Thứ Năm, 24/04/2025, 11:34 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Ngày 01-12-2009, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 2009/CT-TTg Về việc tổng kết 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) giai đoạn 2001-2010. Đây là dịp để các cấp đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được, đồng thời xây dựng phương hướng, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh GDQP-AN trong thời gian tới.
Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong điều kiện mới…”1. Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với công tác GDQP-AN; đồng thời, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác này, nhằm góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình mới.
Thực hiện Chỉ thị số 2009/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các địa phương, bộ, ngành trong cả nước đã tổ chức thành công Tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN giai đoạn 2001-2010 ở cấp mình. Thông qua đó có thể khẳng định, công tác GDQP-AN đã có sự chuyển biến toàn diện, vững chắc.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hội đồng GDQP-AN Trung ương và cơ quan chức năng đã giúp Đảng, Chính phủ xây dựng, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới, nổi bật là: Chỉ thị số12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị, Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về công tác GDQP-AN. Hệ thống tổ chức Hội đồng GDQP-AN các cấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hoàn thiện, tạo cơ sở thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong các bộ, ngành và các địa phương. Đến nay, Hội đồng GDQP-AN Trung ương, các quân khu, tỉnh, huyện đã được thành lập và hoạt động thành nền nếp; thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng các cấp đã phát huy được trách nhiệm làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ GDQP-AN. Điển hình là, cơ quan Thường trực của Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã thường xuyên chủ động tham mưu, đề xuất, giúp Hội đồng triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi nắm tình hình, giúp Hội đồng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác GDQP-AN... Từ năm 2002 đến 2010, Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã tổ chức 424 đoàn kiểm tra ở các bộ, ngành, quân khu, các địa phương, trường đại học và cao đẳng... Hội đồng GDQP-AN các cấp cũng tổ chức kiểm tra được hàng nghìn lượt, góp phần để công tác GDQP-AN hoạt động đúng hướng và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với nhiệm vụ này.
Trong tổ chức thực hiện. Điểm nổi bật là công tác GDQP-AN cho toàn dân luôn hướng về cơ sở, có sự phát triển cả bề rộng và chiều sâu, đổi mới cả nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục. Hệ thống phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương được phát huy, đều mở chuyên mục hoặc dành thời lượng, thời điểm thích hợp để tuyên truyền, giáo dục, trong đó đã chú trọng nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong tổ chức các hoạt động truyền thống, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương luôn chú trọng những nội dung có ý nghĩa GDQP-AN, điển hình là: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm tuyến đường Trường Sơn huyền thoại…, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu chế độ và tạo sự đồng thuận của toàn dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ.
Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng tiếp tục được triển khai đạt hiệu quả thiết thực. Trong 10 năm qua, đã có 2.955.826 cán bộ, đảng viên trong các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Đáng chú ý là, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, mở rộng đối tượng tham gia bồi dưỡng, như: chức sắc, chức việc các tôn giáo, nhà tu hành, giới văn nghệ sĩ, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, già làng, trưởng bản, chủ hộ gia đình biên giới, chủ tàu, thuyền… Đặc biệt là, từ năm 2008 đến nay, Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ triển khai thí điểm đưa nội dung GDQP-AN vào giảng dạy tại 4 Học viện Phật giáo trên toàn quốc, đã bồi dưỡng cho 900 tăng ni sinh, đạt kết quả tốt. Xuất phát từ điều kiện thực tế, các địa phương đã chủ động kết hợp tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự các quân khu với bồi dưỡng tại Trường Quân sự các tỉnh; đối tượng 3 bồi dưỡng tại Trường Quân sự tỉnh kết hợp với tổ chức bồi dưỡng tại các huyện…; do đó, đã góp phần hoàn thành cơ bản số lượng các đối tượng cần bồi dưỡng theo quy định.
Khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên GDQP-AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở nhiều hình thức đào tạo, như: ngắn hạn 6 tháng, chính quy ghép môn, bồi dưỡng, tập huấn…Vì vậy, đến nay cả nước đã đào tạo được trên 30.000 giáo viên của môn học; nhiều trường trung học phổ thông đã có đủ giáo viên chuyên trách; các trường cao đẳng, đại học có khoa hoặc bộ môn; các trường đại học quốc gia, đại học khu vực và một số tỉnh, thành phố có Trung tâm GDQP-AN (đã xây dựng được 32 trung tâm GDQP-AN). Trong quá trình tổ chức môn học, các cơ sở giáo dục-đào tạo luôn chú trọng đổi mới, vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả môn học. Trong 10 năm qua, đã có 27.622.768 HS,SV hoàn thành môn học, đạt tỷ lệ 98,91%; tỷ lệ khá, giỏi trên 70%. Công tác GDQP-AN cho HS,SV đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng, đào tạo con người mới XHCN. Môn học không chỉ có ý nghĩa trang bị ý thức, kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng phong cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập cho HS,SV - những chủ nhân tương lai của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình GDQP-AN cho các đối tượng, bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, đạt chất lượng tốt. Nội dung GDQP-AN đã tập trung quán triệt quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường QP-AN; nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới; đồng thời, huấn luyện một số kỹ năng quân sự cần thiết…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện, chất lượng GDQP-AN vẫn còn chưa đồng đều. Ở một số bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, số lượng cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN chưa bảo đảm theo quy định (cá biệt có cơ quan, số cán bộ tham gia mới đạt khoảng 50%). Ở một số địa phương, hoạt động của Hội đồng GDQP-AN còn mang tính hình thức, một số thành viên Hội đồng chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Mặc dù có nhiều cố gắng trong đào tạo, bồi dưỡng, song đội ngũ giáo viên GDQP-AN ở các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề vẫn còn thiếu; trình độ, kỹ năng của một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; đánh giá kết quả học tập chưa sát thực...
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta. Đáng chú ý là, chúng tăng cường lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị-xã hội... Mặt khác, sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế luôn chứa đựng cả thời cơ và thánh thức, đối tác và đối tượng đan xen. Do đó, GDQP-AN càng có ý nghĩa quan trọng, là yêu cầu khách quan của nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng, được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Theo đó, các địa phương, bộ, ngành phải xác định GDQP-AN là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Kết quả GDQP-AN phải được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 07-QĐ/BTCTW, ngày 16-4-2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn và những phát triển mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, nhằm tạo thuận lợi cho việc tổ chức GDQP-AN ở mọi vùng, miền, mọi đối tượng. Một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là, trên cơ sở văn bản pháp lý về GDQP-AN đã được ban hành và qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN giai đoạn 2001-2010, cơ quan chức năng làm công tác chuẩn bị, tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật GDQP-AN.
2. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN và cơ quan thường trực, bộ phận giúp việc của Hội đồng (nhất là sự thay đổi sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp). Theo đó, cần chú trọng phát huy vai trò tham mưu của Hội đồng và tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, nhằm giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác GDQP-AN. Hội đồng GDQP-AN các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa bàn. Ở các tỉnh, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, nội dung và phương pháp GDQP-AN cần gắn chặt với đặc điểm và tình hình địa phương. Qua các khoá học GDQP-AN, người học và lãnh đạo huyện, tỉnh cần đề xuất các biện pháp cụ thể, thiết thực để tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng xã, huyện và tỉnh. Cùng với triển khai nhiệm vụ, còn phải thực hiện tốt chế độ kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện những nhân tố điển hình, cách làm hay, mới để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng; đồng thời, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện để chấn chỉnh kịp thời. Trên cơ sở đó, tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết ở ngành, địa phương mình để rút kinh nghiệm và chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP-AN.
3. Coi trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho tất cả các đối tượng (chú trọng đối tượng 2 thuộc các bộ, ngành Trung ương), kết hợp với tích cực mở rộng đối tượng bồi dưỡng. Cơ quan, tổ chức các cấp cần tập trung rà soát các đối tượng chưa được bồi dưỡng, nhất là những cán bộ mới được đề bạt, bổ nhiệm để xây dựng kế hoạch năm, nhiệm kỳ sát với yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, mở rộng diện bồi dưỡng cho đối tượng mới. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn phải gắn công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
4. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các dự án trung tâm GDQP-AN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 70 - 80% sinh viên được học môn GDQP-AN tại các trung tâm. Trước yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN, các ngành, các địa phương cần chủ động, tăng cường đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo quy định; phấn đấu đến năm 2016, có đủ giáo viên môn học này trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trên cả nước, làm cơ sở để tổ chức học theo hình thức phân phối chương trình ở tất cả các nội dung của môn học. Mặt khác, phải tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy môn GDQP-AN theo hướng dạy-học tích cực; chuẩn bị đầy đủ trang bị, thiết bị, học cụ của môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là việc xây dựng phòng học chuyên dùng và thao trường, bãi tập quân sự.
5. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, GDQP-AN cho toàn dân bảo đảm nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và từng vùng, miền. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, số lượng tin, bài trên báo, tăng thời lượng phát sóng trên phát thanh, truyền hình bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Các địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống phát thanh ở cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền cần tập trung nâng cao nhận thức của nhân dân về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, quê hương, tuyên truyền các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước; đồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước ta của các thế lực thù địch. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng lồng ghép nội dung GDQP-AN trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống, bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp, nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng mỗi dân tộc, giúp nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo; qua đó, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng nền tảng về chính trị, tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Lý luận và thực tiễn vừa qua đã khẳng định, GDQP-AN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ, đồng thời cũng cho thấy, đây là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài. Do đó, trên cơ sở kết quả đã đạt được, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, các nghị định, chỉ thị, quy định của Chính phủ, xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi công tác GDQP-AN trong tình hình mới.
GS,TS. NGUYỄN THIỆN NHÂN
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ
Chủ tịch Hội đồng GDQP-AN Trung ương
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 16/04/2025
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc 15/04/2025
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII 12/04/2025
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11 10/04/2025
Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm 03/04/2025
Tương lai cho thế hệ vươn mình 25/03/2025
Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng 18/03/2025
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tài chính Quân đội năm 2025 10/03/2025
Một số định hướng lớn về công tác đối ngoại quốc phòng năm 2025 06/03/2025
Học tập suốt đời 02/03/2025
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc