Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2012, 15:39 (GMT+7)
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính quân đội

Công tác tài chính là một mặt công tác quan trọng của Quân đội ta, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương; ở các cấp là sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng cùng cấp. Đó là nguyên tắc, là đảm bảo vững chắc cho công tác tài chính quân đội được tiến hành đúng phương hướng, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần bảo đảm cho toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

alt
Cán bộ, nhân viên Ban Tài chính Trường Quân sự Quân đoàn 2 kiểm tra sổ sách công tác tài chính (nguồn: qdnd.vn)

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương đã ban hành nhiều quy chế, nghị quyết lãnh đạo công tác tài chính (CTTC) quân đội. Nổi bật là, các quy chế: 145-QC/ĐUQSTW, ngày 01-8-2000; 402-QC/ĐU, ngày 03-11-2006 về lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với CTTC quân đội; Nghị quyết số 39-NQ/ĐUQSTW, ngày 31-01-2007 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với CTTC quân đội, nhiệm kỳ 2006 - 2010”; gần đây là Quy chế số 499-QC/QUTW, ngày 23-11-2011 về lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với CTTC quân đội (nhiệm kỳ 2011 - 2015).

Trên cơ sở những văn kiện quan trọng đó, mọi hoạt động CTTC đã được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ quy định. Năng lực, hiệu lực lãnh đạo và trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được nâng cao. Nhờ vậy, đã tạo được bước chuyển biến toàn diện trên tất cả các nội dung, các mặt CTTC. Hoạt động của ngành Tài chính, CTTC quân đội có nhiều đổi mới, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tiến trình đổi mới cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước; chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Chúng ta đã hình thành được cơ chế mới trong tạo lập, tập trung, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác điều hành ngân sách được tiến hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, ngày càng công khai, minh bạch; việc xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách có nhiều tiến bộ, đảm bảo cơ cấu hợp lý, đúng trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được nâng lên một bước; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Toàn quân đã tích cực cân đối, điều chỉnh cơ cấu chi, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Đặc biệt, CTTC đã có bước tiến lớn trong việc thực hiện tiền tệ hóa các tiêu chuẩn, chế độ, định mức, tạo bước ngoặt quan trọng trong các lĩnh vực bảo đảm của Quân đội. Ngành Tài chính Quân đội đã có nhiều cố gắng, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo đảm tài chính, ngân sách quốc phòng cùng nhiều chế độ, chính sách mới, tạo hành lang pháp lý để các hoạt động CTTC quân đội đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Những kết quả trên đây khẳng định vai trò quan trọng của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTC quân đội và vai trò của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo CTTC ở các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, CTTC quân đội thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách của một số đơn vị chưa cao; tình trạng chi sai nguyên tắc, gây lãng phí, thất thoát kinh phí, tài sản vẫn còn xảy ra. Quản lý nguồn vốn, tài sản công; quản lý, sử dụng nguồn thu, quản lý tài chính doanh nghiệp có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản một số dự án, công trình còn dàn trải, hiệu quả thấp, v.v.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên. Trong đó, nguyên nhân chính là: một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và yêu cầu của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTC; vì vậy, chưa quan tâm đúng mức và phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc giải quyết mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, bí thư cấp ủy với người chỉ huy về CTTC chưa tốt; có nơi người chỉ huy chưa chấp hành nghiêm quy chế lãnh đạo của cấp ủy, chưa nắm vững các nguyên tắc, chế độ CTTC, nên dẫn đến sai phạm. Bên cạnh đó, năng lực tham mưu, đề xuất của cơ quan tài chính các cấp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CTTC trong tình hình mới. Đây là những vấn đề mà lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Thời gian tới, nhiệm vụ CTTC quân đội rất nặng nề. Nhu cầu tài chính bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, tình hình kinh tế, tài chính đất nước còn khó khăn. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho quốc phòng có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Quân đội. Trước bối cảnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp trong toàn quân phải chú trọng tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với CTTC, tạo sự chuyển biến vững chắc, toàn diện, cơ bản, đồng bộ. Để đạt được mục tiêu đó, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp thấy được vị trí quan trọng của CTTC ở cơ quan, đơn vị và vai trò của cấp ủy, người chỉ huy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác này. Trong đó, tập trung trọng tâm vào phổ biến, quán triệt các chủ trương, định hướng của Quân ủy Trung ương và các chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Bộ Quốc phòng về CTTC; đặc biệt là quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế số 499-QC/QUTW của Quân ủy Trung ương. Về nhận thức, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thấy rõ tính chất đặc thù, bao trùm của CTTC đối với các hoạt động của đơn vị, nhất là khi chúng ta thực hiện cơ chế tiền tệ hoá như hiện nay; thấy rõ giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTC quân đội là một nguyên tắc, là nhân tố quyết định, đảm bảo vững chắc cho CTTC ở các cơ quan, đơn vị được tiến hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội, phát huy có hiệu quả các nguồn lực tài chính, bảo đảm cho toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Từ đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của đơn vị. Cấp ủy các cấp phải nắm vững nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ, chế độ lãnh đạo đối với CTTC… đã được xác định trong Quy chế 499-QC/QUTW. Trên cơ sở đó, cụ thể hoá, xây dựng quy chế lãnh đạo của cấp ủy và các kế hoạch, chương trình giám sát CTTC, đảm bảo phù hợp với đặc điểm biên chế tổ chức, tính chất nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, tạo cơ sở pháp lý để lãnh đạo thực hiện thắng lợi CTTC ngay từ cơ sở. Đồng thời, kiên quyết chống mọi biểu hiện buông lỏng hoặc lạm dụng quyền hạn dẫn tới sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo CTTC.

2. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và trách nhiệm của người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành CTTC. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt đảm bảo giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTC quân đội, cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Cấp ủy, tổ chức đảng và người chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; mặt khác, tích cực nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội về CTTC và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong Quân đội. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với CTTC. Các đơn vị cần tích cực bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế lãnh đạo của cấp ủy đối với CTTC tại đơn vị; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế lãnh đạo CTTC ở các đơn vị trực thuộc. Việc lãnh đạo của cấp ủy đối với CTTC phải đảm bảo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh đi vào những vấn đề quá cụ thể và phải tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách. Những chủ trương, phương hướng, mục tiêu, biện pháp chủ yếu của CTTC ở đơn vị phải được cấp ủy thảo luận, quyết định và đưa vào nghị quyết lãnh đạo. Người chỉ huy đơn vị phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy, chấp hành nghiêm các nguyên tắc CTTC, tích cực tham mưu cho cấp ủy về lãnh đạo CTTC và chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình, người chỉ huy cấp trên về toàn bộ CTTC của đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, trong quá trình thực hiện, cùng với chú trọng giải quyết tốt mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, bí thư cấp ủy với người chỉ huy về CTTC, các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế công khai tài chính ở các cấp theo quy định; tăng cường chế độ trách nhiệm, đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của đơn vị; tăng cường lãnh đạo và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan tài chính giúp cấp ủy đề ra các chủ trương, phương hướng lãnh đạo CTTC; đồng thời, phát huy vai trò của tập thể quân nhân trong chấp hành và giám sát việc thực hiện quy chế lãnh đạo CTTC của cấp ủy... Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm rút ra qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), các đơn vị cần chủ động đề ra chủ trương, phương hướng, cùng các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTTC phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ chế, chính sách về CTTC quân độiphù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Trong đó, tập trung hoàn thiện quy chế lãnh đạo của các cấp ủy đối với CTTC; hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo đảm tài chính, ngân sách quốc phòng, cùng các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý tài sản công, đất quốc phòng, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý giá…, nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực quản lý của người chỉ huy, nâng cao chất lượng CTTC. Ngành Tài chính Quân đội, trước hết là Cục Tài chính, cần phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược về CTTC quân đội; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước, tích cực nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện tốt CTTC.

 Trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện hành về CTTC, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần nêu cao vai trò lãnh đạo, điều hành hoạt động CTTC, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ từ khâu lập dự toán, chấp hành ngân sách, phân bổ chỉ tiêu, điều hành chi tiêu, sử dụng đến quyết toán ngân sách. Trong đó, chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt việc tạo lập, huy động các nguồn lực tài chính để tăng khả năng cân đối ngân sách; tiến hành giao ngân sách cùng với giao nhiệm vụ; đẩy mạnh công khai nguồn kinh phí ở các cấp, các chương trình, dự án; tăng cường phân cấp ngân sách cho cấp trực tiếp chi tiêu,… tạo sự minh bạch trong CTTC, giúp đơn vị chủ động trong quản lý, sử dụng ngân sách. Cùng với đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quản lý chặt chẽ các nguồn tài chính, tài sản ở cơ quan, đơn vị. Để đạt hiệu quả cao, cần sử dụng đồng bộ các công cụ, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của cơ quan nghiệp vụ với kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp ủy. Chú trọng giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn thu, hoạt động có thu ở đơn vị dự toán, các nội dung chi tiêu lớn, phức tạp; tăng cường kiểm soát chi, thực hiện nghiêm việc lập, trình thẩm định và quyết định phương án chi tiêu; thực hiện giám đốc tài chính chặt chẽ trước, trong, sau chi tiêu, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa từ xa các biểu hiện sai phạm, duy trì nghiêm kỷ luật tài chính, khắc phục triệt để tình trạng chi sai nội dung, chi vượt chỉ tiêu ngân sách được duyệt. Trước mắt, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CTTC năm 2012; đồng thời, chủ động triển khai thực hiện tốt việc xây dựng dự toán ngân sách năm 2013, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ trong Quân đội.

4. Tập trung lãnh đạo xây dựng cơ quan tài chính các cấp vững mạnh toàn diện. Đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với CTTC, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan tài chính ở các cơ quan, đơn vị, phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng theo quy định của Bộ Quốc phòng; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính có cơ cấu hợp lý, có chất lượng toàn diện (về chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện CTTC…) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan tài chính cần xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy chế lãnh đạo cơ quan; cụ thể hoá các tiêu chí về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của người làm CTTC, để cán bộ, nhân viên tài chính phấn đấu, rèn luyện. Toàn Ngành tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, duy trì nền nếp chính quy, đẩy mạnh cải cách hành chính; đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm cho các đối tượng theo quy định.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 93/CT-BQP, ngày 29-10-2009 của Bộ Quốc phòng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”, đưa Phong trào phát triển lên một bước mới. Trong đó, chú trọng gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan tài chính các cấp trong tham mưu, tổ chức thực hiện, tạo động lực hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ CTTC, góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Thượng tướng, TS. LÊ HỮU ĐỨC

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước