Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Tư, 13/09/2023, 16:46 (GMT+7)
Tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ

Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược, có vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, trước yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022. Ảnh: baochinhphu.vn

Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ động xây dựng, tham mưu cho Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển trong từng giai đoạn; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cùng với tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức, đầu tư cơ sở hạ tầng, ngành Công nghiệp quốc phòng cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ để từng bước làm chủ các công nghệ mới. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật có bước phát triển đột phá. Đặc biệt, Ngành đã sản xuất được các loại súng bộ binh thế hệ mới, vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, vũ khí công nghệ cao và đóng mới các loại tàu quân sự hiện đại. Ngoài ra, Ngành đã nghiên cứu, sản xuất được nhiều chủng loại vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu nền phục vụ sản xuất quốc phòng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng được mở rộng, trở thành nội dung quan trọng trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng vẫn chưa có sự đột phá; nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Cơ cấu tổ chức, thể chế, chính sách và pháp luật về công nghiệp quốc phòng chưa đủ mạnh, chưa hoàn thiện, v.v.

Hiện nay và những năm tới, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ tạo ra những thay đổi nền tảng về tư duy quân sự, quốc phòng, tổ chức, trang bị quân đội và phương thức tiến hành chiến tranh. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng có bước phát triển mới, v.v. Trước bối cảnh đó, để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là ngành Công nghiệp quốc phòng cần quán triệt, chủ động phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng và mô hình, tổ chức ngành Công nghiệp quốc phòng. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho Ngành phát triển nhanh, đúng hướng, bền vững. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng; đặc biệt, trên cơ sở tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến nay, do sự phát triển của thực tiễn, nhiều văn bản đã không còn phù hợp và chưa đủ mạnh để huy động, phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, trực tiếp là Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, nòng cốt là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công nghiệp quốc phòng theo hướng đổi mới, hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính. Trước mắt, tập trung nghiên cứu soạn thảo, trình thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với những quy định trong hệ thống pháp luật. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách khắc phục những khó khăn, bất cập về hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, phát triển khoa học công nghệ, hợp tác, hội nhập quốc tế; cơ chế đặc thù về nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật; các tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp ngoài Quân đội tham gia nghiên cứu, sản xuất quốc phòng; chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia tham gia vào chuỗi sản xuất của công nghiệp quốc phòng; cơ chế huy động nguồn lực tài chính và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, v.v.

Về tổ chức, lực lượng, trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, tập trung nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng phù hợp với tổ chức Quân đội trong tình hình mới. Xây dựng mô hình doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng thích ứng với các yêu cầu chuyên môn hóa, hội nhập công nghiệp quốc gia và quốc tế, tiến tới thành lập các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, rà soát quy hoạch, điều chỉnh thế bố trí cơ sở công nghiệp quốc phòng, tiềm lực công nghiệp quốc phòng phù hợp với định hướng bố trí chiến lược, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế.

Ký kết Quy chế phối hợp về việc sản xuất, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Cảnh sát biển Việt Nam

Hai là, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn và thực trạng nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng, đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, công nghệ mới. Quán triệt và triển khai các nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, trực tiếp là Nghị quyết số 1024-NQ/ĐU, ngày 15/11/2019 của Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về lãnh đạo xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị và cán bộ đầu ngành về kỹ thuật công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng có chất lượng cao, số lượng, cơ cấu hợp lý. Xây dựng cơ chế, chính sách và có kế hoạch thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngoài xã hội có đủ điều kiện vào phục vụ trong ngành công nghiệp quốc phòng. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng; có chế độ đãi ngộ, trọng dụng thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư, chuyên viên kỹ thuật giỏi và lực lượng tham gia các dự án, công trình, nhiệm vụ đặc biệt. Đồng thời, quan tâm tạo môi trường thuận lợi, điều kiện tốt nhất về phương tiện, trang thiết bị nghiên cứu để họ phát huy trí tuệ, tài năng, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Cùng với đó, xem xét nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù cho phép cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất công nghiệp quốc phòng được thuê và trả lương, thù lao đặc biệt cho một số đối tượng tham gia theo những tiêu chí cụ thể, v.v.

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong bối cảnh thế giới, khu vực hiện nay và điều kiện thực lực kinh tế đất nước còn có hạn, việc làm chủ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo đó, một mặt, ngành Công nghiệp quốc phòng tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, đề án trọng điểm mang tính đột phá, mũi nhọn để tiếp cận, làm chủ các công nghệ mới liên quan tới chế tạo vũ khí, khí tài cho một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Ưu tiên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại, chiến lược; phát triển, tích hợp các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí thông minh, tăng sức cơ động, tự động hóa và khả năng tác chiến ngày, đêm trong các môi trường. Mặt khác, tập trung đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ nền tảng, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực công nghệ quân sự đặc thù để tạo bước ngoặt, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị có tính đột phá về tính năng kỹ, chiến thuật. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, tiến tới làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi trong nghiên cứu thiết kế, chế thử, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược, công nghệ cao. Để đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động nguồn lực khoa học, công nghệ quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính cho nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Tăng cường hợp tác, liên kết, phối hợp giữa các tổ chức trong và ngoài Quân đội, trong nước và quốc tế trong tham gia đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng; gắn kết chặt chẽ các đơn vị nghiên cứu với đơn vị sản xuất, sửa chữa và đơn vị khai thác, sử dụng. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ hiện có tại các nhà máy, viện nghiên cứu; đầu tư nâng cấp, trang bị mới các phòng thí nghiệm và hạ tầng, phương tiện kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế thử, sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại.

Bốn là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về tài chính, khoa học, công nghệ. Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cùng với cân đối ưu tiên bố trí nguồn ngân sách riêng đảm bảo ổn định, lâu dài cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực, tăng cường huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để đầu tư cho nhiệm vụ quan trọng này. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ lồng ghép các nội dung phát triển công nghiệp quốc phòng với các chương trình, mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tận dụng tối đa những thành tựu của nền công nghiệp quốc gia, khuyến khích các cơ sở công nghiệp dân sinh tích cực đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng nhằm phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đặc biệt chú trọng kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng. Quá trình thực hiện, làm tốt công tác quản lý đầu tư, đảm bảo có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, tránh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, toàn quân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trung tướng, TS. HỒ QUANG TUẤN, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.