Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Sáu, 21/04/2023, 08:23 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong Quân đội

Trong những năm qua, trên cơ sở quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác tư pháp và cải cách tư pháp nói chung, trong Quân đội nói riêng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh thực hiện công tác quan trọng này, với nhiều giải pháp đồng bộ, bước đi phù hợp, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Đây được xem là mặt công tác đặc thù, xuyên suốt, đòi hỏi sự chặt chẽ, tính pháp lý cao, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn quân sự, quốc phòng, góp phần quan trọng để toàn quân hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, nhất là trong bối cảnh Quân đội đẩy mạnh xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Nổi bật là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp Quân đội và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn bản có liên quan; chỉ đạo các cơ quan Tư pháp, Thanh tra, Pháp chế nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp trong Quân đội, v.v.

Để tăng cường sự lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp, Quân ủy Trung ương đã ban hành Quy định số 182-QyĐ/QUTW, ngày 24/01/2022 về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc trong Đảng bộ Quân đội; xây dựng Đề án số 1013-ĐA/QUTW, ngày 01/9/2022 của Quân ủy Trung ương về “Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Quân đội”. Kịp thời đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Quân đội.

Các cơ quan tư pháp Quân đội đã chủ động xây dựng và tham gia góp ý kiến một cách có hiệu quả vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,... về xây dựng, hoàn thiện thể chế công tác quân sự, quốc phòng. Tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như yêu cầu của các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp trong Quân đội với chất lượng ngày càng cao. Công tác hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp Quân đội thường xuyên được coi trọng, v.v.

Cùng với đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp được triển khai tương đối đồng bộ, chặt chẽ trong toàn quân, bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. Nhờ đó, chất lượng công tác tư pháp trong Quân đội ngày càng được nâng cao; hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và cải cách tư pháp. Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trong toàn quân hoạt động có hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của toàn quân.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế, kiểm toán và công tác 1389 sáu tháng đầu năm 2022. Ảnh qdnd.vn

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị về công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chuẩn bị các nội dung phục vụ xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong Quân đội có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp có mặt còn hạn chế; cán bộ các cơ quan tư pháp còn thiếu so với biên chế; trang thiết bị nghiệp vụ của cơ quan điều tra hình sự các cấp tuy được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo quy định của pháp luật và yêu cầu cải cách tư pháp. Các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra đối với một số cơ quan, đơn vị đặc thù còn bất cập, chưa thống nhất. Công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao, v.v. Trong khi đó, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (đến năm 2030) và tiến lên hiện đại (từ năm 2030) đã và đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao, đòi hỏi toàn quân phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, trong đó có lĩnh vực tư pháp và cải cách tư pháp, với nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm cần hướng vào một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về cải cách tư pháp, trọng tâm là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp, nhất là về chính sách, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; về tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp và về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp trong Quân đội. Từ đó, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp. Đồng thời, tổ chức quán triệt sâu sắc các chương trình, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội và các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động tư pháp, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Trong đó, cần xác định rõ việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cấp; từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng cao.

Hai là, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật trong toàn quân. Đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ là khâu đột phá, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, mà còn là cơ sở, tiền đề để đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp trong toàn quân. Vì thế, trên cơ sở quán triệt, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật và luôn xác định đó là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; lấy kết quả chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị. Theo đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp cần chủ động, bám sát thực tiễn nắm chắc tình hình, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và từng thành viên Hội đồng trong triển khai nhiệm vụ phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật; phát huy tốt vai trò nòng cốt của cơ quan chính trị, tư pháp, pháp luật, các cơ quan báo chí và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nhất là cấp cơ sở. Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, điều kiện địa bàn,... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện công tác quan trọng này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về ý thức, thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Thông qua thực tiễn phổ biến, giáo dục pháp luật và thực tiễn chấp hành pháp luật của từng cơ quan, đơn vị và toàn quân rút ra những vấn đề cốt lõi, thực chất trong đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, tiếp tục rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình hình mới, nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm giải quyết những bất cập về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng cần được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan tư pháp cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành và triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 282/NQ-UBTVQH, ngày 25/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, giải thể cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan Điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân Việt Nam; nghiên cứu đề xuất mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội, xét xử các vụ án hành chính trong Quân đội. Thường xuyên chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác tư pháp; tăng cường việc xây dựng các chương trình, kế hoạch; phân công làm rõ trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Bốn là, nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đây là nội dung quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong Quân đội. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần bám sát chủ trương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương của Bộ Quốc phòng để chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng ngành. Trong đó, ngành Kiểm sát quân sự phấn đấu hướng đến thực hiện tốt quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhất là quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự, bảo đảm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; phân định rõ quyền hạn của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động tư pháp, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đối với ngành Điều tra hình sự, cùng với làm tốt công tác dự báo, quản lý tình hình vi phạm, tội phạm hình sự trong toàn quân, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng; đồng thời, tích cực bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình địa bàn, kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Đối với ngành Tòa án quân sự, cần đẩy mạnh thực hiện quyền tư pháp theo hướng đổi mới phương thức xét xử, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới, nâng cấp trụ sở làm việc cho các cơ quan tư pháp; chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí nghiệp vụ chặt chẽ, đúng mục đích, đúng nguyên tắc, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Đồng thời, chú trọng nâng cấp hệ thống trang thiết bị, hệ thống ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; mở rộng thêm chuyên ngành giám định mới về kỹ thuật hình sự, v.v.

Năm là, quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, quy trình xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân ủy Trung ương và đặc thù của lĩnh vực tư pháp, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan tư pháp cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các chuyên ngành bảo đảm đủ về số lượng, đúng cơ cấu thành phần theo tổ chức biên chế, chất lượng từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới. Tập trung rà soát, quy hoạch đội ngũ cán bộ phù hợp với định hướng xây dựng, hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội; nắm chắc số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để có chủ trương, giải pháp xây dựng phù hợp. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc cơ chế thi tuyển để tuyển chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Việc quy hoạch, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ phải bảo đảm chặt chẽ, có tính kế thừa, kế tiếp, tránh tình trạng thiếu hụt về nhân sự, dẫn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp.

Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp bảo đảm tiêu chuẩn về chức danh theo hướng vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa hội tụ đầy đủ kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại ngữ, tin học,... đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp cần đáp ứng tiêu chí 100% trình độ đại học đối với số cán bộ có chức danh tư pháp, đủ tiêu chuẩn, điều kiện đào tạo sau đại học chuyên ngành và cao cấp lý luận chính trị. Đối với các chức danh Điều tra viên, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Thẩm phán và Thẩm tra viên các cấp, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động tư pháp. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Tư pháp cần chủ động nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước mà Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X), Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế, nhất là Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng các nước: Lào, Campuchia và Nga về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật quân sự, quốc phòng; tham dự hội nghị về pháp luật quân sự quốc tế do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tổ chức. Tăng cường hợp tác về cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; về phòng, chống tội phạm, trợ giúp tư pháp và đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo ngoại ngữ với các nước.

Cải cách tư pháp nói chung, cải cách tư pháp trong Quân đội nói riêng là một trong những mặt công tác trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần bám sát chủ trương kiện toàn các cơ quan tư pháp, bảo đảm tinh, gọn, chất lượng, hiệu quả; nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng VÕ MINH LƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.