Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 20/04/2014, 20:49 (GMT+7)
Tăng cường công tác bảo vệ an ninh quân đội

Là một mặt hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị, công tác bảo vệ an ninh quân đội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm môi trường ổn định, an ninh, an toàn cho các hoạt động của toàn quân, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và sự ổn định chính trị của đất nước. Trước yêu cầu mới, nhiệm vụ này càng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ an ninh (BVAN) quân đội, thời gian qua, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác này hoạt động theo đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội; bám sát nhiệm vụ  các cơ quan, đơn vị; tích cực, chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm bí mật, an toàn cho các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tình hình chính trị nội bộ (CTNB) của Quân đội.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác BVAN quân đội đã làm tốt việc nắm, nghiên cứu, xử lý tình hình, tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp ủy, cán bộ chủ trì về công tác bảo vệ CTNB, nhất là biện pháp phòng ngừa các hiện tượng lộ, lọt, mất cắp thông tin, tài liệu bí mật; trong xác minh, xét duyệt, tuyển chọn nhân sự đối với những người vào công tác tại các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật, tuyển quân, tuyển sinh quân sự, đi học tập, công tác nước ngoài; điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội,… Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn cho các đối tượng, mục tiêu của công tác cảnh vệ, an ninh kinh tế, đối ngoại quân sự; nghiên cứu khoa học, công tác hậu cần, tài chính,… theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy định. Đội ngũ cán bộ BVAN quân đội thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tính tích cực, chủ động trong công việc được đề cao. Nhờ đó, ngành BVAN quân đội đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định CTNB, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BVAN quân đội vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Nổi lên là, việc nắm, đánh giá và dự báo tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch có lúc còn chậm, có việc còn bị động, bất ngờ trong xử lý. Công tác thẩm tra, rà soát CTNB ở một số cơ quan, đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời; việc nắm, quản lý tình hình CTNB chưa chắc, nhất là các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động ngoài doanh trại, ngoài giờ hành chính, nên còn để xảy ra các hiện tượng tiêu cực về tư tưởng chính trị, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, có vụ việc nghiêm trọng. Sự phối hợp giữa các ngành trong xét duyệt, tuyển dụng, nhất là trong tuyển quân, tuyển sinh, tuyển người vào cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật,… có lúc chưa chặt chẽ, còn để xảy ra một số sai phạm, v.v.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của quân và dân ta đang đứng trước cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thử thách đan xen. Trong đó, thách thức gay gắt là các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức hòng chia rẽ nội bộ, phá vỡ tính thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) và nhân dân. Hoạt động móc nối, cài cắm vào nội bộ, thu thập tình báo trên các lĩnh vực trọng yếu, cơ mật ngày càng gia tăng,... Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi công tác BVAN quân đội phải nắm vững và thực hiện tốt phương châm: nhất quán về nguyên tắc; cụ thể về yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu, nội dung công tác; phù hợp về bước đi và cách làm; tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác BVAN quân đội. Thực tiễn cho thấy, những hạn chế, khuyết điểm trong tiến hành công tác BVAN quân đội thời gian qua đều bắt nguồn từ việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên chưa sâu, chưa sát với tình hình; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) chưa đầy đủ. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng việc quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho CB,CS chủ trương, quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương về công tác BVAN quân đội; trọng tâm là nhiệm vụ bảo vệ CTNB, phòng gian, giữ bí mật, bảo đảm an ninh, an toàn cho các đối tượng, mục tiêu và mọi lĩnh vực hoạt động của toàn quân. Trước mắt, các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh thông tin mạng”; Chỉ thị 05-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới”; Thông tư 263/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định về cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu, cơ mật trong Quân đội”,… Việc quán triệt, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn nhận thức với hành động, “xây” đi đôi với “chống”. Trên cơ sở đó, phát huy tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, duy trì nền nếp các chế độ theo quy định, quy chế đã ban hành; chủ động phối hợp với các lực lượng trong và ngoài Quân đội, sử dụng đồng bộ các phương tiện, biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, chính xác các tình huống. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và hoạt động của các loại tội phạm; trong đó, phải có giải pháp phù hợp làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị, vững mạnh về tổ chức, hiệu quả trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt nội dung, kế hoạch công tác BVAN quân đội đã đề ra. Ngành BVAN quân đội phải tăng cường bám sát cơ sở, các địa bàn xung yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh, các tuyến biên giới, biển, đảo để nắm tình hình, dự báo chính xác những tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ; gắn xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn với xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; duy trì nghiêm các chế độ thông tin, thông báo tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả mọi diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tích cực, chủ động phát hiện, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hoạt động cài cắm, móc nối, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện tốt việc xét duyệt, thẩm tra tiêu chuẩn chính trị trong tuyển quân, tuyển sinh quân sự, tuyển người vào các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật, đi công tác, học tập, thăm thân ở nước ngoài,… Cơ quan BVAN quân đội các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, phá hoại, không để lộ, lọt, mất công văn, tài liệu, con dấu, vũ khí, khí tài, trang bị, tài sản của Quân đội; tăng cường các biện pháp, phối hợp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng, mục tiêu của công tác cảnh vệ; phòng, chống cháy, nổ, nhất là các khu vực cất, chứa vũ khí, phương tiện quân sự. Mặt khác, phải thực hiện nghiêm quy định trong quan hệ, tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài có liên quan đến Quân đội, nhất là hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, chương trình, dự án có yếu tố từ thiện, nhân đạo; đấu tranh có hiệu quả với việc lợi dụng quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại quân sự để thu thập tình báo, bí mật, cài cắm, móc nối, lôi kéo người trong nội bộ. Việc giải quyết, xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh quân đội, an ninh quốc gia phải bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, quy định của Quân đội; thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng, thẩm quyền, nguyên tắc trong điều tra các vụ án, xác minh các vụ việc có dấu hiệu xâm phạm.

Thứ ba, làm tốt công tác bảo vệ CTNB, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và yêu cầu của công tác BVAN trong tình hình mới cho các đối tượng. Trên cơ sở đó, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm cho mọi CB,CS, công nhân viên chức quốc phòng về công tác bảo vệ CTNB; làm cho mọi người biết tự bảo vệ, lấy tự phòng ngừa là chính. Cấp ủy các cấp duy trì nghiêm túc nền nếp chế độ quản lý, rèn luyện đội ngũ CB,ĐV; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ luật Quân đội; thực hiện tốt chế độ phòng gian, giữ bí mật; thường xuyên duy trì chế độ báo cáo, trao đổi, giao ban, rút kinh nghiệm, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; khắc phục mọi biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, sơ hở, lộ bí mật, mất an toàn, để kẻ địch, phần tử xấu tác động, lôi kéo, phá hoại nội bộ. Đồng thời, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các quy chế, quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, nhất là trong thông tin liên lạc, quản lý, sử dụng các thiết bị công nghệ, dịch vụ thông tin, in-tơ-nét; trong hợp tác đàm phán, mua sắm phương tiện, vũ khí, trang bị,… Các đơn vị tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; quản lý chắc tình hình nội bộ đi đôi với chủ động ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, thu thập tin tức tình báo của nước ngoài. Để làm tốt công tác bảo vệ CTNB, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành các quy chế, quy định, triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung, biện pháp bảo vệ CTNB, nhất là trong xét duyệt tiêu chuẩn chính trị cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động hợp đồng vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị và các bộ phận cơ mật, trọng yếu của Quân đội. Mặt khác, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những nhận thức, hành động không đúng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch và phần tử xấu, phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái, phản động.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài Quân đội. Công tác BVAN quân đội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, có liên hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực công tác trong và ngoài Quân đội. Bởi vậy, sự phối hợp giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là việc làm cần thiết và phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Trong đó, chú trọng phối hợp giữa công tác BVAN với công tác tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, quân lực, điều tra hình sự và hoạt động của các tổ chức, lực lượng khác theo quy chế đã xác định; gắn công tác BVAN quân đội với bảo vệ an ninh quốc gia, hoạt động lãnh đạo của các tổ chức đảng với điều hành, quản lý của cán bộ chủ trì và tinh thần tích cực, tự giác của CB,CS, nhất là chiến sĩ bảo vệ trong các cơ quan, đơn vị. Sự phối hợp giữa các lực lượng tập trung vào rà soát, nắm và quản lý tình hình CTNB, đi sâu quản lý các mối quan hệ xã hội của CB,ĐV; phòng ngừa, phát hiện, thẩm tra, kết luận và xử lý kịp thời những vấn đề về lịch sử chính trị, tình hình chính trị hiện nay, các trường hợp có biểu hiện thoái hóa, biến chất, nghi vấn về chính trị. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, công tác BVAN quân đội phải thực sự là nền tảng cho việc đảm bảo an toàn các hoạt động của Quân đội cũng như góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, ngăn ngừa sự chống phá của các thế lực thù địch và những biểu hiện tiêu cực thâm nhập vào cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ BVAN các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của ngành BVAN quân đội, đòi hỏi đội ngũ cán bộ trên lĩnh vực này phải được xây dựng một cách toàn diện, nhưng phải tính đến yếu tố đặc thù về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác. Theo đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác BVAN quân đội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; trung thực, tận tụy với công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; nắm và vận dụng chắc luật pháp, tinh thông về nghiệp vụ, thực sự là nòng cốt, chuyên trách BVAN trong Quân đội. Việc sắp xếp cán bộ BVAN phải đúng khả năng, sở trường của từng người; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ đi thực tế cơ sở, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, phát huy năng lực, sở trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Nhận thức đúng và thực hiện có hiệu quả công tác BVAN quân đội sẽ là cơ sở quan trọng để chống lại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi hoạt động, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng LÊ THANH PHƯỢNG

Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng,...