Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Sáu, 04/05/2012, 08:02 (GMT+7)
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự trong tình hình mới

Trong sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cùng với việc chăm lo bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng nâng lên, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong xây dựng ngành Kỹ thuật vững mạnh toàn diện.


Cán bộ kỹ thuật Nhà máy A31 thực hành lắp ráp mạch điện đài điều khiển tên lửa. (Nguồn: qdnd.vn)
 

Là một bộ phận cán bộ của Đảng trong Quân đội, đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự (CBKTQS) là những người trực tiếp quản lý, chỉ huy, khai thác, sử dụng, phát huy tính năng kỹ, chiến thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật của toàn quân. Bởi vậy, chất lượng đội ngũ CBKTQS có vai trò quyết định đến hiệu quả sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng, sản xuất… của Quân đội ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đòi hỏi ngành Kỹ thuật phải có sự đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Một trong những giải pháp cơ bản được cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp chú trọng là tập trung xây dựng đội ngũ CBKTQS  vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, bảo đảm cho đội ngũ này có lập trường, quan điểm vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ tốt; nói đi đôi với làm; luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, khắc phục mọi lệch lạc trong nhận thức cũng như trong hành động, nhất là những biểu hiện chỉ coi trọng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật đơn thuần mà không quan tâm đến các mặt công tác khác.

Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của trên về công tác cán bộ và bám sát thực tiễn nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy các cấp đã chủ động xây dựng Quy chế lãnh đạo công tác cán bộ, tạo sự thống nhất nhận thức và bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở các đơn vị. Mọi vấn đề về công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đến việc đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đều được tiến hành đúng quy chế, quy trình và quyết định tập thể theo thẩm quyền. Các cấp ủy đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ dựa trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ và uy tín trước tập thể; gắn nhận xét, đánh giá cán bộ với phân tích chất lượng đảng viên; tạo sự thống nhất giữa nhận xét, đánh giá của cấp ủy, người chỉ huy với tự đánh giá của cán bộ. Để bổ sung nguồn cán bộ có chất lượng tốt, một mặt, các cấp ủy luôn chú trọng phát hiện nguồn nhân lực có trình độ cao, tốt nghiệp các trường đại học ngoài quân đội để báo cáo trên tuyển dụng; mặt khác, bố trí những học viên mới tốt nghiệp về các đơn vị cơ sở, để có điều kiện rèn luyện trong thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBKTQS được thực hiện theo hướng kết hợp giữa đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; cán bộ có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng sĩ quan trẻ;… Bằng những việc làm thiết thực của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp, đến nay, đội ngũ CBKTQS của Quân đội đã có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Số cán bộ có trình độ đại học là 77,01%, sau đại học là 14,37%, trong đó có 2,99% cán bộ có trình độ tiến sĩ; số hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác quy hoạch CBKTQS chưa được tiến hành một cách cơ bản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng; chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhiệm vụ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ có lúc chưa sát trình độ và năng lực thực tiễn; chưa xây dựng được quy trình đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển CBKTQS một cách cụ thể, hợp lý và khả thi... Bởi vậy, đội ngũ CBKTQS hiện nay còn chưa đồng bộ về ngành nghề, thiếu chuyên gia đầu ngành; chất lượng không đồng đều; khả năng độc lập, sáng tạo còn hạn chế; v.v.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bư­ớc hiện đại”, trong đó có những lực l­ượng tiến thẳng lên hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu đó, cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, toàn quân cần tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ CBKTQS vững mạnh về mọi mặt. 

Trước hết, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ CBKTQS. Các cấp cần thường xuyên quán triệt, nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc cấp ủy thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Theo đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là cấp ủy và người chỉ huy các đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, xây dựng đội ngũ CBKTQS; Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật có trách nhiệm tham gia quản lý cán bộ kỹ thuật toàn quân; thủ trưởng cơ quan kỹ thuật các cấp tham gia quản lý cán bộ kỹ thuật cấp mình và cấp dưới; cơ quan chính trị các cấp làm tham mưu cho cấp ủy Đảng về xây dựng đội ngũ CBKTQS. Cấp ủy các cấp  thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế nhằm phân định rõ phạm vi trách nhiệm, quyền hạn giữa đảng ủy, thường vụ và người chỉ huy, giữa bí thư và người chỉ huy trong xây dựng đội ngũ CBKTQS; làm rõ mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp với việc tham gia quản lý cán bộ kỹ thuật của ngành Kỹ thuật toàn quân. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức; xác định rõ trách nhiệm, phạm vi, đối tượng, nội dung quản lý CBKTQS của các cấp, các ngành. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, biên chế, tổ chức, chất lượng cán bộ, các cấp nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng CBKTQS; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để cụ thể hóa các quy định và hướng dẫn về tham gia quản lý CBKTQS theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ.       

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đội ngũ CBKTQS. Các cấp ủy cần tiến hành rà soát tổng thể, cả về số lượng, cơ cấu, trình độ, ngành nghề, chức danh; phát hiện những bất cập trong đội ngũ CBKTQS hiện nay, làm cơ sở để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Việc quy hoạch phải theo đúng tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, quy chế, quy trình; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; bảo đảm nguồn kế cận vững chắc, nguồn kế tiếp dồi dào, không để hẫng hụt, tạo sự ổn định cán bộ cho sự phát triển của Ngành. Quy hoạch một chức danh phải có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi; một người có thể là nguồn của một số vị trí; chủ động phát hiện và mạnh dạn quy hoạch, bổ nhiệm những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt; đồng thời, phải thường xuyên đánh giá, bổ sung, điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Các cấp ủy cần tạo sự đồng bộ trong quy hoạch, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng; cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới, lấy quy hoạch của cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên. Quy hoạch, kiện toàn CBKTQS phải coi trọng cả phẩm chất, năng lực và thực tiễn công tác; sử dụng, phát huy những cán bộ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, nhất là những ngành kỹ thuật quân sự đặc thù, phức tạp, đòi hỏi đầu tư chất xám, trình độ kỹ thuật cao. Khi đã có quy hoạch, phải quản lý chặt chẽ và điều hành kiên quyết việc thực hiện quy hoạch; coi trọng bồi dưỡng, tạo nguồn CBKTQS tại chỗ; đồng thời, thu hút nguồn cán bộ kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành giỏi ngoài Quân đội, sắp xếp phù hợp với sở trường, khả năng của họ trong các cơ quan kỹ thuật toàn quân.    

Thứ ba, quản lý chặt chẽ, nhận xét, đánh giá cán bộ đúng thực chất, làm cơ sở cho quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng CBKTQS. Cấp ủy, bí thư, người chỉ huy, cơ quan kỹ thuật các cấp, theo đúng thẩm quyền, thực hiện việc quản lý CBKTQS một cách toàn diện, cả về tư tưởng, quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, trình độ tay nghề, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và gia đình, hậu phương cán bộ. Việc quản lý CBKTQS phải nằm trong tổng thể đội ngũ cán bộ toàn quân; trong đó, có sự phối hợp giữa quản lý trực tiếp của cấp ủy, cán bộ chủ trì với việc tham gia quản lý của ngành Kỹ thuật cùng cấp, giữa cơ quan chính trị với cơ quan kỹ thuật các cấp, bảo đảm việc quản lý cán bộ phải theo đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền, trách nhiệm. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ quản lý cán bộ với quản lý đảng viên; quản lý của tổ chức, quần chúng với tự quản lý của cán bộ; quản lý ở nơi công tác với nơi cư trú; quản lý theo cấp, chức với quản lý theo trình độ học vấn. Trong nhận xét, đánh giá CBKTQS, phải bảo đảm tính toàn diện, công tâm, khách quan, nhất quán; kết hợp nhận xét thường xuyên với định kỳ, nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì với nhận xét của cơ quan kỹ thuật cùng cấp và tự nhận xét của cán bộ. Đánh giá cán bộ phải theo phân cấp; làm rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, không tuyệt đối hóa mặt nào, dẫn đến sử dụng cán bộ không đúng với trình độ, khả năng của từng người.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ CBKTQS. Trên cơ sở quy hoạch đội ngũ cán bộ, sự phát triển của ngành Kỹ thuật, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng đối tượng và hướng sử dụng; xác định tiêu chuẩn chức danh, trình độ học vấn đối với từng vị trí để cân đối giữa nhu cầu, khả năng đào tạo và huy động lực lượng dự bị động viên, tuyển dụng đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát tình hình của thực tiễn công tác kỹ thuật hiện nay; đồng thời, tập trung giải quyết cán bộ cho các ngành khoa học kỹ thuật trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn và công nghệ cao. Cần thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, như: đào tạo tại trường gắn với tự đào tạo; kết hợp đào tạo dài hạn với ngắn hạn, tại chức với chính quy, đào tạo với bồi dưỡng tại chỗ, tự đào tạo… Đồng thời, chú trọng cập nhật thông tin để cán bộ không bị lạc hậu trước sự phát triển của khoa học công nghệ và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đặc biệt, các cấp ủy cần khuyến khích CBKTQS tự giác học tập và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ về mọi mặt. Chú trọng gắn đào tạo tại các học viện, nhà trường với bồi dưỡng kiến thức thực tiễn; tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, đa dạng hóa loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBKTQS phải đúng quy hoạch và định hướng sử dụng, gắn kết quả đào tạo với tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Thứ năm, phải bố trí, sử dụng đúng cán bộ, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ. Để làm tốt điều đó, các cấp ủy phải căn cứ vào quy hoạch, chất lượng cán bộ, nắm chắc tình hình đội ngũ CBKTQS để bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải đúng ngành nghề, chuyên môn, phù hợp với trình độ và khả năng phát triển của từng người; kết hợp sử dụng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn cao với cán bộ trẻ; cán bộ đào tạo cơ bản với đào tạo tại chức; đồng thời, đáp ứng yêu cầu, đặc điểm hoạt động của ngành Kỹ thuật và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc; khắc phục mọi biểu hiện chủ quan, cảm tính, cục bộ địa phương trong bố trí, sử dụng cán bộ. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của CBKTQS, các cấp ủy cần làm tốt việc luân chuyển cán bộ, bảo đảm cho họ được thử thách, rèn luyện trên nhiều cương vị công tác, phát triển toàn diện và trưởng thành vững chắc.

Thứ sáu, thực hiện tốt chính sách đối với CBKTQS. Trước hết, các cấp cần rà soát lại các chế độ, chính sách hiện có; bổ sung, cụ thể hóa những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa chính sách cán bộ với chính sách mang tính đặc thù nghề nghiệp. Theo đó, các cấp cần nghiên cứu, thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ CBKTQS; chuyển dần đãi ngộ theo cấp bậc sang đãi ngộ chủ yếu theo chức vụ, ngạch bậc chuyên môn. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung một số chế độ phụ cấp, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật công tác trong lĩnh vực đặc thù quân sự, chuyên ngành mũi nhọn, những phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, những dự án, đề án, giải thưởng khoa học mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, cần có những chính sách đặc biệt để phát huy tốt vai trò của cán bộ đầu ngành, có kinh nghiệm thực tiễn, có nhiều đóng góp và còn năng lực làm việc; nghiên cứu kéo dài độ tuổi phục vụ theo nhu cầu sử dụng đối với các chuyên gia khoa học, cố vấn trong các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành khoa học, công nghệ và đào tạo cán bộ trẻ; có chính sách để phát huy hết trí tuệ, tài năng và năng lực đội ngũ CBKTQS hiện có; kết hợp chặt chẽ chế độ đãi ngộ vật chất với động viên tinh thần, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ CBKTQS yên tâm gắn bó với nghề, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.   

Thiếu tướng, ThS. THÁI XUÂN DƯƠNG

Phó Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước