Thứ Sáu, 25/04/2025, 19:24 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Việc khắc phục thảm hoạ do cuộc chiến tranh này gây ra cần có trách nhiệm, lương tâm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.
CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Thế hệ con, cháu của các nạn nhân do nhiễm CĐDC đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể, như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư,… đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều gia tộc có nguy cơ tuyệt tự.
Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-11-1993, đã kết luận: “CĐDC của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật ở những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư…”. Không chỉ người Việt Nam mà còn nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… đã từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc E. Dum-oát, nguyên Tư lệnh các lực lượng hải quân, không quân Mỹ ở Việt Nam (1968-1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ đã bị phơi nhiễm CĐDC. Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA) cho biết: có 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân CĐDC, trong đó 20 nghìn người đã chết...
Với trách nhiệm của mình, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang ra sức làm hết sức mình để khắc phục hậu quả này; các tổ chức, cá nhân có lương tri trên thế giới cũng rất quan tâm, góp sức chia sẻ, chung tay khắc phục thảm hoạ CĐDC.
Tháng 10-1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) được thành lập và đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhằm xác định quy mô, tác hại của cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người. Ngày 03-4-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, để có cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp cơ bản khắc phục hậu quả. Cuộc điều tra đã được tiến hành trong hai năm 1998-1999 trên phạm vi cả nước. Đối tượng là những người từng công tác, chiến đấu, sinh sống ở những vùng bị rải CĐDC trong chiến tranh mà bản thân hoặc con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo do CĐDC gây nên và được điều tra bổ sung vào các năm 2002, 2004.
Ngày 01-3-1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo 33 có chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch dài hạn; chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai kế hoạch hành động khắc phục hậu quả CĐDC từ Trung ương đến địa phương. Năm 2002, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận: Giải quyết hậu quả CĐDC là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay. Do vậy, thời gian tới cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này; có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân bị nhiễm CĐDC; tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân CĐDC. Ngày 29-6-2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Ngày 06-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP; theo đó, mức trợ cấp chính của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gần bằng mức trợ cấp của bệnh binh.
Cùng với việc ban hành các chủ trương, chính sách, hằng năm Nhà nước đã dành những khoản chi phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân CĐDC; triển khai nhiều dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC; hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC; hằng năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân CĐDC. Hiện nay, cả nước có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có trên 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí; có 12 Làng “Hòa Bình”, “Hữu Nghị” và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC.
Ngày 10-01-2004, Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam (VAVA) chính thức ra mắt hoạt động. Hội có chức năng vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC; tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tư vấn, phản biện các chính sách đối với nạn nhân CĐDC; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân. Hội là tổ chức duy nhất đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, trong đấu tranh yêu cầu chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do họ đã gây ra. Hội đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các hội hữu nghị với Việt Nam của các nước Anh, Pháp, Đức, Nga; Ủy ban Hòa bình thế giới, Ủy ban Hòa bình Bra-xin, Ủy ban Hòa Tài của Trung Quốc; Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA), Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP); tổ chức Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân CĐDC Việt Nam ở Mỹ (VAORRC), tổ chức Nhịp cầu hòa bình hữu nghị giữa Nam Ô-sa-ka và châu Á của Nhật Bản (NPO-MOA), tổ chức Hòa bình Xanh của Ấn Độ (GIS), tổ chức Vì trẻ em đi-ô-xin của Pháp, tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán một số nước ở Hà Nội...
Ngày 30-01-2004, Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam và một số nguyên đơn đã gửi tới Tòa án sơ thẩm quận Bơ-rúc-klin, bang Niu Y-oóc (Hoa Kỳ) kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Các cấp tòa án Mỹ đã từ chối, không thụ lý vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam; bởi họ cho rằng: đặc trưng của chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người. Quyết định phi lý, bất công đó đã làm dấy lên làn sóng phản đối Mỹ ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Từ 16 đến 17-5-2009, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Pa-ri (Pháp) đã ra phán quyết, khẳng định Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất đi-ô-xin, mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “diệt chủng môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ; yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp CĐDC phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân CĐDC và gia đình họ; phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam...
Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam tuy bị tòa án Mỹ từ chối thụ lý, nhưng đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn; vạch trần âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam trước công luận thế giới; làm cho nhân dân trong nước và trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; qua đó, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, quốc tế và ở Mỹ; hình thành phong trào đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân CĐDC. Vụ kiện tuy chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng bước đầu đã có tác động tích cực đến thái độ và hành động của ngành lập pháp và ngành hành pháp Mỹ. Tháng 11-2006, Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa chất độc đi-ô-xin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”. Tháng 02-2007, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Mai-cơn Ma-ri-nơ họp báo, đã thừa nhận có nhiễm độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng. Từ đó đến nay, Quỹ Ford, Quỹ Bin & Mê-lin-da Ge-tơ, Quỹ Át-lát-tích Phi-lan-thro-pi của Mỹ đã tài trợ một số dự án, như: xây dựng các công trình chống lan tỏa tạm thời tại sân bay Đà Nẵng; xây dựng phòng thí nghiệm đi-ô-xin; nghiên cứu các công nghệ sinh học tẩy độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng; lượng giá toàn diện ô nhiễm, phơi nhiễm và đề xuất biện pháp giảm thiểu từ 2010 đến 2012... Năm 2007, 2009, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm; năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam và năm 2011, Chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo khoản tài trợ 34 triệu USD để tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Song, những đóng góp đó còn quá nhỏ so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam.
Việc giải quyết hậu quả CĐDC là vấn đề lâu dài, hết sức quan trọng và cấp bách. Bởi vậy, ngày 18-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 292-TB/TW, chỉ rõ: “các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này…”. Khắc phục hậu quả CĐDC là vấn đề lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi người dân; cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và phải được lồng ghép với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương.
Theo tinh thần đó, Hội cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; qua đó, tăng cường giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân CĐDC trong cuộc sống, ủng hộ nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
- Tích cực đề xuất, tham gia ý kiến vào việc bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC, bao gồm những người tham gia kháng chiến và nhân dân bị hậu quả CĐDC trước và sau tháng 4-1975; chế độ trợ cấp cho thế hệ cháu của nạn nhân...
- Xây dựng Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam các cấp vững mạnh, phát huy vai trò tích cực của Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội đặc thù.
- Xã hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăm sóc nạn nhân có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán của địa phương và tâm lý, tình cảm của người Việt Nam; có nhiều hình thức tri ân những tấm lòng vàng vì nạn nhân CĐDC; cổ vũ, khuyến khích các tấm gương vượt khó, vươn lên của nạn nhân CĐDC.
- Mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, khoa học-công nghệ và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, luật gia, các nhà hoạt động xã hội-từ thiện-nhân đạo trên thế giới.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 16/04/2025
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc 15/04/2025
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII 12/04/2025
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11 10/04/2025
Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm 03/04/2025
Tương lai cho thế hệ vươn mình 25/03/2025
Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng 18/03/2025
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tài chính Quân đội năm 2025 10/03/2025
Một số định hướng lớn về công tác đối ngoại quốc phòng năm 2025 06/03/2025
Học tập suốt đời 02/03/2025
Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc