Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 17/07/2012, 15:41 (GMT+7)
Quán triệt quan điểm của Đảng về “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” trong công tác đối ngoại quốc phòng

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu khách quan, cuốn hút nhiều nước tham gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”1. Quán triệt sâu sắc tư duy mới đó của Đảng, công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã, đang được triển khai thực hiện toàn diện, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng.

alt
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Quan chức quốc phòng cao cấp ASEAN mở rộng (ADSOM+), tháng 4-2012
 

Hơn 25 năm đổi mới vừa qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, trải nghiệm và đổi mới tư duy của Đảng trên mọi lĩnh vực; trong đó, có đối ngoại quốc phòng (ĐNQP). Nếu như ở Đại hội IX, Đảng ta xác định: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”2, thì Đại hội X, Đảng đã bổ sung: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”3 và đến Đại hội XI, Đảng ta đã phát triển chủ trương này thành: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (HNQT). Như vậy, HNQT không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế, mà được mở rộng trên các lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh và được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”4. Đây là lần đầu tiên trong các kỳ đại hội, Đảng ta đề cập trực tiếp đến công tác ĐNQP. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của ĐNQP trong thời kỳ toàn cầu hóa và HNQT đang ngày càng sâu rộng.

Chủ động HNQT về quốc phòng là chủ trương lớn mang tầm vóc chiến lược, là sự phát triển về tư duy lý luận bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của Đảng ta trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, chủ động HNQT không có nghĩa là hòa nhập bằng mọi giá, là đánh mất cái riêng, cái bản chất của ta. Chủ động HNQT trên lĩnh vực quốc phòng cần được hiểu là chủ động tăng cường hợp tác quốc phòng (HTQP) để phục vụ công cuộc xây dựng và BVTQ. Bởi vì, mục đích của ĐNQP là góp phần duy trì môi trường hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia của Việt Nam, bảo vệ chế độ XHCN và trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Quán triệt tư duy mới của Đảng về chủ động và tích cực HNQT trong công tác ĐNQP bao gồm một số vấn đề chủ yếu sau: Trước hết, HTQP cần phải được tiến hành đồng bộ với HNQT trên các lĩnh vực khác để tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược chung của quốc gia, giữ vững mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và BVTQ. Thứ hai, quốc phòng - an ninh được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thì HNQT về quốc phòng có nghĩa là mở rộng hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết vấn đề an ninh của nước mình. Thứ ba, HNQT nghĩa là tham gia vào các định chế quốc tế thì lĩnh vực quốc phòng sẽ mở rộng hợp tác trong các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực và thế giới, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Đây là cách chúng ta thực hiện chiến lược BVTQ từ xa.

Chủ động HNQT theo tư duy mới của Đảng sẽ mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhất là khả năng tranh thủ hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài. Thông qua các cơ chế hợp tác về công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại, quốc phòng, chúng ta có thể tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến,… của các nước để cung cấp cho Quân đội các loại vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đồng thời, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh trong giai đoạn mới của cách mạng.

Tuy nhiên, công tác ĐNQP của chúng ta cũng đứng trước một số thách thức mới. Trong quá trình hợp tác khu vực, quốc tế, vấn đề lợi ích và mâu thuẫn luôn có sự đan xen, tất yếu dẫn đến những điểm đồng và bất đồng giữa các nước đối với vấn đề an ninh, quốc phòng. Vì thế, trong HNQT, chúng ta cần chủ động, tích cực phát huy các điểm đồng, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp để khắc phục bất đồng, nhằm thúc đẩy hợp tác vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của những đối tác cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Để giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực và khai thác tối đa cơ hội từ HNQT, lộ trình của HNQT trong lĩnh vực quốc phòng cần phải được xác định phù hợp với thế và lực của dân tộc, bối cảnh tình hình đất nước, nhằm phục vụ hiệu quả nhất mục tiêu phát triển, BVTQ và vị thế quốc gia.

Chúng ta đều biết rằng, sức mạnh quốc phòng của một đất nước không chỉ là lĩnh vực quân sự, lực lượng vũ trang ba thứ quân với những vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại, mà là sức mạnh tổng hợp về mọi mặt của đất nước, sức mạnh đoàn kết quốc tế và sức mạnh của thời đại. Chính vì thế, ĐNQP phải lấy mục tiêu: "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị”5 của đất nước làm mục đích hành động; đồng thời, lấy việc đáp ứng các nhu cầu xây dựng lực lượng và thế trận của nền QPTD làm tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả công tác ĐNQP. Nói cách khác, công tác ĐNQP phải góp phần tích cực nhất trong xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội, đất nước ở khu vực và trên thế giới; tạo thế trận mới của nền QPTD trên phạm vi rộng, thực hiện BVTQ từ xa; ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện chiến lược quốc phòng tối ưu, nhằm thực hiện các mục tiêu BVTQ nhưng vẫn duy trì được hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước.

Chủ động HNQT về quốc phòng trong tình hình hiện nay còn là chủ động thể hiện rõ nét tính chất hòa bình và tự vệ của nền quốc phòng Việt Nam. Chúng ta chủ động thực hiện chính sách quốc phòng công khai, minh bạch, rộng mở theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng không phải để thế giới và bạn bè ca ngợi. Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình không phải để cầu hòa. Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc, mà chúng ta thực hiện minh bạch, công khai theo nghĩa: Việt Nam vì hòa bình, mong hòa bình và sẽ làm mọi việc một cách hòa bình. Chúng ta chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong thời gian tới, trên cơ sở quán triệt tư duy mới của Đảng về chủ động và tích cực HNQT, công tác ĐNQP cần thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng (QHQP) cả song phương, đa phương phát triển theo chiều sâu, nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các mối quan hệ mang tính chiến lược.

Về HTQP song phương, Việt Nam tiếp tục đổi mới nhận thức và hành động trong HTQP với Lào và Cam-pu-chia trên tinh thần quan hệ hữu nghị đặc biệt, vì lợi ích của nhau và vì hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực. Chúng ta tập trung phát triển QHQP với Lào và Cam-pu-chia theo đúng tinh thần quan hệ hữu nghị, đoàn kết lâu đời giữa ba nước; đồng thời, có những bước phát triển mới đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Những năm tới, chúng ta sẽ xây dựng các kế hoạch dài hạn, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ sẵn có và mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn, hai bên hợp tác, cùng làm, cùng thu được lợi ích, tránh làm thay, tạo tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm. Một số hoạt động quan trọng trong QHQP, như: trao đổi đoàn, đào tạo, huấn luyện..., sẽ được chú ý hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn, đáp ứng các nhu cầu về quốc phòng của mỗi nước, cũng như để phù hợp với tình hình của khu vực và thế giới.

Trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta chủ trương thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đồng chí, anh em, hợp tác chiến lược toàn diện, trên tinh thần “phương châm 16 chữ và 4 tốt”. Quân đội hai nước đang tiếp tục tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự thiết thực, hiệu quả, như: tổ chức tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ, diễn tập cứu hộ, cứu nạn, giao lưu sĩ quan trẻ... Cơ chế đối thoại quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng Quốc phòng giữa hai nước đã được thiết lập, các mối QHQP khác tiếp tục phát triển đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh có liên quan đến hai nước và khu vực, nhằm biến QHQP trở thành một trong các mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trong mối quan hệ với Mỹ, các cơ quan quốc phòng của hai bên cần khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trong Bản ghi nhớ về HTQP đã được ký kết tháng 9-2011; tập trung vào 5 lĩnh vực: thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa hai Bộ Quốc phòng (BQP); an ninh biển; tìm kiếm cứu nạn; các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Trong mối quan hệ song phương này, hai bên đều thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và chú trọng tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động “đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao” nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

QHQP giữa Việt Nam với từng nước thành viên ASEAN cũng đã và đang được củng cố, phát triển lên một bước mới. Việc thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các phòng tùy viên quốc phòng Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng về quốc phòng giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước thành viên ASEAN, trực tiếp là giữa BQP Việt Nam với BQP các nước trong Hiệp hội. Theo đó, việc trao đổi đoàn sẽ được tăng cường; đặc biệt, hoạt động đối thoại quốc phòng - an ninh (QP-AN) sẽ được nâng cấp và mở rộng. Thông qua những hoạt động đó, các bên sẽ có dịp hiểu rõ quan điểm của nhau hơn, tạo cơ hội để cùng nhau xử lý vấn đề về QP-AN, cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác.

Bên cạnh các mối quan hệ trên, chúng ta còn chủ động mở rộng HTQP song phương với các đối tác lớn khác, như: Nga, Ấn Độ, Đức, Anh…

Về HTQP đa phương, việc tham gia HTQP, quân sự của Quân đội ta trên bình diện đa phương khu vực, nhằm phục vụ và hỗ trợ cho chính sách chủ động hội nhập toàn diện của Đảng và Nhà nước ta. Để chủ động HNQT thành công, trước hết, chúng ta cần tiếp tục duy trì động lực phát triển trong ASEAN, tham gia có trách nhiệm các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương khu vực.

Sau khi gia nhập ARF năm 1994 và ASEAN năm 1995, hợp tác về quốc phòng đa phương của Việt Nam đã chính thức được khởi động. Tuy nhiên, thời gian đầu, chúng ta chỉ tham gia có chọn lọc và ở cấp chuyên viên là chính. Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam đã thể chế hóa các cơ chế hợp tác và tham gia với nhiều hình thức hơn, như: diễn đàn, hội nghị, hội thảo và quan sát viên diễn tập quân sự… Việt Nam coi đây là môi trường thích hợp để nâng cao vị thế, tiềm lực, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững an ninh, quốc phòng và học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN đã tích cực chủ động tham gia, chủ động đề xuất sáng kiến, chủ động lựa chọn hình thức hợp tác phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, song cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm với khu vực và cộng đồng quốc tế.

QHQP đa phương của Việt Nam với các nước ASEAN dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN, như: “tự nguyện”, “đồng thuận”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” và “không biến ASEAN thành liên minh hoặc tổ chức quân sự”. Các hoạt động HTQP đa phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN tập trung vào các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như: chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh… Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng sẵn có giữa các nước ASEAN; đồng thời, tích cực thúc đẩy việc hình thành những cơ chế mới phù hợp với lợi ích an ninh và hợp tác khu vực. BQP Việt Nam ủng hộ và tham gia tích cực vào mở rộng quan hệ hợp tác về QP-AN giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài ASEAN.

Những đóng góp của Việt Nam vào tiến trình hiện thực cơ chế và khuôn khổ HTQP giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại đã được Hiệp hội và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cơ chế này góp phần thúc đẩy hợp tác về quốc phòng của ASEAN trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, gắn kết sức mạnh cả trong và ngoài khu vực, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. 

Để nâng cao thế và lực của ĐNQP nói riêng, thế và lực của nền QPTD nói chung, chúng ta cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa HTQP song phương và đa phương. Đây là hai mặt của một vấn đề và để vấn đề đó phát triển theo hướng vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế, chúng ta cần chủ động định hướng cho nó một lộ trình, một đường ray hợp lý theo tinh thần Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009: Việt Nam không chạy đua vũ trang với bất kỳ nước nào, mà chỉ tăng cường sức mạnh quốc phòng để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi CNH,HĐH đất nước.

Thực tế đã chứng minh, ở mọi giai đoạn lịch sử của cách mạng, ĐNQP luôn giữ vị trí quan trọng, nhưng trong điều kiện đất nước hòa bình, đặc biệt là trong thời kỳ HNQT sâu sắc như hiện nay, đây là lúc đấu tranh quân sự đã chuyển thành đấu tranh quốc phòng. Chính vì thế, vai trò của ĐNQP lại càng quan trọng. Quán triệt tư duy mới của Đảng về chủ động HNQT, công tác ĐNQP cần bám sát nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình HNQT. Đây là nền tảng để hội nhập thành công, góp phần nâng cao uy tín của Quân đội, đất nước, con người Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

 Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 236.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 120.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 112.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước