn kiện đã ký, đảm bảo tính nguyên tắc, luôn tìm kiếm giải pháp, đổi mới phương thức, biện pháp cho phù hợp với thực tế khách quan, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra. Với quyết tâm ấy, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Cam-pu-chia sẽ thu được những thành công mới, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam – Cam-pu-chia trên một tầm cao mới.
Thiếu tướng VŨ CHIẾN THẮNG
Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới